Thứ Bảy, 02/10/2021, 18:01 (GMT+7)
.

Huyện Châu Thành: Giải pháp quản lý đảng viên sau xuất ngũ?

(ABO) Thời gian qua, cùng với việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác tạo nguồn đảng viên nhập ngũ, Ban Thường vụ (BTV) Huyện ủy Châu Thành (tỉnh Tiền Giang) và các cấp ủy đảng chú trọng làm tốt việc quản lý, sử dụng, tạo việc làm cho đảng viên là quân nhân xuất ngũ (QNXN) tại địa phương. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn khó khăn và tình trạng đảng viên xin ra khỏi Đảng vẫn là “bài toán hóc búa” đối với mỗi cấp ủy, chính quyền địa phương.

"THẤT THOÁT" ĐẢNG VIÊN

Trung sĩ Nguyễn Thanh Hải (ngụ xã Đông Hòa) trúng tuyển nghĩa vụ quân sự và đi bộ đội. Trong thời gian nhập ngũ, anh Hải không ngừng nỗ lực và vinh dự được kết nạp Đảng vào năm 2000. Đến năm 2001, anh xuất ngũ trở về địa phương và xin chuyển sinh hoạt Đảng về sinh hoạt tại Chi bộ ấp Thới, xã Đông Hòa. Tuy nhiên, đến năm 2015, anh làm đơn xin ra khỏi Đảng.

Chia sẻ với chúng tôi, anh Hải cho biết: “Mặt dù thời gian qua Chi bộ ấp, Ban Chỉ huy Quân sự xã Đông Hòa cũng như lãnh đạo Đảng ủy, UBND xã Đông Hòa rất quan tâm tạo điều kiện để tôi sinh hoạt Đảng, nhưng tôi làm nghề buôn bán, đi lại nhiều nên không thể tham gia đầy đủ việc sinh hoạt Đảng cũng như không tham gia được nhiều hoạt động xã hội ở địa phương. Vì thế, tôi tự thấy ái ngại và muốn xin ra khỏi Đảng để tập trung làm kinh tế gia đình”.

Trung sĩ Nguyễn Thanh Hải là một ví dụ điển hình cho tình trạng QNXN xin ra khỏi Đảng trong thời gian qua. Theo thông tin từ Ban Tổ chức Huyện ủy Châu Thành, tình trạng QNXN xin ra khỏi Đảng diễn ra ở nhiều địa phương trên địa bàn huyện. Đây cũng là vấn đề lãnh đạo huyện và các địa phương trăn trở trong nhiều năm qua.

Đảng viên là QNXN lâu nay luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá là lực lượng chính trị tin cậy, là hạt nhân ở các đơn vị dự bị động viên, Lực lượng Dân quân tự vệ và phong trào giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương, góp phần quan trọng xây dựng cơ sở chính trị - xã hội ngày càng vững mạnh.

Thực tế cho thấy, đảng viên là QNXN về địa phương nhiều đồng chí phát triển trở thành cán bộ chủ chốt các xã, phường, thị trấn. Thế nhưng, do nhiều nguyên nhân, nhất là khung biên chế cơ sở đã được kiện toàn cơ bản nên đảng viên là QNXN được tuyển dụng với tỷ lệ rất thấp; số còn lại phải bươn chải mưu sinh nên gặp không ít khó khăn trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ của người đảng viên...

Cán bộ Ban CHQS huyện Châu Thành gặp gỡ, động viên thanh niên sẵn sàng nhập ngũ
Cán bộ Ban Chỉ huy Quân sự huyện Châu Thành gặp gỡ, động viên thanh niên sẵn sàng nhập ngũ (ảnh chụp khi chưa bùng phát dịch Covid-19 tại Tiền Giang).

Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Châu Thành Hồ Văn Lăng cho biết, Đảng bộ huyện Châu Thành hiện có 53 tổ chức cơ sở đảng với 5.772 đảng viên. Trong đó, có 4.950 đảng viên sinh hoạt tại 269 chi bộ trực thuộc đảng bộ xã, thị trấn. Công tác quản lý đảng viên sau xuất ngũ hiện nay được thực hiện trực tiếp ở các đảng bộ cơ sở. Đảng viên là quân nhân hoàn thành nghĩa vụ trở về địa phương mỗi năm từ 20 - 30 đồng chí, đây là nguồn đảng viên trẻ đã được học tập, rèn luyện trong môi trường Quân đội và được bồi dưỡng kiến thức về lý luận chính trị nhất định trước khi xuất ngũ trở về địa phương. BTV Huyện ủy xác định, đảng viên sau xuất ngũ là lực lượng kế thừa cho cán bộ cơ sở nên đã lãnh đạo các cấp ủy xã, thị trấn trong toàn huyện quan tâm, chú ý đến đội ngũ này. Các cấp ủy phải tích cực, chủ động, tìm giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác quản lý đảng viên sau xuất ngũ.

Cụ thể, nhiều cấp ủy xã, thị trấn đã tạo điều kiện để đảng viên sau khi xuất ngũ vừa làm kinh tế vừa tiếp tục sinh hoạt chi bộ hoặc chuyển sinh hoạt, miễn sinh hoạt Đảng, được thực hiện cơ bản đúng thủ tục, quy trình theo quy định, hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương.

Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, công tác quản lý đảng viên sau xuất ngũ hiện ở cấp cơ sở vẫn còn tồn tại một số khó khăn, bất cập như: Đảng viên sau khi xuất ngũ bỏ sinh hoạt Đảng và làm đơn xin ra khỏi Đảng còn nhiều. Có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chủ yếu nhất là do kinh tế gia đình quá khó khăn, phải đi làm xa ở các cụm công nghiệp và khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Cụ thể, trong năm 2019 và 2020, BTV Huyện ủy đã xóa tên và cho xin ra khỏi Đảng 21/55 trường hợp đảng viên là bộ đội, công an xuất ngũ chuyển về địa phương (bộ đội 35, công an 20). Đây là một thực trạng mà lãnh đạo nhiều địa phương rất chạnh lòng. Bởi thực trạng này không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng sinh hoạt các chi, đảng bộ địa phương, mà còn ảnh hưởng gián tiếp đến công tác tạo nguồn phát triển Đảng và lựa chọn đảng viên nhập ngũ.

Thực tế cho thấy, hiện nay, một số gia đình không còn "mặn mà" để con em họ phấn đấu trở thành đảng viên khi nhập ngũ. Họ lo ngại bởi chính thực tế các thế hệ đảng viên là QNXN “đàn anh” không được sử dụng, tuyển dụng vào công chức; không có công ăn việc làm ổn định, phải vất vả mưu sinh… và cuối cùng là không thể thực hiện trọn vẹn trách nhiệm của người đảng viên. Vì vậy, cần có giải pháp căn cơ để tháo gỡ vấn đề này trong thời gian tới.

GIẢI PHÁP “GIỮ” ĐẢNG VIÊN?

Để tháo gỡ những khó khăn cũng như nâng cao chất lượng công tác quản lý đảng viên là QNXN rất cần sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, bằng nhiều chủ trương, giải pháp cụ thể, linh hoạt.

Theo Ban Tổ chức Huyện ủy Châu Thành, trước mắt để tạo điều kiện thuận lợi có thể để đảng viên sau xuất ngũ tiếp tục cống hiến, tham gia sinh hoạt chi bộ bằng cách: Cấp ủy chi bộ nơi có đảng viên là QNXN luôn sâu sát, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của anh em; đồng thời, động viên tư tưởng để đảng viên sau xuất ngũ an tâm lao động, sản xuất tại địa phương.

Nếu đảng viên nào đi làm xa thì chi bộ lập thủ tục cho miễn sinh hoạt, miễn công tác theo Điều lệ Đảng quy định để hạn chế thấp nhất những trường hợp tự ý bỏ sinh hoạt hoặc làm đơn xin ra khỏi Đảng. Cấp ủy cơ sở phải thường xuyên quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch đối với đảng viên sau xuất ngũ về địa phương tùy vào trình độ, năng lực giao nhiệm vụ trong cấp ủy chi bộ, đảng bộ.

Bên cạnh đó, cấp ủy cơ sở cần quan tâm hướng dẫn cụ thể cho đảng viên sau xuất ngũ thực hiện những quy định của Ban Tổ chức Trung ương về công tác quản lý đảng viên, Quy định những điều đảng viên không được làm, quy định về đảng viên được miễn hoãn sinh hoạt khi đi làm xa nơi cư trú…, theo dõi chấn chỉnh kịp thời những biểu hiện lệch lạc.

Các chi bộ phải duy trì tốt nền nếp sinh hoạt định kỳ theo Hướng dẫn số 12-HD/BTCTW  ngày 6-7-2018 của Ban Tổ chức Trung ương về “Một số vấn đề về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ”; nội dung sinh hoạt cần gắn việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị số 05-CT/TW với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII về xây dựng Đảng; đẩy mạnh tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt Đảng để nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, phân công nhiệm vụ cụ thể cho đảng viên.

Việc đánh giá chất lượng đảng viên phải bảo đảm thực chất, tránh tình trạng xuề xòa, nể nang, hình thức; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ của người đảng viên khi đi làm xa. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời chấn chỉnh, xử lý đối với cấp ủy, tổ chức Đảng thực hiện không nghiêm túc, thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý đảng viên sau xuất ngũ, nhất là đảng viên xuất ngũ đi làm xa.

Lực lượng đảng viên sau xuất ngũ là lực lượng kế thừa cho cán bộ cơ sở vì vậy cần quan tâm đầu tư đúng mức để không thất thoát nguồn “đảng viên”
Lực lượng đảng viên sau xuất ngũ là lực lượng kế thừa cho cán bộ cơ sở, vì vậy cần quan tâm đầu tư đúng mức để không "thất thoát" nguồn đảng viên (ảnh chụp khi chưa bùng phát dịch Covid-19 tại Tiền Giang)

Đồng chí Hồ Văn Lăng cho rằng, điều quan trọng là các cấp ủy, chính quyền địa phương tập trung lãnh đạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế để đảng viên sau xuất ngũ có việc làm, cuộc sống ổn định. Khi có việc làm, đảng viên là QNXN sẽ sớm ổn định cuộc sống, lập gia đình và gắn bó với quê hương. Đó cũng là “điều kiện cần” để đảng viên sau khi xuất ngũ gắn bó với chi bộ nơi cư trú, tham gia sinh hoạt Đảng đầy đủ, phát huy tinh thần trách nhiệm của người đảng viên, từng bước hạn chế việc đảng viên sau xuất ngũ phải xin miễn sinh hoạt Đảng do phải đi làm xa, hay thường xuyên bỏ sinh hoạt hoặc làm đơn xin ra khỏi Đảng, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của chi bộ.

Ngoài ra, theo đồng chí Hồ Văn Lăng, cấp ủy cấp trên cần quan tâm phối kết hợp với chủ doanh nghiệp và cấp ủy địa phương nơi đặt trụ sở doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cùng rà soát, xem xét nếu đủ 3 đảng viên chính thức trở lên thì thành lập tổ chức Đảng trong các công ty, doanh nghiệp để đảng viên sau xuất ngũ có thể tham gia sinh hoạt Đảng. Có như vậy mới hy vọng từng bước kéo giảm tình trạng QNXH xin ra khỏi Đảng trong thời gian tới.

HOÀI THU

.
.
Liên kết hữu ích
.