Thứ Bảy, 12/06/2021, 08:07 (GMT+7)
.
ĐƯA NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI XI ĐẢNG BỘ TỈNH TIỀN GIANG VÀO CUỘC SỐNG

Nỗ lực đưa Tiền Giang trở thành tỉnh phát triển trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 -2025, đặt ra mục tiêu cụ thể là đến năm 2025, Tiền Giang trở thành tỉnh phát triển trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Để đạt được mục tiêu này, Nghị quyết cũng xác định từng chỉ tiêu cụ thể như tăng trưởng kinh tế bình quân 7% - 7,5%/năm; GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt 91,5 - 93,5 triệu đồng, chưa kể giá trị kim ngạch xuất khẩu hay tổng thu ngân sách nhà nước…

TÌM Ý TƯỞNG MỚI TRONG PHÁT TRIỂN

Tất nhiên, để đạt được các chỉ tiêu cụ thể này cần sự nỗ lực, phấn đấu của nhiều ngành, địa phương. Trên cơ sở Nghị quyết, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Theo đó, UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng ngành, địa phương để triển khai thực hiện theo từng lộ trình cụ thể. Theo đó, nội dung trọng tâm là kế thừa những kinh nghiệm đã được đúc kết từ công tác chỉ đạo, điều hành trong suốt quá trình phát triển.

Thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục tập trung các giải pháp huy động tối đa các nguồn lực, khai thác tốt hơn nữa những tiềm năng, lợi thế để đưa Tiền Giang vững bước tiến lên, sớm trở thành tỉnh phát triển trong vùng như mục tiêu Nghị quyết Đại hội đề ra.

Tập trung đầu tư, thu hút đầu tư các công trình trọng điểm góp phần đưa Tiền Giang trở thành tỉnh phát triển trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.                                                                       Ảnh: DUY NHỰT
Tập trung đầu tư, thu hút đầu tư các công trình trọng điểm góp phần đưa Tiền Giang trở thành tỉnh phát triển trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Ảnh: DUY NHỰT

Một trong những điểm nhấn được UBND tỉnh giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư là tập trung xây dựng và tổ chức triển khai Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để làm căn cứ triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Kế hoạch đầu tư công 5 năm và hằng năm.

Bên cạnh đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư cần thực hiện kịp thời công tác tư vấn, nghiên cứu xây dựng Quy hoạch theo cách tiếp cận mới, theo hướng tích hợp các quy hoạch, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong định hướng phát triển..., nhất là phải tìm ra ý tưởng mới nhằm khai thác ngày càng tốt hơn tiềm năng lợi thế của tỉnh, gắn với lộ trình thực hiện các Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, Tái cấu trúc ngành Công nghiệp, Nghị quyết 10 của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế - đô thị 3 vùng, Nghị quyết 11 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch.

Đồng thời, tỉnh cũng giao Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát hướng đến sẽ loại bỏ các quy hoạch chồng chéo, cản trở đầu tư phát triển; tạo bước đột phá trong cải cách thủ tục hành chính, đảm bảo công khai, minh bạch, công bằng trong huy động, tiếp cận cũng như phát huy tối đa các nguồn lực trong đầu tư phát triển.

Trong định hướng phát triển, tỉnh cũng sẽ tập trung rà soát, điều chỉnh quy hoạch và có định hướng đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng để phát triển 2 vùng công nghiệp Đông Nam Tân Phước và Gò Công, với các dự án ưu tiên đầu tư: Khu công nghiệp Soài Rạp, Khu công nghiệp Bình Đông, Cụm công nghiệp Mỹ Lợi, Cụm công nghiệp Gia Thuận 2, Cụm công nghiệp Thạnh Tân...; tập trung thu hút đầu tư, phát triển các dự án khu nhà ở, khu đô thị mới tại TP. Mỹ Tho, TX. Cai Lậy, TX. Gò Công và huyện Châu Thành, huyện Cái Bè...

Đồng thời, tỉnh cũng tập trung huy động nguồn vốn tư nhân đầu tư phát triển chợ theo hướng xã hội hóa; tập trung phát triển khu dịch vụ giáo dục và đào tạo gắn kết với Trường Đại học Tiền Giang, Khu dịch vụ y tế gắn kết với Bệnh viện Đa khoa tỉnh... và chuẩn bị các điều kiện để thu hút đầu tư phát triển du lịch gắn với 3 vùng sinh thái của tỉnh...

Ở phía cạnh khác, tỉnh giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư tập trung rà soát, nghiên cứu tham mưu cho UBND tỉnh ban hành cơ chế, chính sách đầu tư thông thoáng, một mặt phải triển khai thực hiện tốt các chính sách ưu đãi đầu tư của Trung ương áp dụng trên địa bàn; mặt khác cũng cần nghiên cứu, ban hành và thực hiện chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc thù của tỉnh trong phạm vi thẩm quyền cho phép, bên cạnh kiến tạo môi trường đầu tư thông thoáng.

Liên quan đến khía cạnh này, trao đổi gần đây, lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong giai đoạn 2020 - 2025, tỉnh đề ra mục tiêu thu hút 180 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký 79.000 tỷ đồng, tăng 58 dự án, vốn đầu tư dự kiến gấp 2,14 lần so với giai đoạn 2015 - 2020 và tập trung vào các ngành, lĩnh vực trọng tâm của tỉnh.

Chẳng hạn, trong lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh tập trung thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, chú trọng thu hút đầu tư các dự án chế biến nông sản, nhất là trái cây để góp phần ổn định đầu ra và nâng cao giá trị của hàng hóa nông sản, trái cây - đây là thế mạnh của tỉnh; tập trung thu hút, khai thác các khu đất công: Khu 65 ha tại xã Tam Hiệp (huyện Châu Thành), Khu 200 ha ở huyện Tân Phước, Khu 200 ha quy hoạch phát triển chăn nuôi tại xã Thạnh Hòa (huyện Tân Phước), Khu 352 ha quy hoạch nuôi thủy sản tại xã Phú Tân (huyện Tân Phú Đông)…

ĐỘNG LỰC TĂNG TRƯỞNG

Đầu tư hạ tầng, đẩy nhanh các dự án đầu tư mang tính trọng điểm nhằm tạo động lực trong phát triển kinh tế, tăng thu ngân sách cũng là một trong những nội dung quan trọng góp phần đưa Tiền Giang trở thành tỉnh phát triển trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam vào năm 2025. Dựa trên định hướng này, nhiều chiến lược phát triển hạ tầng giao thông cũng được ngành Giao thông Vận tải tính toán.

Theo Sở Giao thông Vận tải, trong những năm tới ngành sẽ tập trung đầu tư hoàn thành các dự án công trình giao thông liên kết với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Tiểu vùng Đồng Tháp Mười và Tiểu vùng duyên hải phía Đông như: Tuyến đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, cầu Mỹ Thuận 2, cầu Rạch Miễu 2, mở rộng kinh Chợ Gạo giai đoạn 2. Tiền Giang cũng sẽ phối hợp với tỉnh Long An mời gọi đầu tư Dự án Trục đô thị TP. Hồ Chí Minh - Long An - Tiền Giang. Chưa kể, nhiều dự án giao thông kết nối các địa phương trong tỉnh nhằm phát huy vai trò các đô thị trung tâm cùng với giao thông thủy và hệ thống logistics cũng được tính toán đầu tư phù hợp.

Nhìn ở phía cạnh khác, muốn tăng thu ngân sách, cải thiện thu nhập, tạo nguồn lực đầu tư xã hội…, việc tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình, dự án lớn trên địa bàn tỉnh, kết hợp với công tác chỉnh trang đô thị là một trong những mục tiêu quan trọng.

Theo định hướng của tỉnh, tiếp sau Dự án Khu phức hợp tại khu đất Nhà Thiếu nhi tỉnh (cũ), Dự án Khách sạn Central Plaza, Cảng Du thuyền, tỉnh sẽ tập trung phát triển khu đô thị phía Bắc Quốc lộ 50 gắn kết với Quảng trường Trung tâm tỉnh, Dự án Khu dân cư An Hòa, Đường Hùng Vương nối dài và khu dân cư 2 bên đường, Dự án Đường Trần Hưng Đạo nối dài và khu dân cư 2 bên đường ở khu vực xã Đạo Thạnh.

Trong định hướng phát triển, tỉnh sẽ tính toán triển khai các dự án tại khu dân cư dọc sông Tiền như: Khách sạn, phố đi bộ, phố ẩm thực, Trung tâm Thương mại dịch vụ phức hợp; các dự án gắn với khai thác khu quy hoạch Dự án Công viên Trái cây Cái Bè...; đồng thời, đầu tư chỉnh trang và nâng cấp Công viên Tết Mậu Thân xứng tầm đô thị loại I; nghiên cứu triển khai Dự án Kè kết hợp với đường dọc kinh Bảo Định; tập trung phát triển vùng công nghiệp Đông Nam Tân Phước và Gò Công, trước mắt là Khu công nghiệp Soài Rạp, Khu công nghiệp Bình Đông cùng các cụm công nghiệp…

N.T

.
.
Liên kết hữu ích
.