Thứ Tư, 14/04/2021, 10:27 (GMT+7)
.

Nhớ mãi "Ông già Bình Xuân!"

Năm 1961, tôi ở trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy Mỹ Tho. Lúc bấy giờ, Tỉnh ủy Mỹ Tho phụ trách cả vùng Gò Công. Ban Thường vụ Tỉnh ủy phân công tôi dẫn đoàn công tác Tỉnh ủy xuống củng cố Gò Công.

Xin nói qua một chút về tình hình Gò Công. Trong khi các nơi đã Đồng khởi, thì Gò Công vẫn còn bị địch kìm kẹp gay gắt. Tỉnh ủy nắm được rất ít tình hình trong huyện. Khi anh Hai Linh lên họp, bấy giờ Tỉnh ủy mới biết Huyện ủy không còn. Anh Hai Linh bám rừng Sác. Từ rừng Sác về huyện phải qua con sông Soài Rạp mênh mông, cách trở. Một ít đồng chí còn bám rừng Gia Thuận.

Đồng chí Lê Văn Phẩm, Thường vụ Khu ủy khu 8 bổ sung kế hoạch mở Chiến dịch mở mảng Chợ Gạo để làm bàn đạp tấn công TP.  Mỹ Tho năm 1975.
Đồng chí Lê Văn Phẩm, Thường vụ Khu ủy khu 8 bổ sung kế hoạch mở Chiến dịch mở mảng Chợ Gạo để làm bàn đạp tấn công TP. Mỹ Tho năm 1975.

Anh Tám Hồng, nguyên Huyện ủy viên, lâu nay sang ở Vang Quới (Bến Tre). Khi Bến Tre Đồng khởi, anh về ở cồn Tàu (Tân Thới, Gò Công). Số đông đảng viên, nòng cốt chạy lên Sài Gòn chờ thời. Kinh nghiệm ở huyện Chợ Gạo, trước cũng là vùng trắng, cho thấy: Khi có lực lượng vũ trang ta về là quần chúng tiếp đón nồng hậu, hưởng ứng nhiệt liệt. Tỉnh ủy nhận định: Phải tạo một tiếng vang ở huyện thì khả năng mới tập hợp được lực lượng.

Đoàn chúng tôi 13 người xuất phát từ Quơn Long (Chợ Gạo). Tôi còn nhớ, trong số đó có các đồng chí: Trần Canh, Hùng, Thanh Hải… Anh Trần Canh từ Côn Đảo về. Anh Thanh Hải là cán bộ Quân sự, được Tỉnh ủy phân công xuống Gò Công để nắm lực lượng vũ trang. Mờ tối, chúng tôi lên đường. Anh Thanh Hải dẫn chúng tôi đi băng đồng, tránh những khu vực có dân, nhắm hướng chợ Vinh (Đồng Sơn) cắt xuống. Đêm 30 tết, trời tối như mực. Cả đoàn đi lặng lẽ, mò mẫm. Sở dĩ tôi chọn đi đêm 30 tết vì tôi nghĩ rằng trong dịp này địch sơ hở, ta dễ đi lọt. Thỉnh thoảng, từ trong những vệt đen đen có ánh đèn chấp chới của các xóm làng vọng ra những tiếng mõ canh rời rạc.

Qua khỏi chợ Dinh, anh Thanh Hải có vẻ lúng túng. Chúng tôi đi lòng vòng một lúc lâu mà không thoát khỏi tầm nhìn của mấy cái nhà lầu địa chủ ở ngã ba Đồng Sơn. Chúng tôi đi khoảng một tiếng nữa, trước mặt hiện ra con lộ, thấp thoáng bóng người. Anh Thanh Hải vẫn cứ xăm xăm đi tới. Bỗng nghe một tiếng quát: “Ai” và liền sau đó một ánh đèn pin sáng rực bật lên rọi thẳng lại. Tiếng lên đạn lách cách. Súng nổ. May sao, cả đoàn kịp quay trở lại, không ai việc gì.

Tụi lính đồn trong cơn thảng thốt chỉ bắn loạn xạ chứ không dám rượt theo ra giữa đồng. Anh Thanh Hải đến tìm tôi: “Anh Chín, bí đường rồi. Đồn bót nhiều quá, không biết chỗ nào mà lần nữa...”. Tôi cho anh em bàn bạc một lúc. Thấy vẫn chưa có lối ra, tôi gợi ý: Đường đi chỉ có Thanh Hải biết, bây giờ Thanh Hải bí rồi thì đành phải hỏi thôi.

- Hỏi ai bây giờ? Anh Trần Canh nhìn tôi ngạc nhiên. Hỏi dân chớ hỏi ai. Chỗ nào có mõ canh là có dân. Quả nhiên, chúng tôi hỏi được đường. Lần mò mãi, cho đến khi trời rạng chúng tôi mới qua được lộ 5. Căn nhà đầu tiên mà chúng tôi gặp là căn nhà lá nhỏ, chung quanh nhà có mấy gốc dừa tơ, dưới bến nước là đám lá dày đặc. Chủ nhà trạc 50 tuổi, quắc thước. Ông dậy sớm, đang nấu nước trong bếp.

Nhà này cho đến bây giờ tôi vẫn còn hình dung lại được cảnh trí của nó. Nó ở quãng giữa lộ và bến đò Bình Xuân trong một cái doi cây. Nhà nghèo, mùng một tết mà không có chưng dọn gì. Chúng tôi bước vào, chủ nhà quay lại nhìn, vẻ ngỡ ngàng. Kinh nghiệm giấu dân, tránh dân đã cho một bài học vào đêm rồi. Anh Thanh Hải lên tiếng: Thưa bác, cháu là giải phóng. Ông vẫn đứng nhìn chúng tôi trân trân, không tỏ vẻ sợ hãi, cũng không tỏ ra vui mừng.

Ông nhìn từ bộ quần áo chúng tôi đang mặc (những bộ bà ba phèn, những cái quần tây, áo sơ mi nhàu nhèo, lấm bùn), nhìn tới những bàn chân mang đủ thứ giày dép rồi nhìn kỹ sắc mặt chúng tôi, nhìn tới những cái mũ, nón chúng tôi đang đội. Mắt ông lại dán vào những khẩu súng đủ kiểu anh em chúng tôi đang mang. Tôi hỏi: Thưa bác, bác có biết Hai Linh, biết Sáu Di không? Hai Linh, Sáu Di thật ra chỉ là một người.

- Biết. Tiếng “biết” ông thốt ra ở cửa miệng cùng lúc với nụ cười rạng rỡ, rồi ông bước tới ôm lấy vai tôi: Trời! Bộ đội Cụ Hồ đây mà! Từ trong mí mắt đã sớm nhăn nheo của ông tôi bỗng thấy rưng ra hai hàng lệ. Anh em chúng tôi cũng sững sờ đứng lặng.

- “Anh em để đồ đạc xuống đó nghỉ. Bây ơi ra bắt con gà làm thịt mau, nấu cơm nhanh lên cho anh em ăn”. Ông đi ra đi vô, luýnh quýnh như nhà có đám. Mấy người con gái đều đã thức dậy, mấy người con trai ông ở đám ruộng gần nhà cũng chạy về mừng rỡ. Người ra chuồng bắt gà, người xúc gạo đem vo...
Tôi trình bày tóm tắt hoàn cảnh của đoàn cho ông rõ: Đoàn tính đi hướng Gia Thuận. Trên đường đi, tụi địch phát hiện, có khả năng chúng sẽ bám theo, do đó không thể ở lại đây lâu. Chưa biết đi đường nào.

Ông suy nghĩ rồi nói: “Để tôi soạn ghe đưa anh em đi. Anh em chịu khó ngồi sụp xuống lườn ghe, tôi cắt lá đậy lên, làm như ghe đi đốn lá, gặp tàu tụi nó  không nghi. Con đường đó tôi đi hoài, anh em bình tĩnh là được. Cùng lắm mình có súng, sợ gì...”.

Ghe chuẩn bị xong. Ông bảo thằng con trai lớn ngồi lái. Gà, vịt, gạo chuẩn bị làm cơm ông mang theo, chúng tôi từ chối không được. Ghe chạy, ông ngồi dựa phía trước cạnh bên tôi xem tình hình. Đi ngang vàm kinh nước mặn, ông chỉ cho tôi thấy cái đồn ở mé bên kia sông. Ghe chạy miết, qua Kiểng Phước, xuống đến Gia Thuận thì trời đứng bóng.

May sao, trên đường đi không gặp một bóng tàu tuần tiễu nào của chúng. Nghe ông kêu nho nhỏ: “Chú Hai, chú Hai tới rồi”, tôi nhìn lên thì thấy trước mặt là khoảng trống mênh mông của vàm sông thông ra biển. Gió thổi táp vào mặt chúng tôi mang theo mùi mặn của nước biển. Lòng chúng tôi rộn ràng. Tới đây là coi như chúng tôi đã liền kề với các đồng chí chúng tôi ở Gò Công.

Tất cả anh em thấy biển đều mừng. Phía tay phải là rừng. Rừng Gia Thuận um tùm, xanh ngát. Nơi đây một thời là căn cứ của nghĩa quân Trương Định. Ghe đậu lại ven rừng. Nghe ông nói phía trong đất liền có đồn giặc, tôi có ý cảnh giác. Ông cười: “Mấy chú khỏi lo, tụi nó ít khi ra tới đây lắm. Quanh đây chỉ toàn anh em mình...”.

Một lúc sau, anh Thanh Hải khều tôi: “Đằng kia có người kìa anh Chín”. Có hai anh thanh niên câu cá. Họ liệng cho chúng tôi con cá chẽm khoảng 10 ký còn tươi rói, trả tiền không lấy. Đúng là tới quý địa gặp quý nhân! Chúng tôi định chia tay với ông, nhưng ông chỉ chịu đi khi đã ngoắc được chiếc ghe Cần Đước chạy từ dưới biển lên và kỳ kèo ông lão chủ ghe chịu đưa tiếp chúng tôi.

Ghe chúng tôi mở máy băng qua sông. Đi đã xa, chúng tôi vẫn còn thấy ông đứng phía sau lái ghe nhìn ngoái lại. Rồi chiếc ghe mất dạng sau một cái doi. Từ đó cho đến nay đã ngót 30 năm, tôi vẫn còn nhớ như in hình dáng đó, cử chỉ đó của “Ông già Bình Xuân!”. Tôi đã về lại Gò Công rất nhiều lần, cố lần tìm lại dấu vết con đường mà buổi sáng hôm đó chúng tôi đã đi, nhưng đã qua 30 năm chiến tranh và những biến đổi sau hòa bình đã  làm nhòa đi hết, cả con người.

HỒNG LÊ

(Trích ghi chép của đồng chí Lê Văn Phẩm, nguyên Ủy viên
Ban Chấp hành Trung ương Đảng,  nguyên Bí thư Tỉnh ủy Tiền Giang).

.
.
.