Thứ Hai, 03/05/2021, 08:27 (GMT+7)
.

Để công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí đạt hiệu quả.

Thực tế đã chỉ ra, công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng là một trong những phương thức, công cụ phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực hiệu quả. Vì thế, cùng với chỉ đạo về phát triển kinh tế - xã hội, Đảng bộ tỉnh Tiền Giang luôn quan tâm thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng.

Ngay từ đầu nhiệm kỳ và hằng năm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy và Ủy ban Kiểm tra các cấp xây dựng kế hoạch, chương trình kiểm tra, giám sát của cấp mình và chương trình kiểm tra, giám sát của từng năm luôn sát với tình hình, nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị.

ĐẨY MẠNH KIỂM TRA, GIÁM SÁT

Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát góp phần nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ, trí tuệ và năng lực cầm quyền của Đảng; khắc phục tình trạng vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, độc đoán, chuyên quyền, tệ quan liêu, tham nhũng và các biểu hiện tiêu cực khác.

Nhận thức được vị trí, vai trò, tác dụng và tầm quan trọng đó, trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, Tỉnh ủy, trực tiếp là Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy và Ủy ban Kiểm tra các cấp tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị, quy định, quy chế, kết luận, hướng dẫn của Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng.

Đồng chí Nguyễn Ngọc Trầm, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy trao thưởng cho các tập thể và cá nhân tiêu biểu trong công tác kiểm tra, giám sát của Đảng năm 2020.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Trầm, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Tiền Giang trao thưởng cho các tập thể và cá nhân tiêu biểu trong công tác kiểm tra, giám sát của Đảng năm 2020.

Cùng với việc ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, Đảng bộ tỉnh Tiền Giang luôn quan tâm công tác tuyên truyền, quán triệt, phổ biến các văn bản mới của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng đăng trên Báo Ấp Bắc, bản tin nội bộ, phát trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh...

Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, cấp ủy các cấp đã tiến hành kiểm tra 2.062 đảng viên, tăng 34,24% so với nhiệm kỳ 2010 - 2015; kết quả, có 44 đảng viên chưa thực hiện tốt nội dung được kiểm tra, trong đó có 15 đảng viên có khuyết điểm. Đồng thời, kiểm tra 2.688 tổ chức Đảng cấp dưới, phát hiện 139 tổ chức Đảng thực hiện chưa tốt nội dung được kiểm tra, trong đó có 18 tổ chức Đảng có khuyết điểm.

Về công tác giám sát, các cấp ủy đã tiến hành giám sát 2.397 đảng viên, tăng 302,18% so với nhiệm kỳ 2010 - 2015 và giám sát 2.504 tổ chức Đảng cấp dưới. Trong nhiệm kỳ qua, cấp ủy các cấp đã thi hành kỷ luật 4 tổ chức Đảng, kỷ luật 492 đảng viên, giải quyết 10 trường hợp khiếu nại về kỷ luật Đảng. Ủy ban Kiểm tra các cấp cũng đã đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám giát đối với đảng viên, tổ chức Đảng cấp dưới khi có dấu hiệu vi phạm và giải quyết tố cáo của đảng viên và tổ chức Đảng.

XỬ LÝ NGHIÊM, CHÍNH XÁC, KỊP THỜI

Trong công tác kiểm tra tài chính Đảng, Ủy ban Kiểm tra các cấp đã tiến hành kiểm tra 57 cơ quan tài chính cấp ủy cùng cấp về tài chính của đơn vị hành chính, xây dựng cơ bản, sửa chữa và mua sắm tài sản; kết quả có 12 tổ chức Đảng thực hiện chưa tốt việc quản lý thu, chi tài chính Đảng. Đồng thời, Ủy ban Kiểm tra các cấp cũng đã tiến hành kiểm tra tài chính Đảng đối với 164 cấp ủy cấp dưới; kết quả, có 33 tổ chức Đảng thực hiện chưa tốt việc quản lý thu, chi tài chính Đảng.

Nguyên nhân các tổ chức Đảng thực hiện chưa tốt là do các đơn vị chi sai chế độ, để công nợ dây dưa, kéo dài và các vi phạm khác với số tiền trên 52 tỷ đồng. Kết luận kiểm tra, Ủy ban Kiểm tra các cấp đã đề nghị xuất toán thu hồi trên 14,6 tỷ đồng, hạch toán lại trên 1,6 tỷ đồng, giao đơn vị xử lý trên 35,7 tỷ đồng và xử lý khác 4 triệu đồng. Bên cạnh đó, Ủy ban Kiểm tra các cấp cũng đã tiến hành kiểm tra và xử lý vi phạm việc thu, nộp, quản lý, sử dụng đảng phí đối với các tổ chức Đảng và đảng viên.

Cấp ủy và Ủy ban Kiểm tra các cấp đã tích cực, chủ động, quyết liệt, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, lựa chọn đối tượng, nội dung, lĩnh vực, địa bàn nhạy cảm, phức tạp dễ phát sinh tham nhũng, trọng tâm là lãnh đạo, chỉ đạo và tiến hành kiểm tra việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, công tác cán bộ; kiểm tra tổ chức Đảng cấp dưới và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm; giải quyết tố cáo đối với tổ chức Đảng và đảng viên… Qua đó đã kết luận và xử lý nghiêm minh, chính xác, kịp thời một số tổ chức Đảng, đảng viên có vi phạm, trong đó có một số vụ liên quan đến tham nhũng, lãng phí.

Qua kiểm tra đã kết luận rõ các sai phạm, trong đó có những biểu hiện lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ để trục lợi; đồng thời, đã kết luận và xử lý nghiêm minh những tập thể và cá nhân đương chức hoặc nghỉ hưu có sai phạm, kể cả truy tố hình sự, được đảng viên và quần chúng đồng thuận cao, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và sự điều hành, quản lý của Nhà nước. Đây là một bước đột phá lớn trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật trong Đảng trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Nhìn chung, qua kiểm tra, giám sát đã chỉ ra những ưu điểm, giúp tổ chức Đảng và đảng viên tiếp tục phát huy và kịp thời chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm để chấn chỉnh, khắc phục sửa chữa; chất lượng các cuộc kiểm tra, giám sát từng bước được nâng lên.

KIỂM TRA CÓ TRỌNG TÂM, TRỌNG ĐIỂM

Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đã làm rõ những kẽ hở, bất cập của cơ chế, chính sách dễ bị lợi dụng để tham nhũng, từ đó góp phần dự báo tham nhũng có thể xảy ra, để chủ động có chủ trương, biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Phó Bí Thường trực Tỉnh ủy Tiền Giang Võ Văn Bình tại Hội nghị tổng kết công tác kiểm tra, giám sát nhiệm kỳ 2015 - 2020: “Việc tổ chức thực hiện chương trình công tác phòng, chống tham nhũng nói chung và công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật trong Đảng của cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra các cấp vẫn còn hạn chế, chưa đạt như mong muốn.

Cụ thể, một số cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra, người đứng đầu cấp ủy chưa thể hiện tính quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Một số cấp ủy, tổ chức Đảng chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò của công tác kiểm tra, giám sát. Ý thức chấp hành của một số đảng viên chưa tốt, tính tiên phong, gương mẫu của đảng viên chưa cao. Tình trạng nể nang, ngại va chạm, sợ mất lòng còn xảy ra…”.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng nhiệm kỳ 2020 - 2025, đồng chí Võ Văn Bình nhấn mạnh: Cấp ủy, tổ chức Đảng, Ủy ban Kiểm tra các cấp cần nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng. Công tác này phải xuất phát từ nhiệm vụ chính trị, phục vụ nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng, xem đây là nguyên tắc bảo đảm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động kiểm tra, giám sát.

Tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm các quy định, hướng dẫn của Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát của Đảng; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đến các tổ chức Đảng, đảng viên của cấp mình, để mỗi cán bộ, đảng viên thật sự thông suốt các mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ của công tác kiểm tra, giám sát.

Mở rộng nội dung, đối tượng, hình thức giám sát; thực hiện đồng bộ giữa kiểm tra và công tác giám sát: “Giám sát phải mở rộng”, “kiểm tra phải có trọng tâm, trọng điểm” nhằm chủ động phòng ngừa vi phạm, kịp thời phát huy những nhân tố tích cực, điển hình, khắc phục thiếu sót, khuyết điểm, vi phạm ngay từ lúc mới biểu hiện, nhất là những lĩnh vực dễ phát sinh sai phạm, giúp tổ chức Đảng, đảng viên sửa chữa hạn chế, khuyết điểm, tăng cường kỷ cương, kỷ luật của Đảng.

Quan tâm hơn “hậu kiểm tra, giám sát”, đặc biệt là việc khắc phục, xử lý kết luận kiểm tra, giám sát của cơ quan có thẩm quyền. Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng phải kết hợp chặt chẽ giữa xây và chống, lấy xây là chính; khi các vụ việc vi phạm được phát hiện, phải kiên quyết xử lý nghiêm để răn đe, giáo dục.

Chú trọng thực hiện công tác phúc tra các thông báo kết luận kiểm tra, kết quả giám sát. Công tâm, khách quan trong xử lý sai phạm, xử lý phải kiên quyết, triệt để, nhưng phải thấu tình, đạt lý để tổ chức Đảng, đảng viên sai phạm nhận ra, biết được hành vi vi phạm quy định của Đảng, Nhà nước để khắc phục, sửa chữa…”.

LÊ PHƯƠNG

.
.
.