Thứ Bảy, 23/10/2021, 21:35 (GMT+7)
.
KỲ HỌP THỨ 2, QUỐC HỘI KHÓA XV:

Đại biểu Tiền Giang đóng góp nhiều ý kiến cho Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi)

(ABO) Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, ngày 23-10, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nghe trình bày các báo cáo, tờ trình về nhiều dự án luật; thảo luận tổ và thảo luận trực tuyến.

Buổi sáng, các ĐBQH đã nghe trình bày tờ trình về Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi); báo cáo thẩm tra về Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi); tờ trình về Dự án Luật Thi đua khen thưởng (sửa đổi); báo cáo thẩm tra về Dự án Luật Thi đua khen thưởng (sửa đổi).

Thảo luận tại tổ về 2 dự thảo luật nêu trên, các đại biểu cơ bản nhất trí, tán thành việc sửa đổi Luật Điện ảnh nhằm thể chế hóa chủ trương, nghị quyết của Đảng; cụ thể hóa Hiến pháp 2013; khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Điện ảnh hiện hành, phù hợp với tình hình thực tiễn, thúc đẩy phát triển ngành Điện ảnh.

Sửa đổi, bổ sung Luật Thi đua khen thưởng để thể chế hóa các quan điểm chỉ đạo của Đảng về công tác thi đua, khen thưởng; khắc phục những bất cập của các quy định hiện hành; bổ sung những vấn đề mới phát sinh phù hợp với thực tiễn về công tác thi đua, khen thưởng trong tình hình mới.

Đại biểu Nguyễn Kim tuyến phát biểu tại buổi thảo luận tổ
Đại biểu Nguyễn Kim tuyến đóng góp ý kiến đối với Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi).

Đối với Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi), các ĐBQH đơn vị tỉnh Tiền Giang đóng góp thêm một số ý kiến đề nghị Ban soạn thảo luật và Quốc hội xem xét nghiên cứu quy định rõ ràng và có tính thống nhất giữa các dự án luật đã được ban hành trước đó. Cụ thể, quy định về không gian mạng (Điều 3), thiếu tính liên kết đối với Luật An ninh mạng đã được ban hành trước đó, đề nghị rà soát, xem xét quy định cụ thể, thống nhất giữa các dự án luật với nhau, tránh việc quy định chồng chéo khi cùng một khái niệm nhưng ở 2 dự án luật lại quy định khác nhau, không thống nhất sẽ khó thực hiện về sau.

Về sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước (Điều 15). Dự thảo Luật quy định 2 phương án đối với hình thức sản xuất phim bằng nguồn ngân sách nhà nước: Phương án 1 - giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng; phương án 2 - giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng hoặc đấu thầu. Đại biểu bày tỏ quan điểm thống nhất lựa chọn phương án 2: Giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng (đối với phim có nội dung, đề tài phục vụ nhiệm vụ chính trị) hoặc đấu thầu (đối với phim có các nội dung khác), vì dễ quản lý và rõ ràng cụ thể trong thực hiện nhiệm vụ. Nhờ đó, ngân sách nhà nước có thể được tiết kiệm và vẫn có được sản phẩm phim chất lượng nhất.

Đại biểu Nguyễn Văn Dương phát biểu ý kiến đối với dự án luật SHTT
Đại biểu Nguyễn Văn Dương phát biểu ý kiến tại buổi thảo luận tổ.

Đối với quy định Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh (Điều 43), đại biểu đề nghị không thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh trong dự thảo luật, bởi hiện nay nhà nước đang rà soát lại tất cả các quỹ tài chính ngoài ngân sách và hiện vẫn chưa đánh giá được các quỹ này hoạt động có hiệu quả chưa. Ngoài ra, điện ảnh là một ngành nghề có tháp nhu cầu ở tầng cao so với nhu cầu thiết yếu, đối tượng điện ảnh có thể xã hội hóa rất cao, vì vậy không cần thiết lập quỹ này.

Mặt khác, theo quy định Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, nhà nước hỗ trợ phần vốn điều lệ, trong khi chưa đưa ra giải pháp về khả năng tài chính độc lập. Đại biểu cho rằng, xét về nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước thì Nhà nước chỉ tham gia hỗ trợ những hoạt động điện ảnh có tính tuyên tuyền định hướng chính trị, đề nghị bỏ quy định thành lập quỹ này.

Đối với quy định ở Điều 24 về phổ biến phim phục vụ nhiệm vụ chính trị cho vùng biên giới hải đảo, đồng bào dân tộc thiểu số, nông thôn… đại biểu đề nghị xem xét lại quy định việc Nhà nước phải chịu chi phí 50% cho việc tổ chức những buổi chiếu phim tại các địa bàn này. Có thể khuyến khích các đơn vị sản xuất phim, tạo điều kiện để chiếu phim ở các vùng miền núi, hải đảo nông thôn nhưng không nên đưa vào dự án luật quy định Nhà nước phải chịu chi phí 50% cho việc tổ chức những buổi chiếu phim. Bởi chưa đủ cơ sở thuyết phục và quy định còn chung chung sẽ  khó thực hiện khi luật có hiệu lực thi hành.

Quang cảnh tại điểm cầu Tiền Giang
Quang cảnh tại điểm cầu Tiền Giang.

Ngoài ra, các đại biểu cũng cho ý kiến đóng góp đối với quy định về phổ biến phim trên không gian mạng (Điều 22); quy định phát triển công nghiệp điện ảnh (Điều 6); đề nghị xem xét lại một số điều trùng, lặp lại ở nhiều điều, khoản, đề nghị rà soát lại quy định cụ thể chặt chẽ và có tính hệ thống hơn…

Buổi chiều, Quốc hội tiếp tục chương trình làm việc, nghe các báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2021; báo cáo công tác năm 2021 của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; báo cáo công tác năm 2021 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; báo cáo về công tác thi hành án năm 2021; báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021; tờ trình dự thảo Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến; nghe các báo cáo thẩm tra và thảo luận trực tuyến về các nội dung trên.

Tiếp đó, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Tổng Thanh tra Chính phủ giải trình, làm rõ một số vấn đề ĐBQH nêu.

HOÀI THU

.
.
.