.
KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP MẶT TRẬN VIỆT MINH (19-5-1941 - 19-5-2021):)

Mặt trận Việt Minh là biểu tượng sáng ngời của khối đại đoàn kết toàn dân tộc

Cập nhật: 14:42, 19/05/2021 (GMT+7)

(ABO) Cách đây 80 năm, ngày 19-5-1941, Mặt trận Việt Minh được thành lập, thể hiện tính sáng tạo của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sự ra đời của Mặt trận Việt Minh đã đoàn kết các dân tộc, tạo sức mạnh trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc đánh đuổi phát xít Nhật - đế quốc Pháp. Từ khi thành lập, Việt Minh đã nói rõ tôn chỉ và mục đích của mình: “Liên hiệp hết các tầng lớp nhân dân, các đảng phái cách mạng, các đoàn thể dân chúng yêu nước, đặng cùng nhau đánh đuổi Nhật, Pháp, làm cho Việt Nam hoàn toàn độc lập, dựng lên một nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”. Đảng Cộng sản Đông Dương là một bộ phận trong mặt trận và trực tiếp lãnh đạo Việt Minh.

Từ ngày ra đời đến nay, tên gọi các hình thức mặt trận có thể khác nhau, song đều là Mặt trận Dân tộc Thống nhất với sứ mệnh tập hợp, đoàn kết các tầng lớp nhân dân, các đảng phái, các dân tộc, tôn giáo… phát huy lòng yêu nước, nhiệt tình cách mạng, ý chí đấu tranh, sự hy sinh và cống hiến của mỗi người, góp phần tạo nên những thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng.

SỰ RA ĐỜI CỦA MẶT TRẬN VIỆT MINH

Nhận thấy sự chuyển biến của tình hình thế giới và trong nước có lợi cho cách mạng Việt Nam, ngày 28-1-1941, Nguyễn Ái Quốc về nước sau hơn 30 năm bôn ba hoạt động ở nước ngoài. Tháng 5-1941, Người triệu tập Hội nghị Trung ương lần thứ VIII, khóa I của Đảng ở Khuổi Nậm, Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, quyết định sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược của Đảng - khẳng định giải phóng dân tộc là nhiệm vụ hàng đầu của cách mạng Việt Nam.

Hội nghị khẳng định: “Trong lúc này, quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, của dân tộc. Trong lúc này, nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi lại được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, của giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”.

Lán Khuổi Nậm ở Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, nơi họp Hội nghị Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương lần thứ Tám (tháng 5-1941), quyết định nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu và thành lập Mặt trận Việt Minh.
Lán Khuổi Nậm ở Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, nơi họp Hội nghị Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương lần thứ VIII (tháng 5-1941), quyết định nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu và thành lập Mặt trận Việt Minh.

Để hoàn thành nhiệm vụ giải phóng dân tộc, phải vận dụng phương pháp hiệu triệu hết sức thống thiết, làm sao đánh thức được tinh thần dân tộc cho nhân dân, nên Mặt trận không thể gọi như trước mà phải dùng tên khác phù hợp hơn với nhiệm vụ cách mạng giai đoạn hiện tại. Bởi vậy, theo đề nghị của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam Độc lập Đồng minh, gọi tắt là Mặt trận Việt Minh nhằm tập hợp và đoàn kết rộng rãi các giai cấp, các dân tộc, tôn giáo, các giới…vào thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cách mạng.

Ngày 19-5-1941, Mặt trận Việt Minh ra đời thay cho Mặt trận Dân tộc thống nhất phản đế Đông Dương và đặt ra nhiệm vụ giúp đỡ các dân tộc Lào và Campuchia thành lập mặt trận dân tộc của nước mình. Mặt trận Việt Minh lấy lá cờ đỏ có ngôi sao vàng năm cánh làm huy hiệu, khẩu hiệu chính là: Phản Pháp - kháng Nhật - liên hoa - độc lập.

Báo Việt Nam Độc lập, cơ quan tuyên truyền của Ban Việt Minh tỉnh Cao Bằng, do Nguyễn Ái Quốc sáng lập năm 1941.
Báo Việt Nam Độc Lập, cơ quan tuyên truyền của Ban Việt Minh tỉnh Cao Bằng, do Nguyễn Ái Quốc sáng lập năm 1941.

Việc quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh là một chủ trương hết sức sáng suốt của Trung ương Đảng và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy sự phát triển phong trào cách mạng giải phóng dân tộc mà đỉnh cao là thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945.

Có thể khẳng định, trong 10 năm tồn tại (từ 1941 - 1951), Mặt trận Việt Minh đã có nhiều đóng góp cho cách mạng Việt Nam qua từng chặng đường lịch sử. Mặt trận Việt Minh thực sự là biểu tượng sáng ngời của khối đại đoàn kết dân tộc, của tư tưởng Hồ Chí Minh về Mặt trận Dân tộc Thống nhất. Mặt trận cũng đã để lại cho Đảng nhiều bài học quý báu, được Đảng ta vận dụng một cách linh hoạt, hiệu quả trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ xâm lược và trong giai đoạn hiện nay, đại đoàn kết dân tộc vẫn là vấn đề mang tính thời sự có ý nghĩa quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Mặt trận Việt Minh được tổ chức theo hệ thống từ Trung ương đến cơ sở: Ở cấp xã có Ban Chấp hành Việt Minh do các đoàn thể Việt Minh ở làng hay xã cử ra; ở cấp tổng, huyện (hay phủ, châu, quận); tỉnh, kỳ có Ban Chấp ủy Việt Minh của mỗi cấp tương ứng; ở cấp toàn quốc có Tổng bộ Việt Minh…

Về chủ trương: Mặt trận Việt Minh liên hiệp hết các từng lớp nhân dân không phân biệt tôn giáo, đảng phái, xu hướng chính trị nào, giai cấp nào, đoàn kết chiến đấu để đánh đuổi Pháp - Nhật giành quyền độc lập. Sau khi đánh đuổi được đế quốc Pháp, Nhật, sẽ thành lập một Chính phủ nhân dân của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lấy lá cờ đỏ ngôi sao vàng nǎm cánh làm lá cờ toàn quốc.

Tháng 10-1941, Việt Minh công bố Tuyên ngôn, Chương trình và Điều lệ, đây là lần đầu tiên một Mặt trận Dân tộc Thống nhất trình bày công khai đường lối, chính sách, phương pháp tiến hành và tổ chức lực lượng đấu tranh để thực hiện mục đích cứu nước của mình.

MẶT TRẬN VIỆT MINH VỚI THÀNH CÔNG CỦA CÁCH MẠNG THÁNG TÁM NĂM 1945

Ngày 9-3-1945, Nhật đảo chính Pháp, độc chiếm Đông Dương, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Thực hiện Chỉ thị, một cao trào cách mạng đã xuất hiện ở nhiều nơi; Khu giải phóng Việt Bắc gồm 6 tỉnh được thành lập kêu gọi đồng bào dũng cảm tiến lên dưới ngọn cờ của Việt Minh hãy “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”.

Đình Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, nơi diễn ra Quốc dân Đại hội do Việt Minh triệu tập vào tháng 8-1945, quyết định Tổng khởi nghĩa, bầu ra Ủy ban dân tộc giải phóng do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.
Đình Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, nơi diễn ra Quốc dân Đại hội do Việt Minh triệu tập vào tháng 8-1945, quyết định Tổng khởi nghĩa, bầu ra Ủy ban Dân tộc giải phóng do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.

Ngày 25-3-1945, Mặt trận Việt Minh phát động một cao trào kháng Nhật cứu nước trên khắp cả nước, Báo Cờ giải phóng số 11 (ngày 25-3-1945) đăng lời Hiệu triệu của các đoàn thể cứu quốc trong Việt Minh, phát động một cao trào kháng Nhật cứu nước. Lời Hiệu triệu nêu rõ cần lãnh đạo, hướng dẫn quần chúng nhân dân chuyển qua các hình thức đấu tranh cao, như: Biểu tình chính trị, tiến hành thị uy võ trang, mít tinh công khai giữa đình hay giữa chợ... Từ đó, nhiều nơi quần chúng thợ thuyền tự động bãi công, học sinh bãi khóa... Uy tín của Mặt trận Việt Minh tăng lên và các tổ chức của nó phát triển rất nhanh. Đến giữa năm 1945, Việt Minh đã có 5 triệu hội viên.

Đại hội Quốc dân do Tổng bộ Việt Minh triệu tập họp ở Tân Trào (tỉnh Tuyên Quang) trong 2 ngày 16 và 17-8-1945 đã nhiệt liệt tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa do Đảng Cộng sản kiến nghị, thông qua Lệnh khởi nghĩa và 10 chính sách lớn của Việt Minh, quyết định Quốc kỳ, Quốc ca. “Đại hội đã cử ra Ủy ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam, sau này trở thành Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” do lãnh tụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch; trong vòng 2 tuần lễ chính quyền địch hoàn toàn sụp đổ, Ủy ban nhân dân lâm thời được thành lập khắp các địa phương trong cả nước. Ngày 2-9-1945 tại Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam).

Từ khi ra đời, Mặt trận Việt Minh luôn giương cao ngọn cờ tập hợp, đoàn kết hết thảy các tầng lớp nhân dân không phân biệt tôn giáo và xu hướng chính trị để thực hiện cho được mục tiêu cao nhất là dân tộc giải phóng. Mặt trận Việt Minh đã hoàn thành xuất sắc vai trò của mình là ngọn cờ tập hợp, đoàn kết tất cả dân tộc Việt Nam thành một khối thống nhất tạo thành sức mạnh khổng lồ tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 thành công.

Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 - 1951), Mặt trận Việt Minh vẫn luôn giương cao ngọn cờ đoàn kết toàn dân, phát triển các đoàn thể cứu quốc trên khắp cả nước. Sau năm 1951, Mặt trận Việt Minh hợp nhất với Liên Việt thành Mặt trận Liên Việt, kháng chiến chống thực dân Pháp giành thắng lợi, lập lại hòa bình ở Đông Dương, giải phóng hoàn toàn miền Bắc (năm 1954). Đoàn kết trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam, tạo sức mạnh để nhân dân ta “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975.

HÀ ANH (tổng hợp)

 


 

.
.
.