Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội những tháng cuối năm 2021
Văn phòng Chính phủ vừa có Văn bản số 207/TB-VPVP thông báo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 7, 7 tháng năm 2021 và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội những tháng còn lại của năm 2021.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Ảnh: Dương Giang/TTXVN |
Sau khi nghe báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ý kiến của các đại biểu dự họp, phát biểu Phó Thủ tướng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kết luận, đánh giá cao Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trách nhiệm, tích cực, chủ động xây dựng dự thảo Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội tháng 7, 7 tháng năm 2021 và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội những tháng còn lại của năm 2021 (Báo cáo) phục vụ phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7-2021.
Để bảo đảm chất lượng khi trình bày tại phiên họp Chính phủ, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tiếp tục hoàn thiện Báo cáo, trong đó lưu ý: Báo cáo cần đánh giá tổng thể về tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và nhìn lại 7 tháng đầu năm 2021 để có tính xuyên suốt và thể hiện rõ sự kế thừa, tiếp nối trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cấp, các ngành. Nội dung đánh giá phải bảo đảm khách quan, "không tô hồng", "không bôi đen", dựa trên các số liệu minh chứng cụ thể, thuyết phục.
Báo cáo phải động viên, khơi dậy được niềm tin, khí thế, ý chí vươn lên mạnh mẽ, sự cố gắng của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, thể hiện được tính chiến đấu và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.
Về kết cấu, Báo cáo gồm 3 phần, cụ thể: Tình hình, kết quả trong tháng 7 và nhìn lại 7 tháng đầu năm 2021; Phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong tháng 8 và các tháng còn lại năm 2021; những vấn đề xin ý kiến Chính phủ và các địa phương.
Về tình hình, kết quả phát triển kinh tế - xã hội trong tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2021 cần tập trung vào đặc điểm, tình hình khác của 7 tháng đầu năm 2021 so với năm 2020 (như tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; thực hiện kiện toàn nhân sự, tổ chức, bộ máy; tổ chức bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp; sự bùng phát của dịch COVID-19 với biến thể mới, nguy hiểm, khó kiểm soát hơn, tập trung vào các khu công nghiệp, đô thị lớn).
Mặc dù tình hình có rất nhiều khó khăn nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự giám sát của Quốc hội, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cấp, các ngành, sự nỗ lực của toàn dân và cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế - xã hội đất nước đã đạt được nhiều kết quả.
Báo cáo cần nhấn mạnh hơn những kết quả đạt được trong tháng 7 và nhìn lại 7 tháng đầu năm 2021 so với cùng kỳ năm trước, nhất là trong việc thực hiện mục tiêu kép; ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; thu ngân sách nhà nước đạt cao; thúc đẩy giải ngân đầu tư trực tiếp nước ngoài; quyết liệt tháo gỡ các vướng mắc về thể chế; thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, kịp thời có chính sách hỗ trợ đời sống người dân và các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững; công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh; phối hợp công tác giữa các bộ, cơ quan và giữa Chính phủ với các cơ quan trong hệ thống chính trị được tăng cường và hiệu quả, thực chất hơn...
Báo cáo cũng cần làm rõ một số tồn tại, hạn chế, trong đó dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực hoạt động sản xuất kinh doanh, tính liên tục của chuỗi cung ứng, tác động đến việc làm, sinh kế, đời sống của người dân; lạm phát mặc dù được kiểm soát nhưng có xu hướng tăng, thu hút FDI có xu hướng giảm; giải ngân đầu tư công chậm, đặc biệt là giải ngân ODA rất thấp, nhập siêu có xu hướng tăng, các thế lực thù địch lợi dụng chống phá; công tác tổ chức thực hiện có lúc có nơi chưa tốt...
Bên cạnh đó, cần làm rõ nguyên nhân của kết quả đạt được và tồn tại, hạn chế; xác định các bài học kinh nghiệm trong chỉ đạo, điều hành cho các tháng tiếp theo, trong đó nhấn mạnh tinh thần đoàn kết, thống nhất, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc; kế thừa, phát huy những kết quả đạt được, bài học kinh nghiệm quý, khắc phục bằng được những hạn chế, yếu kém; coi khó khăn, thách thức là động lực để phấn đấu vượt khó, trưởng thành, vươn lên, không ngừng nỗ lực, kiên trì, kiên định thực hiện mục tiêu; đột phá về thể chế để tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; bám sát thực tiễn, linh hoạt, sáng tạo trong chỉ đạo điều hành, tăng cường phân công, phân cấp đi đôi với kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực; bảo đảm vai trò lãnh đạo, điều hành thống nhất trên phạm vi cả nước; kịp thời tháo gỡ điểm nghẽn, hỗ trợ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, nhất là trong phòng, chống dịch bệnh.
Về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong tháng 8 và các tháng còn lại của năm 2021, Báo cáo cần nhấn mạnh các dự báo về bối cảnh tháng 8 và các tháng cuối năm 2021 rất khó khăn, kết quả phát triển kinh tế - xã hội phụ thuộc vào tình hình kiểm soát dịch COVID-19 trong nước, cũng như trong khu vực, trên thế giới; việc bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội là thách thức lớn đối với công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cấp, các ngành...
Đồng thời, thể hiện rõ các quan điểm lớn trong chỉ đạo, điều hành, như: Nói ít làm nhiều, nói đi đôi với làm, bảo đảm kỷ luật phát ngôn; kiên trì thực hiện mục tiêu tiêu kép nhưng phải linh hoạt, sáng tạo để xác định các ưu tiên phù hợp ở từng địa bàn, từng thời điểm. Trong thời điểm này cả nước cần ưu tiên cao độ cho chống dịch để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân là trên hết, trước hết phát triển kinh gắn với phát triển văn hóa, giáo dục, đào tạo, bảo đảm an ninh quốc phòng, bảo vệ môi trường; nắm bắt cơ hội để tái cơ cấu nền kinh tế; tư tưởng chủ động tấn công, linh hoạt, đổi mới sáng tạo. Những vấn đề đã “chín”, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, được đa số đồng tình thì tiếp tục thực hiện. Những vấn đề chưa có quy định hoặc quy định không còn phù hợp với thực tiễn thì mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội.
Các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tháng 8 và những tháng cuối năm cần bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các Nghị quyết, Kết luận của Đảng, Quốc hội, trong đó nhấn mạnh: Tập trung phòng, chống dịch COVID-19 quyết liệt, hiệu quả, thực chất hơn, thực hiện nghiêm các quy định đã đề ra, tổng kết, hoàn thiện, bổ sung và có biện pháp phòng, chống dịch phù hợp; tiếp tục có chính sách để kịp thời, cụ thể, thiết thực hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, bảo đảm cung ứng, đảm bảo phân phối và lưu thông hàng hóa, nhất là hàng thiết yếu tại các địa phương có dịch đang diễn biến phức tạp; xây dựng cơ chế, chính sách để huy động hiệu quả các nguồn lực ngoài nhà nước; kịp thời tháo gỡ các vướng mắc về thể chế, khơi thông các nguồn lực cho phát triển; tăng cường phân cấp, phân quyền đi đôi với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực.
Bên cạnh đó, phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội; phát triển văn hóa, giáo dục, kết thúc năm học cũ, chuẩn bị tốt cho năm học mới; tăng cường công tác xây dựng Đảng, tập trung xây dựng, hoàn thiện Quy chế làm việc của Chính phủ ban hành quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của các bộ, cơ quan theo quy định; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, đẩy mạnh hội nhập quốc tế, thực hiện các cam kết quốc tế; tăng cường công tác thông tin, truyền thông, tạo đồng thuận xã hội, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, phương châm là lấy cái đẹp dẹp cái xấu, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực.
Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ căn cứ các nội chung nêu tại điểm 2 nêu trên, nghiên cứu, có ý kiến bằng văn bản đối với các nội dung báo cáo, đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại các Văn bản số 5017/BC BKHĐT và 5018/TTr - BKHĐT ngày 2-8-2021, gửi về Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong ngày 4-8-2021.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan: Tài chính, Công Thương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Giao thông vận tải, Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Lao động -Thương binh và Xã hội và các cơ quan liên quan
Bên cạnh đó, tổng hợp, tiếp thu các ý kiến tại điểm 3 để hoàn thiện các dự thảo Tờ trình, Báo cáo trong ngày 5-8-2021; có văn bản gửi xin ý kiến các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đối với các dự thảo Tờ trình, Báo cáo đã được hoàn thiện và đề nghị xin lại ý kiến chậm nhất ngày 17-8-2021.
Đồng thời, tổng hợp, tiếp thu ý kiến của các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để hoàn thiện Tờ trình, Báo cáo, trình Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, các đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ để cho ý kiến trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chậm nhất ngày 9-8-2021.
Theo baotintuc.vn