Phát huy vai trò đảng viên xuất ngũ
Đảng viên quân nhân xuất ngũ (QNXN) là những “hạt giống đỏ” đã được rèn luyện, thử thách trong môi trường quân đội, nhưng khi xuất ngũ về địa phương gặp nhiều khó khăn trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ của người đảng viên. Để phát huy vai trò đảng viên là QNXN, Ban Thường vụ Huyện ủy Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang và các cấp ủy đảng đã đề ra nhiều giải pháp quản lý, sử dụng, tạo điều kiện để hạn chế “thất thoát” nguồn đảng viên này.
LINH HOẠT TRONG QUẢN LÝ
Tính đến thời điểm hiện tại, huyện Gò Công Tây có 405 đảng viên là QNXN trở về địa phương, chiếm 11,92% so tổng số đảng viên toàn huyện. Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Gò Công Tây Trần Chí Hiền cho biết, cấp ủy, chính quyền địa phương luôn đánh giá đảng viên QNXN là lực lượng chính trị tin cậy, là hạt nhân trong phong trào giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương, góp phần quan trọng xây dựng cơ sở chính trị - xã hội ngày càng vững mạnh.
Lực lượng đảng viên sau xuất ngũ nếu khai thác, sử dụng tốt sẽ góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội địa phương (ảnh chụp khi chưa bùng phát dịch Covid-19 tại huyện Gò Công Tây). |
Trong số 405 đảng viên là QNXN, hiện có 110 đảng viên đang công tác tại các xã, thị trấn, ấp, khu phố; 48 đảng viên là công nhân các khu, cụm công nghiệp, doanh nghiệp; còn lại là lao động tự do. Để hạn chế “thất thoát” nguồn đảng viên này, thời gian qua, Huyện ủy luôn quan tâm, đề ra nhiều giải pháp linh hoạt tạo điều kiện để các QNXN tiếp tục thực hiện trách nhiệm của người đảng viên.
Cụ thể, để tạo điều kiện cho những đảng viên QNXN là công nhân đang làm việc tại các khu, cụm công nghiệp, doanh nghiệp trong và ngoài huyện vừa lo kinh tế gia đình, vừa sắp xếp thời gian để tham gia sinh hoạt Đảng đúng theo quy định của Điều lệ Đảng, Huyện ủy đã chỉ đạo đảng ủy các xã, thị trấn tổ chức và mời những đảng viên này tham gia sinh hoạt Đảng lệ kỳ vào ngày chủ nhật tại UBND các xã.
Đồng thời, các cấp ủy cơ sở cũng đã thống nhất cho một số đảng viên tạm miễn sinh hoạt 3 tháng hoặc dưới 12 tháng trong năm, với điều kiện phải có đơn xin và báo cáo với chi bộ; khi hết thời gian tạm hoãn phải làm bản tự kiểm điểm báo cáo với chi bộ trong khoảng thời gian được tạm miễn sinh hoạt Đảng.
Nếu các đảng viên này vẫn còn gặp khó khăn thì báo cáo để chi bộ xem xét gia hạn thêm thời gian miễn sinh hoạt Đảng. Nhiều nơi đã bố trí các đảng viên này tham gia công tác ở ấp, khu phố; nhiều đồng chí phát triển trở thành cán bộ chủ chốt các xã, thị trấn, góp phần quan trọng trong việc xây dựng chi bộ quân sự có chi ủy…
ĐÀO TẠO NGÀNH NGHỀ PHÙ HỢP
Đồng chí Trần Chí Hiền chia sẻ: “Dù đã đề ra nhiều giải pháp linh hoạt nhưng tình trạng đảng viên QNXN vắng, không tham gia sinh hoạt thường xuyên hoặc bỏ sinh hoạt Đảng vẫn còn phổ biến với nhiều lý do như: Phải làm việc tăng ca, hay phải tự mưu sinh, tập trung làm kinh tế gia đình, nên gặp không ít khó khăn trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ của người đảng viên.
Để bảo vệ uy tín tổ chức Đảng và xây dựng đội ngũ đảng viên vững mạnh, một số cấp ủy đã phải đề xuất cấp huyện cho ra khỏi Đảng hoặc xóa tên ra khỏi danh sách đảng viên. Tính từ năm 2016 đến nay, huyện đã xóa tên 4 đảng viên và cho ra khỏi Đảng 7 trường hợp. Đây là điều chúng tôi rất chạnh lòng”.
Theo Ban Tổ chức Huyện ủy Gò Công Tây, để quản lý và sử dụng có hiệu quả lực lượng đảng viên QNXN, trong thời gian tới, cấp ủy chi bộ nơi có đảng viên QNXN cần chú trọng công tác phát triển đảng viên cho đối tượng là thanh niên sẵn sàng nhập ngũ, trong đó phải đặc biệt lưu ý việc giáo dục tư tưởng.
Nếu làm tốt công tác này sẽ tạo nền tảng vững chắc về tư tưởng cho đảng viên sau khi xuất ngũ trở về địa phương; dù có tham gia công tác hay không thì họ cũng nhận thức được trách nhiệm của người đảng viên đối với Đảng, sẽ phấn đấu để hoàn thành tốt nhiệm vụ của người đảng viên.
Do đó, đối với cấp ủy cơ sở phải quán triệt rõ quan điểm này và tập trung chỉ đạo quyết liệt đối với công tác tạo nguồn để phát triển đảng viên nhằm thực hiện đạt hiệu quả Nghị quyết 08 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 - 2025 về công tác tạo nguồn và phát triển đảng viên.
Cùng với đó là bố trí và sử dụng có hiệu quả lực lượng đảng viên QNXN. Cấp ủy, chính quyền cơ sở phải có chương trình, kế hoạch liên kết với các trung tâm đào tạo nghề và hỗ trợ cho đảng viên QNXN được đào tạo các ngành nghề phù hợp để áp dụng vào sản xuất - kinh doanh tại địa phương nơi cư trú, vừa đảm bảo chăm lo kinh tế gia đình vừa đảm bảo tham gia sinh hoạt Đảng và thực hiện tốt trách nhiệm của người đảng viên.
Đồng thời, kết hợp với các ngân hàng tạo điều kiện cho QNXN được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để mạnh dạn đầu tư phát triển kinh doanh; các cấp chính quyền quan tâm hỗ trợ cho đối tượng này được tiếp cận các tiến bộ khoa học - kỹ thuật áp dụng vào quá trình sản xuất - kinh doanh nhằm tránh rủi ro.
Ngoài ra, cơ quan Quân sự, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên thường xuyên quan tâm, động viên, giáo dục chính trị tư tưởng nhằm giúp cho lực lượng QNXN là đảng viên an tâm vượt qua khó khăn để làm tròn nhiệm vụ phát triển kinh tế gia đình và trách nhiệm của người đảng viên đối với Đảng.
HOÀI THU