Ngành nào, cấp nào để xảy ra ổ dịch mới do chủ quan, thiếu trách nhiệm thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm
(ABO) Để chấn chỉnh tình trạng một số ngành, địa phương vẫn còn hạn chế trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch như: Việc xử lý ổ dịch có lúc, có nơi còn chậm (hoạt động điều tra, truy vết chưa đáp ứng yêu cầu, phong tỏa chưa đúng khu vực nguy cơ); việc tổ chức lấy mẫu tầm soát đối với các khu vực nguy cơ cao, nguy cơ rất cao còn chậm, công tác quản lý địa bàn chưa chặt chẽ, còn để người dân tổ chức các đám, tiệc tập trung đông người; còn nhiều người dân ra đường không có lý do chính đáng, còn để người ngoài tỉnh vào địa bàn tỉnh không đúng quy định; việc thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ tại một số địa phương chưa nghiêm…, UBND tỉnh Tiền Giang vừa ban hành Công văn 4612 yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại các Công văn: 3550, 3585, 4167, 4542 và các Thông báo kết luận và các văn bản có liên quan; trong đó, tập trung thực hiện một số nội dung sau:
Cán bộ y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại phường 3, TP. Mỹ Tho. Ảnh: Mai Hà |
Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác phòng, chống dịch; quyết tâm khống chế các ổ dịch cũ, không để phát sinh ổ dịch mới; không chủ quan, lơ là; tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân thực hiện nghiêm tinh thần Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ. Ngành nào, cấp nào để xảy ra ổ dịch mới do chủ quan, lơ là, thiếu trách nhiệm thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm và sẽ căn cứ mức độ để xử lý vi phạm theo quy định.
Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị các cấp phải trực tiếp làm việc tại trụ sở cơ quan, đơn vị trong giờ hành chính và khi có yêu cầu; căn cứ chương trình công tác, có phương án giao việc cụ thể để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ trong năm 2021. Dừng toàn bộ các cuộc họp tại cơ quan công sở (trừ các cuộc họp chống dịch, các cuộc họp để xử lý các vấn đề cấp bách của đơn vị), tăng cường tổ chức họp trực tuyến, đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch. Khi tổ chức các cuộc họp phải đảm bảo không tập trung quá 10 người trong một phòng, tuân thủ nghiêm yêu cầu 5K của Bộ Y tế…
Sở Thông tin và Truyền thông: Hướng dẫn, kiểm tra các cơ quan, đơn vị trong việc đẩy mạnh giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Tham mưu UBND tỉnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai sử dụng các phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu phục vụ công tác phòng, chống dịch trên địa bàn...
Sở Nội vụ: Tăng cường tổ chức kiểm tra các sở, ngành, đơn vị, địa phương trong việc thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch; việc bố trí, phân công cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại cơ quan, tại nhà và việc chấp hành các quy định về phòng, chống dịch trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội. Kịp thời tham mưu UBND tỉnh xử lý kỷ luật cũng như tuyên dương khen thưởng các tập thể, cá nhân đã thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch.
Sở Y tế: Chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp với các địa phương thực hiện việc lấy mẫu - xét nghiệm - trả kết quả nhanh trong vòng 24 giờ; định kỳ hằng tuần tổ chức lấy mẫu xét nghiệm PCR theo hình thức gộp 10 cho lực lượng làm nhiệm vụ tại các chốt, các khu cách lỵ, các đội tuần tra kiểm soát. Có kế hoạch, phương án chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19, giảm tối đa tỷ lệ bệnh nặng, tỷ lệ tử vong.
Công an tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố: Chỉ đạo bổ sung thêm các chốt “cứng” trên địa bàn để kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19, lưu ý kiểm soát chặt chẽ việc ra đường của người dân trong thời gian giãn cách xã hội; siết chặt quản lý các chốt vùng biên giáp với các tỉnh lân cận, các chốt dọc tuyến Quốc lộ 1.
Củng cố tổ chức và tăng cường hoạt động của các chốt, trạm, đội tuần tra, kiểm soát phòng, chống dịch 24/24 giờ; phát hiện, xử lý ngay các trường hợp người ngoài tỉnh vào địa bàn tỉnh không đúng theo quy định. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, kể cả xử lý hình sự theo quy định của pháp luật đối với mọi hành vi không tuân thủ, cản trở, chống đối việc thực hiện các quy định, biện pháp phòng, chống dịch và gửi thông báo về địa phương người vi phạm cư trú để thông tin trên hệ thống truyền thanh cơ sở; đặc biệt là hành vi cố ý làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên người theo quy định.
Ban Quản lý các khu công nghiệp, Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục tổ chức thẩm định, công nhận và kiểm tra sau công nhận phương án “3 tại chỗ” đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Tiền Giang trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
UBND các huyện, thị xã, thành phố: Tiếp tục xác định và xử lý nhanh các ổ dịch ngay khi mới phát sinh theo phương châm "4 tại chỗ", “thần tốc” điều tra, truy vết F0, F1, không để bỏ sót đối tượng. Xác định chính xác, cụ thể các điểm, khu vực nguy cơ ở từng địa bàn ấp, khu phố, xã, phường, thị trấn để tiến hành tầm soát ngay bằng phương pháp test nhanh mẫu gộp và Realtime RT-PCR mẫu gộp.
Tăng cường tuần tra, kiểm soát để hạn chế tình trạng người dân ra đường, yêu cầu các chốt thực hiện nghiêm nhiệm vụ được giao theo quy định. Chỉ đạo Phòng Nội vụ tăng cường tổ chức kiểm tra các ngành, đơn vị, địa phương trong việc thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch; việc bố trí, phân công cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại cơ quan, tại nhà và việc chấp hành các quy định về phòng, chống dịch trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.
UBND, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch cấp huyện tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ; chỉ đạo các đơn vị, địa phương làm việc liên tục, kể cả thứ bảy, chủ nhật, bố trí trực 24/24 để xử lý và chỉ đạo kịp thời các vấn đề có liên quan trong công tác phòng, chống dịch.
UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương chấn chỉnh và thực hiện nghiêm túc hơn nữa các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian tới.
H.A