Thứ Tư, 22/09/2021, 09:47 (GMT+7)
.

Hoàn thành nhiệm vụ với Đảng!

Cô là đảng viên, đã nhận Huy hiệu 45 năm tuổi Đảng vào năm 2020. Suốt quá trình tham gia cách mạng từ năm 14 tuổi, trải qua nhiều vị trí công tác: Giao liên, chị nuôi, y tá (trong kháng chiến), Trưởng ban Hành chánh, Phòng Tham mưu, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Tiền Giang (sau ngày giải phóng), cho đến khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát là thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của phường, cô chưa bao giờ rời bỏ vị trí chiến đấu...

Đến thời điểm này, cô Nguyễn Thị Diệp, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Cựu chiến binh (CCB) tỉnh, Chủ tịch Hội CCB, kiêm Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin (NNCĐDC) phường 2, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang đã thỏa nguyện vì tâm niệm từ khi đứng chân vào hàng ngũ của Đảng, cô đã hoàn thành. Đó là, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải hoàn thành nhiệm vụ đối với Đảng…

 Chú Phú tặng hoa cho cô Diệp nhân dịp cô nhận Huy hiệu 45 năm tuổi Đảng (Ảnh do gia đình cung cấp).
Chú Phú tặng hoa cho cô Diệp nhân dịp cô nhận Huy hiệu 45 năm tuổi Đảng (Ảnh do gia đình cô Diệp cung cấp).

1. Chiều 17-9, thành phố mưa nặng hạt. Con hẻm nhỏ thuộc Tổ 106, đường Đinh Bộ Lĩnh, phường 2, TP. Mỹ Tho như chùng xuống, trầm lắng hơn trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Ngôi nhà nhỏ của cô Nguyễn Thị Diệp và chú Trần Minh Phú nằm lọt thỏm trong con hẻm này, ở số 229/4.

Ngôi nhà nhỏ cũ kỹ gần như không có những vật dụng đắt tiền, nhưng đó là tổ ấm của đôi vợ chồng đã gắn bó với nhau hơn 46 năm qua. Nếu tính luôn khoảng thời gian họ yêu nhau trong kháng chiến thì đã hơn nửa thế kỷ. Tổ ấm ấy từ lâu như mảnh trăng thượng tuần mãi khuyết, bởi nơi đơn vị của cô chú đóng quân trong kháng chiến thường xuyên bị Mỹ rải chất độc hóa học, nên cả cô và chú đều là NNCĐDC, không thể có con.

Do ảnh hưởng của chất độc hóa học nên cả cô và chú đều bị tiểu đường, cao huyết áp, viêm khớp…, sức khỏe suy giảm rất nhiều. Vì không có con nên trong những năm tháng cuối đời, họ rất cần có nhau để chia sẻ, nương tựa. Không biết có phải vì cái tình, cái nghĩa được tích cóp qua hơn nửa thế kỷ, hay “gừng càng già càng cay” mà tình cảm của cô chú dành cho nhau rất sâu nặng.

Chỉ trong cuộc gặp ngắn ngủi mà có đến 3 lần chú bật khóc khi nói về cô làm chúng tôi cũng nghẹn lòng. Thế mà cô vẫn cười tươi như chưa từng thấy đôi mắt mờ đục của người bạn đời ứa từng giọt nước trong ngần quanh khóe mắt đỏ hoe. Chú bảo, bả (cô Diệp) là vậy, lúc nào cũng mạnh mẽ, lạc quan và trách nhiệm.

Dõi đôi mắt đỏ hoe, ngân ngấn nước, chú nhìn cô. Trong đôi mắt xâm xấp nước ấy, chúng tôi thấy tràn ngập nỗi da diết, thương yêu, cảm phục của người đồng đội, người đồng chí, người bạn trăm năm mà chú dành cho cô. Vậy mà cô vẫn giữ nụ cười tươi, bình thản. Chú bảo, dù công việc của cô luôn đi sớm về tối, nhưng ngày nào cũng vậy, mỗi sáng trước khi rời khỏi nhà, cô đã tranh thủ đi chợ, chuẩn bị sẵn bữa ăn sáng cho chú. Đồ ăn cho bữa trưa, cô cũng mua sẵn.

Năm 2004 chú bị tai biến phải nằm viện điều trị 1 tháng, một mình cô ở bệnh viện chăm sóc cho chú, không nhờ ai phụ giúp. Từ đó đến nay cô không cho chú làm gì, cũng không cho đi đâu một mình. Chừng ấy năm đã trôi qua, hằng tháng chú phải đi bệnh viện tái khám, dù bận công việc gì cô cũng sắp xếp để chở chú đi, không cho chú chạy xe một mình, sợ nguy hiểm. Do không có con, nên đồng lương ít ỏi của mình, cô tập trung lo cho các cháu hai bên. Với gia đình, với người bạn đời trăm năm, cô đã hoàn thành nhiệm vụ.  

2. Chủ tịch UBND phường 2, TP. Mỹ Tho Phạm Minh Trúc cho biết: Trước kia cô Diệp chỉ tham gia công tác ở khu phố. Thấy cô năng nổ, nhiệt tình, có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc nên Đảng ủy, UBND phường động viên, cô mới nhận làm Chủ tịch Hội CCB, kiêm Chủ tịch Hội NNCĐDC của phường.

Từ khi cô tham gia công tác ở phường thì thường xuyên đi sớm về tối. Bởi phường 2 có tới 82 NNCĐDC, trong đó nhiều nạn nhân có hoàn cảnh hết sức khó khăn, cần cô hỗ trợ, giúp đỡ. Thấu cảm những khó khăn đó nên năm nào cô cũng cố gắng vận động các nhà hảo tâm để có càng nhiều phần quà càng tốt, nhằm gửi đến các gia đình hội viên CCB và NNCĐDC vào các dịp lễ, tết. Rồi hội họp, các hoạt động phong trào…, nơi nào cô cũng có mặt. Vì vậy, hằng năm cô đều được đánh giá hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ.

Từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, cô là thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của phường, được phân công vào Tổ Hậu cần. Đồng chí Phạm Minh Trúc cho biết, do cô lớn tuổi và có nhiều bệnh nền nên phường rất hoan nghênh tinh thần trách nhiệm của cô, nhưng tùy vào sức khỏe của mình, cô tham gia được đến đâu hay đến đó. Hôm nào không khỏe, cô có thể ở nhà nghỉ ngơi, phường sẽ bố trí người khác thay thế. Tuy nhiên, dù tuổi cao, sức khỏe hạn chế nhưng cô chưa một ngày rời bỏ “vị trí chiến đấu” của mình, vẫn sát cánh cùng chị em trong Tổ Hậu cần, làm hậu phương vững chắc, chăm lo từng miếng ăn để anh em có sức phòng, chống dịch.

Chị Nguyễn Thùy Trang, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường 2, TP. Mỹ Tho cho biết, chị chung Tổ Hậu cần với cô Diệp. Tổ Hậu cần có nhiệm vụ tiếp nhận các khoản hỗ trợ, giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân, lo việc nấu ăn để phục vụ cho đội ngũ trực chốt kiểm soát dịch và đội ngũ y tế thực hiện test nhanh tầm soát Covid-19 trong cộng đồng ở phường.

Tổ Hậu cần gần như thực hiện “3 tại chỗ”, hạn chế về nhà để đảm bảo an toàn cho người thân trong gia đình. Ngày thường, mỗi bữa ăn khoảng 60 suất. Vào những ngày có lực lượng y tế test tầm soát Covid-19 trong cộng đồng thì mỗi bữa ăn phải từ 150 đến 200 suất. Do cô Diệp nấu ăn rất ngon nên cô gần như là “bếp trưởng” của Tổ Hậu cần.

Dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp, khó kiểm soát. Do có tiếp xúc gần với người nhiễm Covid-19, ngày 20-7-2021 cô Diệp trở thành F1, được bố trí cách ly tại phường. Nhận thấy nếu cô Diệp tiếp tục làm việc ở Tổ Hậu cần có thể không an toàn cho bản thân vì chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin ngừa Covid-19, lại cao tuổi, có nhiều bệnh nền nên nhiều người đã khuyên cô xin lãnh đạo phường cho thôi thực hiện nhiệm vụ ở Tổ Hậu cần. Tuy nhiên, cô quả quyết: Mình cũng làm việc và hưởng lương Nhà nước, trong khi mọi người ngày đêm căng mình nơi tuyến đầu phòng, chống dịch mà mình ở nhà, không đóng góp gì thì coi sao được.

3. Chú Phú lại dõi đôi mắt mờ đục nhìn cô da diết. Dường như trong ánh mắt ấy có câu hỏi: Sao bà không nghe lời khuyên của tôi? Cô vẫn với nụ cười đôn hậu, bao dung, không một chút băn khoăn, nghĩ ngợi. Chú hỏi là hỏi vậy thôi, chứ không phải trách cứ gì. Bởi hơn nửa thế kỷ qua, chú luôn tôn trọng mọi quyết định của cô. Tính cô đã quyết làm cái gì thì làm đến cùng, không ai cản được. Hiểu tính cô nên dù sống chung đến gần cuối cuộc đời, nhưng chú và cô gần như không có mâu thuẫn gì lớn.

Giọng chú chùng xuống, nghèn nghẹn: Sau khi hoàn thành cách ly do là F1, cô có về nhà một vài ngày. Lúc ấy chú khuyên cô nên xin nghỉ ở nhà cho an toàn, vì tuổi đã cao, sức khỏe có hạn, không thể nhiệt huyết cống hiến như hồi còn trẻ được. Cô bảo, dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, bao người trẻ còn không ngại hiểm nguy, xung phong ra tuyến đầu chống dịch, trong khi mình lớn tuổi rồi, sao phải sợ!? Hơn nữa, mình lại là đảng viên, là cán bộ hội, đoàn thể mà đứng ngoài cuộc nhìn đồng chí, đồng đội, anh em ngày đêm vất vả, dầm mưa, đội nắng để chống dịch thì áy náy lắm! Vậy là cô chỉ ở nhà được một hai ngày rồi lại dắt xe đi.

Tuổi 67, cô vẫn chưa thể rời “vị trí chiến đấu”, không thể bỏ mặc đồng đội nơi nguy hiểm. Và đó cũng là chuyến đi dài, nhiều cam go, thử thách… Nhưng chuyến đi ấy mãi mãi là biểu tượng đẹp của lòng quả cảm, của sự hy sinh quên mình, là khí chất của người đảng viên có 46 năm tuổi Đảng.

Quay qua nhìn cô, bàn tay chú run run đưa lên dụi đôi mắt mờ đục, đỏ hoe. Cô vẫn nhìn chú, vẫn giữ nụ cười đôn hậu như khi chúng tôi mới đến. Chú nói, dù “bả” rất quyết tâm cùng với anh em, đồng đội chiến đấu, nhưng rồi rạng sáng ngày 21-8-2021, “bả” cũng phải rời vị trí chiến đấu, đi cách ly... Vì quá lo lắng nên chú điện thoại cho người anh trai của cô hay, vậy là cô giận chú hai ngày, chú gọi điện thoại, cô không nghe máy.

Sau này khi hết giận, cô mới nói với chú: “Tui đi cách ly ít ngày lại về chứ có gì đâu mà lo. Gọi điện cho người này, người kia báo tin làm gì cho mọi người thêm lo lắng!”. Chú nói, cái tính cô là vậy, không muốn ai phải lo lắng cho mình, ngay cả khi cô gặp nguy hiểm nhất. Đó không chỉ là bản tính của cô, mà còn là phẩm chất của một đảng viên, phẩm chất của một chiến sĩ cách mạng từng vào sinh ra tử nơi chiến trường ác liệt trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Cô bảo đi cách ly vài ngày rồi về. Và cô về như đã hứa. 10 giờ 30 phút ngày 13-9-2021, hũ tro cốt mang tên Nguyễn Thị Diệp đã được mang về trao cho gia đình. Trước đó, ngày 11-9-2021, cô mất tại Trung tâm Hồi sức bệnh nhân Covid-19 của tỉnh Tiền Giang do viêm phổi nặng vì nhiễm SARS-CoV-2. Cô đã về với chú mãi mãi, không còn đi đâu nữa. Đoàn viên rồi! Thế nhưng, dường như chú chưa thể chấp nhận cuộc đoàn viên này. Hằng ngày nhìn di ảnh cô cười tươi, đôn hậu trên bàn thờ, chú nhắc lại cho cô nghe những kỷ niệm của hai người hơn nửa thế kỷ qua…

Đại tá Lương Quốc Thọ, Chủ tịch Hội CCB tỉnh Tiền Giang cho biết, Hội CCB tỉnh đã trao đổi và thống nhất với Hội CCB TP. Mỹ Tho, sau giãn cách xã hội sẽ tổ chức Lễ truy điệu cho Đại úy, đảng viên đã nhận Huy hiệu 45 năm tuổi Đảng Nguyễn Thị Diệp.

NGUYÊN CHƯƠNG

.
.
.