Thứ Bảy, 14/08/2021, 16:16 (GMT+7)
.

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội

(ABO) Ngày 11-8, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tiền Giang ban hành Công văn 500-CV/TU triển khai thực hiện Kết luận 06-KL/TW ngày 10-6-2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW (Chỉ thị 40) ngày 22-11-2014 của Ban Bí thư (khóa XI) về tăng cuờng sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.

Thực hiện Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tiền Giang đã ban hành Thông tri 13-TT/TU ngày 22-6-2015 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội và chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, các ngành, Mặt trận Tổ quốc và các hội, đoàn thể trong tỉnh tổ chức quán triệt và triển khai nội dung của Chỉ thị đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn.

Tín dụng chính sách góp phần lớn trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo.
Tín dụng chính sách góp phần lớn trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo.

Qua hơn 5 năm triển khai thực hiện, với sự  lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của các cấp ủy, tổ chức đảng; cùng sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị và triển khai có hiệu quả của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Tiền Giang, công tác tín dụng chính sách xã hội đã đạt được nhiều kết quả quan trọng; đã huy động được hàng nghìn tỷ đồng, đáp ứng nhu cầu vay vốn của đông đảo người nghèo và các  đối tượng chính sách khác ở 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh, góp phần tạo việc làm, giảm nghèo bền vững, hỗ trợ các đối tượng chính sách xã hội, những người có hoàn cảnh khó khăn và xây dựng nông thôn mới. Mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội đã phát huy hiệu quả, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ mới; xây dựng được phương thức cho vay uỷ thác tín dụng chính sách xã hội hiệu quả, phát huy được vai trò và sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị trong công tác tín dụng chính sách xã hội, giúp đỡ, khuyến khích các đối tượng chính sách xã hội vươn lên thoát nghèo, từng bước làm giàu chính đáng.

Kết quả nêu trên đã khẳng định, đây là chủ trương đúng đắn, sáng tạo, có tính nhân văn sâu sắc, góp phần quan trọng thực hiện các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước về tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; đồng thời, góp phần thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển nguồn nhân lực, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Để tiếp tục đẩy mạnh, thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 40 và Kết luận 06-KL/TW ngày 10-6-2021 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 40 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tiền Giang yêu cầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh tổ chức quán triệt, phổ biến Kết luận 06-KL/TW ngày 10-6-2021 của Ban Bí thư; trong đó, tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

Tiếp tục quán triệt sâu rộng nội dung Chỉ thị 40, Kết luận 06-KL/TW ngày 10-6-2021 của Ban Bí thư và Thông tri số 13 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tiền Giang, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò của tín dụng chính sách xã hội trong quá trình tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về tăng trưởng kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. Các cấp uỷ, chính quyền cần xác định công tác tín dụng chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ trọng tâm triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, giai đoạn 2021 - 2025 và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI.

Tập trung rà soát, đề xuất, sửa đổi, bổ sung, kịp thời ban hành (hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành) cơ chế, chính sách liên quan đến tín dụng chính sách xã hội nhằm huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn lực tín dụng chính sách xã hội; tạo điều kiện cho Ngân hàng Chính sách xã hội mở rộng huy động nguồn lực từ các cá nhân, tổ chức và xã hội; từng bước mở rộng đối tượng chính sách xã hội được vay vốn, nâng mức cho vay, thời hạn cho vay phù hợp với mục tiêu các chương trình mục tiêu quốc gia và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Xác định nội dung, nhiệm vụ, bố trí đủ, kịp thời nguồn lực thực hiện tín dụng chính sách xã hội trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030 của tỉnh. Tập trung các nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước, nguồn vốn có tính chất từ thiện và các nguồn vốn hợp pháp khác vào Ngân hàng Chính sách xã hội.

Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động tín dụng chính sách xã hội; xác định đây là một nội dung công tác thường xuyên của cấp uỷ, chính quyền các cấp. Chỉ đạo các ngành, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp chặt chẽ với  Ngân hàng Chính sách xã hội trong quản lý, nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách xã hội. Xây dựng, lồng ghép mô hình, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững của địa phương với việc sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội. Cân đối, ưu tiên bố trí ngân sách địa phương uỷ thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội nhằm bổ sung nguồn vốn cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn tín dụng chính sách xã hội.

Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Tiền Giang tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng chính sách xã hội đặc thù; chủ động thực hiện tốt việc huy động, quản lý và sử dụng vốn hiệu quả; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hoá ngân hàng. Nâng cao năng lực quản trị và công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ; phối hợp tăng cường kiểm tra, giám sát đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội, hoạt động nhận uỷ thác của các tổ chức chính trị - xã hội và tình hình sử dụng vốn của người vay; có giải pháp phát triển các sản phẩm, dịch vụ hỗ trợ đem lại tiện ích cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Tăng cường công tác đào tạo cán bộ, kiện toàn, bồi dưỡng nhân sự để thực hiện tốt công tác tín dụng chính sách xã hội. Chủ động phối hợp với  các sở ban ngành liên quan tham mưu, báo cáo Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí nguồn lực và ban hành các Đề án, cơ chế chính sách mới phục vụ người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh phù hợp từng giai đoạn.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp thực hiện tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội. Thực hiện tốt công tác nhận uỷ thác của Ngân hàng Chính sách xã hội, nắm chắc tình hình sử dụng vốn của người vay; chỉ đạo hội các cấp, các đơn vị trực thuộc tiếp tục mở tài khoản tiền gửi tại Ngân hàng Chính sách xã hội, đồng thời gửi các khoản tiền gửi tạm thời nhàn rỗi, các quỹ hiện đang gửi tại các tổ chức tín dụng khác vào Ngân hàng Chính sách xã hội. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp quan tâm triển khai, mở rộng cuộc vận động vì người nghèo nhằm bổ sung nguồn vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tiền Giang cũng giao Ban Cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang chủ trì, phối hợp với các ban Đảng Tỉnh ủy, các cơ quan liên quan và Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Tiền Giang thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc tổ chức thực hiện Chỉ thị 40, Kết luận 06-KL/TW của Ban Bí thư, Thông tri 13 và Công văn này của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tiền Giang và định kỳ hằng năm báo cáo kết quả về Ban Thường trực Tỉnh ủy để theo dõi và chỉ đạo kịp thời.

PV

.
.
Blog Credit card Chia sẻ kiến thức thẻ tín dụng vay thẻ tín dụng là gìCách làm thẻ visa không cần chứng minh thu nhập
.