Thứ Tư, 15/09/2021, 10:42 (GMT+7)
.

Hậu phương Cai Lậy góp phần quan trọng trong chiến thắng Ba Rài

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở Tiền Giang có rất nhiều sự kiện lịch sử có ý nghĩa rất lớn, trong đó có sự kiện quân và dân ta đối đầu trực tiếp với quân viễn chinh Mỹ tại sông Ba Rài. Ngày 15-9-1967, trên đoạn sông Ba Rài thuộc địa phận xã Cẩm Sơn, huyện Cai Lậy, tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang), cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 263 trực thuộc Quân khu 8 được sự hỗ trợ đắc lực của Đảng bộ và nhân dân địa phương đã mưu trí, dũng cảm, sáng tạo, với ý chí quyết chiến quyết thắng, kiên cường bám trụ, giữ vững trận địa, bảo toàn lực lượng và đã đánh cho quân Mỹ một đòn đau, lập nên chiến công lớn.

QUYẾT TÂM THỰC HIỆN PHƯƠNG CHÂM “BA BÁM”

Từ giữa năm 1960, nhân dân ta đồng loạt nổi dậy giành quyền làm chủ nông thôn, vùng giải phóng ra đời và ngày càng được mở rộng. Hậu phương ngày càng mở rộng và vững chắc, thì sự hợp đồng tác chiến giữa ba thứ quân: Bộ đội chủ lực khu, bộ đội địa phương tỉnh, huyện và dân quân du kích xã, ấp ngày càng chặt chẽ, kết hợp với 3 hình thức đấu tranh chính trị, quân sự và binh vận.

Đặc biệt, từ sau chiến thắng Ấp Bắc (ngày 2-1-1963), Đảng bộ huyện Cai Lậy chỉ đạo sát sao phương châm: “Đảng bám dân, dân bám đất, lực lượng vũ trang bám địch”, thực hiện 2 nhiệm vụ quan trọng như nhau: Chiến đấu chống địch càn quét và xây dựng, bảo vệ vùng giải phóng - hậu phương của chiến tranh nhân dân.

Khu di tích lịch sử Chiến thắng  Ba Rài tại xã Cẩm Sơn  (huyện Cai Lậy). Ảnh:  QUẾ  NGÂN
Khu di tích lịch sử Chiến thắng Ba Rài tại xã Cẩm Sơn (huyện Cai Lậy). Ảnh: QUẾ NGÂN

“Vùng giải phóng 20 tháng 7” bao gồm 14 xã thuộc 2 huyện Cai Lậy và Châu Thành (8 xã huyện Cai Lậy là: Phú An, Cẩm Sơn, Long Trung, Long Tiên, Phú Quí, Nhị Quí, Mỹ Long, Tam Bình). Đây là khu vực đông dân, nhiều của ở huyện Cai Lậy, có vị thế quan trọng đối với ta và địch; là nơi diễn ra cuộc đấu tranh quyết liệt giữa “bình định” và chống phá bình định nhằm giành quyền kiểm soát, giành đất, giành dân.

Để “bình định”, kẻ địch không từ bỏ một thủ đoạn tàn bạo nào hòng khuất phục người dân, buộc họ phải rời bỏ ruộng vườn, nhà cửa vào sống trong “khu trù mật”, “ấp chiến lược”. Thực hiện điều này, Mỹ - ngụy muốn xóa bỏ hạ tầng cơ sở của chiến tranh nhân dân, bao gồm cơ sở chính trị, căn cứ du kích, vùng giải phóng và triệt phá vùng hậu phương - nơi cung cấp quan trọng tiềm lực cho cuộc kháng chiến của nhân dân ta.

Cuộc chiến tranh giành quyền kiểm soát vùng nông thôn diễn ra dai dẳng, quyết liệt trên tất cả các mặt: Quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa. Trong cuộc đấu tranh này, Đảng bộ, quân và dân huyện Cai Lậy đã thực hiện phương châm “ba bám”, “một tấc không đi, một ly không rời”, đẩy mạnh ba mũi giáp công, không ngừng mở rộng quyền làm chủ ở nông thôn, xây dựng xã, ấp chiến đấu thành vùng hậu phương cho cuộc kháng chiến. Vùng giải phóng ở huyện Cai Lậy thật sự trở thành hậu phương tại chỗ của lực lượng cách mạng, của quân dân du kích, bộ đội địa phương và các đơn vị bộ đội chủ lực.

CẨM SƠN - HẬU PHƯƠNG VỮNG CHẮC

Chiến thắng Ba Rài diễn ra ngày 15-9-1967 ở xã Cẩm Sơn trong điều kiện vùng hậu phương tại chỗ đã vững mạnh mọi mặt trong thế trận chiến tranh nhân dân đã phát triển cao. Cẩm Sơn là xã thuộc “Vùng giải phóng 20 tháng 7”. Ở đây, tất cả mọi người dân đều là hội viên, đoàn viên các tổ chức quần chúng của cách mạng: Nông dân, Phụ nữ, Thanh niên, Hội Mẹ chiến sĩ, Hội Phụ lão...

Khi chiến sự xảy ra, theo nhiệm vụ của mỗi tổ chức, mọi người tự giác tham gia. Là vùng hậu phương được xây dựng từ thời kháng chiến chống Pháp, nên đối với các lực lượng vũ trang về xã Cẩm Sơn như về chính quê hương mình.

Các cán bộ, chiến sĩ từ bộ đội địa phương tỉnh, huyện hay bộ đội chủ lực đều thông thạo địa hình nơi đây. Chính sự thông thạo ấy đã giúp Tiểu đoàn 263 chỉ cần 3 tiếng đồng hồ đã hành quân hơn 3 km về ấp 4, xã Cẩm Sơn an toàn, bí mật; và chỉ 2 tiếng đồng hồ sau đã xây dựng công sự chắc chắn và kín đáo.

Đêm 14-9-1967, Khu ủy Khu 8 phát hiện âm mưu địch mở 2 cuộc càn lớn vào 2 bên Nam - Bắc lộ 4 trên địa phận tỉnh Mỹ Tho; trong đó ở phía Nam lộ 4, toàn bộ lữ đoàn 2, sư đoàn 9 Mỹ với hàng chục tàu xuồng lớn nhỏ chuẩn bị càn vào khu vực sông Ba Rài hòng tiêu diệt Tiểu đoàn 263. Khu ủy đã điện thông báo cho Tỉnh ủy Mỹ Tho và Tiểu đoàn 263 biết kế hoạch, cho phép Tiểu đoàn tự chọn địa bàn và phương án tác chiến.

Sau 1 ngày kiên cường chiến đấu, Tiểu đoàn 263 đã bẻ gãy hoàn toàn cuộc càn quét của lực lượng cơ động trên sông thuộc lữ đoàn 2, sư đoàn 9 quân viễn chinh Mỹ, giữ vững trận địa, loại khỏi vòng chiến hơn 200 lính Mỹ; bắn chìm, bắn cháy và bắn hư 16 tàu các loại; bắn rơi 1 máy bay phản lực F.100. Ta hy sinh 4 chiến sĩ, bị thương 14 đồng chí.

Tại các vị trí trú quân, Tiểu đoàn đều có phương án tác chiến tại chỗ; do vậy mỗi lần chuyển đi hoặc đến, Tiểu đoàn đều để các đơn vị tự hành quân; và khi đến nơi, tự mình sửa sang công sự, chuẩn bị ăn uống và sẵn sàng chiến đấu đánh địch.

Có thể nói, trong chiến thắng Ba Rài có sự đóng góp đáng kể của hậu phương huyện Cai Lậy. Nhân dân ở “Vùng giải phóng 20 tháng 7” nói chung, xã Cẩm Sơn nói riêng luôn hết lòng, hết sức giúp đỡ bộ đội, chăm lo cho bộ đội từ miếng ăn nước uống, sẵn sàng cung cấp những thứ mà bộ đội cần.

Các xã trong khu vực này đều có chi bộ Đảng mạnh, luôn lãnh đạo nhân dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách của chính quyền cách mạng. Lực lượng dân quân du kích được tổ chức chặt chẽ, có thể phục vụ chiến đấu liên tục và có khả năng tham gia chiến đấu cùng bộ đội chủ lực.

Chiến thắng Ba Rài không chỉ là trận thắng Mỹ lớn nhất kể từ khi quân viễn chinh Mỹ trực tiếp tham gia ở chiến trường tỉnh Mỹ Tho, là trận thắng tiêu diệt tàu chiến Mỹ nhiều nhất của quân và dân ta có ý nghĩa rất lớn, bước đầu làm phá sản chiến thuật dùng “hạm đội nhỏ trên sông” thọc sâu vào vùng giải phóng, vùng căn cứ kháng chiến để tìm diệt lực lượng của đối phương.

Chiến thắng này cũng đã đánh dấu bước trưởng thành của bộ đội chủ lực quân giải phóng trong thế trận chiến tranh nhân dân ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long và khẳng định sự vững chắc của vùng căn cứ địa kháng chiến - “Vùng giải phóng 20 tháng 7” ở tỉnh Mỹ Tho.

Cả hai chiến thắng Ấp Bắc (năm 1963) và Ba Rài mang tính đột phá trong việc bẻ gãy chiến thuật “thiết xa vận”, “trực thăng vận” và “hạm đội nhỏ trên sông” của Mỹ - ngụy, đều diễn ra ở vùng giải phóng thuộc huyện Cai Lậy.

HỒNG LÊ (tổng hợp)

.
.
.