Chủ tịch nước: Người cao tuổi là trụ cột của gia đình và xã hội
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn đại biểu Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam. (Ảnh: TTXVN) |
Sáng 29-8, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp Đoàn đại biểu người cao tuổi tiêu biểu nhân Ngày Quốc tế Người cao tuổi (1-10) và Tháng hành động vì Người cao tuổi (tháng 10).
Buổi gặp mặt diễn ra trong không khí thân mật, trang trọng, bảo đảm đúng các quy định phòng, chống dịch Covid-19.
Người cao tuổi là vốn quý của dân tộc
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ niềm vui khi tiếp đoàn, đồng thời biểu dương những hoạt động sôi nổi, thiết thực, đi vào chiều sâu, ý nghĩa của Hội người cao tuổi các cấp trong thời gian qua, mang lại quyền lợi chính đáng cho người cao tuổi khắp cả nước.
Nhắc lại lời nói của Bác Hồ "Tuổi cao, ý chí càng cao", "Đất nước hưng thịnh do phụ lão xây dựng. Đất nước tồn tại do phụ lão giúp sức", Chủ tịch nước nhấn mạnh người cao tuổi là vốn quý của dân tộc, là lực lượng quan trọng của đất nước, là trụ cột của gia đình và xã hội Việt Nam.
Trong những năm qua, Hội Người cao tuổi Việt Nam đã trở thành ngôi nhà chung ấm áp, chia sẻ niềm vui trong cuộc sống và dần khẳng định vai trò, vị thế, uy tín của tổ chức hội nòng cốt cho người cao tuổi cả nước, được nhân dân và bạn bè quốc tế đánh giá cao.
Khơi gợi lại tinh thần quyết tâm bảo vệ, xây dựng đất nước của các bậc phụ lão tại Hội nghị Diên Hồng diễn ra vào năm Giáp Thân 1284 do Thượng hoàng Trần Thánh Tông triệu họp, trưng cầu ý kiến về chủ trương "nên đánh hay nên hòa" khi quân Nguyên Mông xâm lược Việt Nam lần thứ 2, Chủ tịch nước nhấn mạnh ý chí vĩ đại của người cao tuổi Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của cha ông ta. Đó chính là một truyền thống vô cùng quý báu của dân tộc, của các bậc tiền bối, các cụ lão thành đất nước Việt Nam anh hùng.
Chủ tịch nước ghi nhận trong những năm qua, Hội Người cao tuổi các cấp, đặc biệt Hội Người cao tuổi Việt Nam đã cùng với hệ thống chính trị chăm sóc, giúp đỡ, tạo điều kiện cho người cao tuổi có điều kiện sinh hoạt tốt hơn để sống vui, sống khỏe tuổi già. Hội Người cao tuổi các cấp đã phát huy tinh thần "sống vui, sống khỏe, sống có ích, sống hạnh phúc" cũng như vai trò, sự đóng góp của các hội viên qua các câu lạc bộ, mô hình liên thế hệ tự giúp nhau.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi gặp mặt Đoàn đại biểu Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam. (Ảnh: TTXVN) |
Chủ tịch nước đánh giá cao việc trong gần 2 năm qua, đặc biệt ở đợt dịch lần thứ tư này, các thế hệ người cao tuổi ở địa phương, từ khu phố đến xã, phường, đều hăng hái tham gia đóng góp vào công tác phòng, chống dịch Covid-19 thiết thực.
"Hình ảnh những đồng chí cựu chiến binh 70-80 tuổi, những cán bộ lão thành đã về hưu cần mẫn làm nhiệm vụ ở đầu ngõ, đầu hẻm, canh gác người lạ mặt ra, vào; ân cần nhắc nhở, lưu ý, quan tâm người dân, thực hiện phương châm "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người" góp phần kiểm soát tình hình dịch bệnh. Nhiều cụ tích cực tham gia quyên góp từ những mớ rau, ổ trứng để ủng hộ cho những nơi khó khăn do dịch bệnh gây ra. Tấm lòng đóng góp thảo thơm của các cụ đã phát huy truyền thống dân tộc "bầu ơi thương lấy bí cùng", chia sẻ lẫn nhau trong những lúc khó khăn. Đó là những việc làm rất đáng trân trọng" - Chủ tịch nước xúc động chia sẻ.
Chăm lo, bảo đảm đời sống cho người cao tuổi
Nhân dịp này, Chủ tịch nước đề nghị Hội Người cao tuổi các cấp phải tiếp tục có những hoạt động thiết thực, hiệu quả, hướng về cơ sở, hướng vào người cao tuổi; từ đó đóng góp cho phong trào địa phương, làm gương cho các cấp, ngành trên cả nước.
Hội Người cao tuổi từ Trung ương đến địa phương tiếp tục phát huy vai trò quan trọng của người cao tuổi trong xây dựng gia đình văn hóa kiểu mẫu, "kính già, yêu trẻ", "tôn sư trọng đạo". Trong mỗi gia đình, dòng tộc, xóm làng, người già có vai trò "rường cột", là tấm gương để thế hệ trẻ noi theo học tập.
Chủ tịch nước mong muốn các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, Hội Người cao tuổi các cấp, các thế hệ trẻ trong gia đình có những việc làm thiết thực hơn nữa để chăm sóc sức khỏe, động viên tinh thần, bảo đảm đời sống người cao tuổi; xử lý nghiêm những cá nhân vi phạm, ngược đãi người cao tuổi.
Trong thời gian tới, Hội Người cao tuổi Việt Nam phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về người cao tuổi theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, nhất là xây dựng Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi Việt Nam 2021-2030.
Chủ tịch nước nhấn mạnh tinh thần trách nhiệm, nhân văn của tất cả các cấp trong việc chăm lo cho người cao tuổi, đặc biệt những người cao tuổi gặp khó khăn cần được quan tâm hơn nữa.
Tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt thân mật Đoàn đại biểu Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam. (Ảnh: TTXVN) |
Ghi nhận ý kiến đóng góp của các đại biểu, Chủ tịch nước giao các bộ, ngành nghiên cứu kiến nghị liên quan đến tổ chức hệ thống Hội từ Trung ương đến cơ sở; chế độ, chính sách đối với người cao tuổi; tổng kết, sửa đổi Luật Người cao tuổi... Đồng thời, Chủ tịch nước cũng đề nghị ngành y tế Việt Nam, các giáo sư, bác sĩ đầu ngành lão khoa đẩy mạnh nghiên cứu nhằm nâng cao tinh thần sống vui, sống khỏe của người cao tuổi; giải quyết các vấn đề sức khỏe cho người cao tuổi.
Chủ tịch nước mong muốn người cao tuổi tiếp tục phát huy vai trò, uy tín của mình đối với gia đình, xã hội, sống vui, sống khỏe, sống có ích; tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị, góp phần xây dựng gia đình, xã hội, đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Cảm ơn Chủ tịch nước đã dành thời gian tiếp đoàn, bà Phạm Thị Hải Chuyền, Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam, cho biết hiện cả nước có trên 11,4 triệu người cao tuổi, trong đó, khoảng 9,7 triệu người tham gia Hội; 656 nghìn người tham gia công tác Đảng, chính quyền, đoàn thể; hơn 6,5 triệu người trực tiếp tham gia lao động sản xuất…
Thời gian gia, Hội Người cao tuổi Việt Nam đã tích cực tham gia xây dựng chính sách, pháp luật liên quan đến người cao tuổi và Hội Người cao tuổi; chăm lo công tác xây dựng và tổ chức Hội, tập hợp hội viên; phát huy vai trò người cao tuổi trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; quan tâm đến công tác đối ngoại, nghiên cứu khoa học; thực hiện hiệu quả các chương trình công tác lớn: "Người cao tuổi tham gia bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh" và "Người cao tuổi tham gia xây dựng, phát triển Quỹ Chăm sóc và Phát huy vai trò người cao tuổi ở cơ sở"; triển khai Tháng hành động vì Người cao tuổi Việt Nam, nhân rộng Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau…
Mỗi năm, Hội đã phối hợp ngành Y tế chăm sóc, tư vấn sức khỏe, lập hồ sơ theo dõi sức khỏe; khám định kỳ cho hàng triệu người cao tuổi; tích cực thăm hỏi, động viên người cao tuổi khó khăn, bị ảnh hưởng bởi thiên tai, lũ lụt hoặc ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Năm 2021 kỷ niệm 80 năm truyền thống người cao tuổi Việt Nam, là năm dự kiến tổ chức Đại hội VI Hội Người cao tuổi Việt Nam. Giai đoạn 2021-2026, Hội sẽ triển khai có hiệu quả Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng phù hợp với nhiệm vụ của Hội trong giai đoạn tới. Phương hướng chung là "Đoàn kết, sáng tạo xây dựng tổ chức Hội vững mạnh; tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi; tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc".
Cùng với việc xác định một số tiêu chí cơ bản, Hội Người cao tuổi Việt Nam triển khai phương hướng đã đề ra với 3 nhiệm vụ trọng tâm và 3 chương trình công tác lớn; thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao: Nâng cao hiệu quả "Tháng hành động vì Người cao tuổi Việt Nam", nhân rộng mô hình Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau.
Theo nhandan.vn