.

Tuyên ngôn Độc lập - văn kiện lịch sử vô giá

Cập nhật: 09:40, 02/09/2021 (GMT+7)

Cách đây 76 năm, trong những ngày mùa thu lịch sử, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam đã làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại. Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, trịnh trọng tuyên bố trước quốc dân đồng bào và toàn thế giới: “Nước Việt Nam có quyền được hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã thành một nước tự do và độc lập”, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 2-9-1945 tại quảng trường Ba Đình (Hà Nội).  Ảnh: TƯ LIỆU
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 2-9-1945 tại quảng trường Ba Đình (Hà Nội). Ảnh: TƯ LIỆU

Bản Tuyên ngôn Độc lập là văn kiện pháp lý đặc biệt quan trọng, kết tinh giá trị văn hóa cao đẹp của dân tộc và tinh hoa thời đại, vang vọng mãi trong lịch sử. Sự kiện trọng đại này là một mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước vẻ vang của dân tộc Việt Nam.

TỪ BẾN NHÀ RỒNG ĐẾN QUẢNG TRƯỜNG BA ĐÌNH LỊCH SỬ

Chứng kiến sự kiện thiêng liêng và trọng đại này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhớ lại: Bữa đó, chúng tôi đã nhìn thấy rõ niềm vui rạng rỡ trên khuôn mặt còn võ vàng của Người sau trận ốm nặng với bao suy nghĩ lo toan, vất vả… Bản Tuyên ngôn lịch sử đã thảo xong, buổi sáng Bác và anh Nhân gọi chúng tôi tới, Bác đọc để thông qua tập thể. Và như lời Bác nói lại sau này: “Đó là những giây phút sung sướng nhất của đời mình”.

Sinh ra và lớn lên trong một giai đoạn lịch sử đầy biến động của đất nước, nhiều cuộc khởi nghĩa, phong trào đấu tranh yêu nước, chống thực dân Pháp đều lần lượt thất bại, phong trào cứu nước của nhân dân ta đứng trước khủng hoảng sâu sắc về đường lối, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã quyết chí lên đường ra đi tìm đường cứu nước khi mới vừa tròn 21 tuổi, với khát vọng cháy bỏng “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu”.

Trên chặng đường bôn ba đầy khó khăn, gian khổ ấy, người thanh niên Nguyễn Tất Thành, nhà hoạt động quốc tế xuất sắc Nguyễn Ái Quốc đã đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, tìm ra con đường giải phóng cho dân tộc: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản.”

Năm 1920, người chiến sĩ cách mạng lỗi lạc của dân tộc Việt Nam Nguyễn Ái Quốc trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp và cũng là người cộng sản đầu tiên của dân tộc Việt Nam. Tiếp thu và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, Người đã dần xây dựng được một hệ thống lý luận về cách mạng giải phóng dân tộc phù hợp với thực tiễn Việt Nam và tích cực chuẩn bị mọi mặt cho sự ra đời của một chính đảng cách mạng ở Việt Nam.

Từ ngày 3 đến 7-2-1930, tại Cửu Long (Hương Cảng, Trung Quốc), Nguyễn Ái Quốc đã chủ trì Hội nghị hợp nhất 3 tổ chức cộng sản, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ đây, Việt Nam đã có một chính Đảng chính thức, thực hiện vai trò tổ chức, lãnh đạo nhân dân làm cách mạng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam đã gắn kết thành một khối, phát huy cao độ sức mạnh toàn dân tộc, làm nên thắng lợi Cách mạng Tháng Tám lịch sử năm 1945.

Ngày 2-9-1945, trên Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam), mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc. Việt Nam từ một nước thuộc địa, nửa phong kiến trở thành một nước độc lập, một nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á. Nhân dân ta từ người nô lệ trở thành người chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình.

MỘT VĂN KIỆN LỊCH SỬ VÔ GIÁ

Từ sáng sớm ngày 2-9, hàng chục vạn người hàng ngũ chỉnh tề, cờ hoa khoe sắc, áo quần tươi màu đỏ dồn về phía Ba Đình. Những biểu ngữ nền đỏ chữ vàng bằng các thứ tiếng Việt, Anh, Pháp, Hoa, Nga chăng ngang đường phố. Ý chí của nhân dân được biểu lộ trên các dòng chữ: “Nước Việt Nam của người Việt Nam”, “Độc lập hay là chết”, “Ủng hộ Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

Hơn 50 vạn người đại diện cho mọi tầng lớp nhân dân, nét mặt hân hoan phấn khởi chờ đón giờ khai sinh của chế độ mới - nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cùng giờ này, nhiều cuộc mít tinh lớn được tổ chức tại Huế, Sài Gòn và nhiều thành phố khác. Muôn triệu trái tim hồi hộp hướng về Hà Nội, đợi chờ.

Các đơn vị giải phóng quân tại Quảng trường Ba Đình ngày 2-9-1945.
Các đơn vị giải phóng quân tại Quảng trường Ba Đình ngày 2-9-1945.

14 giờ, ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh cất lời tuyên bố dõng dạc với quốc dân, đồng bào và nhân dân thế giới, vẫn như vang vọng khắp không gian, khắc ghi sâu đậm trong tim mỗi người lời tuyên ngôn: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phía Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập”.

Thực hiện chỉ thị của Ủy ban nhân dân (UBND) lâm thời Nam bộ, Tỉnh ủy, UBND, Mặt trận Việt Minh tỉnh Mỹ Tho và tỉnh Gò Công tổ chức cuộc mít tinh long trọng tại TX. Mỹ Tho và TX. Gò Công để mừng Ngày Độc lập của nước Việt Nam mới.

Mặc dù lễ thành lập nước tổ chức vào đầu buổi chiều ngày 2-9-1945 tại Quảng trường Ba Đình, nhưng từ mờ sáng đã có hàng ngàn người dân đến sân lễ với bầu không khí trang nghiêm và tự hào của người dân được sống trong một nước độc lập, tự do.

Qua Đài Phát thanh tiếng nói Việt Nam, nhân dân lắng nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập và long trọng tuyên bố khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhân dân 2 tỉnh còn được nghe các đồng chí trong UBND cách mạng tỉnh phát biểu về ý nghĩa của ngày lịch sử trọng đại này.

Sau đó, đoàn người dự mít tinh tiến hành tuần hành khắp đường phố TX. Mỹ Tho và TX. Gò Công trước khi trở về nhà trong niềm hân hoan, phấn khởi của một công dân tự do sống trên đất nước độc lập.

Có thể nói, Tuyên ngôn Độc lập là bản “Thiên cổ hùng văn”, kết tinh truyền thống lịch sử kiên cường, bất khuất của dân tộc ta, là bản anh hùng ca mở ra kỷ nguyên mới của dân tộc Việt Nam - kỷ nguyên độc lập, tự do và góp phần làm phong phú về quyền tự quyết của các dân tộc trên thế giới - quyền độc lập, tự do. Tuyên ngôn Ðộc lập đã kết thúc với một quyết tâm sắt đá: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

Tuyên ngôn Độc lập là sản phẩm của sự kết hợp các giá trị của truyền thống anh hùng, bất khuất và ý chí độc lập dân tộc của Việt Nam với sứ mệnh cao cả của giai cấp vô sản được đề cập trong Tuyên ngôn Đảng Cộng sản (năm 1848). Nó thể hiện rõ nét cách mạng Việt Nam là một bộ phận hữu cơ của cách mạng thế giới và giai cấp vô sản Việt Nam là một bộ phận không thể tách rời của giai cấp vô sản thế giới, có sứ mệnh lịch sử cao cả và vĩ đại là giải phóng dân tộc và nhân loại.

Bản Tuyên ngôn còn cho thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh có tầm nhìn xa về sự phát triển của lịch sử, có những dự báo thiên tài về tương lai của cách mạng cũng như quá trình hội nhập sâu rộng của cách mạng Việt Nam vào phong trào cách mạng thế giới. Bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á, do Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp soạn thảo và công bố trước toàn thể nhân dân Việt Nam và thế giới cho thấy trí tuệ sắc sảo và lỗi lạc của Người.

Đây là kết quả của một quá trình tư duy khoa học độc đáo và thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Điều đó càng khẳng định rõ ràng và nhất quán một chân lý hết sức giản dị nhưng có tầm khái quát cao là: Tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cũng như trí tuệ sắc sảo của Người mãi mãi soi sáng đường chúng ta đi.

Năm tháng sẽ qua đi, nhưng tinh thần bản Tuyên ngôn Độc lập vẫn luôn sống mãi trong lòng các thế hệ người Việt Nam, không chỉ bởi giá trị lịch sử, pháp lý mà còn bởi giá trị nhân văn cao cả về quyền con người, quyền của dân tộc được sống trong độc lập, tự do như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ấp ủ và cống hiến cả cuộc đời mình để thực hiện.

HỒNG LÊ (tổng hợp)

.
.
.