Quyền và nghĩa vụ của cử tri khi bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 được tiến hành vào ngày Chủ nhật, 23-5-2021. Đây là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước nhằm lựa chọn, bầu ra những đại biểu tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ mới, góp phần tích cực vào việc xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Về quyền của cử tri khi bầu cử, pháp luật quy định: Trong thời gian lập danh sách cử tri, mọi công dân có quyền bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND đều được ghi tên vào danh sách cử tri và được phát thẻ cử tri, mỗi công dân chỉ có quyền ghi tên vào một danh sách cử tri ở nơi mình thường trú hoặc tạm trú.
Cử tri là người tạm trú và có thời gian đăng ký tạm trú tại địa phương chưa đủ 12 tháng, cử tri là quân nhân ở các đơn vị vũ trang nhân dân được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu ĐBQH và đại biểu HĐND ở nơi tạm trú hoặc đóng quân.
Việc lập danh sách cử tri phải được niêm yết công khai tại trụ sở xã, phường, thị trấn và điểm bỏ phiếu, đồng thời thông báo rộng rãi việc niêm yết để nhân dân kiểm tra danh sách cử tri.
Cử tri còn có quyền tố cáo về người ứng cử; khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về những sai sót trong việc lập danh sách người ứng cử với các tổ chức bầu cử.
Đối với khiếu nại, tố cáo, kiến nghị liên quan đến người ứng cử ĐBQH, việc lập danh sách những người ứng cử ĐBQH được gửi đến Ban bầu cử ĐBQH, Ủy ban bầu cử ở tỉnh, Hội đồng bầu cử Quốc gia. Khi Ban bầu cử, Ủy ban bầu cử đã giải quyết mà cử tri không thỏa mãn thì có quyền khiếu nại lên Hội đồng bầu cử Quốc gia và đây là cơ quan quyết định cuối cùng.
Đối với việc khiếu nại, tố cáo kiến nghị của công dân về người ứng cử, việc lập danh sách người ứng cử đại biểu HĐND ở cấp nào thì được gửi tới ban bầu cử đại biểu HĐND ở cấp đó.
Quyền của cử tri cũng được quy định rõ trong việc bỏ phiếu bầu cử. Mỗi cử tri có quyền bỏ một phiếu bầu ĐBQH và bỏ một phiếu bầu đại biểu HĐND tương ứng với mỗi cấp HĐND.
Cử tri phải tự mình đi bầu cử, không được nhờ người khác bầu cử thay, trừ trường hợp cử tri vì khuyết tật không tự bỏ phiếu được thì nhờ ngưòi khác bỏ phiếu vào hòm phiếu.
Trong trường hợp cử tri ốm đau, già yếu, khuyết tật không thể đến phòng bỏ phiếu được thì Tổ bầu cử mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến chỗ ở, chỗ điều trị của cử tri để cử tri nhận phiếu bầu và thực hiện việc bầu cử.
Cử tri không thể tự viết được phiếu bầu thì được nhờ người khác viết hộ, nhưng phải tự mình bỏ phiếu; người viết hộ phải bảo đảm bí mật phiếu bầu của cử tri.
Trường hợp cử tri vì khuyết tật không tự bỏ phiếu được thì nhờ người khác bỏ phiếu vào hòm phiếu. Khi cử tri viết phiếu bầu, không ai được xem, kể cả thành viên Tổ bầu cử.
Cùng với quyền, pháp luật cũng quy định rõ nghĩa vụ của công dân. Quyền của công dân được bảo đảm bằng pháp luật khi công dân làm tròn nghĩa vụ của mình theo đúng pháp luật.
Trong bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND, cử tri phải có trách nhiệm tham gia giới thiệu người ra ứng cử. Cử tri nơi người ứng cử công tác và cư trú có trách nhiệm tham gia ý kiến nhận xét. Nghĩa vụ của cử tri được thể hiện rõ qua 3 lần tổ chức hội nghị hiệp thương, qua các lần tổ chức hội nghị cử tri nơi công tác và nơi cư trú của người ứng cử, qua các cuộc tiếp xúc tuyên truyền, vận động bầu cử của người ứng cử.
M.T