.

Hành trình vĩ đại của con người vĩ đại

Cập nhật: 09:27, 05/06/2021 (GMT+7)

(ABO) Ngày 5-6-1911, Bến cảng Nhà Rồng ghi dấu sự kiện có ý nghĩa là cột mốc khởi đầu đặc biệt của lịch sử cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX. Nơi đây, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã lựa chọn là nơi ra đi tìm đường cứu nước mang theo lý tưởng và hy vọng vào một ngày không xa độc lập, tự do, bình đẳng, bác ái sẽ đến với đất nước, con người Việt Nam.

Tháng 6-1911, Nguyễn Tất Thành nói với người bạn thân về chuyến ra đi nước ngoài của mình: “Tôi muốn đi ra ngoài, xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta”.

Bến cảng Nhà Rồng đầu thế kỷ XX, nơi Nguyễn Tất Thành rời Tổ quốc đi tìm đường cứu nước.
Bến cảng Nhà Rồng đầu thế kỷ XX, nơi Nguyễn Tất Thành rời Tổ quốc đi tìm đường cứu nước.

Với cái tên Văn Ba ghi trên thẻ nhân viên của tàu Amiran Latutsơ Tơrêvin (Amiral Latouche Tréville), một tàu lớn vừa chở hàng, vừa chở khách của hãng Năm Sao, ngày 5- 6-1911, Nguyễn Tất Thành từ cảng Nhà Rồng, TP. Sài Gòn (nay là TP. Hồ Chí Minh) rời Tổ quốc sang Pháp. Về mục đích chuyến đi này, hơn 10 năm sau, Nguyễn Tất Thành đã trả lời nhà thơ, nhà báo Nga Ôxíp Manđenxtam rằng: “Vào trạc tuổi mười ba, lần đầu tiên tôi được nghe những từ tự do, bình đẳng, bác ái. Người Pháp đã nói thế và từ thuở ấy, tôi rất muốn với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn giấu đằng sau những từ ấy.

Tàu Đô đốc Latútsơ Tơrêvin (L’Admiral Latouche Trévill), nơi Nguyễn Tất Thành làm phụ bếp khi rời Tổ quốc đi tìm đường cứu nước (6-1911).
Tàu Đô đốc Latútsơ Tơrêvin (L’Admiral Latouche Trévill), nơi Nguyễn Tất Thành làm phụ bếp khi rời Tổ quốc đi tìm đường cứu nước (6-1911).

Nguyễn Tất Thành nhận làm bồi tàu, thủy thủ để có điều kiện được đi. Từ cảng Nhà Rồng, anh đã đi qua Singapore, Colombo, vượt Hồng hải, qua Suez đến cảng Saïd, Marseille, Le Havre. Từ Pháp, anh trở lại Sai-gòn, rồi đi vòng quanh châu Phi, qua các nước Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Algérie, Tunisie, trở lại các cửa biển Đông Phi, vòng qua Congo, Dahomey, Guinée, Sénégal, vượt Đại Tây Dương tới Hoa Kỳ, vòng xuống Nam Mỹ, tới Arhentina…Sau đó, trở lại Anh, về Pháp, qua Đức, tới Liên Xô, về Trung Quốc, sang Thái Lan… tất cả hơn 30 nước.

 Khách sạn Carlton ở Luân Đôn, nước Anh, nơi Nguyễn Tất Thành làm thuê trong những năm 1914-1917.
Khách sạn Carlton ở Luân Đôn, nước Anh, nơi Nguyễn Tất Thành làm thuê trong những năm 1914-1917.

Có thể nói, vào đầu thế kỷ XX, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh là một trong số rất ít các nhà cách mạng đương thời có điều kiện đi nhiều, có một vốn hiểu biết khá tường tận về chủ nghĩa đế quốc và hệ thống thuộc địa của chúng. Bản thân là người dân thuộc điạ, ra nước ngoài hòa mình vào cuộc sống lao động và đấu tranh của vô sản ở chính quốc, có gần 10 năm bôn ba, khảo sát các thuộc địa của đế quốc Anh, Pháp, Đức - từ châu Á, châu Phi đến châu Mỹ la tinh, nên có hiểu biết về bản chất chung và màu sắc riêng của mỗi nước đế quốc cũng như trình độ phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội khác nhau giữa các nước thuộc địa.

Tại Đại hội toàn quốc Đảng Xã hội Pháp ở thành phố Tua (Pháp) tháng 12-1920, đồng chí Nguyễn Ái Quốc trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp.
Nguyễn Ái Quốc phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 18 Đảng Xã hội Pháp, ủng hộ Luận cương của Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa. Người tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp và trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên vào tháng 12-1920.
Ngôi nhà số 9, ngõ hẻm Com Poăng (Pari), nơi Người trọ từ năm 1920 đến năm 1923.
Ngôi nhà số 9, ngõ hẻm Com Poăng (Pari), Pháp nơi Người trọ từ năm 1921 đến năm 1923.
Danh thiếp thợ ảnh của Nguyễn Ái Quốc trong thời kỳ hoạt động ở Paris, Pháp (1919-1923). Viên gạch, Nguyễn Ái Quốc dùng để sưởi ấm trong những ngày đông giá lạnh ở Paris, Pháp.
Danh thiếp thợ ảnh và viên gạch, Nguyễn Ái Quốc dùng để sưởi ấm trong những ngày đông giá lạnh ở Paris, Pháp.

Nhờ vốn hiểu biết thực tế đó, cùng với một năng lực tư duy độc lập, tự chủ, đã giúp Người không rơi vào các khuynh hướng cơ hội nhưng cũng không dễ dàng chấp nhận một cách giáo điều những công thức lý luận không phù hợp với thực tế các nước thuộc địa, nhất là ở phương Đông.

Báo Người cùng khổ (Le Paria), Cơ quan Ngôn luận của Hội Liên hiệp thuộc địa do Nguyễn Ái Quốc và một số nhà cách mạng sáng lập, phát hành trong những năm 1922 - 1926.
Báo Người cùng khổ (Le Paria), Cơ quan Ngôn luận của Hội Liên hiệp thuộc địa do Nguyễn Ái Quốc và một số nhà cách mạng sáng lập, phát hành trong những năm 1922 - 1926.

Tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp rồi với Lênin và Cách mạng tháng Mười, Nguyễn Ái Quốc đã tìm ra con đường đúng đắn cho sự nghiệp cứu nước, giải phóng dân tộc. Người nóng lòng trở về Tổ quốc, “ đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, tổ chức họ, đoàn kết họ, huấn luyện họ, đưa họ ra đấu tranh giành tự do, độc lập”.

Nguyễn Ái Quốc ở Liên Xô năm 1923.
Nguyễn Ái Quốc ở Liên Xô năm 1923.
Nguyễn Ái Quốc chụp ảnh một số đại biểu dự Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ V (7-1924).
Nguyễn Ái Quốc chụp ảnh một số đại biểu dự Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ V (7-1924).

Sau nhiều năm dày công chuẩn bị về chính trị và tổ chức cho việc thành lập Đảng, đào tạo và huấn luyện cán bộ cho cách mạng Việt Nam, để chủ động đón thời cơ giải phóng dân tộc đang đến gần, ngày 28-1-1941, Người đã vượt qua biên giới Việt - Trung, đặt chân lên mảnh đất địa đầu của Tổ quốc thân yêu sau 30 năm xa cách.

Tranh vẽ Bác Hồ về nước ngày 28-1-1941.
Tranh vẽ Bác Hồ về nước ngày 28-1-1941.

Ba mươi năm trước, khi Người bước chân ra đi, con đường cứu nước, giải phóng dân tộc vẫn còn mù mịt. Ba mươi năm sau, Người trở về với Chính cương, Sách lược sáng trong lòng. Người chủ trì Hội nghị Trung ương 8 (5-1941), cùng với Trung ương Đảng ta chuyển hướng chỉ đạo chiến lược và sách lược, xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa lợi ích dân tộc và lợi ích giai cấp .

Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra kỷ nguyên mới cho lịch sử dân tộc.
Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra kỷ nguyên mới cho lịch sử dân tộc.

Ngày 2-9 -1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã long trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam, mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc - kỷ nguyên Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Dân tộc Việt Nam từ thân phận nô lệ đã vươn lên hàng các dân tộc tiên phong trên thế giới.  Công lao đó thuộc về Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Người đã xông pha trên con đường vạn dặm để tìm ra cái “cẩm nang thần kỳ”, đưa sự nghiệp cứu nước, giải phóng dân tộc đến thắng lợi vẻ vang.

HỒNG LÊ

(tổng hợp)

.
.
.