Tiền Giang: Phát động đợt thi đua thực hiện tốt cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp
(ABO) Ngày 5-4-2021, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Tiền Giang ban hành Kế hoạch 87 Tổ chức phát động đợt thi đua thực hiện tốt cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 (gọi tắt là cuộc bầu cử).
Tổ chức phát động đợt thi đua thực hiện tốt cuộc bầu cử nhằm:
- Tạo không khí thi đua sôi nổi trong thực hiện công tác bầu cử đạt mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước đề ra, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, động viên các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân tổ chức thực hiện cuộc bầu cử bảo đảm dân chủ, đúng pháp luật, thực sự trở thành ngày hội của toàn dân;
- Thông qua phong trào thi đua góp phần bảo đảm cuộc bầu cử được tiến hành dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm và thực sự là ngày hội của toàn dân; lãnh đạo thực hiện tốt công tác nhân sự, bảo đảm phát huy dân chủ và sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Đảng trong công tác cán bộ;
- Phát động đợt thi đua thiết thực, hiệu quả gắn với nhiệm vụ chính trị, góp phần lập thành tích chào mừng cuộc bầu cử. Nội dung thi đua và công tác khen thưởng bảo đảm thiết thực, chính xác, phù hợp với tình hình thực tiễn của từng địa phương, đơn vị.
- Kịp thời động viên khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong thực hiện nhiệm vụ công tác bầu cử. UBND tỉnh yêu cầu phong trào thi đua phải được triển khai sâu rộng từ tỉnh đến cấp cơ sở, tới mọi tầng lớp nhân dân với các nội dung, hình thức phong phú, thiết thực, phân công rõ trách nhiệm, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương, cơ quan, đoàn thể, đơn vị.
Nội dung thi đua:
a) Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và các địa phương thi đua thực hiện tốt cuộc bầu cử.
b) Các cấp ủy, các tổ chức Đảng thi đua phấn đấu giới thiệu, lựa chọn bầu được những ĐBQH và đại biểu HĐND thật sự tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân; bảo đảm đủ tiêu chuẩn, đủ số lượng, có cơ cấu hợp lý, trong đó lấy tiêu chuẩn, chất lượng đại biểu làm trọng tâm, không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn; Phấn đấu bầu đủ số lượng ĐBQH được phân bổ cho tỉnh; bầu đủ số lượng và đảm bảo cơ cấu đại biểu HĐND các cấp theo quy định.
c) Tổ chức tuyên truyền về công tác bầu cử kịp thời, sâu rộng với nhiều hình thức thích hợp, đa dạng, phong phú, hiệu quả về ý nghĩa và tầm quan trọng của cuộc bầu cử; các quy định của Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND; về vị trí, vai trò của Quốc hội và HĐND trong bộ máy Nhà nước; về vị trí, vai trò của người đại biểu nhân dân; về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của công dân trong việc xây dựng bộ máy Nhà nước trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Động viên mọi cử tri tự giác, tích cực và chủ động tham gia bầu cử, nghiên cứu kỹ về danh sách người ứng cử; mỗi cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, đề cao trách nhiệm, tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia bầu cử tạo không khí tưng bừng, phấn khởi, đảm bảo cuộc bầu cử thực sự là ngày hội của toàn dân.
Tổ chức nghiên cứu, phổ biến, quán triệt Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về công tác bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.
d) Thực hiện tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo công tác bầu cử. Ban hành văn bản chỉ đạo, xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai và phân công nhiệm cụ cho các cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện việc bầu cử.
đ) Tổ chức cuộc bầu cử theo đúng quy trình, thời gian quy định, với tỷ lệ cử tri đi bầu cao; kết quả bầu cử đảm bảo số lượng, cơ cấu theo quy định của Luật bầu cử ĐBQH, HĐND. Giải quyết kịp thời khiếu nại, tố cáo của công dân và đảm bảo tuyệt đối về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trước, trong và sau ngày bầu cử.
e) Đảm bảo giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trong thời gian trước, trong và sau cuộc bầu cử. Kiên quyết đấu tranh chống mọi âm mưu, luận điệu xuyên tạc, hành động phá hoại cuộc bầu cử, lợi dụng bầu cử để gây rối; có giải pháp mạnh nhằm trấn áp các loại tội phạm, không để bị động, bất ngờ; giảm thiểu các tệ nạn xã hội, ngăn chặn tình trạng xuất cảnh trái phép, tai nạn giao thông; có các phương án chủ động đối phó với những tình huống thiên tai, dịch bệnh, nhất là dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp và có thể kéo dài đến thời gian tổ chức cuộc bầu cử; giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các vụ việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân, không để xảy ra “điểm nóng” về khiếu kiện; ngăn chặn mọi hành vi lợi dụng dân chủ, lợi dụng khiếu nại, tố cáo để vi phạm pháp luật về bầu cử.
Đối tượng: Tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác bầu cử ĐBQH khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Hình thức khen thưởng: Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Bằng khen của UBND tỉnh.
Tiêu chuẩn khen thưởng:
a) Đối với các tập thể:
- Phát động đợt thi đua thực hiện tốt công tác bầu cử gắn với thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương.
- Thực hiện tốt công tác tuyên truyền về bầu cử đảm bảo kịp thời, hiệu quả, thông qua các hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với tình hình thực tiễn.
- Có kế hoạch và triển khai thực hiện tốt công tác bầu cử; giải quyết kịp thời, các khiếu nại, tố cáo của cử tri. Đảm bảo chế độ thông tin, báo cáo đầy đủ, kịp thời theo quy định.
- Có tỷ lệ cử tri đi bầu cử đạt từ 98% trở lên; kết quả bầu cử đảm bảo chất lượng, số lượng, cơ cấu, thành phần (không phải bầu lại, bầu thêm); tổng kết bầu cử sớm hoặc đúng thời gian quy định;
- Có phương án chủ động ứng phó với tình huống thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt là dịch Covid-19, đảm bảo cuộc bầu cử được diễn ra thuận lợi, an toàn và đúng thời gian quy định;
- Đảm bảo an toàn tuyệt đối về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trước, trong và sau ngày bầu cử.
b) Đối với cá nhân:
- Trực tiếp chỉ đạo tổ chức thực hiện hoặc tham gia phục vụ tốt công tác bầu cử ở các cấp.
- Có thành tích xuất sắc hoặc giải pháp tích cực mang lại hiệu quả cao trong quá trình thực hiện công tác bầu cử.
Số lượng, thủ tục, hồ sơ khen thưởng:
Ủy ban bầu cử tỉnh xét chọn và đề xuất khen thưởng như sau:
a) Tập thể: Bằng khen của Thủ tưởng Chính phủ: 3 tập thể tiêu biểu, có thành tích xuất sắc trong thực hiện công tác bầu cử. Bằng khen của UBND tỉnh: 20 Sở, ban, ngành, đoàn thể có thành tích thật sự tiêu biểu, đóng góp vào sự thành công của cuộc bầu cử, 3 đơn vị cấp huyện dẫn đầu thành tích bầu cử. Cấp xã: các huyện Cái Bè, Châu Thành, Chợ Gạo và TP. Mỹ Tho được chọn tối đa 3 đơn vị; huyện Tân Phú Đông được chọn 1 đơn vị. Các huyện, thị xã còn lại, mỗi nơi chọn tối đa 2 đơn vị.
b) Cá nhân: Bằng khen của Thủ tưởng Chính phủ: 3 cá nhân tiêu biểu, có thành tích xuất sắc trong thực hiện công tác bầu cử. Bằng khen của UBND tỉnh: Cấp tỉnh: 20 người (tặng cho thành viên Ủy ban bầu cử, Văn phòng, các Tiểu ban của Ủy ban bầu cử). Cấp huyện: mỗi đơn vị chọn không quá 3 người. Cá nhân cơ sở, gồm: Các huyện Cái Bè, Châu Thành, Chợ Gạo và TP. Mỹ Tho được chọn 3 cá nhân, huyện Tân Phú Đông được chọn 1 cá nhân; các huyện, thị xã còn lại, mỗi huyện chọn tối đa 2 cá nhân. Các Ban bầu cử ĐBQH: tối đa 6 cá nhân. Các Ban HĐND tỉnh: tối đa 22 cá nhân;
Hồ sơ, thủ tục đề nghị khen thưởng gửi về Ủy ban bầu cử tỉnh chậm nhất ngày 5-6-2021 để Ủy ban bầu cử tỉnh xem xét, xác nhận thành tích và đề nghị Thường trực Hội đồng thi đua - Khen thưởng (Ban Thi đua-Khen thưởng) trình UBND tỉnh tặng bằng khen trước tổng kết công tác bầu cử cấp tỉnh.
Ủy ban bầu cử tỉnh xét chọn gửi hồ sơ theo quy định về Thường trực Hội đồng thi đua - Khen thưởng chậm nhất ngày 10-6-2021 để xin ý kiến thành viên Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh trình tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 3 tập thể, 3 cá nhân.
M.T