Thứ Sáu, 17/09/2021, 10:16 (GMT+7)
.
NGÀY LÀM VIỆC ĐẦU TIÊN KỲ HỌP THỨ 3 - HĐND TỈNH TIỀN GIANG KHÓA X:

Những điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội

Năm 2021, cũng như nhiều tỉnh, thành trên cả nước, tỉnh Tiền Giang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là tác động từ đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), sản xuất và đời sống của người dân. Song, với sự nỗ lực quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, tình hình phát triển KT- XH 6 tháng đầu năm 2021 của tỉnh dù chưa được như kỳ vọng, nhưng vẫn có những điểm sáng trong một số lĩnh vực.

364 DOANH NGHIỆP THÀNH LẬP MỚI

Trước những khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, thời gian qua, UBND tỉnh cùng các sở, ngành tỉnh đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ phát triển doanh nghiệp (DN) theo các chính sách hỗ trợ của Trung ương và Nghị quyết 06 của Tỉnh ủy về hỗ trợ và phát triển DN. Nhờ vậy, tình hình phát triển DN và hợp tác xã (HTX) 6 tháng đầu năm 2021 của tỉnh vẫn đảm bảo yêu cầu.

Đồng chí Võ Văn Bình phát biểu khai mạc kỳ họp.
Đồng chí Võ Văn Bình phát biểu khai mạc kỳ họp.

Báo cáo tại Kỳ họp thứ 3 - HĐND tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Văn Dũng cho biết, ước thực hiện 6 tháng đầu năm 2021 có 364 DN thành lập mới, đạt 51,3% kế hoạch năm 2021, giảm 3,2% về số DN so cùng kỳ; tổng vốn đăng ký 2.900 tỷ đồng, tăng 25,3% về vốn đăng ký so cùng kỳ năm trước; 427 đơn vị trực thuộc đăng ký thành lập mới (83 chi nhánh, 330 địa điểm kinh doanh, 13 văn phòng đại diện), giảm 25% so cùng kỳ; thành lập mới được 2.500 hộ kinh doanh, tăng 9,9% so cùng kỳ; 75 DN hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 36% so cùng kỳ; 35 DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh, tăng 130% cùng kỳ. Tính đến cuối tháng 6-2021, toàn tỉnh có 6.510 DN, 59.500 hộ kinh doanh đăng ký hoạt động.

Qua các chính sách hỗ trợ phát triển HTX, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), các HTX được hỗ trợ sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, cơ giới hóa, tham gia mô hình Cánh đồng lớn, mô hình liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm theo hướng VietGAP, GlobalGAP đã xuất hiện nhiều mô hình HTX kiểu mới, điển hình tiên tiến.

6 tháng đầu năm 2021, có 11 HTX được thành lập mới, tăng 10% so cùng kỳ, tổng số 182 thành viên, vốn góp 16,5 tỷ đồng; doanh thu các HTX hoạt động trên các lĩnh vực nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ và tín dụng... ước đạt 1.416 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ.

Quang cảnh Kỳ họp thứ 3 - HĐND tỉnh.
Quang cảnh Kỳ họp thứ 3 - HĐND tỉnh.

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác phát triển DN còn nhiều hạn chế, khó khăn như: Thu hút đầu tư giảm do tác động của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư trong triển khai dự án mới; tình hình tiêu thụ một số loại sản phẩm cây ăn trái gặp khó khăn; sản xuất gặp nhiều khó khăn, do thiếu nguyên liệu đầu vào và sụt giảm tiêu thụ sản phẩm đầu ra; nhiều chuỗi cung ứng bị gián đoạn, gây khó khăn cho hoạt động xuất khẩu.

Thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ khó khăn của các DN do bị ảnh hưởng đại dịch Covid-19; tạo mọi điều kiện thuận lợi cho DN đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp; đẩy mạnh xuất khẩu qua các thị trường truyền thống, tăng cường khai thác thị trường mới khi các Hiệp định Thương mại tự do đã có hiệu lực.

Đồng thời, tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư, góp phần tăng thu cho ngân sách tỉnh; tiếp tục thực hiện các giải pháp phát triển DN năm 2021, trong đó tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy và Kế hoạch hành động của UBND tỉnh về tiếp tục lãnh đạo nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ và phát triển DN trên địa bàn tỉnh đến năm 2025.

ĐẢM BẢO CÂN ĐỐI THU - CHI NGÂN SÁCH

Một trong những điểm sáng tiếp theo của tỉnh là công tác thu - chi ngân sách 6 tháng đầu năm 2021. Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Chính phủ ban hành Nghị định 52/2021 ngày 19-4-2021 về việc gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021 để tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế, đã tác động không nhỏ đến tình hình nộp ngân sách nhà nước (NSNN).

Tuy nhiên, với sự chỉ đạo xuyên suốt của Tỉnh ủy trong việc tháo gỡ các khó khăn cho DN và nhân dân cùng với việc UBND tỉnh ban hành Chỉ thị 09 ngày 10-5-2021 về việc tăng cường công tác thu ngân sách nhà nước năm 2021, một số khoản thu ngân sách đạt được kết quả đáng khích lệ.

Quang cảnh Kỳ họp thứ 3 - HĐND tỉnh.
Quang cảnh Kỳ họp thứ 3 - HĐND tỉnh.

Cụ thể, có 10 khoản thu đạt từ 50% trở lên so với dự toán năm, gồm: Thu từ DN có vốn đầu tư nước ngoài đạt 50,43%; thu từ DN nhà nước đạt 53,32%; thuế thu nhập cá nhân đạt 56,15%; thuế sử dụng đất nông nghiệp, phi nông nghiệp đạt 63,64%; thu tiền sử dụng đất đạt 58,57%; thu tiền thuê đất, mặt nước đạt 62,86%; thu tiền khai thác khoáng sản đạt 52,50%; thu phí, lệ phí đạt 50,92%; thu tiền cho thuê và bán nhà thuộc sở hữu nhà nước đạt 50%; thu xổ số kiến thiết đạt 52,12%.

Dù chi rất lớn cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, nhưng trong 6 tháng đầu năm 2021, kết quả thực hiện chi ngân sách địa phương đã đáp ứng được yêu cầu hoạt động của các đơn vị, địa phương.

Sáng 16-9, HĐND tỉnh Tiền Giang khóa X khai mạc trực tuyến Kỳ họp thứ 3 tại 1 điểm cầu tỉnh và 11 điểm cầu tại các huyện, thành phố, thị xã.
Phát biểu khai mạc kỳ họp, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Văn Bình cho biết: Trong bối cảnh tình hình đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế đất nước nói chung và tỉnh nhà nói riêng, song sự tập trung lãnh đạo của cả hệ thống chính trị, cộng đồng DN và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đã tổ chức thực hiện đạt kết quả các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh 6 tháng đầu năm 2021 và phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Cụ thể, tăng trưởng kinh tế tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2020; 3 khu vực đều có sự tăng trưởng khá: Trong đó, khu vực nông - lâm - ngư nghiệp tăng 2,3%, khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 3,2% và khu vực dịch vụ tăng 4,6%. Lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, công tác an sinh xã hội được đảm bảo; chế độ, chính sách ưu đãi, chăm sóc người có công, hộ nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội được thực hiện kịp thời.

Công tác dạy và học của ngành Giáo dục và đào tạo có nhiều đổi mới, chuyển đổi từ hình thức dạy và học trực tiếp, tập trung sang dạy trực tuyến, đảm bảo chương trình học theo quy định. Đối với công tác phòng, chống dịch Covid-19, thực hiện chiến dịch tiêm ngừa và xét nghiệm tầm soát diện rộng trong cộng đồng. Số người được tiêm ngừa vắc xin đạt 104% so với số mũi được phân bổ, số ca mắc mới từng bước giảm dần, số ca nhiễm đã được điều trị ra viện chiếm tỷ lệ 72,75%/ số ca mắc…

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt làm được vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Từ đó, đồng chí Võ Văn Bình yêu cầu: Tại kỳ họp này, đề nghị các đại biểu HĐND tỉnh nêu cao tinh thần, trách nhiệm, phát huy trí tuệ, tập trung nghiên cứu, tích cực tham gia đóng góp nhiều ý kiến đối với các nội dung trình hoặc lưu hành trong kỳ họp, đóng góp nhiều ý kiến có chất lượng, đề xuất những giải pháp khắc phục kịp thời, hiệu quả với quyết tâm chính trị cao để vừa đẩy lùi dịch bệnh, vừa đảm bảo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2021.

Trong thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo tháo gỡ, giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh để đảm bảo việc thu - chi ngân sách.

Cụ thể, tập trung rà soát các khoản thu phát sinh của các DN không thuộc đối tượng được gia hạn, miễn, giảm tiền thuế, lệ phí và tiền thuê đất để đôn đốc người nộp thuế thực hiện nộp đúng, đủ các khoản phát sinh phải nộp vào NSNN kịp thời; rà soát các dự án hết thời gian ưu đãi thuế, các dự án mới phát sinh có liên quan đến đất đai, tài nguyên, khoáng sản, thu các khoản thuế kịp thời đối với các công trình dự án trên địa bàn tỉnh, các khoản truy thu theo kiến nghị của cơ quan Kiểm toán, Thanh tra... nhằm thu đúng, thu đủ vào NSNN.

Cùng với đó là tăng cường kiểm tra hồ sơ khai thuế nhằm phát hiện kịp thời người nộp thuế lập hóa đơn, kê khai thuế không phù hợp với quy mô kinh doanh, nhằm ngăn chặn các hành vi vi phạm của người nộp thuế; tăng cường công tác chống thất thu trong lĩnh vực hộ, cá nhân kinh doanh như: Rà soát tình hình quản lý để chống sót hộ mua bán, kinh doanh vận tải, bán hàng qua mạng, kinh doanh về đêm...

Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thanh, quyết toán kinh phí phòng, chống dịch Covid-19, đảm bảo công khai, minh bạch; rà soát các nguồn thu còn tiềm năng nhưng đang có vướng mắc về chính sách, thủ tục, quy trình, tham mưu cấp có thẩm quyền xử lý, tháo gỡ kịp thời để có cơ sở thu và đôn đốc thu kịp thời vào ngân sách nhà nước, bù đắp các nguồn hụt thu vì suy giảm kinh tế do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, góp phần đảm bảo nguồn lực tài chính để tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm đủ kinh phí phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19, hoàn thành tốt các nhiệm vụ năm 2021 đã đề ra.

HOÀI THU - CAO THẮNG

.
.
.