.

"Đó là những giây phút sung sướng nhất của đời mình"

Cập nhật: 15:09, 31/08/2021 (GMT+7)

(ABO) Chứng kiến sự kiện thiêng liêng và trọng đại này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhớ lại: Bữa đó, chúng tôi đã nhìn thấy rõ niềm vui rạng rỡ trên khuôn mặt còn võ vàng của Người sau trận ốm nặng với bao suy nghĩ lo toan, vất vả… Bản Tuyên ngôn lịch sử đã thảo xong, buổi sáng Bác và anh Nhân gọi chúng tôi tới, Bác đọc để thông qua tập thể. Và như lời Bác nói lại sau này: “Đó là những giây phút sung sướng nhất của đời mình”.

Ngày 22-8-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh rời Tân Trào về Hà Nội. Vì chưa khỏi bệnh, còn mệt nhiều nên có lúc Người phải nằm cáng. Khoảng 20 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến huyện Đại Từ và liền sau đó, được đồng chí Trần Đăng Ninh đưa ô tô đón về Thái Nguyên. Tại đây, 2 ngày trước (20-8) một đơn vị quân giải phóng do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy đã bao vây và tấn công quân Nhật ở thị xã và giành được chiến thắng quan trọng đầu tiên.

Ngôi nhà lịch sử 48 Hàng Ngang - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bản “Tuyên ngôn Độc lập”.
Ngôi nhà lịch sử 48 Hàng Ngang - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bản “Tuyên ngôn Độc lập”.

Sáng ngày 23-8, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi qua huyện Đa Phúc (Phúc Yên), trên đường về Hà Nội. Đồng bào 2 bên đường nhìn thấy một ông cụ ngồi trên ghế một chiếc xe nhỏ, trông rất yếu, tóc đốm bạc, râu ba chòm, mặc quần áo nâu đã bạc màu, với một túi vải chàm đặt trên lòng, có ngờ đâu đó là người mà nhân dân thủ đô đang chờ mong từng ngày, từng giờ.

Ngày 25-8, sau khi nghe các đồng chí Võ Nguyên Giáp và Trần Đăng Ninh báo cáo tình hình nội thành, Chủ tịch Hồ Chí Minh vội vã đi ô tô vào nội thành Hà Nội. Xe qua Nhật Tân, Yên Phụ, Hàng Đậu, Hàng Giấy, Hàng Đường, Hàng Ngang, vòng đến dừng ở số nhà 35 Hàng Cân. Theo thang gác, Người lên tầng hai nhà số 48 Hàng Ngang. Tại đây, Người cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Trung ương Đảng quyết định sẽ gấp rút chuẩn bị để tổ chức lễ tuyên bố độc lập vào ngày 2-9-1945.

Mọi công việc cấp bách cần làm cho ngày 2-9 là: Ổn định tình hình chính trị, xã hội, trật tự trị an ở Hà Nội; xúc tiến việc cải tổ Ủy ban Dân tộc giải phóng thành Chính phủ lâm thời và công bố danh sách thành viên Chính phủ lâm thời cho các cơ quan báo chí; chuẩn bị dựng lễ đài và các công việc liên quan… Công việc quan trọng nhất là khởi thảo Tuyên ngôn Độc lập do Người trực tiếp đảm nhiệm.

26 năm trước, vào năm 1919, Bác đã tới Hội nghị Hòa bình Véc-xây nêu lên những yêu cầu cấp thiết về dân sinh, dân chủ cho nhân dân Việt Nam và những người dân thuộc địa. Người đã thấy rõ một sự thật là không thể trông chờ ở lòng bác ái của các nhà tư bản. Người biết chỉ còn trông cậy vào cuộc đấu tranh, vào lực lượng của bản thân dân tộc mình.

Vì vậy, trong 15 năm lãnh đạo cách mạng từ năm 1930 đến năm 1945, trải qua các cuộc đấu tranh đầy gian khổ hy sinh, Đảng ta đã từng bước vận động, giáo dục quần chúng nhân dân, qua 3 cao trào cách mạng lớn giai đoạn 1930 - 1931, giai đoạn 1936 - 1939, giai đoạn 1939 - 1945 như ba cuộc tổng diễn tập, với khí thế cách mạng vĩ đại của quần chúng, nắm chắc thời cơ lịch sử, với một nghệ thuật lãnh đạo và tổ chức khởi nghĩa tài tình, Đảng ta lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 thành công trọn vẹn.

Theo lời hiệu triệu của Đảng, của Bác Hồ, cả dân tộc ta từ Bắc chí Nam đã vùng dậy đứng lên, với một sức mạnh phi thường, chỉ trong thời gian ngắn, nhân dân Việt Nam đã đập tan xiềng xích nô lệ của chế độ thực dân, lật nhào chế độ phong kiến tay sai tồn tại trong gần một thế kỷ, giành chính quyền trong cả nước.

Các đội quân du kích từ các chiến khu tiến vào Hà Nội, tập trung trước Nhà hát lớn, ngày 30-8-1945 chuẩn bị cho ngày lễ tuyên bố độc lập.
Các đội quân du kích từ các chiến khu tiến vào Hà Nội, tập trung trước Nhà hát lớn, ngày 30-8-1945 chuẩn bị cho ngày lễ tuyên bố độc lập.

Ngày 27-8, tại cuộc họp đầu tiên tại thủ đô của Ủy ban Dân tộc giải phóng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị thi hành chính sách đoàn kết rộng rãi, thành lập chính phủ thống nhất quốc gia bao gồm cả đại biểu các đảng phái yêu nước và không đảng phái có tiếng tăm. Đề nghị của Người được tán thành. Hồ Chí Minh được bầu làm Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Chính phủ đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời gồm một nửa Bộ trưởng không phải Việt Minh, như các ông Nguyễn Mạnh Hà (công giáo), Nguyễn Văn Tố (học giả), Vũ Trọng Khánh (luật sư)...

Ngày 28-8-1945, trong căn buồng nhỏ trên gác hai của nhà số 48 Hàng Ngang, một trong ba mươi sáu phố phường cổ kính của Hà Nội, Bác Hồ bắt đầu viết dự thảo bản Tuyên ngôn Độc lập. Sau khi đọc bản dự thảo tuyên ngôn cho nhiều người nghe và hỏi ý kiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh không giấu nỗi xúc động nói rằng trong đời, Người đã viết nhiều, nhưng đến bây giờ mới viết được một bản Tuyên ngôn như vậy.

Bản Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh viết với hệ thống lý lẽ đanh thép, với những dẫn chứng hùng hồn không thể chối cãi, có sức thuyết phục mạnh mẽ. Tuyên ngôn Độc lập đã thể hiện sự sáng suốt, nhạy bén và tầm nhìn chiến lược sâu rộng với khả năng dự báo thiên tài và hơn cả là một tấm lòng của Người luôn luôn hướng tới mục tiêu độc lập tự do của đất nước, về của hạnh phúc nhân dân. Lịch sử đã sang trang. Một kỷ nguyên mới bắt đầu: Kỷ nguyên của độc lập, tự do, hạnh phúc. Bản đồ thế giới phải sửa đổi lại vì sự ra đời của một nhà nước mới: Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Ra mắt sách “Bác Hồ viết Tuyên ngôn Độc lập”

Nhân kỷ niệm 76 năm Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Nhà xuất bản Kim Đồng ra mắt bạn đọc cả nước cuốn sách “Bác Hồ viết Tuyên ngôn Độc lập” của tác giả - nhà báo Kiều Mai Sơn.

Cuốn sách tái hiện thời điểm lịch sử ngắn nhưng rất quan trọng trong Cách mạng Tháng Tám 1945, thời điểm Bác Hồ viết bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tác giả Kiều Mai Sơn đã dày công thu thập, tìm hiểu, phân loại và đối chiếu các nguồn tài liệu để có thể có được những tư liệu chi tiết, cụ thể, xác tín về bản Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi thảo và hoàn thiện. Đó là tư liệu, hồi ký của những người được sống, làm việc cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh như Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục Vũ Đình Hòe, nhà cách mạng Trần Huy Liệu, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Phó Thủ tướng Lê Thanh Nghị…

HỒNG LÊ (tổng hợp)

.
.
.