Tấm gương chiến đấu kiên cường
Trần Quang Cơ bí danh Tám Lượng, sinh năm 1929 tại làng Bình Ninh, quận Chợ Gạo, tỉnh Mỹ Tho (nay là xã Bình Ninh, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) trong một gia đình nông dân có truyền thống cách mạng.
Thuở nhỏ, ông học giỏi, từng là học sinh Collège Le Myre de Vilers (nay là Trường Trung học phổ thông Nguyễn Đình Chiểu, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang). Năm 1945, Cách mạng Tháng Tám thành công. Vốn là một học sinh có lòng yêu nước nồng nàn, ông tích cực tham gia phong trào cách mạng ở địa phương. Tháng 10-1945, thực dân Pháp quay trở lại xâm lược Mỹ Tho, ông “xếp bút nghiên”, thoát ly gia đình vào chiến khu Đồng Tháp Mười tham gia kháng chiến. Sau đó, do yêu cầu của cấp trên, ông trở lại nội ô Mỹ Tho, hoạt động trong phong trào thanh niên - học sinh, đảm nhận nhiệm vụ Phó Bí thư Đoàn trường Collège LeMyre de Vilers.
Đồng chí Trần Quang Cơ, bí danh Tám Lượng. |
Tại đây, ông đã cùng với Ban Chấp hành Đoàn trường lãnh đạo, chỉ đạo phong trào đấu tranh cách mạng của học sinh Trường Collège nói riêng và học sinh toàn tỉnh Mỹ Tho nói chung ngày càng phát triển mạnh mẽ, nhất là phong trào tòng quân nhập ngũ, phong trào quyên góp tiền bạc, thuốc men, vải vóc, giấy viết… ủng hộ kháng chiến. Năm 1947, ông vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) và được bầu làm Ủy viên Đoàn học sinh cứu quốc Nam bộ tỉnh Mỹ Tho.
Năm 1950, do nhận thấy ông là một cán bộ Đoàn có lập trường chính trị vững vàng, năng nổ, sáng tạo và đạt hiệu quả cao trong hoạt động, nên cấp trên đã điều động ông lên Sài Gòn làm Bí thư Đoàn trường Trung học Pétrus Ký (nay là Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong, TP. Hồ Chí Minh). Từ đó phong trào đấu tranh của học sinh của trường lên rất cao, điển hình là cuộc đấu tranh chống chính quyền thực dân và bù nhìn đóng cửa các trường học và bắt bớ học sinh, chống khủng bố trong học đường ngày 9-1-1950 (sau đó, ngày này được chọn làm Ngày Sinh viên - Học sinh Việt Nam); cuộc đấu tranh nhân đám tang của học sinh Trần Văn Ơn ngày 12-1-1950; cuộc đấu tranh chống sự can thiệp quân sự của Mỹ vào chiến tranh Đông Dương ngày 19-3-1950 (từ đó, ngày này trở thành Ngày Toàn quốc chống Mỹ)…
Sau khi đỗ tú tài toàn phần, ông dạy học tại Trường Huỳnh Khương Ninh. Với vỏ bọc là giáo chức tư, ông đã âm thầm cùng nhiều đồng đội: Lê Bá Cang, Nguyễn Văn Khuê… gầy dựng chi bộ đảng trong các trường trung học, cao đẳng, đại học ở Sài Gòn: Vô tuyến điện, Hàng hải, Y dược, Luật...
Sau năm 1954, ông ở lại miền Nam, tiếp tục hoạt động trong phong trào sinh viên - học sinh (SV-HS) Sài Gòn - Gia Định. Năm 1959, ông là Trưởng ban vận động SV-HS Sài Gòn - Gia Định. Năm 1960, ông được phân công làm Bí thư Ban Cán sự SV-HS Khu Sài Gòn - Gia Định; đồng thời là Khu ủy viên Khu Sài Gòn - Gia Định. Dưới sự chỉ đạo của ông, phong trào đấu tranh của SV-HS Sài Gòn - Gia Định ngày càng dâng cao, tấn công quyết liệt vào chính phủ bù nhìn, độc tài, phát xít Ngô Đình Diệm. Trong thời kỳ này, hàng loạt các cuộc đấu tranh của SV-HS đã nổ ra, đòi hiệp thương, tổng tuyển cử thống nhất đất nước, dân chủ hóa trường học, lành mạnh hóa xã hội, dân tộc hóa giáo dục đại học; chống quân sự hóa học đường, văn hóa lai căng, đồi trụy, chống bắt quân dịch…
Ngày 20-8-1961, quân đội Sài Gòn huy động lực lượng hùng hậu, mở cuộc càn quét lớn vào vùng căn cứ Đức Hòa (tỉnh Long An). Với khẩu súng ngắn trong tay, Bí thư Ban Cán sự SV-HS Khu Sài Gòn - Gia Định Trần Quang Cơ đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, rồi tháo súng ném xuống đồng bưng, bị giặc bắt cùng một số cán bộ, chiến sĩ. Trước họng súng của kẻ thù, ông đã hiên ngang, dũng cảm hô to “Đả đảo đế quốc Mỹ. Đảng Lao động Việt Nam muôn năm!” (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) trước lúc ngã xuống.
Ngày 17-4-2010, ông được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Tên ông được đặt tên đường ở quận Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh.
TUỆ MINH