Đại biểu Tiền Giang góp ý Bộ luật Tố tụng hình sự và dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi)
(ABO) Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, ngày 25-10, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tiếp tục thảo luận trực tuyến và thảo luận tại tổ về một số dự án luật.
Buổi sáng, các ĐBQH đã thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) và thảo luận ở tổ về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).
Các đại biểu cơ bản thống nhất với Báo cáo của Ủy ban Tư pháp thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTHS. Đồng thời, đóng góp thêm một số ý kiến cho bộ luật này.
Đại biểu Nguyễn Minh Sơn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ĐBQH đơn vị tỉnh Tiền Giang phát biểu ý kiến thảo luận tổ tại phòng họp Nhà Quốc hội. |
Phát biểu tại buổi thảo luận trực tuyến, đại biểu Tạ Minh Tâm, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Tiền Giang tán thành với sự cần thiết ban hành và phạm vi sửa đổi của dự án Luật nhằm bảo đảm đúng lộ trình thực hiện cam kết của Việt Nam trong Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (sau đây gọi là Hiệp định CPTPP) và yêu cầu theo Nghị quyết số 72/2018/QH14 của Quốc hội. Đồng thời, việc ban hành Luật cũng đáp ứng yêu cầu của công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nói riêng và quy định phù hợp với thực tiễn trong trường hợp thiên tai, dịch bệnh bất khả kháng nói chung.
Đại biểu Nguyễn Hoàng Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội, ĐBQH đơn vị tỉnh Tiền Giang phát biểu thảo luận tổ tại phòng họp Nhà Quốc hội. |
Đồng thời, kiến nghị Ban soạn thảo quan tâm xem xét, đối với nội dung sửa đổi, tại khoản 1 Điều 155 BLTTHS về khởi tố vụ án hình sự theo yều cầu của bị hại và khoản 8 Điều 157 BLTTHS về căn cứ không khởi tố vụ án hình sự. Đại biểu Tạ Minh Tâm thống nhất quan điểm sửa đổi theo Tờ trình của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.
Cụ thể là sửa đổi khoản 1 Điều 155 của BLTTHS: Bãi bỏ nội dung dẫn chiếu đến khoản 1 Điều 226 của Bộ luật Hình sự (BLHS) để cho phép cơ quan có thẩm quyền có thể khởi tố vụ án hình sự về Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp mà không cần có yêu cầu khởi tố của bị hại; sửa đổi khoản 8 Điều 157 của BLTTHS: Bãi bỏ nội dung dẫn chiếu đến khoản 1 Điều 226 của BLHS, theo đó, việc không có yêu cầu khởi tố của bị hại không được xác định là căn cứ để không khởi tố vụ án hình sự đối với tội phạm quy định tại khoản 1 Điều 226 của BLHS; sửa đổi khoản 8 Điều 157 của BLTTHS: Bãi bỏ nội dung dẫn chiếu đến khoản 1 Điều 226 của BLHS, theo đó, việc không có yêu cầu khởi tố của bị hại không được xác định là căn cứ để không khởi tố vụ án hình sự đối với tội phạm quy định tại khoản 1 Điều 226 của BLHS (đối với cả nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý, rộng hơn so với yêu cầu của Hiệp định CPTPP).
Phó Trưởng Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Tiền Giang Tạ Minh Tâm phát biểu tại buổi thảo luận trực tuyến. |
Lý do BLHS quy định hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với cả nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý trên cơ sở xác định các hành vi này có đặc điểm, tính chất, mức độ nguy hiểm tương đồng, do đó, cần được áp dụng thống nhất về chính sách xử lý.
Đại biểu Tạ Minh Tâm cho rằng, việc tăng cường bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý thông qua quy định cho phép cơ quan tố tụng có thẩm quyền chủ động khởi tố vụ án liên quan, sẽ góp phần bảo vệ hiệu quả hơn tài sản quốc gia, thương hiệu sản phẩm của doanh nghiệp, địa phương, bảo đảm trật tự quản lý nhà nước trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp và phát huy những tác động tích cực khác đến kinh tế - xã hội của đất nước.
Qua số liệu tổng kết từ khi BLTTHS năm 2015 có hiệu lực đến nay (từ ngày 1-1-2018 đến ngày 30-4-2021), cơ quan điều tra có thẩm quyền các cấp đã khởi tổ 19 vụ án/14 bị can về tội Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp trên toàn quốc. Trong đó, có 9 vụ án được khởi tố theo yêu cầu khởi tố của bị hại và đều xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu; không có vụ án nào về xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý. Nguyên do có phải vì các chủ thể thực hiện quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý không trở thành chủ sở hữu chỉ dẫn địa lý đó nên tính chủ động trong việc đưa ra yêu cầu khởi tố vụ án để xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý là không cao; từ đó dẫn đến kết quả như đã nêu.
Với việc sửa đổi, bổ sung sẽ giúp cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng chủ động trong việc xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, góp phần bảo vệ sớm và triệt để quyền sở hữu công nghiệp, tạo môi trường pháp lý an toàn, thuận lợi cho tổ chức, cá nhân mà trực tiếp là tổ chức, cá nhân là chủ thể quyền sở hữu công nghiệp, từ đó thu hút đầu tư nước ngoài, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội...
Đóng góp ý kiến dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi)
Thảo luận ở tổ về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), đa số đại biểu Tiền Giang thống nhất với sự cần thiết ban hành dự án Luật và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Đồng thời, đóng góp thêm một số ý kiến về những nội dung sửa đổi của dự thảo Luật.
Cụ thể, đối với Điều 7 quy định về Nguyên tắc cung cấp và sử dụng dịch vụ bảo hiểm, đề nghị Ban soạn thảo xem xét, bổ sung quy định về việc doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua biên giới để quy định được đầy đủ, chặt chẽ. Vì tại khoản 1 Điều 7 quy định: “Tổ chức, cá nhân tại Việt Nam có nhu cầu tham gia bảo hiểm chỉ được tham gia bảo hiểm tại doanh nghiệp bảo hiểm được cấp phép thành lập và hoạt động tại Việt Nam, trừ trường hợp sử dụng dịch vụ bảo hiểm qua biên giới theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia”. Quy định loại trừ các trường hợp sử dụng dịch vụ bảo hiểm qua biên giới như vậy thì trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam cung cấp dịch vụ qua biên giới sẽ xử lý như thế nào.
Đại biểu Nguyễn Kim Tuyến phát biểu tại buổi thảo luận tổ. |
Đối với Điều 14 quy định về nội dung của hợp đồng bảo hiểm, đại biểu đề nghị tại hợp đồng bảo hiểm, bổ sung quy định về nghĩa vụ của các doanh nghiệp bảo hiểm như bổ sung nguyên tắc thanh toán cụ thể, minh bạch để quy định được chặt chẽ hơn nhằm đảm bảo được quyền lợi của cả hai bên.
Cụ thể là các nội dung thanh toán ký kết ngay từ ban đầu theo từng mốc thời gian; tạo sự thống nhất, minh bạch trong giao kết hợp đồng bảo hiểm để góp phần giải quyết thỏa đáng quyền và nghĩa vụ của các bên trong trường hợp có sự chấm dứt hợp đồng bảo hiểm trước thời hạn, nhất là đối với hợp đồng bảo hiểm nhân thọ.
Đồng thời, tại Điều 6 quy định về điều khoản loại trừ trách nhiệm, đề nghị xem lại tính khả thi của quy định tại khoản 2 Điều này. Vì quy định “doanh nghiệp bảo hiểm phải giải thích rõ và có bằng chứng xác nhận việc bên mua bảo hiểm đã được doanh nghiệp bảo hiểm giải thích đầy đủ và hiểu rõ các nội dung này khi giao kết hợp đồng bảo hiểm” là không khả thi, bằng chứng được xác lập như thế nào để cho thấy bên mua đã hiểu rõ.
Đại biểu Nguyễn Thị Uyên Trang phát biểu tại buổi thảo luận tổ. |
Điều 19 quy định về trách nhiệm cung cấp thông tin, đề nghị quy định cơ quan thứ ba trung lập để xác nhận việc cung cấp thông tin sai sự thật, trong trường hợp nếu xảy ra tranh chấp, làm cơ sở để xác lập trách nhiệm của các bên trong hợp đồng bảo hiểm theo quy định tại khoản 2 này.
Điều 22 quy định Hợp đồng bảo hiểm vô hiệu, tại điểm b khoản 1 Điều này quy định hợp đồng bảo hiểm vô hiệu trong trường hợp tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm, đối tượng bảo hiểm không tồn tại. Đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc quy định này, ví dụ trường hợp người mẹ đang mang thai mua bảo hiểm cho em bé...
Ngoài ra, các đại biểu cũng cho ý kiến đóng góp đối với quy định tại Điều 7 dự thảo quy định về tái bảo hiểm, bảo hiểm hàng hải quốc tế, bảo hiểm hàng không quốc tế; Điều 9 dự thảo quy định về bảo hiểm bắt buộc; Điều 23 quy định về đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm; Điều 96 về khả năng thanh toán…
Buổi chiều, Quốc hội tiếp tục thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê.
HOÀI THU