Trách nhiệm với Đảng, với dân - BÀI 3: Người đảng viên nói dân nghe, làm dân tin
Trách nhiệm với Đảng, với dân - BÀI 1: Chị không về nữa…
Trách nhiệm với Đảng, với dân - BÀI 2: Hơn 500 ngày vào tuyến lửa
20 năm làm Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp Tân Bình, xã Tân Thới, huyện Tân Phú Đông, tiền phụ cấp không đủ đổ xăng xe để đi lại lo việc chung, trong khi gia đình anh không phải khá giả. Thế nhưng, anh Nguyễn Văn Mưa chưa bao giờ có ý định từ bỏ công việc. Anh làm không phải vì muốn có một vị trí nhất định trong xã hội, càng không phải vì 500 ngàn đồng phụ cấp hằng tháng, mà vì trách nhiệm với Đảng, trách nhiệm với dân của một đảng viên…
“ĐẢNG VIÊN ĐI TRƯỚC”
Con đường dài 800 m, nối liền Tổ 1 và Tổ 2 thuộc ấp Tân Bình, xã Tân Thới, huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang là tuyến giao thông “huyết mạch” của 28 hộ dân với hơn 100 nhân khẩu nơi đây. Là tuyến giao thông “độc đạo” kết nối với các tuyến giao thông khác để đi đến xã, huyện…, nhưng con đường nối liền Tổ 1 với Tổ 2 của ấp Tân Bình lại nhỏ hẹp, trời mưa sinh lầy, trời nắng bụi bẩn, bà con đi lại rất khó khăn, nhất là người già và trẻ em. Trời nắng còn đỡ, mỗi năm đến mùa mưa, con đường sình lầy trơn trượt, thương “tụi nhỏ” đi học vất vả vô cùng.
Chiếc xe gắn máy “làm chân” để anh Mưa đi lo công việc chung cho xóm ấp cũng phải vay tiền ngân hàng để mua, thế nhưng anh đã hiến 1.350 m2 đất để mở rộng đường (ảnh chụp trước khi dịch Covid-19 bùng phát). Ảnh: VĂN THẢO |
Hằng ngày chứng kiến bà con trong xóm ấp đi lại khó khăn, anh Mưa không chịu nổi, nên luôn đau đáu suy nghĩ, tìm giải pháp để nâng cấp con đường cho “bà con đi lại bớt khó khăn hơn”. Sau nhiều đêm suy nghĩ, anh quyết định đi vận động các nhà hảo tâm xin kinh phí để nâng cấp con đường. Biết là khó, vì Tân Phú Đông là huyện cù lao ven biển, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, nên việc vận động xin kinh phí không phải là việc dễ dàng.
Nhưng khó đến mấy cũng phải thử. Không thử thì con đường này mãi mãi vẫn mưa sình lầy, nắng bụi bẩn. Mừng là sau một thời gian ngắn, kinh phí để thực hiện “dự án” nâng cấp tuyến đường bằng đá 0.4 đã vận động đủ, anh Mưa nhanh chóng triển khai thực hiện, mang lại niềm vui khôn xiết cho mấy chục hộ dân nơi đây.
Rồi khi chủ trương xây dựng nông thôn mới được triển khai ở Tân Thới, tuyến đường nối liền Tổ 1, Tổ 2 của ấp Tân Bình không đạt tiêu chuẩn, được ấp, xã đưa vào kế hoạch phải mở rộng và bê tông hóa để đạt chuẩn. Con đường hiện hữu chỉ có 2 m ngang, giờ phải mở rộng lên 3 m ngang để đạt chuẩn nông thôn mới, cái khó không phải là vấn đề kinh phí nữa, mà là việc hiến đất của nhân dân.
Tùy vào mặt tiền tiếp giáp với tuyến đường mà diện tích đất bị ảnh hưởng của các hộ dân khác nhau, có hộ mất vài trăm mét vuông, nhưng cũng có hộ mất cả ngàn, hơn ngàn mét vuông. Đất quý như vàng, làm sao để nhân dân trên cả tuyến đường đồng thuận hiến đất, mở rộng đường, đây mới thật sự là việc khó.
Nhưng khó là thứ sinh ra để ta đánh bại nó, chứ không phải để ta đầu hàng. Sau khi đo đạc, chiết tính, anh quyết định mình là đảng viên thì phải “đi trước” làm gương. Đảng viên đi trước thì làng nước sẽ theo sau. Không do dự gì nữa, anh hiến 1.350 m2 đất cùng với 17 cây dừa đang cho trái để mở rộng tuyến đường, nêu gương cho quần chúng nhân dân trong xóm ấp.
Khi biết người đảng viên, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp Tân Bình hiến đến 1.350 m2 đất để mở rộng tuyến đường thì khi anh đến các hộ để vận động hiến đất, dù hiến với diện tích ít hay nhiều, tất cả 22 hộ có đất bị ảnh hưởng đều đồng thuận rất cao, trong đó có một số hộ hiến với diện tích lớn, từ 1.000 đến 1.200 m2. Bởi anh đã hiến nhiều đất như thế thì không có lý do gì mọi người không hiến để có con đường rộng rãi, sạch sẽ, khang trang. Từ đó, tuyến đường đã nhanh chóng được triển khai thi công, góp phần giúp cho Tân Thới đạt chuẩn xã nông thôn mới vào tháng 7-2020.
NÓI DÂN NGHE, LÀM DÂN TIN
Có người nghĩ anh hiến đất nhiều như vậy, chắc là gia đình khá giả lắm. Nhưng không, căn nhà cấp 4 của anh xây đã 13 năm nay vẫn chưa được sửa chữa, nâng cấp; chiếc xe gắn máy “làm chân” để anh đi lo công việc chung cho xóm ấp cũng phải vay tiền ngân hàng 11 triệu đồng để mua chứ gia đình anh không có tiền dành dụm. Bởi thu nhập chính của gia đình anh chủ yếu nhờ vào vườn dừa và nghề chăn nuôi của vợ, mà dừa thì giá cả khi trồi khi sụt, còn chăn nuôi không phải lúc nào cũng thuận lợi.
Trong khi đó, đứa con gái đầu của anh đang là sinh viên năm 4, chuyên ngành Bác sĩ đa khoa, tiền chi phí học tập hằng tháng khá cao; đứa con trai út của anh đang học lớp 8. Bản thân anh lại mắc bệnh mạn tính, phải điều trị tại một bệnh viện lớn ở TP. Hồ Chí Minh trong ròng rã 10 năm mới ổn định.
Chân dung anh Nguyễn Văn Mưa - Ảnh: VĂN THẢO |
Anh khẳng định mình nghèo “từ trong bụng mẹ”, giờ đã thoát nghèo là hạnh phúc lắm rồi. Vì vậy, khi thấy bà con trong xóm ấp còn nghèo khó, anh cứ đau đáu trong lòng, phải cố gắng tìm giải pháp gì đó để giúp dân thoát nghèo. Hơn nữa, anh là đảng viên, vì vậy phải có trách nhiệm với Đảng, với dân.
Đảng viên mà “vô cảm” với nghèo khó của dân là chưa hoàn thành trách nhiệm với Đảng, với dân - anh nghĩ theo cái cách của một nông dân hệch hạc, mới học hết lớp 9 nhưng quyết liệt và đầy trách nhiệm như thế. Nghĩ là làm, anh đến từng nhà bà con trong xóm ấp để tìm hiểu xem vì sao họ nghèo, họ cần hỗ trợ gì để làm ăn, tăng thêm thu nhập, vươn lên thoát nghèo.
Phát hiện dân thiếu vốn sản xuất, chăn nuôi, anh lập danh sách, làm nhịp cầu kết nối với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách - Xã hội của huyện để giúp bà con được vay vốn sản xuất, chăn nuôi. Thấy anh làm hiệu quả, ấp, xã giao cho anh làm Tổ trưởng Tổ liên kết vay vốn ở cả 2 ngân hàng nói trên.
Hiện nay, 2 tổ liên kết vay vốn ở 2 ngân hàng đã giúp cho khoảng 200 hộ tiếp cận với các nguồn vốn từ ngân hàng. Còn nếu tính trong suốt quá trình nhiều năm qua thì đã có hàng trăm lượt nông dân trong ấp tiếp cận được với các nguồn vốn ngân hàng để vay phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.
Khi bài toán về vốn sản xuất, chăn nuôi được tháo gỡ, anh lại phát hiện bà con mình ở vùng nông thôn xa xôi, hẻo lánh nên thiếu kiến thức về chăn nuôi, trồng trọt. Vậy là anh lại làm đầu mối, chạy đi lo kết nối với Phòng Nông nghiệp, Trung tâm Dạy nghề của huyện để bàn tính chuyện mở lớp chuyển giao khoa học - kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt cho nông dân trong xóm ấp. Hằng năm, lớp chuyển giao khoa học - kỹ thuật vẫn đều đặn mở ngay tại nhà anh để bà con trong xóm ấp đến tham dự thuận tiện hơn.
Rồi anh còn đi xin học bổng cho “mấy đứa học trò” mồ côi, đi vận động kinh phí để tổ chức trao quà là gạo, nhu yếu phẩm… cho bà con trong xóm ấp để “hà hơi tiếp sức” giúp họ vượt qua khó khăn, có thêm động lực vươn lên trong cuộc sống. Đều đặn như thế, mỗi năm có từ 30 đến 50 phần quà đầy nghĩa tình được trao tặng cho bà con khó khăn, mỗi phần quà trị giá khoảng 300 ngàn đồng.
Gọi là những phần quà “nghĩa tình” bởi ở vùng đất cù lao ven biển này, cuộc sống của người dân còn rất nhiều khó khăn, thế nên việc vận động kinh phí để có được chừng ấy phần quà không phải là việc dễ dàng. Người ta phải thật tin tưởng vào những việc anh đã làm, phải thấu cảm lắm thì mới có sự chia sẻ đầy nghĩa tình như thế.
Với việc thực hiện nhiều giải pháp kết hợp như thế, người đảng viên luôn đặt trách nhiệm với Đảng, với dân lên hàng đầu Nguyễn Văn Mưa đã góp phần quan trọng đưa tỷ lệ hộ nghèo của ấp Tân Bình, xã Tân Thới giảm dần qua từng năm. Còn nhớ khi mới thành lập huyện Tân Phú Đông (ngày 30-4-2008), ấp Tân Bình có 202/404 hộ nghèo, nhưng hiện nay số hộ nghèo của ấp giảm chỉ còn 15 hộ.
Chính từ những kết quả ấy, trong suốt 20 năm qua, anh đã nhận được nhiều Giấy khen, Bằng khen của các ngành, các cấp. Đặc biệt, vừa qua anh đã được Thủ tướng Chính phủ trao tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc qua 5 năm thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, giai đoạn 2016 - 2021.
Khi chúng tôi thực hiện bài viết này thì dịch bệnh Covid-19 đang bùng phát tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước, trong đó có Tiền Giang. Chính vì vậy, dù ở tuổi 60 nhưng anh vẫn đang tất bật đi lập danh sách người dân đăng ký tiêm vắc xin; hằng đêm tham gia đi tuần tra để nhắc nhở người dân thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, không ra đường khi không có việc cần thiết; đi trực chốt cùng các lực lượng ở địa phương... Anh giải thích lý do tham gia các lực lượng đi tuần tra, trực chốt ban đêm là vì anh em ở ấp, ở xã tin tưởng vào uy tín của anh đối với bà con. Anh chân thành, tận tâm, trách nhiệm với dân nên anh nói dân nghe, làm dân tin, từ đó dân sẽ thực hiện theo.
Chính vì vậy, dù đã bước qua tuổi 60 và không biết sử dụng Internet, không biết nhắn tin điện thoại, không biết sử dụng Email nhưng ở bất kỳ “mặt trận” nào của ấp, anh cũng đều góp sức. Thế mới thấy, là đảng viên, khi đặt trách nhiệm với Đảng, với dân lên hàng đầu thì tuổi tác, vị trí công tác, hay giới hạn về kiến thức, công nghệ… không là vấn đề quan trọng nữa, mà quan trọng là còn sức thì còn cống hiến cho Đảng, cho dân theo cái cách của riêng mình!
NGUYÊN CHƯƠNG
(Còn tiếp)