Thứ Hai, 05/04/2021, 08:23 (GMT+7)
.
ANH HÙNG LỰC LƯỢNG VŨ TRANG NHÂN DÂN LÊ QUANG NINH:

Với cuộc binh biến ngày 28-4-1975

Ngày 28-4-1975, với quân hàm thiếu tá, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 1 quân đội Sài Gòn, Lê Quang Ninh đã tổ chức cuộc binh biến thành công, đưa toàn bộ tiểu đoàn cùng với vũ khí, khí tài quân sự về với cách mạng.

Lê Quang Ninh sinh năm 1942, tại làng Đạo Thạnh, quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay là xã Đạo Thạnh, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) trong một gia đình truyền thống cách mạng.

 

Năm 1959, ông tham gia hoạt động cách mạng trong tổ chức sinh viên, học sinh TX. Mỹ Tho. Năm 1963, ông được kết nạp Đảng. Cũng trong năm này, sau khi thi đậu tú tài toàn phần, ông được ông Mười Hòa, Ban Binh vận tỉnh Mỹ Tho yêu cầu phải đăng ký học khóa sĩ quan trù bị Thủ Đức của địch để hoạt động nội tuyến trong lòng địch.

Cuối năm 1964, tốt nghiệp khóa sĩ quan ở Thủ Đức, ông được Ban Binh vận tỉnh Mỹ Tho chỉ thị tiếp tục chui sâu vào hàng ngũ quân sự địch. Ông trở thành sĩ quan thuộc sư đoàn 25 quân đội Sài Gòn. Thời điểm đó, sư đoàn 25 vừa dời hậu cứ từ Quảng Ngãi về Hậu Nghĩa (nay là huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) để bảo vệ phía tây bắc Sài Gòn. Kể từ đó, mọi di biến động và ý đồ quân sự của sư đoàn 25 đều được ông báo cáo cho Ban Binh vận tỉnh Mỹ Tho.

Nhận thấy những tin tức quân sự của ông có giá trị lớn, Tỉnh ủy Mỹ Tho chỉ đạo Ban Binh vận tỉnh chuyển giao ông về Ban Binh vận Trung ương Cục miền Nam. Từ đó, ông mang bí số 110 và hoạt động tình báo đơn tuyến, chỉ liên lạc duy nhất với bà Nguyễn Thị Nhẫn, cán bộ giao liên mật của Ban Binh vận Trung ương Cục miền Nam.

Ông Ninh được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huân chương Giải phóng hạng Nhất và hạng Ba. Tháng 4-2011, ông vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Ngày 20-6-2018, ông mất tại TP. Hồ Chí Minh. Mộ ông tọa lạc tại xã Đạo Thạnh, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang.

Vào thời điểm tháng 4-1975, ông mang quân hàm thiếu tá, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 1, trung đoàn 50 (viết tắt là 1/50) thuộc sư đoàn 25 quân đội Sài Gòn. Cũng trong tháng 4-1975, ông nhận được chỉ thị của Ban Binh vận Trung ương Cục miền Nam: “Từ ngày 25 đến 28-4-1975, phải tổ chức tiểu đoàn làm binh biến, về với cách mạng”.

Ngày 25-4-1975, từ 2 hướng Phước Chỉ (nay thuộc huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh) và Trung Hưng (nay thuộc xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh), Quân đoàn 3 của cách mạng đã tạo thành gọng kìm áp sát tuyến phòng thủ của sư đoàn 25 quân đội Sài Gòn. Trước tình hình đó, địch vội đưa lực lượng ứng cứu cơ động, bao gồm tiểu đoàn 1/50 và thiết đoàn 10 kỵ binh với 40 xe tăng và xe thiết giáp lên án ngữ Lộc Giang nhằm chặn đà tiến của quân giải phóng.

Trước áp lực của Quân đoàn 3, sáng ngày 28-4-1975, nhận được lệnh rút quân về Đồng Dù (căn cứ của sư đoàn 25), ông bắt đầu hành động, bằng cách đề nghị cho tiểu đoàn do ông chỉ huy đi trước mở đường, 2 tiếng sau các xe tăng và xe thiết giáp của thiết đoàn 10 mới di chuyển theo. Đề nghị này được chấp nhận. Khi dừng quân ở đình Gia Lộc (ấp Gia Huỳnh, xã Gia Lộc, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh), ông nhận thấy đây là địa điểm thuận lợi để tổ chức binh biến ly khai phản chiến.

Sau đó, ông mời các sĩ quan trong ban chỉ huy tiểu đoàn và 4 sĩ quan đại đội trưởng hội ý tại chỗ. Bằng lời lẽ chân thành, ông thuyết phục các sĩ quan dưới quyền ly khai quân đội Sài Gòn về với quân giải phóng. Mọi người bất ngờ, nhưng chẳng ai có ý kiến gì. Ông tự giới thiệu mình là người của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, rồi đọc chính sách 7 điểm của Mặt trận.

Tiếp theo, ông chỉ huy toàn tiểu đoàn (khoảng 500 quân), với đầy đủ vũ khí, khí tài quân sự di chuyển về ấp An Thành (xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng). Tại đây, ông và tiểu đoàn 1/50 được cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn 98 (Quân đoàn 3 quân giải phóng) tiếp đón. Sau đó, ông sử dụng máy truyền tin vô tuyến kêu gọi các đơn vị của quân đội Sài Gòn buông súng về với cách mạng để “tự cứu mình” và đỡ đổ xương máu. Hầu hết các đơn vị khác của tuyến phòng thủ tây bắc của quân đội Sài Gòn đang rệu rã tinh thần càng thêm hoảng sợ và dần dần tan rã.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ khởi nghĩa, phản chiến, ông cùng tiểu đoàn 1/50 di chuyển về rạch Bùng Binh, bàn giao cho Ban Binh vận Trung ương Cục miền Nam. Tại đây, ngày 7-5-1975, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cách mạng tỉnh Tây Ninh tổ chức mít tinh trao thưởng “Huân chương Giải phóng hạng Ba cho toàn bộ 500 nghĩa binh của tiểu đoàn 1/50”.

Sau ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước (30-4-1975), ông được phân công công tác tại Cơ quan phản gián của Công an TP. Hồ Chí Minh. Tại đây, ông tiếp tục tham gia phá nhiều vụ án gián điệp, góp phần bảo vệ thành quả cách mạng và an ninh trật tự cho đất nước. Năm 1995, ông được nghỉ hưu.

TUỆ MINH

.
.
.