Sự hài lòng của người dân là thước đo
Công tác cải cách hành chính (CCHC) của tỉnh Tiền Giang được các cấp, các ngành quan tâm đúng mức, có sự phối hợp chỉ đạo chặt chẽ giữa cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể, nhân dân.
Thông qua nhiều nỗ lực, hồ sơ của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp ngày càng được giải quyết đúng hẹn, nhanh gọn, đúng pháp luật, hiệu quả được nâng cao.
NHANH, GỌN, HIỆU QUẢ
Đa số tại bộ phận giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, hệ thống bảng biểu công khai, hướng dẫn việc giải quyết các TTHC đều được bố trí khá khoa học, thuận lợi cho việc tiếp cận thông tin của người dân. Công chức làm nhiệm vụ ở bộ phận “một cửa” dù bận rộn trong việc tiếp nhận, kiểm tra, giải quyết giấy tờ cho người dân nhưng vẫn luôn giữ thái độ vui vẻ và chu đáo.
Đồng thời, các đơn vị còn chú trọng hướng đến việc giảm thời gian giải quyết, giảm thành phần hồ sơ, tiết kiệm chi phí, tuân thủ TTHC trong các lĩnh vực đầu tư - đăng ký kinh doanh; y tế, tư pháp, hộ tịch, giáo dục… Mặt khác, một số cơ quan, đơn vị đã chủ động rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ hành chính, đa dạng hóa cách thức thực hiện TTHC theo hướng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp.
Từ nhiều nỗ lực và cố gắng, nhiều cơ quan, đơn vị được đánh giá có bước tiến dài trong việc cải thiện các TTHC. Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Tiền Giang được xem là một trong những đơn vị đi đầu trong thực hiện cải cách TTHC và ứng dụng công nghệ thông tin tại Tiền Giang. Nhiều năm liền, BHXH tỉnh đã được UBND tỉnh Tiền Giang tặng Cờ thi đua về cải cách TTHC.
Để đảm bảo quyền lợi người tham gia, thụ hưởng chính sách luôn được ngành BHXH Tiền Giang thực hiện kịp thời, đúng quy định; đặc biệt, với phương thức quản lý hiện đại, hoạt động của BHXH Tiền Giang đã được đổi mới theo hướng phục vụ, đẩy mạnh giao dịch điện tử, tăng cường sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến, đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người tham gia, thụ hưởng chính sách BHXH, bảo hiểm y tế.
BHXH Tiền Giang là một trong những đơn vị đi đầu trong thực hiện cải cách TTHC và ứng dụng công nghệ thông tin tại tỉnh Tiền Giang. |
Trong bối cảnh thiên tai, dịch bệnh, BHXH Việt Nam đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành thực hiện nhiều giải pháp linh hoạt như: Chi trả lương hưu tại nhà, chuyển tuyến khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, cấp thuốc bảo hiểm y tế, sử dụng thẻ trên ứng dụng VssID thay thẻ Bảo hiểm y tế giấy đối với các tỉnh vùng thiên tai…
Nhờ đó, số người tham gia BHXH trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đến cuối năm 2020 là 209.497 người. Số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp là 179.429 người, đạt trên 100% chỉ tiêu BHXH Việt Nam giao. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 92,61%, vượt 2,61% chỉ tiêu Chính phủ giao. Tính đến nay có 99,97% người lao động được cấp sổ BHXH...
Năm 2021, BHXH Tiền Giang tiếp tục triển khai nhiều giải pháp nhằm phát triển đối tượng tham gia BHXH là trên 224.000 người. Số người tham gia bảo hiểm tai nạn trên 193.000 người. BHXH Tiền Giang phấn đấu giữ vững tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 92% dân số toàn tỉnh.
Đánh giá về những thay đổi trong cải cách TTHC vừa qua, thương binh Nguyễn Văn Sáu ở thị trấn Chợ Gạo (huyện Chợ Gạo) cho biết: “Trước đây, tôi có đến Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện để thực hiện một số thủ tục liên quan đến chế độ chính sách tham gia kháng chiến của người nhà. Lúc đi khá lo lắng bởi chưa biết quy trình, thủ tục giải quyết như thế nào nhưng khi đến đây được cán bộ giải thích, hướng dẫn tận tình, tôi thấy mọi việc rất thuận lợi. Tôi thấy thoải mái, hài lòng vì cán bộ xử lý công việc chuyên nghiệp, thân thiện. Đây là điều mà người dân luôn mong muốn khi đến cơ quan nhà nước”.
Tại Hội nghị tổng kết cấp tỉnh về chuyên đề thi đua CCHC năm 2020, Chủ tịch UBND huyện Chợ Gạo Nguyễn Hồng Hữu cho biết, huyện luôn bám sát chủ trương, chính sách của tỉnh và thực tiễn của địa phương để triển khai nhiều giải pháp. Để tạo thuận lợi cho người dân trong giải quyết các TTHC, bộ phận một cửa huyện và các ngành, địa phương tập trung làm tốt việc công khai, minh bạch tất cả các thủ tục tại trụ sở, nơi trực tiếp giải quyết, nhất là các thủ tục thuộc thẩm quyền của địa phương.
Huyện Chợ Gạo cũng chú trọng nâng cao năng lực, trách nhiệm, thái độ phục vụ văn minh, lịch sự của cán bộ để tạo sự thoải mái, thuận lợi cho người dân khi đến giải quyết TTHC. Bên cạnh đó, huyện thường xuyên nâng cấp và đưa vào sử dụng phần mềm các lĩnh vực với các TTHC được chuẩn hóa để triển khai dịch vụ công trực tuyến. Cùng với đó, huyện tập trung thực hiện cải cách TTHC trên các lĩnh vực như đầu tư, đất đai, xây dựng, thuế, công tác thanh tra, kiểm tra…
TẬP TRUNG ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ
Thông qua thực hiện nhiều giải pháp, đến nay 100% cán bộ, công chức tại các cơ quan nhà nước cấp tỉnh được trang bị máy tính; 100% các sở, ban, ngành đã xây dựng hệ thống mạng nội bộ LAN, 100% máy tính của các đơn vị kết nối Internet đường truyền tốc độ cao. 100% cơ quan đều thực hiện tốt việc tiếp nhận và xử lý văn bản đi/đến trên phần mềm; 100% cơ quan thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử có ký số liên thông trên phần mềm. Đó là những con số ấn tượng của Tiền Giang trong ứng dụng công nghệ thông tin vào thực hiện công vụ.
Số lượng TTHC được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 ngày càng được mở rộng, kết hợp với dịch vụ trả kết quả tại nhà, thông qua dịch vụ bưu chính công ích. Chẳng hạn như mô hình liên thông thuế điện tử giữa cơ quan Tài nguyên và môi trường với cơ quan Thuế; thực hiện dịch vụ đăng ký hẹn ngày làm chứng minh nhân dân, căn cước công dân qua tổng đài 1080…
Hướng dẫn thanh toán trên Cổng Dịch vụ công quốc gia Bước 1: Truy cập trang Cổng dịch vụ công quốc gia https://dichvucong.gov.vn. Sau khi đăng ký tài khoản thành công với số điện thoại di động, người dân “đăng nhập” vào Cổng Dịch vụ công quốc gia sẽ chọn phần “Tài khoản cấp bởi Dịch vụ công quốc gia”. Nhập Tên đăng nhập và mật khẩu đã đăng ký Sau khi click vào nút Đăng nhập trang web sẽ yêu cầu nhập mã OPT được nhắn tin đến số điện thoại đã đăng ký Bước 2: Chọn Menu “Thanh toán trực tuyến”. Chọn Nộp thuế, lệ phí trước bạ về đất đai, tài sản Bước 3: Chọn Thanh toán nghĩa vụ tài chính về đất đai Bước 4: Nhập Mã hồ sơ có trên “GIẤY TIẾP NHẬN HỒ SƠ VÀ HẸN TRẢ KẾT QUẢ” vào ô Mã hồ sơ và điền số CMND/CCCD cần tra cứu. Click vào nút “Tra cứu”. |
Để công tác CCHC ngày càng phát huy hiệu quả, nhiều kiến nghị cho rằng tỉnh, địa phương cần có chương trình phổ biến về công nghệ 4.0 liên quan TTHC qua mạng cho người dân nắm để thực hiện một cách dễ dàng. Việc làm này phải tạo sự đồng bộ từ trên xuống dưới, tránh gây phiền hà cho người dân khi phải bổ sung đi, bổ sung lại hồ sơ nhiều lần.
Đối với những giấy tờ TTHC nên tích hợp lại để tạo tiện lợi cho người dân như sử dụng căn cước công dân điện tử. Với đội ngũ cán bộ, công chức phải tận tâm, tận tụy với công việc. Tuy nhiên, để cán bộ, công chức tận tâm với công việc phải có chế độ đãi ngộ phù hợp.
Tiền Giang luôn xác định lấy yếu tố “con người” là trung tâm của công tác CCHC, nâng cao chất lượng môi trường sống và làm việc của người dân; tăng cường sự tham gia giám sát, hiến kế của người dân, trí thức trong và ngoài nước trong hoạt động CCHC.
Cụ thể, tỉnh Tiền Giang đã đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp: Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực đáp ứng tình hình mới. Chú trọng nâng cao năng lực, trình độ đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác CCHC; tăng cường công tác tập huấn nghiệp vụ, chuyên môn liên quan đến kỹ năng giao tiếp, xử lý tình huống, văn hóa ứng xử nơi công sở nhằm nâng cao văn hóa công sở, cải thiện tinh thần thái độ của cán bộ, công chức, viên chức tại đơn vị trong công tác phục vụ nhân dân.
Đồng thời, tỉnh Tiền Giang đẩy mạnh cải cách TTHC, đảm bảo thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi, minh bạch góp phần nâng cao năng lực. Đẩy mạnh rà soát, đơn giản hóa TTHC. Thường xuyên kiểm tra, giám sát, giải trình nội bộ đối với các hồ sơ trễ hẹn, hồ sơ phải yêu cầu bổ sung; phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm khắc các hành vi nhũng nhiễu gây phiền hà doanh nghiệp, người dân của cán bộ, công chức.
Ngoài ra, tỉnh Tiền Giang cũng kiến nghị các Bộ, ngành khi ban hành các quy định mới cần xây dựng lộ trình áp dụng và tổ chức tập huấn các quy định mới một cách phù hợp để các cơ quan thực thi pháp luật có thời gian nghiên cứu, áp dụng, tránh trường hợp TTHC gặp vướng mắc giữa các văn bản quy phạm pháp luật.
LÊ PHƯƠNG