Thứ Sáu, 21/05/2021, 08:14 (GMT+7)
.

Nêu cao nhận thức bầu cử, ngăn chặn các luận điệu sai trái

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 là sự kiện chính trị trọng đại của đất nước, là ngày hội của toàn dân, là dịp để cử tri cả nước lựa chọn, bầu ra những đại biểu ưu tú, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong các cơ quan quyền lực Nhà nước ở Trung ương và địa phương nhiệm kỳ mới, góp phần tích cực trong xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Thời gian qua, sau khi Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 45-CT/TW, ngày 20/6/2020 về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu HĐND các cấp đến nay, các thế lực thù địch và số phần tử cơ hội, bất mãn, chống đối chính trị không ngừng gia tăng các hoạt động chống phá nhằm vào quy trình tổ chức cuộc bầu cử. Các đối tượng lan truyền, phát tán các quan điểm sai trái, thù địch, phủ định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Quốc hội cũng như cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu HĐND.

Trong thời gian chuẩn bị diễn ra cuộc bầu cử, họ tung ra hàng loạt quan điểm sai trái, thù địch nhằm công kích vào vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với công tác tổ chức bầu cử, lên án “Cuộc bầu cử do Đảng lãnh đạo là không chính danh, không đúng quy định của pháp luật, là ngăn cản quyền bầu cử của công dân”, “đã là cơ quan dân cử thì Đảng Cộng sản không nên can thiệp vào công việc của Quốc hội”, “bầu cử chỉ là màn kịch dân chủ do chính Đảng Cộng sản đạo diễn, chỉ là hội nghị Đảng Cộng sản mở rộng”, “Đảng Cộng sản đang độc diễn trong bầu cử”, “sẽ không bao giờ có dân chủ, công khai, minh bạch khi Đảng Cộng sản lãnh đạo cuộc bầu cử”…

Từ đó, các phần tử chống đối đòi hỏi “Đảng Cộng sản Việt Nam không được tham gia công tác bầu cử cũng như lãnh đạo công tác bầu cử”. Đồng thời kêu gọi “Đảng phải tự rút lui và từ bỏ quyền lãnh bầu cử, chấp nhận đa nguyên, đa đảng, chấp nhận sự cạnh tranh với các đảng khác để đảm bảo dân chủ…”.

Qua việc tung ra những luận điệu trên cho thấy rõ ý đồ thâm độc của các tổ chức, cá nhân chống đối là nhằm chia rẽ Đảng Cộng sản Việt Nam với Quốc hội; hạ uy tín, phủ định vai trò lãnh đạo của Đảng với hoạt động của Quốc hội, quá trình tổ chức cuộc bầu cử cũng như đối với sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN ở nước ta.

Quan điểm sai trái, thù địch phê phán, bác bỏ vai trò, vị trí, chức năng của Quốc hội và HĐND các cấp, hướng đến xóa bỏ cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 cả trên phương diện lý luận và thực tiễn. Các thế lực thù địch, chống đối không ngừng gieo rắc những thông tin sai trái, lệch lạc như: “Sự tồn tại của Quốc hội trong hệ thống chính trị Việt Nam chỉ có ý nghĩa “tượng trưng”; đả kích, phủ nhận vai trò thực chất và hiệu quả hoạt động của Quốc hội và HĐND các cấp, đặc biệt là trong lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề trọng đại của đất nước. Các đối tượng loan tin bịa đặt, xuyên tạc “việc tổ chức các kỳ họp Quốc hội và HĐND là không cần thiết, lãng phí ngân sách của Nhà nước”, “hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, trao đổi, thảo luận trong phạm vi nghị trường của Quốc hội là hình thức, theo kiểu nói xong, kết luận xong, xếp vào ngăn bàn”.

Không chỉ vậy, các đối tượng còn đưa ra những quan điểm phủ định những thành tựu của Quốc hội và HĐND qua các thời kỳ cách mạng; hạ uy tín, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm và sự đóng góp của các đại biểu Quốc hội, nhất là đại biểu đang nắm giữ các vị trí chủ chốt, trọng yếu trong các cơ quan Đảng, Nhà nước.

Từ đó, các đối tượng đi đến kết luận “Quốc hội chưa xứng tầm là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân”, đòi phải tổ chức bầu cử Quốc hội theo mô hình của các nước phương Tây.

Họ tập trung tuyên truyền, bác bỏ quan điểm, chủ trương trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác bầu cử của Đảng, Chính phủ và các cơ quan chức năng, khi cho rằng: “Nhân sự Quốc hội khóa XV đã “an bài” vì các phe nhóm của Đảng đã ngấm ngầm thỏa hiệp, phân chia; việc bầu cử chỉ là để hợp thức hóa việc “xếp ghế” cho nhân sự trong Quốc hội”.

Cùng với đó, các phần tử cơ hội, bất mãn, chống đối tích cực đưa ra những “kiến nghị”, “tuyên bố” vô căn cứ về số lượng, cơ cấu đại biểu Quốc hội. Các đối tượng rêu rao: “Việc quy định con số và tỷ lệ đại biểu do Đảng áp đặt là tùy tiện, trái Hiến pháp”, “cần phải “cân bằng quyền lực” trong Quốc hội bằng cách chia nửa số ghế cho những người ngoài Đảng” (tỷ lệ người ngoài Đảng phải đảm bảo 50% số ghế trong Quốc hội thay vì 5 đến 10% theo Nghị quyết 1185/NQ-UBTVQH14).

Các đối tượng phê phán quy chế bầu cử theo phương thức “đảng cử, dân bầu” là lỗi thời, tùy tiện, trái quy định của Hiến pháp, không bảo đảm dân chủ trong bầu cử, từ đó nêu ra yêu sách đòi xóa bỏ cơ chế bầu cử hiện tại, thay vào đó là mô hình bầu cử như đã từng diễn ra ở các nước phương Tây, cho rằng có như vậy mới là “ưu việt” và “dân chủ”.

Khi thời điểm diễn ra cuộc bầu cử đến gần, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị không ngừng gia tăng tuyên truyền, phổ biến, tán phát các quan điểm sai trái, thù địch trên quy mô, phạm vi ngày càng lớn với tính chất, mức độ quyết liệt, nguy hiểm. Do vậy, cần nhận thức và thực hiện tốt một số vấn đề sau:

Một là, cần nhận thức rõ về vai trò, vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 -2026 trong toàn Đảng, toàn dân. Trong đó, trước hết, mỗi cấp, mỗi ngành, đoàn thể xã hội cần chủ động quán triệt sâu sắc, toàn diện, triệt để những nội dung có tính chính trị và pháp lý trong các văn bản của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các cơ quan chức năng về cuộc bầu cử. Góp phần duy trì, phát huy sự đoàn kết, đồng thuận cao về tư tưởng và hành động của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân trong quá trình tổ chức cuộc bầu cử.

Hai là, chủ động làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, định hướng dư luận trong toàn xã hội về cuộc bầu cử. Tuyên truyền, phổ biến sâu rộng quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến cuộc bầu cử; chú trọng tuyên truyền về quyền, nghĩa vụ, vai trò, trách nhiệm của mỗi cơ quan, đơn vị, tổ chức, mỗi cán bộ, đảng viên và người dân khi tham gia cuộc bầu cử, góp phần xây dựng Quốc hội nói riêng, bộ máy nhà nước nói chung ngày càng trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả…

 Ba là, chủ động tổ chức đấu tranh, phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch chống phá cuộc bầu cử. Công tác này cần gắn chặt với việc thực hiện nghiêm và hiệu quả Nghị quyết số 35 – NQ/TW, ngày 28/10/2018 của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.

Bốn là, trên cơ sở phương án, kế hoạch bảo đảm an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội trong suốt thời gian diễn ra cuộc bầu cử, các cơ quan chức năng cần chủ động nắm tình hình, phát hiện sớm âm mưu, ý đồ, hoạt động của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị truyền bá quan điểm sai trái, thù địch chống phá cuộc bầu cử; có hướng ngăn chặn và xử lý kịp thời, không để cán bộ, đảng viên và người dân bị tiêm nhiễm, lôi kéo, dẫn đến có các hành vi sai lệch, đi ngược lại với lợi ích của dân tộc, của Nhà nước và nhân dân.

Năm là, chủ động nắm chắc diễn biến, tình hình dư luận trong nội bộ và ngoài xã hội về công tác chuẩn bị tổ chức cũng như tại thời điểm diễn ra cuộc bầu cử. Trong đó, các cấp ủy Đảng, lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, chính quyền cơ sở có trách nhiệm đi sâu nắm diễn biến về tư tưởng, quan điểm và thái độ chính trị của cán bộ, đảng viên và nhân dân đơn vị, địa phương công tác đối với quá trình tổ chức bầu cử. Kịp thời phát hiện những vướng mắc trong tư tưởng, biểu hiện lệch lạc trong nhận thức; những ý kiến, quan điểm khác với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội và các cơ quan chức năng về cuộc bầu cử…

Sáu là, chủ động rà soát, phát hiện, xử lý những sơ hở, thiếu sót trong công tác tổ chức cuộc bầu cử, tránh để các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị lợi dụng tuyên truyền, tán phát các quan điểm sai trái, thù địch chống phá bầu cử. Trong đó, duy trì và đề cao tính bình đẳng, dân chủ, công khai, minh bạch, chặt chẽ, đúng quy trình, đảm bảo tuân thủ Hiến pháp và pháp luật trong tất cả các khâu của quá trình tổ chức bầu cử.

Theo Báo Công an nhân dân

 

.
.
.