Xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao
Cách đây 62 năm, thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 3-3-1959 Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định 100 thành lập Lực lượng Công an nhân dân vũ trang (CANDVT), nay là Bộ đội Biên phòng (BĐBP). Ngày 28-3-1959, tại buổi lễ thành lập lực lượng, cán bộ, chiến sĩ (CB-CS) BĐBP rất vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự, Người đã huấn thị: “Đoàn kết, cảnh giác; liêm chính, kiệm cần; Hoàn thành nhiệm vụ; Khắc phục khó khăn; Dũng cảm trước địch; Vì nước quên thân; Trung thành với Đảng; Tận tụy với dân”.
Đồn Biên phòng Kiểng Phước phối hợp với Công an thị trấn Vàm Láng tuần tra trên tuyến sông Cần Lộc. Ảnh: Đ. PHÁT |
Đây là sự kiện quan trọng, đánh dấu sự ra đời của BĐBP - lực lượng vũ trang chuyên trách bảo vệ biên giới quốc gia; khẳng định bước trưởng thành, phát triển của lực lượng vũ trang nhân dân trong sự nghiệp củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc.
NGÀY TRUYỀN THỐNG BĐBP
Từ đây, nước ta chính thức có một lực lượng vũ trang chuyên trách công tác nội địa, biên phòng, tập trung thống nhất từ Trung ương đến cơ sở, gồm 3 cấp: Trung ương có Ban Chỉ huy Trung ương CANDVT (tháng 7-1961 đổi tên thành Bộ Tư lệnh CANDVT), do Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an làm Tư lệnh, kiêm Chính ủy đầu tiên của lực lượng; cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có Ban Chỉ huy CANDVT; cấp cơ sở có các đồn CANDVT và đơn vị cơ động. Từ đó, ngày 3-3-1959 chính thức trở thành Ngày truyền thống của lực lượng CANDVT, nay là BĐBP.
Ngay từ khi thành lập và suốt quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành, CB-CS BĐBP vinh dự, tự hào, thường xuyên được đón nhận sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, toàn diện của Đảng và Bác Hồ kính yêu. Ngày 2-3-1962, tại Đại hội Chiến sĩ thi đua CANDVT toàn quốc lần thứ nhất, Bác Hồ đã đến dự, biểu dương thành tích và tặng CB-CS toàn lực lượng bài thơ: “Non xanh nước biếc trùng trùng / Giữ gìn Tổ quốc ta không ngại ngùng gian lao / Núi cao sự nghiệp càng cao / Biển sâu chí khí ta soi vào càng sâu / Thi đua ta quyết giật cờ đầu”.
Bộ đội Biên phòng tỉnh tuần tra bảo vệ an ninh trật tự tuyến đê xung yếu. Ảnh: Đ. PHÁT |
Ngay từ khi mới thành lập, tuy trang bị còn rất thô sơ, thiếu thốn nhiều mặt, địa bàn hoạt động rộng, xa xôi hẻo lánh, thời tiết, khí hậu vô cùng khắc nghiệt..., nhưng CB-CS CANDVT đã đoàn kết một lòng, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, nhanh chóng triển khai lực lượng, dựng đồn, lập trạm, vận động nhân dân định canh, định cư, dựng làng, lập bản, xây dựng cơ sở chính trị, tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc trên biên giới xây dựng phòng tuyến nhân dân, chiến đấu tiểu phỉ, chống gián điệp, biệt kích, thám báo, bảo vệ biên giới, bờ biển, giới tuyến quân sự tạm thời; bảo vệ Đảng, Nhà nước và các mục tiêu nội địa quan trọng. Các tập thể, cá nhân anh hùng thời kỳ này mãi mãi ngời sáng tấm gương hy sinh, tận tụy với dân: “Chỉ biết còn Đảng là còn mình”, coi “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”, vươn lên hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Quán triệt đường lối, quan điểm của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò, sức mạnh của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, ngày 22-2-1989, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ban hành Quyết định 16 về tổ chức Ngày Biên phòng toàn dân trong cả nước. Theo đó, tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XI đã thông qua Luật Biên giới quốc gia, trong đó xác định ngày 3-3 hằng năm là Ngày Biên phòng toàn dân. Đây là chủ trương lớn, quan trọng của Đảng, Nhà nước; tiếp tục khẳng định rõ vai trò nòng cốt, chuyên trách của BĐBP trong công tác quản lý, bảo vệ biên giới; đồng thời, phát huy sức mạnh của toàn dân, của cả hệ thống chính trị tham gia xây dựng và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới.
TỰ HÀO ĐỘI AN NINH VŨ TRANG TỈNH MỸ THO - TIỀN THÂN CỦA BĐBP TIỀN GIANG
Đội An ninh vũ trang tỉnh Mỹ Tho (tiền thân của BĐBP Tiền Giang ngày nay) được thành lập vào tháng 3-1960, với nhiệm vụ bảo vệ cơ quan Tỉnh ủy, căn cứ cách mạng và các đồng chí lãnh đạo ở địa phương. Khi mới thành lập, số lượng còn ít, trang bị thô sơ, nhưng Đội An ninh vũ trang tỉnh đã đoàn kết một lòng, dũng cảm, mưu trí, kiên trì vận động quần chúng, vượt mọi khó khăn, gian khổ, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Ngày 24-1-1976 Đội An ninh vũ trang tỉnh Mỹ Tho vinh dự được Nhà nước tuyên dương danh hiệu “Đơn vị Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân” và 2 cá nhân được tuyên dương danh hiệu “Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân”, là đồng chí Nguyễn Văn Điện và Liệt sĩ Trương Thành Công. Hiện nay, tên người Anh hùng - Liệt sĩ Trương Thành Công đã được Hội đồng nhân dân tỉnh chọn để đặt tên cho 1 con đường thuộc TP. Mỹ Tho.
Trải qua 62 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dù có những tên gọi khác nhau và đặt dưới sự quản lý, điều hành của Bộ Quốc phòng hay Bộ Công an, trong bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào, BĐBP đều luôn nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân; chú trọng rèn luyện, phát triển lực lượng, xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh và xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. |
Sau ngày 30-4-1975, Bộ Tư lệnh CANDVT tổ chức các đoàn chi viện cho lực lượng An ninh vũ trang các tỉnh, thành miền Nam, trong đó tỉnh Gò Công được tăng cường 87 đồng chí, đã tổ chức tiếp quản các cơ sở vật chất, từng bước ổn định tổ chức, biên chế, triển khai xây dựng đồn, trạm và tổ chức thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới biển của tỉnh Gò Công. Ngày 16-6-1975, được xác định là Ngày thành lập lực lượng An ninh vũ trang tỉnh Gò Công. Đến năm 1976, tỉnh Gò Công và tỉnh Mỹ Tho được sáp nhập thành tỉnh Tiền Giang, lực lượng An ninh vũ trang tỉnh Gò Công đổi tên thành An ninh vũ trang tỉnh Tiền Giang.
Từ năm 1975 đến nay, mặc dù còn nhiều khó khăn, điều kiện cơ sở vật chất, vũ khí trang bị, phương tiện còn thiếu thốn nhưng lực lượng An ninh vũ trang tỉnh trước đây và BĐBP tỉnh ngày nay đã khắc phục khó khăn, vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao. Tiêu biểu là đấu tranh có hiệu quả các đối tượng vượt biển trốn ra nước ngoài, bắt giữ 306 vụ/11.707 đối tượng, thu giữ và nộp ngân sách nhà nước trên 1.000 cây vàng, 300 chiếc tàu các loại, cùng nhiều tài sản có giá trị khác; phối hợp với các lực lượng chức năng điều tra, đánh phá 5 tổ chức phản động trên khu vực biên giới biển của tỉnh với 71 tên...
32 năm thực hiện Ngày Biên phòng toàn dân trên địa bàn tỉnh đã nâng cao ý thức cảnh giác, tinh thần trách nhiệm của nhân dân, của cán bộ, nhân viên các cơ quan, đoàn thể ở biên giới biển làm tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới biển của tỉnh. Nhiều chương trình phối hợp đạt hiệu quả thiết thực như: “Quân dân y kết hợp”, “Thầy giáo quân hàm xanh”, “Mái ấm cho người nghèo”, “Nâng bước em đến trường”, “Hãy làm sạch biển”, “Chiến sĩ biên phòng nơi đầu sóng, ngọn gió khắc phục thiên tai, bão”... Kết quả thực hiện Ngày Biên phòng toàn dân đã tăng cường đoàn kết hiệp đồng chiến đấu và giúp đỡ lẫn nhau giữa BĐBP tỉnh và nhân dân, giữa BĐBP tỉnh và các lực lượng khác; đẩy mạnh việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, đột xuất của địa phương các huyện và xã, thị trấn biên giới biển của tỉnh.
Hơn 30 năm thực hiện Ngày Biên phòng toàn dân đã có hàng trăm tập thể huyện, xã, thị trấn và cá nhân có công đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới biển của tỉnh; tham gia xây dựng lực lượng BĐBP tỉnh vững mạnh, được Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh BĐBP, UBND tỉnh, huyện tặng thưởng Bằng khen, Kỷ niệm chương...
HỒNG LÊ (tổng hợp)