Thứ Hai, 12/04/2021, 10:07 (GMT+7)
.
TIẾN TỚI KỶ NIỆM 46 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30-4-1975 - 30-4-2021)

Những kỷ niệm không bao giờ quên

Những ngày tháng Tư lịch sử, có biết bao ký ức, kỷ niệm của những người đã từng chiến đấu với kẻ thù để chúng ta có ngày hòa bình như hôm nay. Chiến tranh đã lùi xa, nhưng mỗi câu chuyện kể thời chiến tranh của các thế hệ đi trước đã giúp thế hệ hôm nay hình dung về “lằn ranh” mỏng manh của sự sống và cái chết.

CHUYẾN VỀ CĂN CỨ

Khoảng giữa năm 1960, tôi cùng 2 đồng chí Sáu Khai và Xuân Các đang điều lắng ở tỉnh Tây Ninh, được bác Hai, là giao liên công khai của Tỉnh ủy Mỹ Tho từ Mỹ Tho lên bảo chúng tôi: “Tỉnh ủy kêu các cháu vào căn cứ công tác”. Được tin ấy, chúng tôi mừng rỡ, tuy rằng trước đó chúng tôi được tin ta đã đánh chiếm Tua Hai - một căn cứ quân sự của ngụy ở Tây Ninh và tiên đoán thế nào một ngày gần đây sẽ được về địa phương công tác, giờ đã thành hiện thực.

Vùng Đồng Tháp Mười có 6 tháng mùa nước nổi, 6 tháng mùa khô, nên bộ đội thường di chuyển bằng xuồng.
Vùng Đồng Tháp Mười có 6 tháng mùa nước nổi, 6 tháng mùa khô, nên bộ đội thường di chuyển bằng xuồng.

Theo bác Hai, bằng đường công khai, chúng tôi về ở ẩn tại xã Trung An, thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay thuộc TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) chờ chuyến giao liên về căn cứ. Mấy ngày ở Trung An, địch lùng sục liên tục ngày đêm. Cảm thấy không ổn, theo ý kiến bác Hai, chúng tôi lên Sài Gòn tạm lánh ít hôm, chờ chuyến.

Sau đó mấy ngày, chúng tôi vào được xã Hưng Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho, ở trạm giao liên, chờ trời tối để đi vào Bắc Đông - căn cứ Tỉnh ủy Mỹ Tho đóng lúc bấy giờ. Hôm ấy, trời tối đen như mực, lại chở theo 1 chiến sĩ bị thương và một ít lương thực, thực phẩm, quá nửa đêm xuồng mới tới được lộ mới - con lộ địch bắt dân làm cắt ngang, từ kinh Nguyễn Văn Tiếp đến kinh Tân Hòa Đông. Ý đồ của địch dùng con lộ này ngăn đường di chuyển của ta từ căn cứ ra vùng ngoài.

Vừa đẩy xuồng qua khỏi lộ chừng 20 m thì bị địch bắn như vãi trấu vào đoàn chúng tôi. Anh thương binh không thể di chuyển được thì đặt nằm lại trên xuồng, còn chúng tôi nằm sấp dưới nước, hai tay nắm cỏ, chân đạp đất trườn đi. Ra khỏi làn đạn của địch, chúng tôi đứng dậy lội bì bõm dưới nước và cỏ, vừa lạnh vừa đói, mãi đến sáng mới tới được căn cứ. Anh Hữu Đức lúc ấy công tác tại Văn phòng Tỉnh ủy ra đón, thấy chúng tôi mình trần, quần ngắn, hai tay và đầu gối rướm máu, vội chạy về chỗ ở lấy quần áo của anh và mượn của anh em khác đưa cho chúng tôi mặc tạm.

Qua một đêm đói, lạnh, đồ đạc mất hết, lại suýt chết, nhưng đến căn cứ ai cũng nở nụ cười sung sướng vì đã đến được nơi mình định đến.

SỰ MAY MẮN HIẾM CÓ

Ngày 2-9-1962, như thường lệ, sáng nào chúng tôi cũng phải dậy sớm chuẩn bị cơm nước để lo “phòng động” (tránh địch vô càn quét). Ở xã Hưng Thạnh, nơi văn phòng Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Mỹ Tho đóng quân, anh em tôi nói vui với nhau đây là nơi “sông tương, đọt choại”, bởi dưới kinh Nguyễn Văn Tiếp có nhiều ghe xuồng bán tương chao; trên bờ kinh, phía sau mỗi nhà dân có tràm và dây choại um tùm.

Bữa cơm của chúng tôi thường là đọt choại luộc chấm tương, chỉ có vậy thôi. Thỉnh thoảng có người gom nhánh tràm khô từng bó đặt trên xuồng, nhận xuống nước, gọi là “chất chà xuồng”; vài hôm sau, hai người hai đầu xuống nâng lên tát cạn nước, giở chà bắt cá sặc, cá rô làm bữa canh chua với đọt choại, ăn “mát cái bụng” làm sao.

Khi mặt trời vừa ló dạng, nghe tiếng ù ù từ xa, tôi đặt vội chén cơm đang ăn dở chạy ra sân, nhìn về hướng xã Thân Cửu Nghĩa, thấy đoàn trực thăng “Khánh Ngọc” - tên bọn ngụy gọi sau này trong trận Âp Bắc, khoảng 12 chiếc, lù lù bay tới, đổ quân phía sau cánh đồng, phía bắc kinh Nguyễn Văn Tiếp, chúng chia nhiều cánh, lần dò tiến về phía bờ kinh. Anh em ở tại chỗ thì có nơi lẩn tránh, đã chuẩn bị từ trước.

Còn tôi, tuy là ở cơ quan, nhưng là một bộ phận khác - nhà In- ở tận sâu trong rừng tràm Tân Hòa Đông, ra Hưng Thạnh phát hành báo, tạm nghỉ đêm chờ sáng mua ít lương thực, thực phẩm về rừng tràm để dùng, chẳng may gặp trận càn này.

Vì không quen địa bàn, tôi vô cùng bối rối trong việc tìm chỗ “chém vè”. Tôi và đồng chí Út Ngạn ra rừng tràm tìm nơi khuất ẩn mình. Lúc này nước ngập lên khỏi chân tràm vài tấc, 2 chúng tôi chui vào bụi cóc kèn ngồi chờ “thần chết” rước đi. Ngồi im phăng phắc, nghe rõ tiếng la hét, tiếng lội bì bõm của bọn ngụy, tôi nghĩ thầm: Thế nào chúng cũng đến đây, không bị bắn chết thì bị bắt sống đưa lên trực thăng về “khám đường dưỡng sức”.

Một phút trôi qua, rồi nhiều phút trôi qua, tiếng la hét và bì bõm nhỏ dần, nhỏ dần và còn lại là “sự im lặng đáng sợ”. Địch càn hướng khác và hợp điểm tại đầu kinh Sáu Ầu; còn chúng tôi ở “ngoài vùng phủ sóng” và trở về an toàn.

“LẠI MỘT TRẬN THOÁT CHẾT NỮA!”

Năm 1968, một ngày trời nắng đẹp, đoàn chúng tôi gồm 5 anh em của Đội Tuyên truyền xung phong Mỹ Tho, được điều về làm công tác phát động quần chúng làm binh vận tại xã Long Hưng, huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho - là 1 trong 5 xã thuộc vành đai chống Mỹ Bình Đức. Sáng sớm, vừa cơm nước xong, có tin địch càn khu vực này.

Chúng chia làm 2 cánh, cánh Mỹ từ căn cứ Đồng Tâm xuyên vườn dọc bờ kinh Nguyễn Tấn Thành về hướng Long Định; cánh ngụy từ hướng Sầm Giang (ta thường gọi Vĩnh Kim) xuống các xã Long Hưng, Long Định, Song Thuận, Thạnh Phú. Trong khi đó, khu vực này đồn bót địch giăng giăng, biết lách đường nào cho thoát. Bí quá, chúng tôi phải “giả dạng thường dân”, mặc đồ trắng, trà trộn với người địa phương ra sát phía trên căn cứ Đồng Tâm về “phòng động”.

Đến 12 giờ, được tin quần chúng cho biết cánh Mỹ đã rút. Anh em bảo nhau thế là ổn, thôi ta trở về điểm để chuẩn bị cho công tác mới, thường hoạt động của chúng tôi vào ban đêm.

Vừa bước vào nhà một người dân nằm sát bờ kinh, tôi tìm nước uống. Đồng chí Biền còn đứng ngoài sân, phát hiện tốp lính Mỹ cách chúng tôi khoảng 50 m, liền chạy vào nhà báo có Mỹ tới. Vài phút sau, từ trong nhà bước ra, tôi thấy 1 tên Mỹ choàng dây đạn đại liên từ trên vai xuống tới lưng.

Tiếng hô “chạy” của tôi vừa dứt thì địch nã đạn, không thể ra cửa nhà được, buộc phải vượt qua bờ tường bằng đất. Hồi ấy, nhà người dân nào trong vùng cũng có trảng xê và tường đất xung quanh nhà để tránh đạn. Nhờ bờ tường mà cả 5 anh em chúng tôi thoát chết. Chị chủ nhà không kịp vào trảng xê, đã bị một viên đạn xuyên đùi. Thoát khỏi làn đạn về đến xóm Sua Đũa, chùa Ông Hiếu, anh em ngồi thở dốc và nói: “Lại một trận thoát chết nữa!”.

HỒNG LÊ

(Trích ghi chép của đồng chí Trần Văn Mai, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tiền Giang).

 

.
.
.