.

Ý nghĩa lịch sử đối với phong trào cách mạng thế giới của sự kiện Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước

Cập nhật: 13:35, 02/06/2021 (GMT+7)

110 năm đã trôi qua, kể từ ngày Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đư­ờng cứu nư­ớc (5-6-1911 - 5-6-2021), nhưng sự kiện này vẫn còn nguyên ý nghĩa lịch sử và thời đại; có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong lịch sử của dân tộc Việt Nam nói riêng, phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, vì hòa bình và tiến bộ trên thế giới nói chung.

Đối với phong trào cách mạng thế giới, việc tiếp thu, vận dụng, phát triển học thuyết Mác-Lênin về cách mạng giải phóng dân tộc ở một nước thuộc địa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra nhiều luận điểm hết sức sáng tạo về vấn đề lực lượng cách mạng, vấn đề nông dân, mối quan hệ giữa cách mạng vô sản ở chính quốc với cách mạng giải phóng dân tộc ở thuộc địa; về xây dựng một chính đảng vô sản kiểu mới, quan điểm lý luận cách mạng phải gắn liền với thực tiễn cách mạng, phù hợp với thực tiễn lịch sử, chống giáo điều tả khuynh..., làm phong phú, làm giàu thêm kho tàng lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin.

Bến cảng Nhà Rồng đầu thế kỷ XX, nơi Nguyễn Tất Thành rời Tổ quốc đi tìm đường cứu nước.
Bến cảng Nhà Rồng đầu thế kỷ XX, nơi Nguyễn Tất Thành rời Tổ quốc đi tìm đường cứu nước.

Ngày 3-2-1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Đây là thành quả của sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác-Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước; chứng tỏ giai cấp công nhân Việt Nam trưởng thành, đủ sức gánh vác sứ mệnh lịch sử lãnh đạo cách mạng. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, công lao to lớn thuộc về lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.

Trong vòng 15 năm, Đảng lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, qua 3 cao trào cách mạng: Cao trào cách mạng 1930 - 1931, đỉnh cao là phong trào Xô viết - Nghệ Tĩnh; cao trào cách mạng đòi dân sinh, dân chủ (1936 - 1939) và cao trào cách mạng giải phóng dân tộc (1939 - 1945), để đến năm 1945 Đảng lãnh đạo toàn thể dân tộc làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngay khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, cách mạng đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách, cùng lúc phải đương đầu với “giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm”.

Trong hoàn cảnh hiểm nghèo đó, nhân dân ta vượt qua tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, kiên cường bảo vệ và xây dựng chính quyền non trẻ, chuẩn bị mọi mặt bước vào cuộc kháng chiến chống quân Pháp xâm lược. Trên cơ sở đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, dựa vào sức mình là chính, cách mạng Việt Nam lần lượt đánh bại mọi âm mưu, kế hoạch xâm lược của kẻ thù, đặc biệt là thắng lợi trong Chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954, mà đỉnh cao là Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, buộc quân Pháp phải ký Hiệp định Genève (năm 1954), chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.

Từ năm 1954 đến năm 1975, miền Bắc vừa nỗ lực xây dựng chủ nghĩa xã hội, vừa dốc sức làm tròn nghĩa vụ của hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn. Nhân dân miền Nam tiếp tục cuộc đấu tranh kiên cường để giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Với tinh thần “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, quân và dân ta lần lượt đánh bại các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vào ngày 30-4-1975.

Thắng lợi đó “mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX - một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc”.

Cách mạng Việt Nam trở thành biểu tượng của sự khát khao độc lập, tự do, hòa bình mà các nước thuộc địa trên thế giới hướng đến và noi theo. Thắng lợi của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam đã và đang là nguồn cổ vũ lớn lao đối với phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới. Theo gương Việt Nam, hàng loạt nước thuộc địa ở châu Á, châu Phi, châu Mỹ - La tinh đứng lên lật đổ ách thống trị của thực dân, giành độc lập dân tộc.

Trước yêu cầu mới của sự phát triển đất nước, cách mạng Việt Nam vẫn kiên định, vững bước và sáng tạo trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội phù hợp với điều kiện và đặc điểm của đất nước. Qua các lần Đại hội Đảng, Đảng ban hành nhiều nghị quyết về những vấn đề cơ bản, hệ trọng cho sự phát triển của đất nước.

Trong việc xác định, đề ra đường lối đổi mới, Đảng ta luôn luôn nắm vững và vận dụng sáng tạo những nguyên lý, quan điểm cơ bản, phương pháp duy vật biện chứng của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kinh nghiệm thực tiễn ở trong nước và quốc tế, xử lý tốt các mối quan hệ cơ bản như: Phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa “của dân, do dân và vì dân”; kết hợp chặt chẽ đổi mới kinh tế với đổi mới chính trị; giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; kết hợp có hiệu quả giữa phát triển kinh tế - xã hội với quốc phòng - an ninh, giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; giữa độc lập, tự chủ và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế; giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ...

Một lần nữa thế giới lại ngỡ ngàng trước một Việt Nam đổi mới mạnh mẽ, kiên quyết, nhằm thực hiện những hoài bão, lý tưởng cao đẹp của Người, mang lại ấm no, hạnh phúc cho nhân dân, dân tộc và nhân loại. Ý nghĩa to lớn của hành trình tìm đường cứu nước, cũng như cả cuộc đời hy sinh, cống hiến cho dân tộc, cho nhân loại của Hồ Chí Minh là động lực của tiến trình thực hiện mục tiêu: Tự do, ấm no, hạnh phúc, tiến bộ và công bằng xã hội cho toàn thể nhân loại.

LÊ VĂN TÝ

.
.
.