Thứ Năm, 05/08/2021, 14:21 (GMT+7)
.

Bà Nguyễn Thị Dành bán vàng, bán đất đi làm cách mạng

Bà Nguyễn Thị Dành còn gọi là Tám Dành, sinh năm 1899, trong một gia đình có truyền thống âm nhạc ở làng Bình Hòa Đông, quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay là xã Đông Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang). Bà là cháu nội của một đại thần triều Nguyễn là Nguyễn Tri Phương và là con của ông Nguyễn Tri Túc rất sành về âm nhạc truyền thống dân tộc. Thuở nhỏ, bà được gia đình cho học chữ - một điều rất hiếm đối với phụ nữ lúc đó tại Trường Nhà Trắng của Giáo hội Thiên Chúa ở Mỹ Tho.

Bà Nguyễn Thị Dành và con trai Trần Văn Khê (ảnh chụp năm 1922)
Bà Nguyễn Thị Dành và con trai Trần Văn Khê (ảnh chụp năm 1922).

NGƯỜI PHỤ NỮ KIÊN CƯỜNG

Năm 1918, bà Dành kết hôn với ông Trần Quang Chiêu, thường gọi là Bảy Triều (1897 - 1931), cũng là một gia đình có truyền thống âm nhạc ở xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành. Năm 1927, bà được kết nạp vào Việt Nam Cách mạng Thanh niên, là nữ hội viên đầu tiên của tổ chức này ở xã Vĩnh Kim. Bà cùng với người chị chồng là Trần Ngọc Viện hoạt động cách mạng.

Được cha mẹ cho 2 lượng vàng và 4 công vườn làm của hồi môn, bà Dành đã mang đi bán để lấy tiền làm chi phí hoạt động cách mạng. Bà đã góp công lớn trong việc xây dựng và chỉ đạo hoạt động của gánh Đồng Nữ Ban, diễn viên toàn là phụ nữ, nhằm tuyên truyền cách mạng và gây quỹ tài chính cho hoạt động của Tỉnh bộ Việt Nam Cách mạng Thanh niên tỉnh Mỹ Tho.

Năm 1930, bà Dành được kết nạp vào Đảng, được Tỉnh ủy Mỹ Tho chỉ định làm Bí thư của Chi bộ xã Vĩnh Kim, đã tổ chức thành công nhiều cuộc biểu tình của nhân dân xã Vĩnh Kim và các vùng phụ cận chống chính quyền thực dân Pháp. Sau đó, bị địch phát hiện, nên Đảng đã phân công bà Dành sang Cao Lãnh công tác. Tại đây, bà được bố trí về xã Hòa An cùng với bà Nguyễn Thị Thơ lập một quán nhỏ bán bánh chuối để nghi trang hoạt động.

Ngày 3-5-1930, một cuộc biểu tình đông đến hàng ngàn người nổ ra tại Cao Lãnh, chủ quận Lê Quang Tường ra lệnh cho bọn lính dùng súng bắn xối xả vào đoàn biểu tình làm nhiều người chết và bị thương. Riêng bà Dành bị bọn lính đâm trọng thương. Sau đó, bà được tổ chức đưa lên Sài Gòn điều trị. Nhưng do vết thương quá nặng, lại bị đau tim và sẩy thai, bà qua đời vào ngày 25 tháng 6 năm Canh Ngọ 1930.

KÝ ỨC VỀ MẸ QUA HỒI ỨC CỦA GIÁO SƯ - TIẾN SĨ TRẦN VĂN KHÊ

… Ba tôi tuy học giỏi, đờn hay nhưng không lo kiếm sống nên khó lập gia đình. Điều này làm ông nội tôi rất lo, vì ông có hai người con trai, mà bác Hai tôi không được như ý ông nội tôi mong, chỉ muốn ba tôi có con trai để nối dõi họ tộc. May sao làng Bình Hòa Đông bên cạnh (còn gọi là làng Đông Hòa) có gia đình ông Nguyễn Tri Túc, cũng thuộc hàng hào hoa phong nhã, trong nhà có người con trai biết đờn, thường hòa đờn với ông nội và ba tôi và có người con gái nết na, đằm thắm, nên ông nội tôi có ý định cầu hôn cho ba tôi.

Má tôi và các dì Hai, dì Ba tôi đều không được học đờn, nhưng má tôi rất thích nghe cậu Năm tôi đờn và thích học chữ, được học Trường Nhà Trắng, rất thích đọc những sách thời ấy cho là “quốc cấm” và có tư tưởng cấp tiến, do đó rất hạp với cô Ba tôi.

Cố GS-TS Trần Văn Khê đã viết nên những trang sử vàng đáng nhớ cho nền âm nhạc Việt Nam và là người con ưu tú của quê hương Tiền Giang. Ông sinh năm 1921 tại làng Đông Hòa, tổng Thuận Bình, tỉnh Mỹ Tho (nay là huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) trong một gia đình có 4 đời làm nhạc sĩ, nên từ nhỏ ông đã làm quen với nhạc cổ truyền. Cha ông là Trần Quang Chiêu (Bảy Triều) và mẹ là Nguyễn Thị Dành (Tám Dành) sớm tham gia cách mạng, gia nhập vào Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930 và mất trong năm đó. Cha ông vì thương nhớ vợ nên qua đời năm 1931.

Má tôi hoạt động cách mạng nên phải thường xuyên xa nhà. Trong một lần má tôi nhận được lệnh đi biểu tình tại quận Cao Lãnh, bị cảnh sát đàn áp, má tôi chui trong đống rơm trốn, bị chúng lấy lưỡi lê đâm loạn xạ vào đống rơm. Má tôi bị đâm hai vết vào người, đã  lấy rơm vuốt lưỡi lê chùi vết máu để bọn chúng không phát hiện. Lúc đó má tôi có mang được hơn 3 tháng, khi chạy trốn bị té nên bị sẩy thai và còn bị bệnh đau tim nên ngất đi mấy lần.

Sau đó má tôi được gia đình đưa vào nhà thương Chợ Rẫy, có y sĩ Châu rất thương gia đình tôi, lại có quyền thế trong nhà thương. Tuy được chăm sóc chu đáo nhưng má tôi sức yếu nên bệnh trở nặng, vết thương lại làm độc. 2 tuần sau cô Ba chở má tôi về quê nằm dưỡng bệnh tại nhà cậu Năm, hằng ngày tôi đều vào thăm. Bệnh của má tôi ngày một nặng thêm. Một hôm cô Ba dẫn cả ba anh em vào thăm.

Má tôi nói với cô: “Con đứa lớn đứa nhỏ, chưa đứa nào đủ khôn để lo cho em. Em lạy chị Ba, em gửi các con cho chị thay em nuôi chúng nó nên người!...”. Má tôi chấp hai tay xá, gương mặt đau khổ mà không còn nước mắt để khóc. Cô Ba tôi khuyên: “Em yên lòng, ít lâu sẽ lại sức. Có bề gì chị Ba hứa sẽ thay em mà nuôi cháu!”. Má tôi yếu lắm và đã mấy lần hấp hối. Anh Ba Thuận báo tin cho cậu Năm tôi lúc đó đang làm ruộng ở Đồng Phèn hay để kịp về cho má tôi nhìn mặt.

Ngày 25 tháng 6 âm lịch, cậu Năm về tới nhà, chạy đến bên giường của má tôi. Má tôi mở to mắt nhìn, thều thào “Anh Năm”, nấc lên mấy lần rồi trút hơi thở cuối cùng.

Thế là mới 9 tuổi đầu tôi đã mồ côi mẹ…

HÀ ANH (tổng hợp)

.
.
.