Thứ Hai, 30/08/2021, 15:12 (GMT+7)
.

Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9: Mốc son lịch sử chói lọi

Tháng 6-1941, quân phát xít Đức tấn công Liên Xô. Cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của nhân dân Liên Xô bắt đầu. Từ đây, tính chất của cuộc chiến tranh đã thay đổi về căn bản. Trên thế giới hình thành 2 trận tuyến: Một bên là lực lượng dân chủ do Liên Xô đứng đầu, một bên là khối phát xít Đức - Ý - Nhật.

Đầu năm 1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước triệu tập Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương lần thứ 8 từ ngày 10 đến 19-5-1941 tại rừng Khuổi Nậm, thuộc Pác Bó, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Hội nghị nêu một số mâu thuẫn gay gắt cần phải giải quyết giữa dân tộc ta với thực dân Pháp - phát xít Nhật.

Hội nghị chủ trương trước hết phải giải phóng các dân tộc Đông Dương ra khỏi ách áp bức Pháp - Nhật: “Trong lúc này quyền lợi của bộ phận, của giai cấp, phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, của dân tộc. Trong lúc này, nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”; và thành lập Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt Việt Minh) gồm các tổ chức quần chúng, cùng nhau giải phóng dân tộc.

Các tổ chức quần chúng yêu nước chống đế quốc trong Mặt trận đều lấy tên là Hội Cứu quốc như Hội Công nhân Cứu quốc, Hội Nông dân Cứu quốc, Hội Phụ nữ Cứu quốc, Hội Thanh niên Cứu quốc, Hội Phụ lão Cứu quốc, Hội Nhi đồng Cứu vong, Hội Quân nhân Cứu quốc...

Các lực lượng quân đội diễu hành qua sân lễ tại Lễ kỷ niệm 33 năm Quốc khánh (2-9-1945 - 2-9-1978).	                                                  ảnh: NGUYỄN THIỂU
Các lực lượng quân đội diễu hành qua sân lễ tại Lễ kỷ niệm 33 năm Quốc khánh (2-9-1945 - 2-9-1978). ảnh: NGUYỄN THIỂU

Từ sau khi ra đời, Mặt trận Việt Minh trở thành hạt nhân quy tụ sức mạnh đoàn kết dân tộc. Lực lượng cách mạng giương cao ngọn cờ đại nghĩa của Việt Minh ngày càng được mở rộng và phát triển.   

Lúc này, ở châu Âu, chiến tranh thế giới thứ II có những chuyển biến mau lẹ, phát xít Đức bị Hồng quân Liên Xô và các nước Đồng minh tiêu diệt, đầu hàng. Ở châu Á, phát xít Nhật cũng đầu hàng vô điều kiện các nước Đồng minh. Ngay lúc đó, Hội nghị toàn quốc của Đảng Cộng sản Đông Dương họp ở Tân Trào (tỉnh Tuyên Quang) quyết định phát động tổng khởi nghĩa trong cả nước, giành lấy chính quyền trước khi quân Đồng minh kéo vào.

Ngày 16-8-1945, Quốc dân Đại hội chính thức khai mạc, tượng trưng cho ý chí, nguyện vọng và khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thông qua đề nghị Tổng khởi nghĩa của Mặt trận Việt Minh. Đại hội nhất trí tán thành quyết định Tổng khởi nghĩa, thông qua 10 chính sách của Mặt trận Việt Minh đưa ra, lập Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu.

Ngay sau đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư kêu gọi đồng bào cả nước nổi dậy tổng khởi nghĩa giành chính quyền “... Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta... Tiến lên! Tiến lên! Dưới lá cờ Việt Minh, đồng bào hãy dũng cảm tiến lên!”

Tại Hà Nội, các tầng lớp nhân dân hăng hái gia nhập các đoàn thể cứu quốc, các đội tự vệ chiến đấu. Tối ngày 15-8, Đội Tuyên truyền xung phong của Việt Minh tổ chức diễn thuyết công khai ở các rạp hát lớn trong thành phố. Ngày 16-8, truyền đơn, biểu ngữ kêu gọi khởi nghĩa xuất hiện khắp nơi. Chiều ngày 17-8, Tổng hội Viên chức tổ chức một cuộc mít tinh tại Nhà hát lớn Hà Nội.

Đảng Cộng sản Đông Dương và Đảng bộ Thủ đô Hà Nội huy động quần chúng trong các tổ chức cứu quốc thành phố, biến cuộc mít tinh thân Nhật thành cuộc mít tinh ủng hộ Mặt trận Việt Minh, rồi biến thành một cuộc biểu tình tuần hành qua các phố, có cờ đỏ sao vàng dẫn đầu, vừa cổ động chương trình của Mặt trận Việt Minh, vừa hô hào nhân dân tham gia khởi nghĩa. Đến ngày 19-8, khí thế cách mạng tràn ngập khắp thủ đô Hà Nội.

Nhân dân thủ đô kéo tới quảng trường Nhà hát lớn dự cuộc mít tinh do Mặt trận Việt Minh tổ chức. Cuộc mít tinh nhanh chóng chuyển thành cuộc biểu tình, nhân dân chiếm phủ Khâm sai, Tòa Thị chính, trại lính bảo an, Sở Cảnh sát và các công sở của chính phủ bù nhìn. Cuộc khởi nghĩa của nhân dân Thủ đô Hà Nội giành thắng lợi hoàn toàn.

Những ngày đầu tháng 8-1945, nhất là sau khởi nghĩa toàn thắng ở thủ đô Hà Nội, một không khí chuẩn bị khởi nghĩa sục sôi trong cả nước.

Từ ngày 14 đến ngày 18-8, nhiều xã, huyện thuộc các tỉnh từ Bắc vào Nam nối tiếp nổi dậy giành chính quyền. Ngày 23-8, Huế, thành lũy hàng trăm năm của triều đình phong kiến nhà Nguyễn và là thủ phủ của chính quyền bù nhìn trung ương nhanh chóng về tay nhân dân ta. Ngày 25-8, Mặt trận Việt Minh tổ chức biểu tình và giành chính quyền về tay nhân dân tại Sài Gòn. Thắng lợi của các cuộc khởi nghĩa ở Hà Nội, Huế, Sài Gòn có ý nghĩa quyết định đối với thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám trong phạm vi cả nước.

***

Phong trào cách mạng ở Mỹ Tho khôi phục nhanh nên các đồng chí thoát khỏi nhà tù chọn Mỹ Tho làm nơi liên lạc để khôi phục lại tổ chức và phong trào. Ngày 25-10-1943, Hội nghị Xứ ủy Nam kỳ tổ chức tại xã Tân Thuận Bình, quận Chợ Gạo khôi phục lại Xứ ủy (Xứ ủy Tiền Phong). Đầu năm 1945, một số đồng chí khác trốn khỏi nhà tù, trại giam thực dân Pháp về quận Châu Thành hoạt động và thành lập Xứ ủy Nam Kỳ (Xứ ủy Giải Phóng). Như vậy trên địa bàn tỉnh Mỹ Tho tồn tại 2 Xứ ủy và 2 Tỉnh ủy.

Mục đích của 2 Xứ ủy giống nhau nhưng khác nhau về phương pháp tiến hành cách mạng, do đó nảy sinh mâu thuẫn gây tác hại đến phong trào cách mạng. Thực hiện Chỉ thị của Trung ương về việc các Đảng bộ ở Nam kỳ phải đoàn kết lại, các đồng chí trong 2 Tỉnh ủy Tiền Phong và Tỉnh ủy Giải Phóng đồng ý thống nhất thành Tỉnh ủy Mỹ Tho và có nhiều đóng góp cho việc thống nhất 2 Xứ ủy ở Nam kỳ. Tỉnh ủy Mỹ Tho chỉ đạo củng cố tổ chức, phát triển lực lượng để lãnh đạo cách mạng ở địa phương.

Đêm 17-8-1945, đồng chí Dương Khuy, Bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho triệu tập cuộc họp bàn khởi nghĩa giành chính quyền. Hội nghị quyết định phát lệnh khởi nghĩa với phương châm nơi nào lực lượng ta mạnh thì khởi nghĩa trước, kiên quyết giành bằng được chính quyền về tay nhân dân, nơi nào lực lượng ta còn yếu thì khởi nghĩa sau.

4 giờ ngày 18-8-1945, học viên Trường Huấn luyện Quân sự tại xã Long An, quận Châu Thành do thầy giáo Phan Lương Trực chỉ huy, tiến vào thị xã Mỹ Tho phối hợp với lực lượng thị xã chiếm các mục tiêu đã định. 7 giờ, ta làm chủ các mục tiêu quan trọng. 9 giờ, ta làm chủ các công sở ở chợ Cũ. Việc tiến chiếm các cơ sở của quân Nhật diễn ra nhanh chóng ở thị xã Mỹ Tho. Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh Mỹ Tho thắng lợi. Tỉnh ủy thành lập Ủy ban nhân dân cách mạng tỉnh Mỹ Tho và chuẩn bị mít tinh chào mừng Cách mạng thành công.

Ngày 19-8 ở tỉnh Gò Công, tỉnh trưởng Trần Hưng Ký yêu cầu ông Lê Văn Phi-líp, thủ lãnh Thanh niên Tiền phong tỉnh Gò Công giữ an ninh. Ông Nguyễn Văn Côn thay mặt Việt Minh thông báo cho tỉnh trưởng biết: Quân Nhật đầu hàng, Mặt trận Việt Minh yêu cầu hạ cờ Nhật, bàn giao chính quyền cho Việt Minh.

Ngày 22-8, ông Lê Văn Phi-líp đến thuyết phục Trần Hưng Ký đầu hàng Việt Minh. 14 giờ cùng ngày, Trần Hưng Ký mời ông Nguyễn Văn Côn và ông Lê Văn Phi-líp tới bàn giao chính quyền. Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân ở tỉnh Gò Công thành công.

***

Ngày 2-9-1945, tại quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố trước toàn thể nhân dân Việt Nam và thế giới rằng: Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã ra đời.

Cách mạng Tháng Tám là một sự kiện vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Với sự ra đời của Mặt trận Việt Minh, ngọn cờ dân tộc được Đảng ta giương cao hơn bao giờ hết, Mặt trận Việt Minh thực sự trở thành nhân tố trung tâm quy tụ sức mạnh của nhiều lực lượng và cá nhân yêu nước tiến bộ. Khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố và nâng lên một tầm cao mới.

Thắng lợi Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nhân dân Việt Nam đã đập tan xiềng xích nô lệ của thực dân Pháp trong gần một thế kỷ tại Việt Nam và đánh đuổi quân phát xít Nhật; đồng thời, lật nhào chế độ phong kiến hàng ngàn năm; lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á; mở đầu cho thời kỳ suy sụp của chủ nghĩa thực dân cũ; cổ vũ phong trào giải phóng dân tộc của các nước thuộc địa trên toàn thế giới và bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đảng Cộng sản Việt Nam từ chỗ phải hoạt động bí mật, bất hợp pháp trở thành một đảng cầm quyền và hoạt động công khai.

LÊ VĂN TÝ

.
.
.