.

"Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu"

Cập nhật: 09:11, 07/05/2021 (GMT+7)

Không phải ngẫu nhiên mà danh từ “Điện Biên Phủ” có tên trong từ điển bách khoa quân sự thế giới. Hơn 6 thập kỷ trước, với sức mạnh trí tuệ và bản lĩnh anh hùng, quân và dân ta đã “lấy yếu chống mạnh, lấy ít địch nhiều”, giành toàn thắng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, kết thúc 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Ba tiếng Điện Biên Phủ đã trở thành niềm tự hào và biểu tượng của sức mạnh Việt Nam.

Thời gian đã lùi xa, nhưng chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” mãi mãi là một mốc son chói lọi trong lịch sử và niềm tự hào của dân tộc Việt Nam; là sức mạnh tinh thần, nguồn cổ vũ, động viên to lớn; đồng thời để lại nhiều bài học quý giá đối với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay và mai sau.

THIÊN SỬ VÀNG ĐIỆN BIÊN PHỦ

Thực hiện đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài, dựa vào sức mình là chính, với vũ khí thô sơ và tinh thần “cảm tử để Tổ quốc quyết sinh”, quân và dân ta đã lần lượt đánh bại các chiến lược quân sự của thực dân Pháp.

Trong số đó, chiến thắng Việt Bắc - Thu Đông (năm 1947) là đòn quyết định làm thất bại hoàn toàn chiến lược đánh nhanh, thắng nhanh của địch, bảo vệ an toàn căn cứ địa cách mạng và đầu não kháng chiến; chiến thắng Biên giới (năm 1950) đã tạo ra một bước chuyển cơ bản cho cuộc kháng chiến bước vào giai đoạn mới, chuyển hẳn sang liên tục tấn công và phản công địch…

Bộ Chính trị tổ chức cuộc họp dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh để nghe Tổng Quân ủy báo cáo và duyệt lần cuối kế hoạch tác chiến Đông - Xuân 1953 - 1954, đồng thời quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ với quyết tâm tiêu diệt bằng được tập đoàn cứ điểm này.Ảnh: Tư liệu TTXVN
Bộ Chính trị tổ chức cuộc họp dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh để nghe Tổng Quân ủy báo cáo và duyệt lần cuối kế hoạch tác chiến Đông - Xuân 1953 - 1954, đồng thời quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ với quyết tâm tiêu diệt bằng được tập đoàn cứ điểm này.Ảnh: Tư liệu TTXVN

Theo đánh giá của tướng H.Navarre và các nhà quân sự Pháp, Mỹ: “Điện Biên Phủ là một vị trí chiến lược quan trọng đối với chiến trường Đông Dương và cả miền Đông Nam Á, nằm trên trục giao thông nối liền các miền biên giới của Lào, Thái Lan, Miến Điện (Myanmar) và Trung Quốc.

Từ Điện Biên Phủ, quân Pháp có thể bảo vệ được Lào, rồi từ đó đánh chiếm lại các vùng đã mất ở Tây Bắc trong những năm 1952 - 1953 và tạo điều kiện thuận lợi để tiêu diệt các sư đoàn chủ lực của Việt Nam”. Do đó, chúng liên tiếp tăng cường lực lượng, xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương.

Trước âm mưu của địch, tháng 9-1953, Bộ Chính trị họp bàn và quyết định mở cuộc tiến công chiến lược Đông - Xuân với phương châm: Tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt, tiêu diệt sinh lực địch, bồi dưỡng lực lượng ta, chọn nơi địch sơ hở và nơi tương đối yếu mà đánh, đẩy mạnh chiến tranh du kích, giữ vững thế chủ động, kiên quyết buộc địch phải phân tán lực lượng.

Bộ Chính trị đã quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Trung ương Đảng quyết định thành lập Đảng ủy và Bộ Chỉ huy mặt trận Điện Biên Phủ do đồng chí Võ Nguyên Giáp, Ủy viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng trực tiếp làm Bí thư Đảng ủy và Chỉ huy trưởng mặt trận.

Bộ Chính trị và Tổng Quân ủy đã quyết định tập trung 4 đại đoàn bộ binh, 1 đại đoàn công pháo với tổng quân số trên 40.000 quân. Các đơn vị bộ đội chủ lực nhanh chóng tập kết, ngày đêm bạt rừng, xẻ núi mở đường, kéo pháo, xây dựng trận địa, sẵn sàng tiến công địch.

Với những nỗ lực cao nhất, Việt Nam đã dồn hết sức người, sức của cho Chiến dịch Điện Biên Phủ. Nhiều tầng lớp nhân dân hăng hái lên đường tham gia Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Và đã có biết bao tấm gương hy sinh trên đường ra trận, nhiều anh hùng quên mình xả thân cho cuộc kháng chiến.

… "Sau 56 ngày đêm chiến đấu ác liệt, chiến dịch lịch sử đã thu được toàn thắng. Tôi ngả mình trên chiếc đệm cỏ tranh thao thức mãi không sao ngủ được. Giờ này, Bác và Trung ương đã được tin. Ngày mai, chắc bộ đội sẽ nhận được thư khen của Bác. Anh Phạm Văn Đồng đã có mặt ở Giơ-ne-vơ, sẽ có một tư thế mới để bước vào hội nghị. Các đồng chí của ta và các đồng chí Liên Xô, Trung Quốc đều mong đợi tin này hàng giờ... Lá cờ Tổ quốc được nhân dân ta nêu cao trên chiến trường lịch sử. Quân đội ta lớn lên nhanh quá. Kế hoạch Nava coi như đã thành mây khói. Cục diện sẽ đổi mới. Điện Biên Phủ xong rồi, nay mai sẽ tiếp tục đánh ở đâu? Niềm vui làm tôi mất gần trọn giấc ngủ đêm hôm đó…”.

ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP

Đầu tháng 3-1954, thời gian chuẩn bị mọi mặt cho cuộc tiến công vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ với phương châm “đánh chắc, tiến chắc” đã hoàn thành. Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ có tất cả 49 cứ điểm, được chia làm ba phân khu. Trên chiến trường, ta mở ba đợt tiến công vào Điện Biên Phủ.

Đợt một của Chiến dịch Điện Biên Phủ mở màn ngày 13-3-1954, với trận tiêu diệt cụm cứ điểm Him Lam thuộc vòng ngoài Phân khu Bắc của tập đoàn cứ điểm. Đợt hai diễn ra ngày 30-3-1954, đánh vào phân khu trung tâm. Đợt ba chiến dịch diễn ra ngày 1-5 và kết thúc ngày 7-5-1954, đánh chiếm các cứ điểm phía Đông và tổng công kích tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Sau 56 ngày đêm chiến đấu ngoan cường, dũng cảm, quân và dân ta đã tiêu diệt toàn bộ Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, buộc thực dân Pháp phải ngồi vào bàn Hội nghị cùng ký Hiệp định Giơ-ne-vơ chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược (1945 - 1954) ở Đông Dương, miền Bắc Việt Nam được hoàn toàn giải phóng.

Hiệp định Giơ-ne-vơ đã tạo được cục diện mới, tạo tiền đề và cơ sở pháp lý rất quan trọng để dân tộc Việt Nam tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 -1975).

THANH NIÊN XUNG PHONG GÓP NÊN TRANG SỬ VÀNG

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, trải qua 56 ngày đêm gian khổ, lực lượng Thanh niên xung phong (TNXP) - một đội quân đặc biệt, luôn có mặt ở những nơi khó khăn, gian khổ nhất, đã góp phần quan trọng làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ.

Trong khí thế sôi sục và hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng “tất cả cho tiền tuyến”, “tất cả cho Điện Biên Phủ, tất cả để chiến thắng”, hàng vạn người dân đã hăng hái làm đơn tình nguyện xung phong tham gia lực lượng xung kích phục vụ chiến dịch, trở thành lực lượng TNXP. Họ là những thanh niên còn rất trẻ. Họ hoặc đang ngồi trên ghế nhà trường, hoặc đang làm việc trong các cơ quan, nhà máy, xí nghiệp...

Và với gần 20.000 TNXP tham gia trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, họ đã trở thành lực lượng sát cánh với bộ đội, có mặt ở những nơi khó khăn, gian khổ nhất, tham gia trực tiếp các nhiệm vụ quan trọng, như mở đường, chỉ dẫn đường cho bộ đội hành quân chiến đấu; rà phá bom các loại, san lấp hố bom với hàng chục nghìn m3 đất, đá... ngày đêm đảm bảo cho giao thông thông suốt; vận chuyển hàng ngàn tấn lương thực, vũ khí...

Trong mưa bom, bão đạn, cùng sự khắc nghiệt của điều kiện tự nhiên miền Tây Bắc, lực lượng TNXP đã sáng tạo ra biết bao phương thức độc đáo để “xẻ núi, bạt đồi, đào hầm, san lấp hố bom, làm đường cho xe qua, rà phá bom mìn và các vật cản đường hành quân, vận chuyển lương thực, vũ khí, đạn dược, chất nổ và vận tải cứu thương”.

Ngoài bộ phận lớn phục vụ ở tuyến giữa, TNXP còn cử một bộ phận ở hỏa tuyến làm nhiệm vụ tải đạn, khiêng thương binh, trông giữ tù binh, làm giao thông liên lạc từ trung tuyến đến hỏa tuyến.

Sau khi các trận đánh kết thúc, các đội viên TNXP làm nhiệm vụ thu dọn chiến trường, giải quyết công tác thương binh, tử sĩ... Đặc biệt, khi chiến dịch diễn ra quyết liệt, lực lượng TNXP đã bổ sung cho quân đội 8.000 quân trực tiếp chiến đấu.

Đặc biệt, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, việc đảm bảo giao thông “mạch máu” của chiến dịch được thông suốt, có ý nghĩa góp phần quyết định thắng lợi. Đội 34 và Đội 40 của lực lượng TNXP đã bố trí quân dọc suốt chặng đường dài khoảng 300 km từ Mộc Châu đến Điện Biên Phủ với nhiệm vụ quan trọng nhất là mở đường, bắc cầu, phá bom nổ chậm, bảo đảm giao thông thông suốt trong mọi tình huống.

Với khẩu hiệu “TNXP có thể hy sinh, nhưng quyết không để huyết mạch giao thông bị tắc,” “không để tắc đường quá 4 tiếng/ngày”…, nên cứ sau mỗi trận địch đánh phá, thả bom xuống phá đường, anh em trong đội TNXP quyết tâm thông đường sau hai tiếng đồng hồ.

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, lực lượng TNXP cùng bộ đội, dân công đã sửa chữa và mở rộng 3.300 km đường, phá hàng ngàn quả bom nổ chậm, đảm bảo giao thông tại 60 bến phà. Với những chiến công và thành tích xuất sắc đó, lực lượng TNXP đã được Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng thưởng nhiều Huân chương, Huy chương cao quý.

HỒNG LÊ (tổng hợp)

.
.
.