Tiếp tục giãn cách xã hội theo phương châm có thể áp dụng sớm hơn, cao hơn Chỉ thị 16
Qua hơn 26 ngày triển khai giãn cách xã hội, tình hình dịch bệnh đã từng bước được kiểm soát tại một số địa phương, khu vực. Tuy nhiên dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, nhất là tại TPHCM và một số địa phương lân cận (Bình Dương, Long An, Đồng Nai).
Ngày 15-8, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến của Thường trực Chính phủ với một số địa phương triển khai Nghị quyết 30 của Quốc hội, Nghị quyết 86 của Chính phủ về việc thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh Covid-19; sơ kết 1 tháng thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng tại một số địa phương.
Cùng dự hội nghị tại điểm cầu Chính phủ có các Phó Thủ tướng: Lê Minh Khái, Vũ Đức Đam, Lê Văn Thành; các đồng chí Bộ trưởng, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương.
Dự cuộc họp tại điểm cầu 36 địa phương (gồm các tỉnh, thành phố đang thực hiện Chỉ thị 16 và một số địa phương có nguy cơ cao bùng phát dịch) là các Bí thư Thành ủy, Tỉnh ủy; Chủ tịch UBND các tỉnh thành phố; lãnh đạo các sở, ban, ngành địa phương.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên dự tại điểm cầu TPHCM.
Tranh thủ thời gian vàng “giãn cách” để kiểm soát dịch bệnh nhanh nhất có thể
Theo Báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, sau 26 ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 tại 19 tỉnh thành phố khu vực phía Nam; 21 ngày giãn cách tại TP Hà Nội; 22 ngày giãn cách tại tỉnh Phú Yên; 7 ngày giãn cách tại tỉnh Khánh Hòa và 13 ngày giãn cách tại TP Đà Nẵng, các địa phương này ghi nhận 216.719 ca mắc, trong đó số ca mắc ghi nhận qua sàng lọc tại cộng đồng là 39.918 ca, chiếm 18,4% tổng số ca mắc trong thời gian thực hiện giãn cách; số ca mắc mới sàng lọc cộng đồng đã bắt đầu xu hướng giảm tại một số địa phương.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến của Thường trực Chính phủ với một số địa phương. Ảnh: VIẾT CHUNG |
Qua hơn 26 ngày triển khai giãn cách xã hội, tình hình dịch bệnh đã từng bước được kiểm soát tại một số địa phương, khu vực. Tuy nhiên dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, nhất là tại TPHCM và một số địa phương lân cận (Bình Dương, Long An, Đồng Nai). Một số địa phương thuộc khu vực miền Trung (Đà Nẵng, Khánh Hòa, Phú Yên) dịch chưa được kiểm soát triệt để, vẫn còn khả năng bùng phát và nguy cơ xuất hiện các ổ dịch lớn, do dịch đã lây lan rộng ra cộng đồng, trong các nhà máy, xí nghiệp và khu vực đông dân cư.
Tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng biểu dương, cảm ơn sự nỗ lực, cố gắng của các cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị các cấp đã hết sức trách nhiệm vì nhân dân, làm việc quên ngày đêm, sự vào cuộc của nhân dân và doanh nghiệp, đặc biệt tại các địa phương có ổ dịch lớn như TPHCM, Bình Dương, Long An, Đồng Nai…
Đánh giá tình hình dịch bệnh vẫn hết sức phức tạp và có nơi nghiêm trọng, Thủ tướng yêu cầu các địa phương căn cứ diễn biến thực tế để đánh giá, xác định tình hình cụ thể và có giải pháp ứng phó phù hợp theo Nghị quyết 86 của Chính phủ. Tiếp tục quán triệt tinh thần “chống dịch như chống giặc”, đây là ưu tiên số 1 trên phạm vi cả nước trong lúc này, huy động toàn bộ hệ thống chính trị tham gia tích cực vào công tác phòng, chống dịch.
Các địa phương đang thực hiện Chỉ thị 16 phải ưu tiên cho công tác chống dịch, nhưng không có nghĩa là chỉ tập trung chống dịch, nơi nào an toàn vẫn phải duy trì sản xuất, sản xuất phải an toàn, an toàn để sản xuất và thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên khác. “Khi quyết định thực hiện giãn cách xã hội thì phải thực hiện nghiêm, thực chất, đúng tinh thần “ai ở đâu ở đó”. Tranh thủ thời gian vàng “giãn cách” để kiểm soát dịch bệnh nhanh nhất có thể, không để lây lan rộng nên phải giãn cách xã hội trên phạm vi rộng”, Thủ tướng nhấn mạnh. Phòng chống dịch thì quan trọng nhất là chống lây nhiễm giữa người với người, kiểm soát được con người thì cắt được lây nhiễm.
Về thực hiện chủ trương “4 tại chỗ”, Thủ tướng cho rằng, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 30, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 86 tạo điều kiện tối đa về quy trình, thủ tục về đầu tư, mua sắm trang thiết bị, sinh phẩm y tế phòng chống dịch. Lãnh đạo địa phương phải kịp thời triển khai mua sắm, bảo đảm điều kiện phòng, chống dịch trên địa bàn, tuyệt đối không trông chờ, ỷ lại vào hỗ trợ của Trung ương. Trung ương vẫn phải lo nguồn dự trữ để hỗ trợ khi các địa phương gặp khó khăn. Tinh thần là phải chủ động, mỗi cấp, mỗi ngành theo chức năng, vị trí, vai trò của mình để thực hiện nhiệm vụ, việc của ai người đó phải lo. Các địa phương đẩy mạnh tiết kiệm, dành nguồn lực ưu tiên cho phòng chống dịch vào thời điểm này.
Bao phủ vaccine cho các đối tượng trên 50 tuổi
Thủ tướng cũng đặc biệt lưu ý về vấn đề điều trị bệnh nhân Covid-19, trong đó đặc biệt lưu ý: không coi F0 chưa có triệu chứng là người bệnh để có phương án cách ly (tại các trung tâm thu dung hoặc tại nhà khi bảo đảm đủ các điều kiện cần thiết) và chăm sóc phù hợp về dinh dưỡng, thể chất, tinh thần, nhằm giảm tỷ lệ F0 có triệu chứng; chú ý việc bảo đảm điều kiện và điều trị, can thiệp y tế kịp thời nhằm giảm tối đa các trường hợp tử vong. Đây là nhiệm vụ quan trọng nhất vào thời điểm này. Bộ Y tế hướng dẫn cách làm các túi thuốc an sinh, cấp miễn phí và hướng dẫn các F0 tại nhà sử dụng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tiêm vaccine miễn phí cho toàn dân. Ảnh: VIẾT CHUNG |
Đặc biệt, để giảm tỷ lệ tử vong, Thủ tướng gợi ý một số biện pháp để Bộ Y tế và các địa phương nghiên cứu, xem xét, có hướng dẫn cụ thể, như ưu tiên tiêm, bao phủ vaccine cho các đối tượng trên 50 tuổi, có điểm tiêm riêng cho người cao tuổi. Giảm số ca mắc, hướng dẫn cụ thể về việc cần làm để duy trì "vùng xanh" bền vững. Loại bỏ ngay các giấy tờ thủ tục hành chính với các trường hợp nhập viện cấp cứu, nhập viện trước, làm thủ tục sau.
Tiếp tục nghiên cứu thí điểm theo dõi, điều trị F0 hiệu quả ngay tại cộng đồng thông qua các tổ y tế. Nâng cao năng lực bệnh viện tuyến huyện, nơi gần người bệnh nhất, Bộ Y tế hướng dẫn, tập huấn, hỗ trợ từ xa cho tuyến huyện, huyện hướng dẫn tuyến xã, tăng cường trang thiết bị, ôxy, giường ICU… Quán triệt đến người dân tinh thần vaccine đã được cấp phép theo quy định về Việt Nam: vaccine tốt nhất là vaccine được tiêm sớm nhất; khắc phục ngay tình trạng kén chọn, chờ đợi vaccine trong khi đang rất khan hiếm vaccine và dịch bệnh vẫn đang lây lan nhanh, làm nhiều người tử vong. Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, xử lý ngay những hành vi tiêu cực trong việc tiêm vaccine như trả tiền để được tiêm. Nghiên cứu tăng thêm phụ cấp cho đội ngũ làm nhiệm vụ tiêm vaccine.
Hỗ trợ hoàn toàn việc mai táng bệnh nhân tử vong do Covid-19
Các địa phương tăng cường hoạt động hiệu quả của Tổ Covid cộng đồng, tổ chức các kênh, nhân lực ứng trực 24/24 để kịp thời tiếp nhận, xử lý các phản ánh, yêu cầu của người dân. Không để ai thiếu ăn thiếu mặc, đáp ứng các yêu cầu y tế của người dân mọi lúc, mọi nơi.
Về hỗ trợ doanh nghiệp xét nghiệm, duy trì sản xuất, Thủ tướng yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm giao thông vận tải; rà soát, bãi bỏ ngay các quy định không phù hợp; tăng cường phối hợp tốt với các bộ và địa phương liên quan, thống nhất thực hiện các biện pháp kiểm soát theo đúng chỉ đạo của Trung ương, tạo điều kiện cho việc vận tải, lưu thông hàng hóa trên địa bàn, nhất là hàng hóa thiết yếu phục vụ phòng chống dịch, phục vụ đời sống nhân dân và nguyên vật liệu sản xuất, hàng hóa xuất khẩu…
Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết về việc hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, trong đó có việc hỗ trợ về xét nghiệm, tổ chức ăn ở cho công nhân… để duy trì sản xuất và thúc đẩy sản xuất ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát, giữ chuỗi cung ứng không đứt gãy…
Bộ LĐTB-XH triển khai nhanh các chính sách bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân, kịp thời cập nhật đối tượng cần hỗ trợ; nghiên cứu, mở rộng mô hình túi an sinh của TPHCM. Các địa phương bảo đảm việc lưu thông, cung ứng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu; hỗ trợ cung cấp ngay lương thực, thực phẩm cho tất cả những người lao động nghèo, mất thu nhập, không còn dự trữ, không để bất kỳ ai bị thiếu đói trên địa bàn. Chính phủ thống nhất hỗ trợ hoàn toàn việc mai táng bệnh nhân tử vong do Covid-19.
Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 cho biết, đến nay, 19 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam đã triển khai tiêm chủng được 7.401.714 liều vaccine (đạt 79,8% số được phân bổ), gồm 7.009.474 liều mũi 1 và 392.240 liều mũi 2. Riêng TPHCM đã triển khai tiêm chủng được 4.483.304/4.972.420 liều (đạt 90.2%), trong đó có 4.352.818 liều mũi 1 và 130.486 liều mũi 2.
Thủ tướng chỉ rõ, đối với từng vùng có nguy cơ rất cao, phải tiếp tục giãn cách xã hội theo phương châm có thể áp dụng sớm hơn, cao hơn nhưng không được chậm hơn, thấp hơn yêu cầu tại Chỉ thị số 16; tiếp tục phong tỏa chặt, cô lập, thu hẹp các vùng có nguy cơ, đặc biệt vùng nguy cơ rất cao (vùng đỏ); giữ vững, củng cố, mở rộng "vùng xanh" an toàn; đối với "vùng xanh" có thể giảm nhẹ các yêu cầu giãn cách (áp dụng Chỉ thị 15), song dứt khoát phải kiên trì các biện pháp như 5K, tuyệt đối không lơ là, chủ quan. Khi chưa có đầy đủ vaccine và thuốc điều trị thì phòng ngừa vẫn là chủ yếu, là chiến lược. Chuẩn bị các phương án ứng phó dịch bệnh ở mức cao hơn.
Tiêm vaccine miễn phí cho toàn dân
Thủ tướng nhắc lại, việc phong tỏa chặt ổ dịch, xét nghiệm thần tốc, phát hiện nguồn lây để cách ly khỏi cộng đồng là rất quan trọng; an sinh xã hội là trọng yếu, thường xuyên; giảm số ca tử vong là ưu tiên hàng đầu; lưu thông hàng hóa phải kịp thời, thông suốt; phối hợp giữa chính quyền, doanh nghiệp và người dân phải chặt chẽ, nhịp nhàng, hiệu quả. Vaccine là chiến lược nhưng khi chưa có đủ thì phải thực hiện các biện pháp để bảo vệ tính mạng, sức khỏe người dân là trên hết, trước hết.
Đáng chú ý, Thủ tướng yêu cầu Bộ GD-ĐT cần tổ chức năm học mới phù hợp tình hình, nghiên cứu kế hoạch tiêm vaccine cho học sinh.
Tại hội nghị, Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu tiêm vaccine miễn phí cho toàn dân. Khuyến khích các doanh nghiệp, các địa phương tìm nguồn, kết nối, mua vaccine nhưng Bộ Y tế phải thực hiện nghiêm chức năng quản lý Nhà nước, chịu trách nhiệm đánh giá chất lượng vaccine bảo đảm an toàn, hiệu quả, cấp phép, bảo quản, lưu trữ, chủ trì tiêm miễn phí cho toàn dân.
TPHCM: Kế hoạch 2 giai đoạn kiểm soát dịch bệnh trước 15-9
Phát biểu tại buổi họp trực tuyến, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết, việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đã cơ bản thực hiện hiệu quả, nhất là tại các khu phong tỏa. Đến nay, các phương tiện tham gia giao thông đã giảm 75% so với trước khi thực hiện Chỉ thị 16 và tỷ lệ ca nhiễm tại khu phong tỏa chỉ còn 57% (thời điểm đầu tháng 8 tỷ lệ ca nhiễm ở khu phong tỏa là 80%).
Việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhất là ôxy đã được tập trung triển khai thực hiện tùy theo tình hình diễn biến của dịch bệnh. Chỉ trong thời gian ngắn, TP đã thực hiện thần tốc, hình thành được các khu cách ly, bệnh viện dã chiến, các trung tâm hồi sức, bồn ôxy với quy mô lớn nhất từ trước đến nay.
Thời gian qua, TPHCM đã xuất hiện nhiều mô hình sáng tạo trong phòng chống dịch như: ATM ôxy, biệt đội taxi cấp cứu F0, mô hình Tổ y tế lưu động... Đặc biệt, là các mô hình tự quản “vùng xanh” của nhân dân ngày càng được nhân rộng, đến nay, TPHCM đã có 10.248 “vùng xanh”, đây là mô hình vừa góp phần nâng cao ý thức của nhân dân vừa ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Công tác chăm lo cho người nghèo, lao động tự do, người lao động có hoàn cảnh khó khăn được thực hiện đồng bộ, hiệu quả, mức độ bao phủ đã tốt hơn; đã hoàn thành gói hỗ trợ thứ nhất cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh với kinh phí hơn 700 tỷ đồng. Các địa phương đã tổ chức hỗ trợ từ nguồn vận động với kinh phí hơn 500 tỷ đồng. Thành phố đang triển khai gói hỗ trợ thứ hai cho người nghèo, cận nghèo, lao động tự do với kinh phí hơn 900 tỷ đồng.
Theo Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, mặc dù tình hình dịch bệnh đang đi ngang và có xu hướng giảm, tuy nhiên kết quả này chưa bền vững, vẫn còn một số hạn chế trong tổ chức thực hiện. Quán triệt tinh thần Nghị quyết số 86 của Chính phủ, thành phố đã xây dựng kế hoạch phấn đấu kiểm soát dịch bệnh trước ngày 15-9 năm 2021 với 2 giai đoạn:
* Giai đoạn 1: từ ngày 15-8 đến ngày 31-8 với mục tiêu kéo giảm tỷ lệ bệnh nhân tử vong; không để xảy ra trường hợp F0 chuyển nặng mà không được tiếp nhận, điều trị; mở rộng “vùng xanh”, phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh đối với các quận, huyện: Cần Giờ, Nhà Bè, Củ Chi, Phú Nhuận, quận 5, quận 7, quận 11.
* Giai đoạn 2: từ ngày 1-9 đến ngày 15-9: phấn đấu kiểm soát được tình hình dịch bệnh trước ngày 15-9 năm 2021, cụ thể: phấn đấu đến 15-9 số trường hợp tử vong giảm 20%, số trường hợp nặng giảm 20%; số lượng nhập viện điều trị mỗi ngày không vượt quá số xuất viện mỗi ngày; số nhập viện không quá 2.000 người mỗi ngày; đảm bảo hơn 70% dân số (trên 18 tuổi) được tiêm mũi 1 và 15% dân số được tiêm mũi 2.
Theo đồng chí Nguyễn Thành Phong, thời gian tới, về thực hiện giãn cách xã hội, TP tiếp tục thực hiện nghiêm, hiệu quả theo nguyên tắc “ai ở đâu thì ở đó”, hạn chế tối đa số lượng người dân ra khỏi nơi cư trú và kiểm soát chặt chẽ các đối tượng được phép ra khỏi nhà. Tại các khu phong tỏa đảm bảo “ngoài chặt, trong chặt” gắn với công tác kiểm tra giám sát; thúc đẩy mạnh mẽ phong trào tự quản bảo vệ “vùng xanh”.
Về xét nghiệm, đối với các khu phong tỏa (các vùng “đỏ”, “cam”): xét nghiệm để thu gọn phạm vi, biến khu phong tỏa thành điểm phong tỏa. Thực hiện xét nghiệm gộp mẫu test nhanh theo hộ gia đình. Đối với các vùng “xanh”, “cận xanh”, “vàng”: xét nghiệm ngẫu nhiên, có trọng điểm bằng phương pháp RT-PCR mẫu gộp 5 đại diện hộ gia đình. Đối với khu vực ngoài khu phong tỏa: giám sát, phát hiện sớm những người có triệu chứng nghi ngờ hoặc người có yếu tố nguy cơ: xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR hoặc bằng test nhanh (nếu dương tính thì thực hiện tiếp RT-PCR và xử lý như nghi nhiễm).
Về điều trị, tập trung thực hiện hiệu quả 2 trụ cột là chăm sóc F0 tại nhà và điều trị tại bệnh viện.
Cụ thể, chăm sóc F0 tại nhà: xét nghiệm tại nhà; “Túi thuốc điều trị” tại nhà; an sinh tại nhà. Quy trình hóa việc chăm sóc F0 tại nhà; vận hành hiệu quả Tổ phản ứng nhanh tại phường, xã, thị trấn theo nhóm hộ gia đình để sẵn sàng tiếp nhận người bệnh có triệu chứng hoặc chuyển cấp cứu; xây dựng mạng lưới tình nguyện chăm sóc, tư vấn F0 tại nhà.
Điều trị tại bệnh viện: Điều chỉnh phân tầng điều trị còn 3 tầng; huy động tất cả các bệnh viện công lập, tư nhân tham gia điều trị; nâng cấp, trang bị cho các cơ sở cách ly có chức năng chữa trị của các quận huyện, thành phố Thủ Đức; thành lập Trung tâm Quản lý, đầu tư cơ sở vật chất, ôxy, số giường bệnh cho hệ thống cơ sở điều trị, đảm bảo các bệnh viện được trang bị đầy đủ ôxy và thuốc men; thành lập Tổ chuyên gia về điều trị để chỉ đạo, điều phối công tác điều trị bệnh nhân kịp thời, đồng bộ và hiệu quả.
Về vaccine, tổ chức nhiều điểm tiêm, nhiều hình thức tiêm như: tiêm lưu động, tiêm tại nhà, tiêm ban đêm, cấp vaccine và cho doanh nghiệp thuê đơn vị y tế có năng lực để tiêm nhằm mở rộng tỷ lệ bao phủ vaccine. Sử dụng cả giải pháp truyền thông và tuyên truyền vận động để người dân hiểu và tự giác tiêm.
Về nhân lực, rà soát, sắp xếp lại nguồn nhân lực y tế để đảm bảo thực hiện hiệu quả nhiệm vụ, trong đó tập trung nguồn nhân lực cho lĩnh vực điều trị và tăng cường tập huấn cho đội ngũ bác sĩ về năng lực hồi sức cấp cứu. Huy động lực lượng tình nguyện tham gia chống dịch; vận động thêm các y, bác sĩ, điều dưỡng đã về hưu nhưng còn đủ sức khỏe để đăng ký tình nguyện tham gia chống dịch.
Về đảm bảo an sinh xã hội, triển khai hoạt động Trung tâm Tiếp nhận và hỗ trợ hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân (Trung tâm An sinh) và thí điểm các Trung tâm tại quận 5, quận 7 và quận 12. Đẩy mạnh việc thành lập các trung tâm, tổ, nhóm hỗ trợ, cứu trợ với hình thức tổ chức, phương thức hoạt động phù hợp, kịp thời đáp ứng yêu cầu của người dân; chuẩn bị 1 triệu túi an sinh để sẵn sàng hỗ trợ người dân khó khăn.
Về sản xuất, tạo điều kiện và hướng dẫn doanh nghiệp tổ chức sản xuất an toàn trong điều kiện phòng, chống dịch theo 1 trong 4 phương án: tiếp tục thực hiện phương án “3 tại chỗ” hoặc phương án “3 tại chỗ theo kíp” linh hoạt (sản xuất tại chỗ - ăn tại chỗ - nghỉ ngơi tại chỗ luân phiên theo kíp sản xuất); tiếp tục thực hiện phương án “1 cung đường - 2 địa điểm” hoặc phương án “1 cung đường - 2 địa điểm” linh hoạt (người lao động chỉ lưu thông trên 1 cung đường nối 2 địa điểm là nơi làm việc và nơi lưu trú tập trung); phương án 3: cả 2 mô hình “3 tại chỗ” và “1 cung đường - 2 địa điểm”; tổ chức hoạt động theo phương châm “4 xanh” gồm: nhân lực xanh, cung đường xanh, vùng sản xuất xanh và nơi ở xanh.
Theo đồng chí Nguyễn Thành Phong, hiện TP đã xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị quyết 86 của Chính phủ, phấn đấu kiểm soát dịch bệnh trước ngày 15-9. Trên cơ sở buổi làm việc giữa TP với Bộ trưởng Bộ Y tế ngày 12-8, để thuận lợi cho việc kiểm tra, đánh giá, TP đề nghị Bộ Y tế sớm hướng dẫn tiêu chí kiểm soát dịch bệnh tại TPHCM.
Theo sggp.org.vn