Chị Bảy Anh Thư!
Đồng chí Trương Mỹ Hoa (nguyên Phó Chủ tịch nước) là con trong một gia đình truyền thống cách mạng tại xã Bình Ân, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang. Sự nghiệp cách mạng của những người thân trong gia đình: Ông nội, bà nội, ba, má, cậu, dì đã in sâu vào trong tiềm thức và tác động rất lớn đến con đường cách mạng mà đồng chí theo đuổi sau này.
Trong ký ức tuổi thơ của đồng chí đã chứng kiến cảnh bắt bớ, gông cùm, xiềng xích, tù đày của quân thù. Tuy tuổi còn nhỏ nhưng đồng chí đã ý thức được ai là kẻ xấu, ai là người tốt, địch là ai, ta là ai. Hơn 10 tuổi, đồng chí tham gia Đội Thiếu nhi của xã, đã biết Bác Hồ là lãnh tụ, thương bộ đội và thương những người công tác như ba má mình. Tuy còn nhỏ nhưng đồng chí được má (1) phân công làm liên lạc, đưa thư, mang cơm cho các chú bộ đội. Nhờ má chỉ dạy, đồng chí đã biết cách làm sao qua mặt được tụi lính bằng cách không đi qua bót, lính hỏi thì trả lời như thế nào để tránh nghi ngờ, lục xét.
Nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa trao quà cho các hoàn cảnh khó khăn ở huyện Tân Phú Đông. |
Giữ ngọn lửa yêu nước của gia đình và tham gia hoạt động cách mạng, đồng chí từng giữ nhiều chức vụ: Cán bộ vận động phong trào thanh niên, sinh viên, học sinh (SV-HS) khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định; Ủy viên Ban Chấp hành Khối trường Tân Định - Gia Định. Khi bị bắt, tù đày trong các nhà tù của chính quyền ngụy và tham gia hoạt động đấu tranh trong nhà tù, đồng chí từng giữ các chức vụ: Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban Cán sự Đảng, Trưởng Ban Lãnh đạo đấu tranh các nhà lao.
Hăng hái, nhiệt tình và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được phân công, nên năm 18 tuổi (ngày 21-5-1963) đồng chí được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng. Quá trình tham gia cách mạng, đồng chí có 2 bí danh: Bí danh Anh Thư (hay còn gọi Bảy Thư): Từ những năm 1960 - 1964, tổ chức điều động đồng chí học nhiều trường để gầy dựng cơ sở.
Tại Trường Trí Đức, có hai câu đối trước cổng trường: “Đức hạnh dồi dào trang liệt nữ / Trí tài bồi bổ bậc anh thư”, nên đồng chí lấy bí danh Anh Thư. Bí danh thứ hai là Nguyễn Thị Tâm, là tên đồng chí đã chọn sẵn, phòng khi bị địch bắt. Khi bị địch bắt ngày 15-4-1964 và bị giam ở tổng nha cảnh sát ngụy, đồng chí đã khai mình tên Tâm. Một lý do đơn giản là vì đồng chí rất thích chữ Tâm và tên này không trùng với ai trong gia đình, bạn bè và đồng đội của đồng chí.
Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (ngày 7-5-1954), cách mạng Việt Nam bước vào thời kỳ mới trong tình hình đất nước bị chia cắt làm 2 miền với 2 chế độ chính trị xã hội đối lập nhau: Miền Bắc đã được hòa bình, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đang bắt đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội, làm căn cứ địa vững chắc cho chiến trường miền Nam; trong khi đó, miền Nam vẫn còn dưới ách đô hộ, áp bức của chủ nghĩa đế quốc, vì thế nhiệm vụ của cách mạng nhân dân miền Nam là chống đế quốc Mỹ xâm lược và tay sai, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Tổ quốc, đồng chí đã tham gia tích cực các phong trào đấu tranh của HS-SV Sài Gòn, cùng đồng đội mang tài liệu đi vận động HS-SV chống lại âm mưu bắt đi lính của chính quyền Nguyễn Khánh (2).
Mặc dù người cùng đi với đồng chí ném được tài liệu và chạy thoát, nhưng chúng đã bắt được đồng chí và đưa về trại giam ở nha cảnh sát đô thành ngày 15-4-1964, khi mới sắp bước sang tuổi 19. Suốt 3 tháng trời chúng tra tấn đồng chí bằng đủ mọi ngón đòn dã man, nhưng đồng chí kiên quyết không khai, không chịu chào cờ, không thực hiện các nội quy nhà giam...
Vì thế, sau gần 5 tháng tra khảo mà không thu được gì, bọn chúng đưa đồng chí ra tòa xét xử, với tội danh “gây rối trật tự công cộng” và kết án 18 tháng tù, rồi đưa vào trại Thủ Đức. Trong suốt thời gian ở các trại giam: Tổng nha cảnh sát, trại Thủ Đức, khám Chí Hòa và đày ra Côn Đảo, vì không khuất phục được đồng chí nên bọn cai ngục giam đồng chí riêng và không cho người nhà vào thăm, không cho tiếp tế, bị chúng biệt giam 3 năm liền.
Có lần tên quản đốc khét tiếng tàn ác ở nhà tù Thủ Đức thao thao bất tuyệt đọc bài thơ của nói xấu miền Bắc, rồi hắn thuyết phục chỉ cần đồng chí tham gia chào cờ 3 buổi sáng và hô “đả đảo Hồ Chí Minh” một lần thôi thì chúng sẽ tha ngay lập tức, thậm chí chúng còn hứa sẽ “bảo đảm bí mật cho đồng chí”, nhưng đáp lại, đồng chí kiên quyết từ chối và nói thẳng: “Các ông muốn giết thì giết, muốn thủ tiêu thì thủ tiêu, tôi chỉ chào cờ của chúng tôi!”…
Do bị kẻ thù tra tấn dã man nên những vết sẹo của cuộc chiến tranh cùng với thời gian đã hằn lên cơ thể, vì thế đồng đội đã đặt cho đồng chí biệt danh “Tâm thẹo!”. Trong tác phẩm “Sống như anh” của nhà báo Trần Đình Vân viết về người anh hùng Nguyễn Văn Trỗi, có kể về tấm gương của chị Y, chính là đồng chí Trương Mỹ Hoa, nhưng khi bị bắt thì khai tên Nguyễn Thị Tâm.
Sau khi địch đưa 342 nữ tù về khám Chí Hòa, cuối tháng 8-1969 bọn chúng đã lọc ra gần 300 người được coi là bất trị nhất và đưa đi Côn Đảo. Cuối tháng 11-1969, khi cơ sở báo cho các đồng chí tin này thì lãnh đạo các phòng giam đã tổ chức họp bàn kế hoạch đấu tranh chống việc đày đi Côn Đảo. Các đồng chí đã xác định phải chiến đấu đến cùng và nếu địch dùng sức mạnh để đàn áp thì “đi bằng lưng” - nghĩa là không đi, mà chúng phải khênh hoặc lôi, trong đó đồng chí luôn bị chúng liệt vào loại “cứng đầu, cứng cổ” nhất.
Đồng chí kể: “Trong những ngày ở khám Chí Hòa, tụi tôi nghe bọn giám thị báo tin Bác Hồ mất. Lúc đầu, tụi tôi lặng đi nhưng chưa tin, sau hỏi những anh em ở bệnh xá có liên lạc bên ngoài, mới biết tin đó là chính xác. Tập thể chúng tôi lập tức lên kế hoạch để tang Bác trong một tuần…”. Trong những ngày để tang Bác, khi nhận được bản Di chúc của Bác được in trên một tờ báo ra công khai tại Sài Gòn ngày đó, do cơ sở bên ngoài đưa vào, đồng chí cùng với đồng đội của mình đã đọc, rồi khóc và nguyện với lòng sẽ làm thật tốt những điều Bác dạy…
Sau đó, đồng chí và tập thể nữ tù chính trị vẫn bị địch đày ra Côn Đảo, giam ở chuồng cọp - một “địa ngục ở trần gian” chưa từng thấy trên thế giới. Tại đây, chúng đã dùng những thủ đoạn thâm độc, “dùng tù trị tù”. Ngoài bộ máy cai trị có sẵn, chúng dùng những tù quân phạm, thường phạm, ác ôn làm tay sai để khủng bố, đàn áp dã man những người tù chính trị. Trong điều kiện vô cùng khó khăn và khắc nghiệt của nhà tù, đồng chí và đồng chí Thắng (3) tổ chức kết nạp Đảng cho đồng chí Loan (4) ngay trong chuồng cọp…
Sau khi Hiệp định Paris được ký kết, bọn cai ngục ở Côn Đảo có một âm mưu rất thâm độc là làm hồ sơ chuyển số tù chính trị này sang tù thường phạm nhằm tránh việc phải trao trả theo Hiệp định. Muốn làm được việc đó, chúng tổ chức lăn tay, chụp ảnh và thay đổi toàn bộ hồ sơ, bản án đối với các nữ tù chính trị. Để chống lại âm mưu này, tập thể nữ tù chính trị đã nghĩ ra cách nhúng tay mình vào nước cho mềm da rồi mài xuống nền xi măng cho mất vân tay..., làm thất bại âm mưu và ý đồ của địch.
Bị bắt ngày 15-4-1964 lúc mới 19 tuổi, vậy mà lúc ra tù ngày 7-3-1975 đồng chí đã bước sang tuổi 30. Ngày chiến thắng trở về, đồng chí mới biết trong gia đình đồng chí, chỉ trừ dì út sau Hiệp định Paris vượt Trường Sơn ra miền Bắc với ba, còn lại má và 5 chị em đều bị địch bắt giam, tổng cộng cả nhà bị giam đến 48 năm tù.
Từ một nữ chiến sĩ cộng sản bị địch cầm tù, sau ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước, từ một bí thư cấp phường, bí thư quận ủy, rồi trải qua nhiều cương vị khác nhau: Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy TP. Hồ Chí Minh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Phó Chủ tịch Quốc hội, rồi Phó Chủ tịch nước; khi về hưu làm Chủ tịch Quỹ “Vừ A Dính” và Chủ nhiệm Câu lạc bộ “Hoàng Sa và Trường Sa”..., đồng chí là tấm gương sáng giữa đời thường.
Ths. LÊ HỒNG QUÂN
1. Đồng chí Nguyễn Thị Tư, Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân, thân mẫu đồng chí Trương Mỹ Hoa.
2. Nguyễn Khánh (1927 - 2013), Quốc trưởng và Thủ tướng của Việt Nam Cộng hòa giai đoạn 1964 -1965.
3. Đồng chí Võ Thị Thắng (1945 - 2014), nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch.
4. Đồng chí Nguyễn Thị Loan (hay còn gọi là Lập Quốc), nguyên Giám đốc Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh.