Thứ Sáu, 25/06/2021, 22:16 (GMT+7)
.

Thực hiện Nghị quyết 19: Khai thác sử dụng hiệu quả tài nguyên đất

(ABO) Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết 19 ngày 31-10-2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Tiếp tục đổi mới chính sách pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020, nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại” (viết tắt là Nghị quyết 19), Tiền Giang đã khai thác tốt hơn nguồn lực đất đai vào phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ''điểm nghẽn'' cần tiếp tục gỡ để phát triển trong thời gian tới.

KIỂM SOÁT TỐT TÀI NGUYÊN ĐẤT

Theo đánh giá của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, qua 10 năm thực hiện Nghị quyết 19, ý thức chấp hành pháp luật đất đai, hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai của đội ngũ cán bộ, công chức và người dân được nâng lên. Công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được thực hiện đầy đủ, lồng ghép cả việc lập quy hoạch sử dụng đất bãi bồi ven biển, ven sông. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được tăng cường.

Theo đó, Thanh tra tỉnh thực hiện 23 đoàn thanh tra liên quan đến công tác quản lý và sử dụng đất đai, kịp thời chấn chỉnh những hạn chế, thiếu sót có liên quan đến việc quản lý đất đai ở địa phương. UBND tỉnh xử lý, tổ chức xác minh, giải quyết hơn 800 đơn khiếu nại, đơn tố cáo về đất đai.

Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) đã triển khai tổ chức 20 cuộc thanh tra và 450 cuộc kiểm tra chuyên ngành đối với các tổ chức trong việc chấp hành pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai; đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 38 ngày 24-2-2017 về “Thực hiện Đề án Tăng cường xử lý vi phạm về quản lý, sử dụng đất giai đoạn đến năm 2020”.

Kết quả, phát hiện 36 trường hợp vi phạm (17 tổ chức và 2 cá nhân) trong quản lý, sử dụng đất với tổng diện tích 69.490 m2 và 160 triệu đồng, xử lý thu hồi tiền cho thuê đất trái pháp luật là 60 triệu đồng, kiến nghị thu hồi trên 33.867 m2 đất công, yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất với tổng diện tích 32.231 m2. Ngoài ra, tổ chức tiếp 536 lượt công dân, tiếp nhận và xử lý 802 đơn thư; tổ chức thẩm tra xác minh và đề xuất giải quyết 112 đơn thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND tỉnh, 11 đơn thuộc thẩm quyền của Giám đốc Sở, đạt 100%...

Năm 2018, HĐND tỉnh tổ chức Đoàn giám sát công tác lập, quản lý quy hoạch đô thị, quản lý nhà nước trên lĩnh vực đất đai, đất công tại TX. Gò Công
Năm 2018, HĐND tỉnh tổ chức Đoàn giám sát công tác quản lý quy hoạch đô thị, quản lý nhà nước trên lĩnh vực đất đai tại TX. Gò Công.
Năm 2018, HĐND tỉnh tổ chức Đoàn giám sát công tác lập, quản lý quy hoạch đô thị, quản lý nhà nước trên lĩnh vực đất đai, đất công tại TX. Gò Công
Năm 2018, HĐND tỉnh tổ chức Đoàn giám sát công tác lập, quản lý quy hoạch đô thị, quản lý nhà nước trên lĩnh vực đất đai tại TX. Gò Công.

KHAI THÁC HIỆU QUẢ CHÍNH SÁCH TÀI CHÍNH VỀ ĐẤT ĐAI

Từ Nghị quyết 19, các ngành, địa phương đã chủ động rà soát các chính sách ưu đãi về thuế, chống thất thu thuế. Theo đó, công tác thu ngân sách nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả quan trọng, nguồn thu tăng dần qua từng năm. Tổng nguồn thu về đất đai giai đoạn 2014 - 2020 đạt 4.942,3 tỷ đồng; trong đó, năm 2014 thu 194,4 tỷ đồng, năm 2020 thu 1.568,1 tỷ đồng, tăng gấp 8 lần so với năm 2014.

Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Công văn 1808 ngày 6-12-2019 về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo quy hoạch, phát triển thị trường bất động sản (BĐS), kiểm soát, quản lý chặt chẽ việc phát triển đô thị. Tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều dự án đầu tư phát triển đô thị bao gồm các khu dân cư có quy mô vừa và nhỏ để tạo động lực phát triển thị trường BĐS trên địa bàn tỉnh. Tỉnh đã triển khai 3 dự án nhà ở xã hội với 4.259 căn hộ, 7 dự án nhà ở thương mại với khoảng 1.807 căn nhà liền kề, lô đất nền và 25 dự án kinh doanh BĐS đang triển khai, thực hiện đầu tư.

Tuy nhiên do tình hình biến động của thị trường, các quy định về đầu tư, chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng thay đổi và tình hình phân lô bán nền diễn ra không hợp pháp, hợp lý, khả năng kêu gọi đầu tư còn hạn chế nên tiến độ vẫn chưa đạt như kỳ vọng. UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan và UBND cấp huyện tăng cường công tác quản lý việc đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật hình thành các khu dân cư; xây dựng phương án xử lý đối với các khu phân lô, bán nền trên địa bàn tỉnh…

Dù vậy, theo lãnh đạo các sở, ngành tỉnh và các huyện, thành, thị, việc quản lý, khai thác tài nguyên đất vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập như: Công tác lập quy hoạch, kế hoạch có liên quan đến đất đai chưa đáp ứng được nhu cầu quản lý. Việc điều chỉnh biến động đất trên địa bàn tỉnh còn yếu, các loại quy hoạch còn chồng chéo giữa quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phân khu, quy hoạch nông thôn mới chưa đồng bộ dẫn đến khó khăn trong việc cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất... Tình trạng tổ chức thuê đất nhưng sử dụng không đúng mục đích thuê hoặc chưa đưa vào sử dụng gây lãng phí đất đai vẫn còn…

hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 19.
Hội nghị đánh giá tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 19.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Trọng cho rằng, chính sách, pháp luật hiện hành về đất đai còn một số nội dung chưa quy định rõ; văn bản quy phạm pháp luật còn chồng chéo, nhiều nội dung chưa rõ ràng dẫn đến khó khăn cho cán bộ, công chức, viên chức áp dụng. Ý thức chấp hành pháp luật về đất đai của một bộ phận nhân dân còn thấp…

Đồng chí Phạm Văn Trọng đề nghị các ngành, địa phương tiếp tục khắc phục những hạn chế còn tồn tại, thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 19, nhất là công tác quy hoạch về đất đai, là cơ sở quan trọng để triển khai các dự án; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về đất đai ở từng khâu một; thực hiện tốt các khâu chuẩn bị các công trình dự án, tính toán các phương án chặt chẽ, có tính khả thi. Đặc biệt là phải quan tâm đến yếu tố con người, đào tạo lực lượng làm nhiệm vụ có năng lực, đạo đức nghề nghiệp…

 

Lãnh đạo sở, ngành tỉnh phát biểu những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Nghị quyết 19 tại hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 19.
Lãnh đạo sở, ngành tỉnh phát biểu những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Nghị quyết 19 tại Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 19.

Tại hội nghị này, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Võ Văn Bình chỉ đạo, cấp ủy, chính quyền, các ngành, địa phương tiếp tục quản lý, khai thác sử dụng hiệu quả tài nguyên đất; đổi mới công tác tuyên truyền, vận động; lãnh đạo thực hiện tốt các chính sách, pháp luật về đất đai; phát triển lành mạnh thị trường BĐS, có cơ chế kiểm soát chặt chẽ, không để xảy ra đầu cơ đất đai; thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về thu hồi đất khi thực hiện dự án; đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác đất đai đủ năng lực, đủ tâm, đủ tầm; tăng cường quản lý việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất; nâng cao chất lượng dịch vụ công, nâng cấp cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ; tăng cường vai trò giám sát của HĐND, MTTQ, các đoàn thể, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, ngăn ngừa tình trạng tham nhũng, lãng phí về đất đai trong thời gian tới.

Nghị quyết 19 được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Tiền Giang, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đặc biệt quan tâm chỉ đạo việc triển khai thực hiện với nhiều văn bản, chủ trương được ban hành trong 10 năm qua. Cụ thể, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Chương trình hành động 35-CTr/TU ngày 19-2-2013 để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện; Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị 03-CT/TU ngày 6-10-2016 về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý đất đai, tài nguyên nước và khoáng sản trên địa bàn tỉnh; UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 124/KH-UBND ngày 11-6-2014 để thực hiện Nghị quyết 19.

Các cấp ủy, chính quyền, sở, ban, ngành, MTTQ và các đoàn thể tổ chức nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết 19, Chương trình hành động của Tỉnh ủy; xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể hóa các nội dung Nghị quyết 19; tuyên truyền sâu rộng đến toàn thể cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là cán bộ, công chức, viên chức ngành TN-MT, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên đất.


HOÀI THU

.
.
.