Đề cương tuyên truyền công tác bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026
(ABO) Cuộc bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, được tổ chức trong thời điểm Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng diễn ra thành công tốt đẹp; toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tiếp tục thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Hiến pháp năm 2013 và các Luật về tổ chức bộ máy nhà nước.
Báo Ấp Bắc trân trọng giới thiệu toàn văn Đề cương tuyên truyền công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 do Tiểu ban Tuyên truyền bầu cử tỉnh biên soạn.
I. VỊ TRÍ, CHỨC NĂNG CỦA QUỐC HỘI; VỊ TRÍ, VAI TRÒ, TIÊU CHUẨN CỦA ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI.
A. MỘT SỐ ĐIỀU VỀ QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
1. Vị trí, chức năng của Quốc hội
- Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
- Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước.
2. Vị trí, vai trò của đại biểu Quốc hội
- Đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình và của Nhân dân cả nước; là người thay mặt Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước trong Quốc hội.
- Đại biểu Quốc hội chịu trách nhiệm trước cử tri và trước Quốc hội về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đại biểu của mình.
- Đại biểu Quốc hội bình đẳng trong thảo luận và quyết định các vấn đề thuộc nhiệm vụ và quyền hạn của Quốc hội.
3. Tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội
- Trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
- Có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam.
- Có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
- Có trình độ văn hóa, chuyên môn, có đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội.
- Liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân, được Nhân dân tín nhiệm.
- Có điều kiện tham gia các hoạt động của Quốc hội.
II. VỊ TRÍ, VAI TRÒ CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN; VỊ TRÍ, VAI TRÒ, TIÊU CHUẨN CỦA ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN.
1. Vị trí, vai trò của Hội đồng nhân dân
- Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân, do Nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước Nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên.
- Hội đồng nhân dân quyết định các vấn đề của địa phương do luật định; giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật ở địa phương và việc thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân.
2. Vị trí, vai trò của đại biểu Hội đồng nhân dân
- Đại biểu Hội đồng nhân dân là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân địa phương, chịu trách nhiệm trước cử tri địa phương và trước Hội đồng nhân dân về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đại biểu của mình.
- Đại biểu Hội đồng nhân dân liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri, thực hiện chế độ tiếp xúc, báo cáo với cử tri về hoạt động của mình và của Hội đồng nhân dân, trả lời những yêu cầu, kiến nghị của cử tri; xem xét, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đại biểu Hội đồng nhân dân có nhiệm vụ vận động Nhân dân thực hiện Hiến pháp và pháp luật, chính sách của Nhà nước, nghị quyết của Hội đồng nhân dân, động viên Nhân dân tham gia quản lý nhà nước.
- Đại biểu Hội đồng nhân dân có quyền chất vấn Chủ tịch Ủy ban nhân dân, các thành viên khác của Ủy ban nhân dân, Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân và Thủ trưởng cơ quan thuộc Ủy ban nhân dân. Người bị chất vấn phải trả lời trước Hội đồng nhân dân. Đại biểu Hội đồng nhân dân có quyền kiến nghị với các cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị ở địa phương. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị này có trách nhiệm tiếp đại biểu, xem xét, giải quyết kiến nghị của đại biểu.
3. Tiêu chuẩn của đại biểu Hội đồng nhân dân
- Trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
- Có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam.
- Có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
- Có trình độ văn hóa, chuyên môn, đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu; có điều kiện tham gia các hoạt động của Hội đồng nhân dân.
- Liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân, được Nhân dân tín nhiệm.
III. QUYỀN BẦU CỬ VÀ ỨNG CỬ CỦA CÔNG DÂN
1. Quyền bầu cử là gì? Công dân bao nhiêu tuổi thì có quyền bầu cử?
Quyền bầu cử là quyền cơ bản của công dân theo quy định của pháp luật trong việc được lựa chọn người đại biểu của mình vào cơ quan quyền lực nhà nước. Quyền bầu cử bao gồm việc giới thiệu người ứng cử và bỏ phiếu bầu cử để lựa chọn người đại diện cho mình tại Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp.
Tính đến ngày bầu cử được công bố, công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử.
2. Quyền ứng cử là gì? Công dân bao nhiêu tuổi thì có quyền ứng cử?
Quyền ứng cử là quyền cơ bản của công dân khi đáp ứng đủ các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của pháp luật thì có thể thể hiện nguyện vọng của mình được ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân.
Tính đến ngày bầu cử được công bố, công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đủ 21 tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp.
IV. CÁC QUY ĐỊNH VỀ BẦU CỬ VÀ THỂ THỨC BẦU CỬ
1. Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026
Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 là Chủ nhật, ngày 23 tháng 5 năm 2021.
2. Những người nào được gọi là cử tri? Độ tuổi của cử tri?
Cử tri là người có quyền bầu cử. Công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam - là người có quốc tịch Việt Nam, tính đến ngày bầu cử (ngày 23 tháng 5 năm 2021), đủ 18 tuổi trở lên và có đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật về bầu cử đều có quyền bầu cử.
3. Việc niêm yết danh sách cử tri được tiến hành như thế nào?
Chậm nhất là 40 ngày trước ngày bầu cử, cơ quan lập danh sách cử tri niêm yết danh sách cử tri tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã và tại những địa điểm công cộng của khu vực bỏ phiếu, đồng thời thông báo rộng rãi danh sách cử tri và việc niêm yết để Nhân dân kiểm tra.
4. Vào ngày bầu cử, việc bỏ phiếu được bắt đầu và kết thúc khi nào? Việc bỏ phiếu có thể bắt đầu sớm và kết thúc sớm hoặc muộn hơn không?
Trong ngày bầu cử việc bỏ phiếu sẽ được bắt đầu từ 07 giờ sáng và thực hiện liên tục cho đến 07 giờ tối cùng ngày. Tùy tình hình địa phương, Tổ bầu cử có thể quyết định cho bắt đầu việc bỏ phiếu sớm hơn nhưng không được trước 05 giờ sáng hoặc kết thúc muộn hơn nhưng không được quá 09 giờ tối cùng ngày.
Trường hợp gần đến giờ kết thúc việc bỏ phiếu theo quy định mà vẫn còn cử tri chưa thực hiện xong việc bỏ phiếu thì Tổ bầu cử có trách nhiệm thông báo đến các cử tri còn ở trong khu vực phòng bỏ phiếu về việc chuẩn bị kết thúc thời gian bỏ phiếu và đề nghị cử tri khẩn trương hoàn thành việc bỏ phiếu. Tổ bầu cử thực hiện việc đóng hòm phiếu vào đúng thời gian đã quy định, không phụ thuộc vào việc cử tri đã bỏ phiếu hết hay chưa.
Việc bỏ phiếu phải được tiến hành liên tục. Trong trường hợp có sự kiện bất ngờ làm gián đoạn việc bỏ phiếu thì Tổ bầu cử phải lập tức niêm phong hòm phiếu, tài liệu liên quan trực tiếp đến cuộc bầu cử, kịp thời báo cáo cho Ban bầu cử, đồng thời phải có những biện pháp cần thiết để việc bỏ phiếu được tiếp tục.
Trường hợp chưa hết thời gian bỏ phiếu theo quy định mà đã có 100% người trong danh sách cử tri tại khu vực bỏ phiếu đã tham gia bỏ phiếu thì Tổ bầu cử cũng không được tuyên bố kết thúc cuộc bỏ phiếu và tiến hành kiểm phiếu trước thời điểm 07 giờ tối cùng ngày. Do đó, về nguyên tắc, các Tổ bầu cử, thành viên các Tổ bầu cử có thể vận động, tuyên truyền để cử tri tích cực tham gia bỏ phiếu, thực hiện quyền bầu cử của mình nhưng không được thúc giục, ép buộc cử tri phải đi bỏ phiếu sớm để kết thúc sớm việc bỏ phiếu.
5. Việc bỏ phiếu được thực hiện như thế nào?
Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015 quy định về nguyên tắc bỏ phiếu như sau:
- Mỗi cử tri có quyền bỏ một phiếu bầu đại biểu Quốc hội và bỏ một phiếu bầu đại biểu Hội đồng nhân dân tương ứng với mỗi cấp Hội đồng nhân dân.
- Cử tri phải tự mình đi bầu cử, không được nhờ người khác bầu cử thay.
- Khi cử tri viết phiếu bầu, không ai được xem, kể cả thành viên Tổ bầu cử.
- Nếu viết hỏng, cử tri có quyền đổi phiếu bầu khác.
- Khi cử tri bỏ phiếu xong, Tổ bầu cử có trách nhiệm đóng dấu “Đã bỏ phiếu” vào Thẻ cử tri.
- Mọi người phải tuân theo nội quy phòng bỏ phiếu.
6. Việc cử tri ghi phiếu bầu cử được thực hiện như thế nào?
Tổ bầu cử có trách nhiệm hướng dẫn cụ thể cử tri cách thức bỏ phiếu. Nếu cử tri không tín nhiệm người ứng cử nào thì gạch ngang cả họ và tên người ứng cử đó (gạch đè lên hàng chữ họ và tên người ứng cử); không khoanh tròn; không được đánh dấu trên phiếu bầu; không được viết thêm, không được ghi tên người ngoài danh sách ứng cử vào phiếu bầu; không bầu quá số đại biểu được ấn định trong phiếu bầu; không để nguyên phiếu bầu đối với phiếu bầu có số dư người ứng cử (không gạch tên người ứng cử nào) hoặc gạch tất cả người ứng cử trong phiếu bầu.
Trường hợp có phiếu gạch chéo, gạch xiên, gạch dọc hoặc gạch ngang nhưng gạch hết họ và tên của người ứng cử thì vẫn được tính là phiếu hợp lệ.
Trường hợp người ứng cử có hai tên (tên khai sinh, tên thường gọi) hoặc có chức vị, pháp danh, pháp hiệu theo tôn giáo, nếu cử tri không tín nhiệm người này, thì cần hướng dẫn cho cử tri gạch tất cả tên khai sinh, tên thường gọi hoặc chức vị, pháp danh, pháp hiệu tôn giáo của ứng cử viên đó. Tuy nhiên, trường hợp cử tri chỉ gạch một dòng tên khai sinh hoặc tên thường gọi; chỉ gạch một dòng tên khai sinh hoặc một dòng có chức vị, pháp danh, pháp hiệu (đối với chức sắc tôn giáo) thì phiếu bầu đó vẫn được tính là hợp lệ.
Trường hợp bên cạnh họ và tên của người ứng cử có cả ngày tháng năm sinh đặt trong ngoặc đơn do có sự giống nhau cả họ, tên và tên đệm, nếu cử tri không tín nhiệm người này thì cần hướng dẫn cho cử tri gạch hết cả họ và tên và ngày tháng năm sinh đặt trong ngoặc đơn. Tuy nhiên, nếu cử tri chỉ gạch họ và tên mà không gạch ngày tháng năm sinh đặt trong ngoặc đơn thì phiếu bầu đó vẫn được tính là hợp lệ.
Nếu cử tri yêu cầu đổi phiếu bầu khác do gạch hỏng, Tổ bầu cử phải thu hồi phiếu gạch hỏng của cử tri, sau đó mới được phát phiếu bầu khác.
7. Trường hợp nào cử tri được nhờ người khác viết hộ phiếu, bỏ hộ phiếu bầu cử?
Cử tri không thể tự viết được phiếu bầu cử thì được nhờ người khác viết hộ, người viết hộ phải bảo đảm bí mật phiếu bầu cử của cử tri.
Trường hợp cử tri vì khuyết tật không tự bỏ phiếu bầu cử được thì nhờ người khác bỏ phiếu vào hòm phiếu.
(Trích Hiến pháp năm 2013; Bộ luật hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017; Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 sửa đổi, bổ sung năm 2020; Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2019; Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015).
B. MỘT SỐ KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH
1. Quốc hội
Cách nay 75 năm, ngày 6-1-1946 đã đánh dấu một sự kiện quan trọng trong lịch sử nước nhà, khi lần đầu tiên người dân Việt Nam thông qua lá phiếu của mình được quyền trực tiếp lựa chọn, bầu những người có tài, có đức vào Quốc hội để gánh vác công việc đất nước. Thông qua đó, Nhân dân Việt Nam đã trao cho Quốc hội trọng trách ban hành Hiến pháp và lập nên các thiết chế của Nhà nước dân chủ nhân dân. Thành công của cuộc Tổng tuyển cử đã đánh dấu sự ra đời của Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày nay là Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Ngay từ những ngày đầu thành lập, Quốc hội Việt Nam đã thể hiện tinh thần dân chủ của mình một cách đậm nét từ trong cuộc Tổng tuyển cử được tiến hành theo những nguyên tắc dân chủ, tiến bộ, gồm: phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc, người dân đã được trực tiếp bầu chọn những người đại diện cho mình để tham gia vào bộ máy Nhà nước, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định:“Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức để gánh vác công việc nước nhà...”Tinh thần dân chủ, sáng tạo và trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội còn được thể hiện từ ngay trong những cuộc thảo luận đầy trí tuệ và trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội tại những kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa I.
Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa I, kỳ họp dài ngày đầu tiên của Quốc hội, người dân đã được vào dự thính và theo dõi diễn biến của các phiên họp toàn thể của Quốc hội. Trong phiên họp chất vấn Chính phủ đầu tiên, các đại biểu Quốc hội đã đặt nhiều câu hỏi, tranh luận với các thành viên Chính phủ về những vấn đề rất quan trọng cả về đối nội và đối ngoại, phiên chất vấn đã cho thấy tinh thần làm việc trách nhiệm cao của những đại biểu Quốc hội, cũng như Chính phủ trong việc thực hiện trách nhiệm của mình.
Trong việc xem xét, thông qua bản Hiến pháp đầu tiên của dân tộc, các đại biểu Quốc hội cũng đã tranh luận một cách dân chủ, thấu đáo về tất cả những vấn đề cơ bản của một bản Hiến pháp tiến bộ như về chính thể, việc tổ chức quyền lực nhà nước, quyền và nghĩa vụ công dân. Bản Hiến pháp là sự kết tinh của trí tuệ, sự sáng tạo của những nhà lập hiến do Nhân dân trực tiếp bầu ra. Kể từ những kỳ họp đầu tiên đó, trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử, tinh thần dân chủ, đoàn kết, trách nhiệm vì lợi ích của Nhân dân luôn được thể hiện rõ trong các hoạt động của Quốc hội.
Với 14 khóa Quốc hội đầy tâm huyết, trí tuệ, nỗ lực và sáng tạo của hàng nghìn đại biểu Quốc hội đã xây dựng và ban hành được 5 bản Hiến pháp, hàng trăm Bộ luật, Luật, Pháp lệnh. Bên cạnh đó, Quốc hội cũng thường xuyên xem xét sửa đổi, bổ sung những đạo luật để điều chỉnh các quan hệ của đời sống xã hội, tạo nên một hệ thống pháp luật ngày càng hoàn chỉnh hơn để Nhà nước quản lý bằng pháp luật trên tất cả các lĩnh vực. Mỗi bản Hiến pháp, mỗi đạo Luật, mỗi Nghị quyết, mỗi quyết định quan trọng của Quốc hội đều gắn liền với quá trình phát triển của dân tộc, phản ánh tiến trình đổi mới của đất nước. Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử ngày 06/01/1946 đã đánh dấu sự khai sinh Quốc hội nước Việt Nam. Trải qua 75 năm hình thành và phát triển, Quốc hội đã ngày càng khẳng định vị trí, vai trò là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
2. Kết quả hoạt động của Hội đồng nhân dân tỉnh Tiền Giang nhiệm kỳ 2016 - 2021
Nhiệm kỳ 2016 - 2021, với sự nỗ lực phấn đấu của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, doanh nghiệp và nhân dân tỉnh nhà đã lãnh đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 117/2015/NQ-HĐND ngày 11/12/2015 của Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 như: kinh tế, văn hóa - xã hội của tỉnh đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đạt được những kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực; có 10/15 chỉ tiêu, nhóm chỉ tiêu hoàn thành hoặc vượt kế hoạch đề ra: tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới là 107 xã, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn tỉnh vào cuối năm 2020 là 119/143 xã đạt 83,2%, vượt cao so với chỉ tiêu đặt ra là 50% số xã; có 09 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; có 01 thành phố và 01 thị xã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 02 huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới; số giường bệnh/vạn dân đạt 23,32% (mục tiêu là 23%); tỷ lệ dân số tham gia BHYT đạt 91,1% (mục tiêu là 91,09%); tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh cao hơn mức bình quân của vùng đồng bằng sông Cửu Long, quy mô GRDP của tỉnh chiếm 10,5%, đứng thứ 2/13 tỉnh thành.
Thực hiện tốt công tác quốc phòng - quân sự địa phương; giữ vững ổn định an ninh chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư phát triển. Cải cách hành chính chuyển biến rõ nét, công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo được tăng cường; hoạt động của các cơ quan thi hành pháp luật, bảo đảm tính nghiêm minh, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Trong nhiệm kỳ, Thường trực HĐND tỉnh đã chủ động họp liên tịch với Ủy ban nhân dân (UBND), Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (UBMTTQVN) cùng cấp để tổ chức 17 kỳ họp (gồm 11 kỳ họp thường lệ, 05 kỳ họp bất thường chuyên đề và Kỳ họp tổng kết nhiệm kỳ).
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, HĐND tỉnh ban hành 269 nghị quyết (trong đó có 116 nghị quyết QPPL, 163 nghị quyết không QPPL). Hiệu lực của nghị quyết luôn được xác định cụ thể, rõ ràng về không gian, thời gian và đối tượng thi hành; nghị quyết sau khi ban hành được gửi để báo cáo các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành Trung ương có liên quan, đăng Công báo của tỉnh, đưa tin trên Báo địa phương và tuyên truyền, phổ biến đến Nhân dân thông qua công tác tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND sau mỗi kỳ họp. UBND tỉnh và các sở, ngành triển khai thực hiện các nghị quyết do HĐND tỉnh đã ban hành.
Hoạt động của HĐND tỉnh khóa IX, nhiệm kỳ 2016 - 2021 đã đổi mới hoạt động trên nhiều mặt công tác. Với những kết quả đạt được của HĐND tỉnh nhiệm kỳ qua đã góp phần rất quan trọng vào việc hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, củng cố và tăng cường quốc phòng - an ninh của tỉnh trong nhiệm kỳ như sau:
Chất lượng các kỳ họp ngày càng nâng cao, dân chủ và hiệu quả; quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương kịp thời, sát với các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và phù hợp với yêu cầu thực tiễn của tỉnh.
Hoạt động giám sát ngày càng hiệu quả hơn, có tác dụng thiết thực thúc đẩy việc thực hiện nhiệm vụ và góp phần khắc phục, ngăn chặn các sai phạm của các ngành, địa phương và cán bộ, công chức.
Công tác tiếp xúc cử tri ngày càng được cải tiến, cơ bản đảm bảo mối liên hệ giữa HĐND, các đại biểu HĐND với cử tri, phản ánh được ý kiến, kiến nghị của cử tri. Hầu hết các ý kiến, kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền của địa phương được UBND tỉnh và các cơ quan chức năng xem xét giải quyết,
Hoạt động của đại biểu HĐND, Thường trực HĐND, các Ban HĐND, Tổ đại biểu HĐND tỉnh ngày càng nền nếp, hiệu quả, tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng./.