Người chiến sĩ cộng sản kiên trung, cán bộ lãnh đạo uy tín, tài năng
Gần 60 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Lê Thanh Nghị đã luôn nỗ lực vượt mọi khó khăn, gian khổ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Năm 1960, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng, đồng chí được bầu lại vào Bộ Chính trị, sau đó được Quốc hội bầu làm Phó Thủ tướng Chính phủ. Với những cống hiến to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, đồng chí đã được tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, được công nhận là lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam.
Đồng chí Lê Thanh Nghị tên thật Nguyễn Khắc Xứng, sinh ngày 6-3-1911, trong một gia đình Nho giáo, có truyền thống yêu nước, tại làng Thượng Cốc, nay thuộc xã Gia Khánh, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương.
NGƯỜI CHIẾN SĨ CỘNG SẢN KIÊN TRUNG CỦA ĐẢNG
Tháng 6-1926, đồng chí Lê Thanh Nghị xuống Hải Phòng làm thợ điện ở Xưởng hóa chất Simi, sau đó ra làm ở vùng mỏ Đông Bắc. Đời sống của công nhân giúp đồng chí càng hiểu rõ hơn nguồn gốc những đau khổ, bất công trong xã hội thực dân và được giác ngộ cách mạng, đồng chí đã gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên năm 1929, tích cực hoạt động, trở thành một trong những chiến sĩ cách mạng ưu tú trong phong trào công nhân vùng mỏ Đông Bắc.
Mùa Xuân năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đồng chí Lê Thanh Nghị trở thành đảng viên lớp đầu tiên của Đảng. Cao trào cách mạng những năm 1930 - 1931 lên cao, thực dân Pháp tăng cường đàn áp các cuộc đấu tranh, lùng bắt những cán bộ cốt cán. Tháng 5-1930, đồng chí bị mật thám Pháp bắt, chúng tuyên án tù chung thân và đày ra Côn Đảo. Năm 1936, đồng chí được ân xá, bị đưa về quản thúc tại quê nhà Hải Dương. Không quản hiểm nguy, đồng chí lên Hà Nội bí mật tìm bắt liên lạc với tổ chức Đảng, khôi phục lại hệ thống tổ chức Đảng và phong trào cách mạng ở Hà Nội, Hải Dương, góp phần vào phong trào cách mạng dân chủ sôi nổi trong những năm 1936 - 1939.
Với những đóng góp quan trọng đối với phong trào cách mạng ở Hải Dương và vùng mỏ, giữa năm 1939 đồng chí được Xứ ủy Bắc kỳ điều lên Xứ ủy giúp việc Bí thư Xứ ủy Hoàng Văn Thụ. Cuối năm 1939, đồng chí bị thực dân Pháp bắt lần thứ hai, kết án 5 năm tù, đày lên nhà tù Sơn La. Đầu năm 1945, đồng chí được trả tự do, tiếp tục hoạt động cách mạng và được chỉ định vào Thường vụ Xứ ủy Bắc kỳ. Tháng 4-1945, tại Hội nghị Quân sự Bắc kỳ, Trung ương Đảng quyết định thành lập Ủy ban Quân sự Bắc kỳ - Bộ Chỉ huy lực lượng vũ trang cách mạng khu vực phía Bắc, có nhiệm vụ giúp đỡ về quân sự cho toàn quốc, đồng chí được cử làm Ủy viên Thường trực Ủy ban Quân sự Bắc kỳ, trực tiếp phụ trách chiến khu Trần Hưng Đạo (còn gọi là chiến khu Đông Triều) - 1 trong 7 chiến khu cách mạng trên cả nước.
NGƯỜI LÃNH ĐẠO UY TÍN, TÀI NĂNG CỦA ĐẢNG VÀ NHÀ NƯỚC
Sau ngày chính quyền cách mạng được thành lập, đồng chí Lê Thanh Nghị được cử phụ trách vùng duyên hải Bắc bộ, trong đó có TP. Hải Phòng. Bám sát đường lối, chủ trương của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí đã tập trung chỉ đạo xây dựng chính quyền cách mạng, xây dựng đội ngũ cán bộ gắn bó với nhân dân, chăm lo cho lợi ích của nhân dân; đồng thời, tích cực chuẩn bị kháng chiến chống thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta.
Tháng 2-1951, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được cử làm Bí thư Liên khu ủy, kiêm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến - Hành chính Liên khu III, Chính ủy Quân khu III. Năm 1953 - 1954, đồng chí được giao kiêm Bí thư Thành ủy Hà Nội. Trên các cương vị công tác này, đồng chí luôn gắn bó mật thiết với nhân dân, thường xuyên xuống cơ sở nắm bắt tình hình, tuyên truyền, động viên và đôn đốc, chỉ đạo phong trào cách mạng, góp phần xây dựng thành công thế trận chiến tranh nhân dân, vừa kháng chiến vừa kiến quốc ở địa bàn có ý nghĩa hết sức chiến lược.
Kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, đồng chí được cử làm Bộ trưởng Bộ Công nghiệp. Tháng 10-1956, đồng chí được bầu bổ sung vào Bộ Chính trị. Năm 1960, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng, đồng chí được bầu lại vào Bộ Chính trị, sau đó được Quốc hội bầu làm Phó Thủ tướng Chính phủ. Những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đồng chí được Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng giao kiêm nhiệm nhiều công việc: Phụ trách ngành công nghiệp, Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch nhà nước; phụ trách công tác thi đua - khen thưởng của Trung ương; phụ trách việc vận động các nước xã hội chủ nghĩa ủng hộ, giúp đỡ về vật chất, trang thiết bị cho cuộc kháng chiến của nhân dân ta…
Trên cương vị Phó Thủ tướng Chính phủ, đồng chí cùng Chính phủ lo đáp ứng nhu cầu của các địa phương, nhất là quân đội. Đồng chí đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Trung ương Đảng, Chính phủ giao dẫn đầu Đoàn đại biểu Đảng, Chính phủ Việt Nam sang thăm Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa để Đảng, Chính phủ và nhân dân các nước bạn hiểu rõ hơn về cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân Việt Nam, ủng hộ cả về vật chất và tinh thần cho cuộc kháng chiến.
Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thắng lợi, cùng Trung ương Đảng và Chính phủ, đồng chí Lê Thanh Nghị tiếp tục lãnh đạo nhân dân cả nước thực hiện đồng thời 2 nhiệm vụ chiến lược bảo vệ vững chắc Tổ quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Năm 1976, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng, đồng chí tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Bộ Chính trị, tiếp tục được cử phụ trách chung về kinh tế và đặc trách về công nghiệp. Đầu năm 1980, đồng chí được cử làm Thường trực Ban Bí thư. Năm 1982, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng, đồng chí tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, sau đó được Quốc hội cử làm Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Nhà nước. Đồng chí mất tại Hà Nội ngày 16-8-1989.
Do có công lao to lớn trong quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí được tặng Huân chương Sao vàng - Huân chương cao quý nhất của Nhà nước ta. Để tưởng nhớ công lao, đạo đức cách mạng của đồng chí và nhằm phát huy truyền thống yêu nước tại địa phương, năm 2002 Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Hải Dương đã cho xây dựng Nhà tưởng niệm đồng chí Lê Thanh Nghị tại quê nhà Thượng Cốc của đồng chí. |
HỒNG LÊ
(tổng hợp)