Thứ Tư, 24/02/2021, 10:56 (GMT+7)
.
THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ TỈNH TIỀN GIANG LẦN THỨ XI:

Hạ tầng giao thông phải đi trước một bước

2021 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tiền Giang lần thứ XI. Trên cơ sở những định hướng đề ra, Tiền Giang đang quyết tâm thực hiện các công trình giao thông quan trọng, tạo sức bật trong phát triển kinh tế - xã hội.

TẬP TRUNG CHO CAO TỐC TRUNG LƯƠNG - MỸ THUẬN

Từ bức tranh kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 2020, một trong những điểm nổi bật là Tiền Giang đã thực hiện tốt vai trò cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với Dự án Đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Đến nay, dự án đã hoàn thành mục tiêu thông tuyến vào cuối năm 2020 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Bước sang năm 2021, tỉnh quyết tâm, nỗ lực cùng Doanh nghiệp dự án (DNDA) đưa dự án vào sử dụng trong năm.

Lãnh đạo tỉnh thường xuyên kiểm tra thực tế Dự án Đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.
Lãnh đạo tỉnh Tiền Giang thường xuyên kiểm tra thực tế Dự án Đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Tiền Giang (gọi tắt là Ban QLDA), hiện Dự án Đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đang triển khai thực hiện 32/34 gói thầu sử dụng vốn BOT, 2 gói thầu còn lại là trạm thu phí và ITS sẽ tiếp tục triển khai theo tiến độ; trong đó khối lượng chủ yếu gồm: Thi công đường công vụ; cầu tạm; xử lý nền đất yếu; đắp cát K≥95 nền đường; đắp cát gia tải, cấp phối đá dăm gia tải; cống ngang đường, cống thoát nước dọc; thi công cọc, mố trụ cầu; đúc dầm, lao dầm, thi công bản mặt cầu... Lũy kế, giá trị khối lượng thi công của các gói thầu đã triển khai đến nay đạt khoảng 5.003,5 tỷ đồng, đạt 65,10% so với khối lượng các gói thầu đã triển khai.

Theo Ban QLDA, qua các đợt kiểm tra, kiểm định thì các hạng mục đều đạt yêu cầu theo chỉ dẫn kỹ thuật của Dự án Đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Nhìn chung, đến nay, chất lượng thi công các gói thầu đã được DNDA và các nhà thầu triển khai thi công đạt yêu cầu, đảm bảo chất lượng, an toàn lao động, vệ sinh môi trường và thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh.

Nhằm đảm bảo tiến độ hoàn thành dự án trong năm 2021, UBND tỉnh Tiền Giang đã yêu cầu DNDA khẩn trương chỉ đạo tất cả các nhà thầu thi công các gói thầu phải tổ chức triển khai thi công trở lại chậm nhất vào ngày 21-2-2021. Đồng thời, thực hiện nghiêm, quyết liệt công tác phòng, chống dịch Covid-19, đặc biệt là thực hiện nghiêm quy định “5K” cũng như đảm bảo tình hình an ninh trật tự, an toàn lao động và vệ sinh môi trường trong quá trình triển khai dự án.

VÀ NHỮNG DỰ ÁN KẾT NỐI LIÊN VÙNG

Nằm ở vị trí cửa ngõ của Đồng bằng sông Cửu Long, Tiền Giang đóng vai trò quan trọng trong việc liên kết vùng, đặc biệt là hệ thống giao thông giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây. Nhiều dự án giao thông kết nối liên vùng đi qua địa phận tỉnh đã và sẽ được triển khai trong thời gian tới. Theo Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) tỉnh Tiền Giang Trần Văn Bon, trong năm 2021, Bộ GTVT sẽ triển khai Dự án Cầu Rạch Miễu 2 đi qua địa phận huyện Châu Thành và TP. Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang).

 Tỉnh Tiền Giang đang quyết tâm cùng nhà đầu tư đưa Dự án Đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận về đích đúng tiến độ, chất lượng.
Tỉnh Tiền Giang đang quyết tâm cùng nhà đầu tư đưa Dự án Đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận về đích đúng tiến độ, chất lượng.

Theo hồ sơ thiết kế, một phần đường tỉnh 870 (đoạn từ ngã tư Đồng Tâm đến sông Tiền) sẽ mở rộng đến 4 làn xe, quy mô tương tự Quốc lộ 60. Dự kiến, khoảng tháng 6 hoặc tháng 9-2021 sẽ khởi công cầu Rạch Miễu 2. Ngoài ra, tới đây Bộ GTVT sẽ triển khai tuyến đường ven biển kết nối TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh miền Tây và sẽ đi qua địa phận tỉnh Tiền Giang.

Dự án qua địa phận tỉnh gồm làm mới 2 đoạn đường dài gần 25 km, rộng 20,5 m, 4 làn xe, tốc độ 80 km/h với tổng cộng 18 cầu, trong đó sẽ có cầu bắc qua huyện Tân Phú Đông. Đoạn một có điểm đầu từ nút giao cầu Mỹ Lợi đến Quốc lộ 50 (huyện Gò Công Tây) dài gần 12 km. Đoạn hai sẽ nối tiếp điểm cuối đoạn đầu đến cầu Bình Thới 1 (huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre) dài 13 km. Hiện các bộ, ngành Trung ương đang xem xét trình Chính phủ để bố trí vốn.

Cũng theo đồng chí Trần Văn Bon, ngành GTVT đã tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh quy hoạch và phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư triển khai tuyến đường dọc sông Tiền với kinh phí khoảng hơn 3.500 tỷ đồng. Dự án sẽ có điểm đầu từ Quốc lộ 30 (huyện Cái Bè) kéo dài đến biển Tân Thành (huyện Gò Công Đông) dài khoảng 111 km. Tuyến đường này nếu được hình thành sẽ tạo thành một trục giao thông đi từ các huyện phía Tây đến các huyện phía Đông. Đồng thời, đây cũng tạo thành một tuyến đê vừa góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà, vừa đảm bảo an ninh - quốc phòng và chống biến đổi khí hậu.

QUAN TÂM CÔNG TÁC BẢO DƯỠNG, DUY TU

Theo đồng chí Trần Văn Bon, trong năm 2021, UBND các huyện, thành, thị cần quan tâm công tác duy tu, bảo dưỡng các công trình giao thông. Hiện việc bố trí kinh phí cho công tác duy tu, bảo dưỡng các công trình giao thông khá hạn chế. Nguồn kinh phí này không đủ để bảo dưỡng các công trình giao thông.

“Qua theo dõi, chúng ta quan tâm đầu tư, nhưng không quan tâm bảo dưỡng thì vài năm sau, công trình sẽ hư hỏng, không đáp ứng nhu cầu đi lại. Lúc này, chúng ta lại tiếp tục bỏ tiền ra đầu tư, trong khi đó, nếu chúng ta quan tâm dùng kinh phí duy tu, bảo dưỡng thì các công trình sẽ kéo dài tuổi thọ, đỡ chi phí đầu tư. Do đó, đề nghị Sở Tài chính hỗ trợ các địa phương để có nguồn kinh phí duy trì tuổi thọ công trình giao thông” - đồng chí Trần Văn Bon nói.

MINH THÀNH

.
.
Đăt hàng alibaba trực tiếp về Việt Nam
.