Chủ Nhật, 01/08/2021, 09:26 (GMT+7)
.
KỶ NIỆM 91 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG NGÀNH TUYÊN GIÁO CỦA ĐẢNG (1-8-1930 – 1-8-2021)

"Giáo dục tư tưởng và lãnh đạo tư tưởng là việc quan trọng nhất của Đảng"

(ABO) Cách đây 91 năm, vào ngày 1-8-1930, nhân dịp kỷ niệm Ngày quốc tế đấu tranh chống chiến tranh đế quốc, bảo vệ hòa bình, Ban Cổ động và Tuyên truyền của Đảng Cộng sản Việt Nam đã xuất bản tài liệu mang tên “Ngày quốc tế đỏ 1-8”. Đây là tài liệu duy nhất và sớm nhất còn lưu giữ đến nay đề rõ “Ban Cổ động và Tuyên truyền của Đảng Cộng sản Việt Nam ấn hành”.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến công tác giáo dục chính trị tư tưởng. Theo Người “Tư tưởng không đúng đắn thì công tác ắt sai lầm”, “Tư tưởng thống nhất thì hành động mới thống nhất” và “Giáo dục tư tưởng và lãnh đạo tư tưởng là việc quan trọng nhất của Đảng”.

KHỞI ĐẦU TỪ “NGÀY QUỐC TẾ ĐỎ 1-8"

Ngay trong quá trình hoạt động, để tiến tới thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng công tác truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng, đường lối cách mạng vào trong nước, vào các tầng lớp nhân dân, nhất là các hạt nhân ưu tú. Và chính những hoạt động đó của Người đã đặt nền móng đầu tiên cho công tác tuyên truyền, tuyên giáo của Đảng; định hình sứ mệnh đi trước, mở đường của công tác tuyên giáo trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.

Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, công tác tuyên truyền, giáo dục được tổ chức chặt chẽ; coi đây là mặt trận quan trọng hàng đầu trong toàn bộ hoạt động của Đảng. Ngay sau Hội nghị thành lập Đảng tháng 2-1930, Ban Chấp hành Trung ương đã lập Ban Cổ động và Tuyên truyền - Cơ quan tham mưu chỉ đạo và tổ chức công tác tuyên truyền, cổ động của Đảng, với nhiệm vụ trước mắt là tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt và đường lối cách mạng; cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân giác ngộ cách mạng, hiểu Đảng, ủng hộ Đảng, tin tưởng và đi theo Đảng.

Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tặng hoa và quà cho các đồng chí nguyên lãnh đạo ngành Tuyên giáo của tỉnh nhân kỷ niệm 89 năm Ngày Truyền thống Tuyên giáo của Đảng.
Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tặng hoa và quà cho các đồng chí nguyên lãnh đạo ngành Tuyên giáo của tỉnh nhân kỷ niệm 89 năm Ngày truyền thống Tuyên giáo của Đảng. Ảnh: PHƯƠNG MAI

Ngay sau khi phát hành, tài liệu đã tạo được tiếng vang lớn, thu hút sự quan tâm của đông đảo quần chúng nhân dân, có sức cổ vũ mạnh mẽ quần chúng cách mạng nước ta đứng lên đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, chống áp bức, bóc lột, phản đối chiến tranh xâm lược, ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc.

Vị trí, vai trò và sức mạnh của công tác tuyên truyền - một hình thái công tác tư tưởng của Đảng đã được khẳng định và đi vào lịch sử cách mạng Việt Nam. Từ đó, ngày 1-8-1930 đánh dấu hoạt động chính thức của cơ quan Cổ động và Tuyên truyền của Đảng - tiền thân của Ban Tuyên giáo Trung ương ngày nay.

Kỷ niệm 91 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng năm nay trong bối cảnh cả nước nói chung và Tiền Giang nói riêng, đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, gây thiệt hại và ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tiền Giang đang khẩn trương, quyết tâm, đồng lòng phòng, chống dịch Covid-19 với tinh thần “chống dịch như chống giăc”. Vì vậy, Ban Tuyên giáo các cấp trong tỉnh không tổ chức các hoạt động họp mặt, thăm hỏi mà tập trung thực hiện nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021. Dịp này, lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy kính chúc các đồng chí nguyên lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, nguyên cán bộ, công chức ngành Tuyên giáo qua các thời kỳ; cán bộ, công chức đang công tác trong ngành Tuyên giáo của tỉnh lời chúc mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công.

Với ý nghĩa đặc biệt của sự kiện lịch sử này, năm 2000, Bộ Chính trị Trung ương Đảng quyết định lấy ngày 1-8 hằng năm làm Ngày truyền thống công tác Tư tưởng - Văn hóa của Đảng. Năm 2007, sau khi Ban Khoa giáo Trung ương và Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương hợp nhất thành Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa X quyết định lấy ngày 1-8 hằng năm làm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng.

91 năm qua, ngành Tuyên giáo và công tác tuyên giáo trở thành bộ phận không thể tách rời, luôn gắn bó sâu sắc với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Những thắng lợi vĩ đại mà Đảng và nhân dân ta đã đạt được trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước cũng như trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc đều có sự đóng góp to lớn của ngành Tuyên giáo và công tác tuyên giáo của Đảng.

TỰ HÀO VỀ NGÀNH TUYÊN HUẤN MỸ THO TRONG GIAI ĐOẠN 1960 - 1975

Đồng chí Trần Văn Mai, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã có những ghi chép về những ngày đầu của ngành Tuyên giáo Mỹ Tho: “Phong trào Đồng khởi năm 1960 của quân - dân Mỹ Tho nói riêng, Đồng bằng sông Cửu Long nói chung đang hồi quyết liệt. Tề, ngụy lớp bị diệt, đầu hàng, lớp chạy ra vùng ven đô thị. Vùng giải phóng do ta làm chủ được nới rộng. Công tác tư tưởng lúc bấy giờ đặt ra yêu cầu mới hết sức cấp bách: Tập hợp phát triển lực lượng cách mạng; cổ vũ khí thế tiến công của quần chúng tiêu diệt địch, phá rã tề ngụy giành chính quyền làm chủ xã, ấp, tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng nhân dân, kể cả lực lượng tề ngụy về cương lĩnh, chủ trương chính sách của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam và của tỉnh tạo thế lực mới cho bước phát triển tiếp theo của cách mạng miền Nam và của địa phương.

Dàn đồng ca của Đoàn Văn công tỉnh Mỹ Tho. Người chỉ huy: Trần Linh.
Dàn đồng ca của Đoàn Văn công tỉnh Mỹ Tho. Người chỉ huy: Trần Linh. Ảnh: TƯ LIỆU

Trong bối cảnh đó, Tỉnh ủy chủ trương thành lập các bộ phận tham mưu giúp Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo phong trào cách mạng trong tỉnh, trong đó có các bộ phận làm công tác tuyên huấn. Thế là số cán bộ làm công tác thông tin, tuyên huấn thời kỳ chống Pháp được “triệu hồi” như: Anh Năm Bi, anh Ba Niềm, Ba Kỵ, Mười Phượng, Bảy Bằng, Sáu Hồ, Tư Đúng và tôi có mặt ngay tại căn cứ kháng chiến của Tỉnh ủy ở Tân Hòa Đông (Đồng Tháp Mười). Thời gian sau có thêm anh Tám Thạnh, Năm Thọ và một số cán bộ khác cũng được điều về, lúc bấy giờ (năm 1960).

Tỉnh ủy phân công anh Ba Niềm, Ba Kỵ. Mười Phượng làm công tác mở lớp đào tạo cán bộ chính trị trình độ cơ sở. Anh Năm Bi, Bảy Bằng, Sáu Hồ, Tư Đúng và tôi cùng một số cán bộ khác làm công tác in ấn. Riêng anh Năm Bi vừa phụ trách nhà in (mang tên Huỳnh Văn Sâm) vừa biên tập tin tức, các chủ trương, chính sách, cương lĩnh của Mặt trận, các chỉ đạo công khai của Tỉnh ủy... để tuyên truyền phổ biến tận cơ sở và rộng rãi ngoài nhân dân.

Giữa năm 1960, đầu năm 1961 vùng giải phóng được mở rộng, ta làm chủ hoàn toàn tuyến kinh Nguyễn Văn Tiếp từ Châu Thành đến Cai Lậy. Để tiếp tục chỉ đạo phong trào Đồng khởi của quần chúng, Tỉnh ủy và các bộ phận giúp việc dời ra Mỹ Phước, Hưng Thạnh (Châu Thành).

Ở địa bàn mới này, các bộ phận công tác tuyên huấn từng bước được hình thành. Anh Tám Thạnh được phân công tập hợp lực lượng cán bộ lập tổ công tác thông tin báo chí; anh Năm Thọ, Sáu Hồ, Bảy Bằng lập tổ tuyên truyền, văn nghệ. Anh Ba Niềm được Tỉnh ủy phân công qua làm công tác tổ chức cán bộ. Anh Ba Kỵ, Mười Phượng tiếp tục làm công tác huấn luyện đào tạo...

Đội chiếu phim lưu động phục vụ đồng bào vùng Chợ Gạo.
Đội chiếu phim lưu động phục vụ đồng bào vùng Chợ Gạo.

Sau trận càn năm 1961, nhà in dời xuống rừng tràm - cây trâm, cách Phú Mỹ, Hưng Thạnh hơn chục cây số. Sau chiến thắng Ấp Bắc, lực lượng tuyên huấn tập hợp khá đầy đủ, tách bộ phận tuyên truyền riêng kiêm thêm nhiệm vụ kiểm huấn, lập đội văn công trực thuộc bộ phận văn nghệ. Từ ấy, ngành Tuyên huấn được mang cái tên mới là Ban Tuyên Văn giáo, về sau được gọi trở lại là Ban Tuyên huấn. Ban được đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thường vụ Tỉnh ủy.

Để chuẩn bị cho cuộc tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân, vào giữa năm 1967 theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ban Tuyên huấn Mỹ Tho điều một số đồng chí chi viện cho tỉnh Gò Công vừa mới tách ra, trong đó có 2 đồng chí ủy viên Ban là anh Năm Thọ, Hồ Thanh Thơm (Ba Sinh) và một số cán bộ chuyên môn khác. Cùng thời gian này, Ban tổ chức thêm 2 đội công tác: Đội tuyên truyền xung phong chuyên hoạt động vùng yếu, đội chiếu phim hoạt động vùng giải phóng. Thời kỳ này phải nói về mặt tổ chức và hoạt động của Ban tương đối ổn định cho đến ngày giải phóng đất nước năm 1975.

Nếu tính từ những ngày đầu đến năm 1975 là cả một quá trình hình thành và phát triển của ngành Tuyên huấn với biết bao gian lao thử thách. Nhiều đồng chí trong ngành đã hy sinh, tù đày, thương tật - một tổn thất không nhỏ đối với ngành nhưng sự nghiệp và những cống hiến của Ban Tuyên huấn Mỹ Tho đối với Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh thật to lớn và rất đáng tự hào. Là những chiến sĩ chiến đấu trên mặt trận tư tưởng văn hóa của Đảng, chúng ta vinh dự được tham gia và cống hiến cho Đảng và nhân dân trong giai đoạn hào hùng của dân tộc - kháng chiến chống Mỹ cứu nước và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao”.

LINH CHI

(Tổng hợp)


 

.
.
.