Thứ Tư, 18/08/2021, 15:40 (GMT+7)
.

Tỉnh Mỹ Tho và Gò Công góp phần vào thắng lợi Cách mạng Tháng Tám năm 1945

Cùng với tiến trình hoạch định chủ trương khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân, Đảng bộ 2 tỉnh Mỹ Tho và Gò Công khẩn trương tiến hành xây dựng các lực lượng cách mạng, tăng cường sức mạnh của các đội quân cách mạng, bao gồm lực lượng lãnh đạo, lực lượng quần chúng, lực lượng vũ trang... Cách thức tổ chức xây dựng lực lượng cách mạng không diễn ra đồng loạt như nhau, mà căn cứ vào điều kiện cụ thể của từng địa phương. Với quy mô, mức độ, hình thái thích hợp với từng địa phương, địa bàn mà các cấp ủy, Mặt trận Việt Minh chú trọng huấn luyện, đào tạo đội ngũ cán bộ chính trị và quân sự, xây dựng các đoàn thể cứu quốc, các đội du kích, lực lượng vũ trang, xây dựng căn cứ địa...

Công tác đào tạo đội ngũ cán bộ được Đảng bộ và Mặt trận Việt Minh các cấp đặc biệt xem trọng. Từ sau cuộc khởi nghĩa tháng 11-1940, Đảng bộ và Mặt trận Dân tộc thống nhất các cấp 2 tỉnh liên tiếp tổ chức nhiều khóa huấn luyện cán bộ cho các cấp trong tỉnh.

Đặc biệt là, từ khi Nhật đảo chính Pháp (ngày 9-3-1945), công tác đào tạo đội ngũ cán bộ càng được xúc tiến nhanh chóng, thường xuyên hơn. Nhiều hình thức tổ chức huấn luyện, đào tạo cán bộ được tổ chức tại các vùng căn cứ địa cách mạng ở phía Bắc các quận Châu Thành, Cai Lậy, Cái Bè, tỉnh Mỹ Tho và tỉnh Gò Công..., nhằm cung cấp kịp thời đội ngũ cán bộ chính trị, cán bộ quân sự cho các địa phương.

Tiêu biểu là các khóa đào tạo cán bộ quân sự của tỉnh Mỹ Tho ở cầu Bến Chùa, xã Long An, quận Châu Thành, do Thầy giáo Phan Lương Trực trực tiếp lãnh đạo, giảng dạy và huấn luyện. Trong nhà tù, trại giam của địch trên địa bàn tỉnh, cán bộ cách mạng vẫn tổ chức nhiều lớp huấn luyện về chính trị và quân sự, chuẩn bị khi có điều kiện trở về địa phương kịp thời phục vụ cách mạng trong đấu tranh giành chính quyền về tay nhân dân. Đây là nguồn cán bộ quan trọng đảm đương vai trò lãnh đạo cuộc khởi nghĩa trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Nhà đồng chí Lê Văn Philip (số 16, đường Trần Hưng Đạo, TX. Gò Công), nơi mở các cuộc họp  để khởi nghĩa ở Gò Công tháng 8-1945.
Nhà đồng chí Lê Văn Philip (số 16, đường Trần Hưng Đạo, TX. Gò Công), nơi mở các cuộc họp để khởi nghĩa ở Gò Công tháng 8-1945.

Đội ngũ cán bộ được đào tạo trong Cách mạng tháng Tám năm 1945 hầu hết là thanh niên giàu lòng yêu nước và tinh thần hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, đi sát quần chúng, nhanh chóng phát huy vai trò tiên phong trong phong trào đấu tranh của quần chúng. Lớp cán bộ này không chỉ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, mà còn là lực lượng nòng cốt trong các giai đoạn cách mạng tiếp theo.

Để tiến tới Tổng khởi nghĩa, công tác xây dựng lực lượng vũ trang tiến hành liên tục với nhịp độ ngày càng khẩn trương, rộng khắp, từ nhỏ đến lớn, từ nông thôn đến các đô thị. Từ các đội tự vệ vũ trang, các đội du kích, lực lượng vũ trang các cấp từng bước phát triển cùng với các đoàn thể cứu quốc.

Công tác xây dựng lực lượng vũ trang gắn liền với nhịp độ phát triển của phong trào cách mạng ở địa phương, thúc đẩy sự phát triển phong trào của quần chúng, xây dựng khu căn cứ cách mạng, khu du kích... đấu tranh chống địch càn quét, khủng bố. Trong quá trình khởi nghĩa, lực lượng vũ trang đóng vai trò nòng cốt, kết hợp chặt chẽ với lực lượng quần chúng nổi dậy, tạo nên sức mạnh vô địch của bạo lực cách mạng, áp đảo phát xít Nhật và bè lũ tay sai, giành chính quyền về tay nhân dân.

Công tác xây dựng căn cứ địa ở phía Bắc các quận Châu Thành, Cai Lậy, Cái Bè, tỉnh Mỹ Tho và ở tỉnh Gò Công là những nơi đứng chân để xây dựng lực lượng, bao gồm lực lượng lãnh đạo, các đoàn thể quần chúng, các đơn vị vũ trang và là nơi đào tạo, huấn luyện cán bộ. Căn cứ địa và vùng du kích cũng là nơi thí điểm thực hiện Chương trình Việt Minh, xây dựng mẫu hình của khối đoàn kết toàn dân và những nhân tố mới của nước Việt Nam độc lập, tự do.

Từ đó, căn cứ địa tạo cho nhân dân ta niềm tin chiến thắng. Sức mạnh và ảnh hưởng của căn cứ địa ngày càng lan rộng cùng với sự xuất hiện các khu du kích xã Mỹ Hạnh Đông (quận Cai Lậy), xã Hưng Thạnh (quận Châu Thành), xã Gia Thuận (Gò Công), xã Thiên Hộ (quận Cái Bè)... ngày càng phát triển mạnh mẽ, vững chắc, mở đường liên lạc với các trung tâm tỉnh, quận, tạo điều kiện cho các cấp lãnh đạo nắm chắc diễn biến tình hình, chỉ đạo kịp thời, sát với phong trào cách mạng. Đồng thời, các căn cứ địa là nơi tích trữ hậu cần phục vụ cho các lực lượng cách mạng trong tiến trình khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân.

Công tác xây dựng Đảng là một trong những công tác có tính quyết định đến sự thành bại của cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng, có 3 việc được quan tâm đúng mức, đó là: Xây dựng Đảng về mặt tư tưởng, xây dựng Đảng về mặt tổ chức và bồi dưỡng kết nạp đảng viên mới.

Tỉnh Mỹ Tho và Gò Công là vùng thuần nông, hầu hết đảng viên xuất thân là nông dân, được giáo dục, nắm vững chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, giúp đảng viên giữ vững lập trường chính trị, đạo đức cách mạng, thật sự là người chiến sĩ ưu tú, có kinh nghiệm, liên hệ chặt chẽ với quần chúng, tổ chức, lãnh đạo quần chúng đấu tranh chống khủng bố, tỉnh táo đề phòng địch lợi dụng phần tử cơ hội, đầu hàng để phá hoại tổ chức Đảng.

Đó là điều kiện bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng với quần chúng, bảo đảm phong trào cách mạng được duy trì, củng cố và phát triển. Đồng thời, Đảng bộ chỉ đạo xây dựng các tổ chức quần chúng hết sức rộng rãi, thông qua đó che giấu các tổ chức bí mật của Đảng, bảo vệ cán bộ, đảng viên và tuyên truyền, vận động quần chúng đấu tranh.

Nhờ thực hiện tốt công tác chính trị, tư tưởng kịp thời, đúng đắn, Đảng bộ đã giữ được niềm tin của cán bộ, đảng viên và quần chúng vào thắng lợi của cách mạng. Đó là nhân tố quan trọng để cách mạng tiến lên giành thắng lợi.

Thắng lợi của Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 là một minh chứng hùng hồn trong thực tiễn, khẳng định vai trò và sức mạnh của quần chúng nhân dân trong cách mạng. Các hình thức Mặt trận, trong đó Mặt trận Việt Minh coi quyền lợi dân tộc cao hơn hết thảy, sẵn sàng đón tiếp cá nhân, đoàn thể miễn thành thực muốn đánh đuổi Nhật, Pháp để xây dựng lên một nước Việt Nam tự do, độc lập và với các tổ chức quần chúng như: Phụ nữ cứu quốc, Thanh niên cứu quốc, Nông dân cứu quốc..., không chỉ quy tụ, mà còn là nơi các tầng lớp nhân dân tham gia đóng góp sức mình vào công việc của nước nhà.

LÊ VĂN TÝ

.
.
.