.

Tiền Giang: Ban hành Kế hoạch kiểm soát dịch Covid-19 đến ngày 15-10

Cập nhật: 17:45, 17/09/2021 (GMT+7)

(ABO) Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Tiền Giang vừa ban hành Kế hoạch kiểm soát dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh từ ngày 16-9 đến ngày 15-10.

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Tiền Giang nhận định: Tình hình dịch bệnh đang có chiều hướng giảm dần, các chuỗi ca bệnh cơ bản đã được khoanh vùng, truy vết, phong tỏa và xử lý, tình hình dịch bệnh vẫn đang được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, diễn biến dịch vẫn còn phức tạp tại một số địa phương; tiếp tục ghi nhận các ca mắc mới tại các chùm lây nhiễm đang diễn tiến, trong khu vực phong tỏa và trong chiến dịch xét nghiệm cộng đồng tại: Huyện Châu Thành, huyện Chợ Gạo, TP. Mỹ Tho, huyện Gò Công Đông... Số ca mắc mới lúc tăng, lúc giảm không hoàn toàn ổn định.

Dịch bệnh sẽ kiểm soát được trong vòng 2 - 4 tuần nữa khi các địa phương quyết liệt trong việc quản lý thật chặt địa bàn và tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch như trong thời gian vừa qua.

MỤC TIÊU ĐẾN NGÀY 15-10

Về mục tiêu trong giai đoạn đến 20-9: Giảm số ca mắc mới/ngày dưới 100 ca/ngày. Giảm tỷ lệ tử vong/số mắc từ 2,4% xuống dưới 2% trong tuần. Giảm còn 2 huyện nguy cơ cao (TP. Mỹ Tho, Châu Thành), 1 huyện nguy cơ (Chợ Gạo) và 8 huyện bình thường mới. Giảm không còn xã nguy cơ rất cao, 6 xã nguy cơ cao, 17 xã nguy cơ và 149 xã bình thường mới. Tỷ lệ tiêm vắc xin 27% trên dân số từ 18 tuổi trở lên.

Giai đoạn đến 30-9: Giảm số ca mắc mới/ngày dưới 80 ca/ngày. Giảm tỷ lệ tử vong/số mắc từ 2,4% xuống dưới 1,8% trong tuần. Giảm còn 1 huyện nguy cơ (TP. Mỹ Tho hoặc Châu Thành) và 10 huyện bình thường mới. Giảm không có xã nguy cơ rất cao và xã nguy cơ cao, 11 xã nguy cơ và 161 xã bình thường mới. Tỷ lệ tiêm vắc xin dự kiến đạt 37,2% trên dân số từ 18 tuổi trở lên. Phấn đấu thực hiện đạt tất cả các tiêu chí về kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn toàn tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho việc khôi phục và phát triển kinh tế của tỉnh.

Giai đoạn đến 15-10: Giảm số ca mắc mới/ngày dưới 50 ca mắc mới/ngày. Tất cả 11/11 huyện, thành, thị bình thường mới; hoặc còn tối thiểu - 1 huyện nguy cơ và 10 huyện bình thường mới. Ít hơn 10 xã nguy cơ, còn lại là xã bình thường mới. Tỷ lệ tiêm vắc xin dự kiến đạt từ 50% trở lên theo tuổi quy định. Tiếp tục thực hiện tất cả các tiêu chí về kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn toàn tỉnh.

GIẢI PHÁP

Tập trung kiểm soát dịch tại TP. Mỹ Tho và các huyện đang ở mức nguy cơ cao, cụ thể như sau:

Đối với TP. Mỹ Tho: Quản lý chặt sự di chuyển của người dân từ giữa các vùng nguy cơ, đặc biệt phong tỏa chặt và tiếp tục xét nghiệm rộng tại phường 2, phường 3 và phường 8. Tiếp tục triển khai chiến dịch tầm soát cộng đồng đợt 3. Tăng cường kiểm tra, giám sát người dân trong việc tuân thủ giãn cách, nhà nào ở nhà đó theo tinh thần Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, tăng cường kiểm tra khu cách ly, khu vực phong tỏa trong thời gian thực hiện chiến dịch xét nghiệm cộng đồng.

Đối với huyện Châu Thành: Phong tỏa chặt, triển khai nhanh chóng xét nghiệm tầm soát cộng đồng để - bóc tách F0 và xử lý dứt điểm các ổ dịch phát sinh gần đây, đặc biệt ổ dịch Trung tâm Y tế, ổ dịch cộng đồng xảy ra tại các xã Vĩnh Kim, Thân Cửu Nghĩa, Tân Hương, Tân Lý Đông, Tân Lý Tây. Tiếp tục điều tra F0, truy vết F1 thần tốc, không bỏ sót F1 trong cộng đồng và nhanh chóng đưa F1 cách ly tập trung theo đúng quy định. Quản lý, yêu cầu các đối tượng nguy cơ cao (đặc biệt là tài xế vận chuyển F0, F1, lực lượng khu cách ly...) thực hiện nghiêm túc đảm bảo an toàn, giữ khoảng cách.

Đối với huyện Chợ Gạo: Quản lý chặt chẽ địa bàn, đặc biệt các xã giáp ranh tỉnh Long An, huyện Châu Thành và TP. Mỹ Tho. Quản lý chặt chẽ những người về từ vùng dịch. Xử lý nghiêm các trường hợp về từ vùng dịch không khai báo y tế. Quản lý, giám sát chặt chẽ đối tượng tài xế, người giao hàng.

Đối với huyện Gò Công Đông: Xử lý dứt điểm ổ dịch tại thị trấn Vàm Láng và xã Tân Điền. Giám sát chặt các khu phong tỏa, đặc biệt nơi có mật độ dân cư đông. Tiếp tục xét nghiệm tầm soát các khu vực nguy cơ cao và rất cao.

Đối với các huyện, thị xã còn lại: Khoanh vùng, xử lý ngay khi phát hiện ca nghi nhiễm trên địa bàn. Thần tốc truy vết và thông báo cho các địa phương xử lý nếu có F1, F2 liên quan. Giám sát chặt chẽ và tầm soát định kỳ các đối tượng nguy cơ cao như tài xế, người buôn bán trong chợ, cửa hàng, siêu thị, người giao hàng… Kiểm soát chặt chẽ người đến từ các tỉnh khác, đặc biệt lưu ý người về bằng các phương tiện đường thủy. Quản lý chặt sự di chuyển của người dân giữa các vùng trong huyện và từ huyện khác trở về. Xử lý nghiêm các trường hợp cố tình không khai báo y tế, hoặc khai báo không đúng lịch trình, tiếp xúc làm phát sinh và lây lan dịch.

QUẢN LÝ ĐỊA BÀN VÀ ĐỐI TƯỢNG NGUY CƠ

Thời gian qua, các ổ dịch xảy ra trên địa bàn tỉnh Tiền Giang (đặc biệt là tại huyện Châu Thành và Chợ Gạo) phần lớn là do việc quản lý sự di chuyển của người dân giữa các vùng còn chưa chặt chẽ, quản lý người đến từ các địa phương khác còn lỏng lẻo. Để khắc phục những hạn chế này, cần thực hiện các nội dung sau đây:

Tiếp tục duy trì các chốt kiểm tra dịch bệnh ở các tuyến đường bộ, đường thủy tại các cửa ngõ vào tỉnh. Đối với các xã, phường, thị trấn vùng nguy cơ rất cao (vùng đỏ) phải duy trì các chốt kiểm tra tại cửa ngõ ra, vào địa bàn xã, ấp hoặc khu vực phong tỏa. Người dân “vùng đỏ” thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ “ai ở đâu thì ở đó”.

Người dân “vùng xanh” được đi lại trong phạm vi các xã “vùng xanh”, kể cả các xã “vùng xanh” liên huyện, thị xã, thành phố. Nếu trường hợp thật cần thiết đi đến “vùng đỏ”, “vùng cam” và “vùng vàng” thì khi trở về “vùng xanh” phải có giấy xác nhận test nhanh âm tính trong vòng 24 giờ và phải tự theo dõi sức khỏe tại nhà trong vòng 14 ngày theo Hướng dẫn số 261 của UBND tỉnh về việc thiết lập, bảo vệ và mở rộng các “vùng xanh”.

Trường hợp đi từ “vùng đỏ” sang các “vùng cam” và “vùng vàng” phải có giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 được thực hiện trong vòng 48 giờ (kể từ khi có kết quả xét nghiệm) và tự theo dõi sức khỏe tại nhà trong vòng 14 ngày.

Khi ra khỏi địa bàn tỉnh phải có giấy xác nhận của Chủ tịch UBND các cấp; khi trở về địa phương (kể cả người dân ngoài tỉnh trở về) phải chấp hành nghiêm việc khai báo y tế ở các chốt cửa ngõ của tỉnh, có giấy xác nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 được thực hiện trong vòng 48 giờ, khai báo y tế và cách ly y tế tập trung 14 ngày, được lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 vào ngày thứ 1, 7 và 14 theo quy định.

Riêng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc các cơ quan nhà nước đến cơ quan làm việc thì phải có giấy đi đường của cơ quan, đơn vị nơi công tác và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của ngành Y tế.

Quản lý đối tượng nguy cơ: Người về Tiền Giang phải có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính trong vòng 48 giờ, phải thực hiện khai báo y tế, cách ly tập trung 14 ngày và được lấy mẫu xét nghiệm RT-PCT ngày 1, ngày 7, ngày 14. Đối với trường hợp đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin thì phải khai báo y tế và cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà 7 ngày và được lấy mẫu xét nghiệm RT-PCT ngày 1, ngày 7.

Đối với tài xế và người đi cùng phương tiện: Thực hiện nghiêm các quy định theo hướng dẫn tại Công văn số 5185 của UBND tỉnh về việc quản lý vận tải, vận chuyển hàng hóa, vật tư, nông sản trên địa bàn tỉnh trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19, Công văn số 2021 của Sở Giao thông Vận tải tỉnh Tiền Giang và các văn bản có liên quan. Tăng tần suất xét nghiệm theo quy định cho từng đối tượng.

Đối với người làm việc trong chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng, tạp hóa, dịch vụ ăn uống, người làm việc tại các vựa hàng hóa, nông sản, cảng cá, nông trại quy mô nhỏ: Thực hiện đúng quy định 5K và sử dụng tấm chắn giọt bắn, thực hiện việc giãn cách (tốt nhất có bố trí vách ngăn giữa các hộ kinh doanh, các cửa hàng), có giăng dây quanh khu vực bán hàng đảm bảo giãn cách giữa người mua và người bán, có đánh dấu vị trí xếp hàng đảm bảo giãn cách giữa những người mua hàng. Tăng tần suất xét nghiệm theo quy định cho từng đối tượng.

Đối với công nhân trong và ngoài khu, cụm công nghiệp: Các doanh nghiệp phải đảm bảo an toàn và thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch theo Quyết định 2194, Quyết định 2787, Quyết định 2054 về bộ tiêu chí tạm thời về thẩm định, công nhận và kiểm tra phương án "3 tại chỗ' cho các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Tăng cường xét nghiệm tầm soát theo tần suất quy định cho từng đối tượng.

 Đối với việc tổ chức đám tang: Để hạn chế nguy cơ phát sinh ổ dịch từ các hoạt động tang lễ, cần thực hiện các giải pháp sau: Không tập trung quá 20 người tại cùng một thời điểm. Riêng đám tang ở khu vực đang thực hiện Chỉ thị 16, không được tập trung quá 10 người tại cùng thời điểm. Thời gian tổ chức tang lễ không quá 48 giờ kể từ khi tử vong (đối với khu vực phong tỏa: Khuyến khích tổ chức không quá 24 giờ và thực hiện hình thức hỏa táng). Người tham dự đám tang phải tuân thủ nguyên tắc 5K. Người đang có biểu hiện sốt, ho, mệt mỏi, đau rát họng, khó thở hoặc viêm phổi không được tham dự đám tang.

Phải xác định vai trò nòng cốt của chính quyền, đoàn thể cấp xã trong công tác quản lý chặt chẽ địa bàn, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng tập trung đông người (nhất là việc tổ chức đám, tiệc không đúng quy định về phòng, chống dịch). Giao trách nhiệm cho người đứng đầu ngành, cấp nào để xảy ra dịch, làm lây lan dịch bệnh trong cộng đồng do chủ quan, lơ là, thiếu trách nhiệm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định. Đồng thời tăng cường kiểm tra giám sát việc thực hiện các quy định về phòng, chống dịch tại các địa phương của người đứng đầu cơ quan, đơn vị cấp trên trực tiếp.

Về công tác tiêm chủng: Vắc xin được coi là giải pháp hữu hiệu nhất để phòng, chống dịch bệnh và phát triển kinh tế, xã hội. Dự kiến trong quý 4 (từ cuối tháng 9-2021), Bộ Y tế sẽ phân bổ số lượng vắc xin khá lớn cho Tiền Giang. Các địa phương phải tập trung nhân lực tiêm vắc xin chiến dịch để sẵn sàng thực hiện ngay và phấn đấu tiêm đạt 100.000 liều/ngày trong toàn tỉnh.

Tổ chức chiến dịch tiêm chủng vắc xin theo hình thức cuốn chiếu tất cả các địa bàn, bắt đầu từ địa bàn huyện “nguy cơ cao”, sau đó đến các địa bàn “nguy cơ” và cuối cùng là các địa bàn “bình thường mới”…

H.A

.
.
.