Thứ Sáu, 24/09/2021, 09:43 (GMT+7)
.

Trang sử oanh liệt của vùng đất "Thành đồng Tổ quốc"

Cách đây 76 năm, ngày 23-9-1945, với dã tâm muốn đô hộ nước ta một lần nữa, thực dân Pháp đã nổ súng tấn công Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta lần thứ hai. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Nam bộ sục sôi căm thù, đã nhất tề đứng lên, quyết chiến với quân xâm lược, mở ra một trang sử oanh liệt mới: Nam bộ kháng chiến.

Và ngày 23-9-1945 đã trở thành một trong những dấu ấn không thể phai mờ trong hành trình phát triển của dân tộc ta, ngày của chân lý “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, ngày mở đầu cho cuộc chiến đấu suốt 30 năm để đi đến thống nhất đất nước,
Bắc - Nam sum họp một nhà.

“THÀ CHẾT TỰ DO CÒN HƠN SỐNG NÔ LỆ”

Theo lời kêu gọi của Bác Hồ: “Thà chết tự do còn hơn sống nô lệ”, quân và dân Nam bộ đã thể hiện đúng tinh thần chiến đấu và hy sinh anh dũng cho độc lập, tự do. Tiếng súng mở đầu cho ngày Nam bộ kháng chiến ở Sài Gòn đã chấn động cả nước, làm nên một tinh thần Nam bộ kháng chiến bất diệt. Từ gậy tầm vông, giáo mác, từ những vũ khí thô sơ, ít ỏi, quân và dân Nam bộ đã kiên cường chống lại sức mạnh quân sự hùng hậu của kẻ thù. Kết quả, ngay trong những ngày đầu tái xâm lược nước ta, quân Pháp đã liên tục bị tấn công và bao vây chặt trong thành phố.

Dân quân cứu nước Nam bộ trong những ngày đầu Nam bộ kháng chiến 1945.
Dân quân cứu nước Nam bộ trong những ngày đầu Nam bộ kháng chiến 1945.

Ngày 29-10-1945, trong Lời kêu gọi đồng bào Nam bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Từ Nam chí Bắc đồng bào ta luôn luôn sẵn sàng. Mấy triệu người như một, quyết tâm đánh tan quân cướp nước. Không quân đội nào, không khí giới nào có thể đánh ngã được tinh thần hy sinh của toàn thể một dân tộc... Trước nạn ngoại xâm, toàn thể quốc dân đã đoàn kết chặt chẽ thành một khối kiên cố, thành một lực lượng thống nhất mà không một đội xâm lăng nào đánh tan được”. Tháng 2-1946, ghi nhận và biểu dương tinh thần chiến đấu kiên cường, bất khuất của quân và dân Nam bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ đã tặng đồng bào Nam bộ danh hiệu vẻ vang: “Thành đồng Tổ quốc”.

Năm 1947, kỷ niệm Ngày Lễ độc lập 2-9, đúng vào lúc cuộc kháng chiến Nam bộ có nhiều thắng lợi và kỷ niệm 2 năm Nam bộ kháng chiến, Khu 8 và Ủy ban Kháng chiến Hành chánh Nam bộ tổ chức lễ lớn tại Đồng Tháp Mười. Trên lộ dọc kinh Nguyễn Văn Tiếp, được dựng lên khán đài cuộc lễ, nhiều gian phòng trưng bày về thành tích kháng chiến, sản xuất, ủng hộ bộ đội, có nhiều hình ảnh nghệ thuật, tư liệu được phóng to, chụp trực tiếp tại mặt trận Giồng Dứa, Cổ Cò, Ba Tri... gây ấn tượng mạnh cho người xem. Nhân dân vùng Đồng Tháp Mười và các tỉnh lân cận tham gia rất đông đảo, phấn khởi.

Trước hàng ngũ chỉnh tề, quân phục mới, súng cài lưỡi lê, đồng chí Phạm Ngọc Thuần đại diện chính quyền, đồng chí Trần Văn Trà đại diện bộ đội, đồng chí Trần Bạch Đằng đại diện Mặt trận Việt Minh Nam bộ đã duyệt và chào các lá cờ “Quyết thắng”. Chính tại buổi lễ này, họa sĩ Diệp Minh Châu đã xúc cảm mạnh, tự cắt tay mình lấy máu vẽ trên lụa (lấy được của giặc trong trận Giồng Dứa) bức tranh Bác Hồ ôm vào lòng 3 thiếu nhi Nam - Trung - Bắc chụm đầu dưới chòm râu thưa của Bác.

ĐẢNG BỘ MỸ THO, GÒ CÔNG TRONG NHỮNG NGÀY ĐẦU NAM BỘ KHÁNG CHIẾN

Thực hiện Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ủy ban Hành chính Nam bộ, Đảng bộ tỉnh Mỹ Tho và Gò Công tích cực chuẩn bị lực lượng cho cuộc kháng chiến. Trong tình thế khẩn trương, Đảng bộ tỉnh Mỹ Tho và Gò Công phát động phong trào vũ trang chiến đấu. Lực lượng vũ trang chiến đấu ban đầu chủ yếu huy động từ những đoàn thể cứu quốc, mà đại bộ phận là thành phần cơ bản trong quần chúng, tập hợp hình thành lực lượng Quốc gia tự vệ cuộc và tổ chức những đội tự vệ sẵn sàng chiến đấu.

Thực hiện chủ trương của Ủy ban nhân dân Nam bộ và lời kêu gọi của Ủy ban ủng hộ chính trị phạm của Xứ ủy Nam kỳ, 2 tỉnh Mỹ Tho và Gò Công tổ chức ngư dân và ghe đón tù chính trị từ Côn Đảo về. Ủy ban nhân dân tỉnh Gò Công vận động 32 chiếc ghe của ngư dân xã Vàm Láng và xã Kiểng Phước vượt biển đón các đồng chí cán bộ bị thực dân Pháp giam cầm về đất liền. Trong số cán bộ được đón về có các đồng chí chủ chốt của Đảng như: Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn, Phạm Hùng, Nguyễn Văn Linh, Lê Đức Thọ…

Để nhanh chóng ổn định tổ chức, tháng 9-1945, Xứ ủy chỉ định đồng chí Nguyễn Văn Trọng làm Bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho, đồng chí Nguyễn Văn Tiếp giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy. Đồng chí Nguyễn Văn Cương được chỉ định làm Bí thư Tỉnh ủy Gò Công, Ủy ban nhân dân tỉnh đổi thành Ủy ban Hành chính do đồng chí Nguyễn Văn Côn làm Chủ tịch.

Ngày 25-9-1945, tại xóm Cầu Vĩ, xã Mỹ Phong, quận Chợ Gạo (nay thuộc TP. Mỹ Tho), Xứ ủy Nam bộ phối hợp cùng Tỉnh ủy Mỹ Tho tổ chức hội nghị mở rộng với sự tham dự của các đồng chí: Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn, Hoàng Quốc Việt, Dương Khuy, Nguyễn Văn Tiếp... đánh giá tình hình ta, địch và đề ra chủ trưởng bảo vệ, củng cố chính quyền cách mạng, tổ chức huy động lực lượng tham gia kháng chiến. Cuối tháng 9 đầu tháng 10-1945, Gò Công củng cố tổ chức Đảng, đồng chí Nguyễn Văn Hợp được chỉ định nhiệm vụ Bí thư Tỉnh ủy và đồng chí Nguyễn Văn Côn làm Chủ tịch Ủy ban Hành chính kiêm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến tỉnh.

Tháng 10-1945, chính quyền và Mặt trận Việt Minh tổ chức nhiều cuộc tuyên truyền để vận động các tầng lớp nhân dân tham gia kháng chiến. Hằng trăm nông dân tỉnh Mỹ Tho, tuổi ngoài 35 cũng tự nguyện tham gia vào đội quân dự bị. Ở chợ Cai Lậy, thợ bạc, thợ mộc tập hợp thành lập vũ trang công đoàn. Các xã trong tỉnh đều có thanh niên tham gia vào tự vệ chiến đấu. Lực lượng Cộng hòa tự vệ và Cộng hòa vệ binh tỉnh thu hút nhiều người tham gia, nhất là ở thị xã Mỹ Tho.

Qua phong trào, chính quyền cách mạng phát động được toàn dân tham gia kháng chiến. Hàng ngàn gia đình ở Mỹ Tho, Gò Công đã tự nguyện dự trữ muối, gạo... để cung cấp cho cán bộ, bộ đội, du kích. Lực lượng quần chúng đông đảo được tổ chức và bố trí để sẵn sàng phục vụ công tác phá hoại giao thông, cầu, đường.

Các thị xã, thị trấn thành lập tổ thông tin lưu động để thông báo tin tức và tổ chức canh gác bảo vệ thôn xóm. Nhiều phòng tuyến chiến đấu xây dựng ở Gò Công được đặt ở các cửa sông Gò Công, Cầu Nổi, Pháo Đài, Rạch Bùn, Vàm Giồng. Công tác thông tin, canh gác, tác chiến đều được tăng cường. Chủ trương vườn không, nhà trống, tiêu thổ kháng chiến của tỉnh bước đầu thực hiện đạt hiệu quả.

Ngày 25-10-1945, Xứ ủy tổ chức hội nghị mở rộng tại Bàu Nga, kinh Chà, ấp Hậu Quới, xã Hậu Mỹ (sau đó đổi thành xã Thiên Hộ, quận Cái Bè) do đồng chí Hoàng Quốc Việt chủ trì. Hội nghị đánh giá tình hình và định ra phương hướng giải quyết những vấn đề có tính cấp bách: Chấn chỉnh tổ chức và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về mọi mặt; đặc biệt là Lực lượng vũ trang để đảm bảo cuộc kháng chiến lâu dài. Từ hội nghị này, Đảng bộ Mỹ Tho, Gò Công đã rút được kinh nghiệm trong lãnh đạo Lực lượng vũ trang, nhất là việc thống nhất các lực lượng trong tỉnh, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng bộ đối với Lực lượng vũ trang để kịp thời đối phó với khả năng mở rộng chiến tranh của thực dân Pháp.

HỒNG LÊ (tổng hợp)

.
.
Liên kết hữu ích
.