Đại biểu Tiền Giang kiến nghị đầu tư cho hệ thống y tế, đặc biệt là y tế cơ sở, y tế dự phòng
Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, sáng 21-10, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tiến hành thảo luận tổ về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2022 và Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2022 - 2024; báo cáo về công tác phòng, chống dịch Covid-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết 30/2021 của Chính phủ tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV.
Các ĐBQH đơn vị tỉnh Tiền Giang đã cho ý kiến thảo luận nhiều vấn đề, trong đó tập trung ý kiến về công tác phòng, chống dịch Covid-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết 30/2021 của Chính phủ.
Theo đại biểu NGUYỄN VĂN DƯƠNG: Trong gần 2 năm qua, 4 đợt dịch đã trải qua tại Việt Nam đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống của nhân dân. Đến ngày 20-10-2021, cả nước đã ghi nhận 873.901 ca mắc, 21.416 ca tử vong. Việc tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19, đến nay đã tiêm 68.506.479 liều, đạt tỷ lệ 63,6% số người trên 18 tuổi được tiêm ít nhất 1 liều vắc xin và đạt tỷ lệ 25,5% đã tiêm đủ 2 liều vắc xin…
Đại biểu Nguyễn Văn Dương phát biểu tại buổi thảo luận tổ. |
Tại tỉnh Tiền Giang, tính đến ngày 20-10-2021, đã có 15.249 ca. Số bệnh nhân Covid-19 hiện đang điều trị là 893 ca (5,86%), trong đó nặng 65 ca (7,28%), rất nặng 5 ca (0,56%), khỏi bệnh 13.969 ca (91,60%) và tử vong 387 ca (2,54%). Tỉnh đã tổ chức tiêm chủng được 1.075.643 liều vắc xin phòng Covid-19 (mũi 1: 839.713, mũi 2: 235.930), đạt 65% trên tổng số 1.654.130 liều vắc xin được Bộ Y tế phân bổ, đạt 73% trên tổng số 1.474.130 liều vắc xin đã nhận và đạt 81,5% trên tổng số 1.319.048 liều vắc xin đã phân bổ đến các điểm tiêm…
Tuy nhiên, việc ứng phó với đợt dịch thứ 4 bộc lộ những hạn chế, khó khăn như: Việc tổ chức tiêm vắc xin phòng Covid-19 chưa đáp ứng yêu cầu do nguồn vắc xin còn hạn chế, tỷ lệ tiêm chưa đồng đều tại các địa phương trên toàn quốc; xét nghiệm sàng lọc trên địa bàn một số tỉnh chưa đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch; công tác đánh giá nguy cơ, dự báo tình hình dịch bệnh chưa sát, dẫn đến áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch chưa phù hợp; nguồn máy móc, thuốc điều trị, vật tư giai đoạn đầu dịch khan hiếm đã đẩy giá tăng cao…
Đại biểu Nguyễn Văn Dương cũng đã phân tích những nguyên nhân chủ quan, nguyên nhân khách quan dẫn đến những hạn chế, khó khăn nêu trên. Đồng thời kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, đưa vào nghị quyết Kỳ họp Quốc hội hoặc Nghị quyết về kinh tế - xã hội giao Chính phủ thực hiện: Đầu tư nâng cao năng lực của hệ thống y tế, đặc biệt là tế cơ sở, y tế dự phòng bảo đảm đủ năng lực dự báo, giám sát, phát hiện bệnh sớm, khống chế kịp thời, có hiệu quả dịch bệnh Covid-19 và các bệnh dịch mới nổi. Tiếp tục bảo đảm nguồn lực để thực hiện việc tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 an toàn, khoa học, hiệu quả cho nhân dân, kể cả tiêm vắc xin cho trẻ em ở các độ tuổi phù hợp.
Đại biểu NGUYỄN THỊ UYÊN TRANG: Kiến nghị các bộ, ngành Trung ương cần có sự quan tâm nhiều hơn đối với đối tượng là trẻ em trong việc phân bổ vắc xin Covid-19 trong thời gian tới, để các em được an toàn khi đi học trực tiếp tại các cơ sở dạy học. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nghiên cứu, đánh giá về phương thức, nội dung, thiết bị dạy và học, hiệu quả của việc dạy và học trực tuyến trong thời gian qua, kịp thời có giải pháp khắc phục những hạn chế nhằm đảm bảo chất lượng dạy và học. Đồng thời, kiến nghị các bộ, ngành Trung ương có chính sách chăm lo, hỗ trợ các trẻ mồ côi do đại dịch Covid-19 có điều kiện học tập, phát triển…
Đại biểu Nguyễn Thị Uyên Trang phát biểu tại buổi thảo luận tổ. |
Phó Trưởng đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Tiền Giang TẠ MINH TÂM: Đánh giá cao các ý kiến, kiến nghị của các ĐBQH tỉnh; đồng thời cũng đã có nhiều kiến nghị đến Quốc hội, Chính phủ, Bộ Y tế trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó, kiến nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo việc ngoại giao vắc xin để tăng tỷ lệ bao phủ vắc xin trong dân; có các giải pháp linh hoạt để doanh nghiệp phục hồi sản xuất, đặc biệt là Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; có các giải pháp bảo đảm chuỗi cung ứng hàng hóa nông sản để giảm thiệt hại cho nông dân và có chính sách hỗ trợ nông dân trong thời gian tới…
Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tiền Giang Tạ Minh Tâm phát biểu tại buổi thảo luận tổ. |
HOÀI THU (tổng hợp)