Đại biểu Tiền Giang kiến nghị tháo gỡ những khó khăn đối với chính sách BHXH, BHYT
(ABO) Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, ngày 22-10, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nghe trình bày các báo cáo và thảo luận tại tổ.
Buổi sáng, các đại biểu đã nghe các báo cáo, tờ trình: Dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); Báo cáo thẩm tra về Dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển của các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa và Thừa Thiên Huế; Báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển của các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa và Thừa Thiên Huế.
Thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển của các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa và Thừa Thiên Huế, các đại biểu nhất trí việc cần thiết ban hành dự thảo Nghị quyết này và cho rằng, việc ban hành Nghị quyết sẽ tạo cơ chế huy động nguồn lực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương này cũng là tạo dư địa để các tỉnh, thành phố có thể huy động tối đa nguồn lực, thúc đẩy đột phá trong phát triển.
Phó Trưởng Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Tiền Giang Tạ Minh Tâm phát biểu tại buổi thảo luận tổ. |
Buổi chiều, các đại biểu tiếp tục làm việc tại các tổ, nghe và thảo luận vào các nội dung: Báo cáo tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH), quản lý và sử dụng Quỹ BHXH năm 2020; Báo cáo về việc quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) năm 2020 và thực hiện Nghị quyết 68/2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT, tiến tới BHYT toàn dân trong 2 năm 2019 - 2020.
Cho ý kiến đóng góp đối với báo cáo “Tình hình quản lý, sử dụng quỹ BHYT năm 2020” của Chính phủ, đại biểu Nguyễn Văn Dương cơ bản thống nhất với báo cáo, đồng thời đóng góp thêm một số ý kiến về những thuận lợi khó khăn và có nhiều kiến nghị đến Chính phủ, các bộ, ngành tháo gỡ những khó khăn để thực hiện tốt hơn các chính sách BHXH, BHYT trong thời gian tới.
Cụ thể, đại biểu Nguyễn Văn Dương cho rằng, được sự quan tâm chỉ đạo của UBND tỉnh và sự đồng thuận của cả ngành Y tế nên hoạt động tại các cơ sở khám, chữa bệnh ổn định, đúng các quy định về BHYT. BHYT luôn có tổ kiểm soát chuyên trách hỗ trợ giám sát, nhắc nhở để tránh sai sót.
Tuy nhiên bên cạnh những thuận lợi thì vẫn còn không ít khó khăn bất cập trong khám, chữa bệnh do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, bệnh từ tuyến trên chuyển về, bệnh cấp cứu tăng, tuyến trên hạn chế nhận bệnh chuyển tuyến nên lượng bệnh nặng tại bệnh viện tăng dẫn đến thiếu hụt một số vật tư y tế, thuốc cấp cứu, thuốc thiết yếu cần phải có tại đơn vị so với dự trù theo kế hoạch.
Bên cạnh đó, khó khăn trong việc kê đơn thuốc đối với những người đang trong khu cách ly tập trung điều trị Covid-19. Do khu cách ly tập trung không thuộc khuôn viên của bệnh viện nên những đơn thuốc đó chưa được BHXH hướng dẫn quyết toán. Ngoài ra, có cơ sở còn được chỉ đạo thành lập Bệnh viện Dã chiến nên việc thanh quyết toán BHYT gặp khó khăn vì không thể nhập được chi phí điều trị bệnh nhân Covid-19 vào phần mềm VNPT- His do chưa có mã điều trị tại Bệnh viện Dã chiến, chỉ có mã cơ sở điều trị BHXH không chấp nhận.
Số tiền BHXH tạm ứng không đủ 80% chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo báo cáo quyết toán quý trước của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do BHXH cấn trừ số tiền BHXH Việt Nam thẩm định lại tổng mức thanh toán và tạm ứng thừa so với số chấp nhận quyết toán vào số tạm ứng (đến nay các đơn vị mới được quyết toán đến quý 3 năm 2020). Chi phí khám, chữa bệnh BHYT vượt tổng mức thanh toán không được quyết toán theo quy định tại điều 24, Nghị định 146/2018 của Chính phủ làm cho các cơ sở gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động khám, chữa bệnh...
Đại biểu Nguyễn Văn Dương phát biểu ý kiến đối với báo cáo “Tình hình quản lý, sử dụng quỹ BHYT năm 2020” của Chính phủ. |
Đại biểu Nguyễn Văn Dương kiến nghị, BHXH Việt Nam cần khảo sát, điều chỉnh lại danh mục thuốc BHYT được thanh toán BHYT để phù hợp với các chỉ định y khoa hiện tại, đảm bảo tốt hơn quyền lợi của người tham gia BHYT. Đồng thời thẩm định nhanh chóng, chính xác các khoản chi phí bệnh viện đã sử dụng cho người bệnh; thanh toán dứt điểm từng quý, nhằm giúp các bệnh viện xác định được đúng doanh thu phát sinh trong quý, trong năm.
Đề nghị BHXH Việt Nam chỉ đạo thực hiện Công văn 886/BYT-BH ngày 5-2-2021 về việc giải quyết vướng mắc trong thanh quyết toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT tại tỉnh Tiền Giang. Cùng với đó là xem xét, có giải pháp chấn chỉnh nhằm khắc phục độ vênh giữa chi phí khám, chữa bệnh BHYT tại các cơ sở y tế theo hướng tính đúng, tính đủ với định mức kỹ thuật khám, chữa bệnh BHYT do BHXH Việt Nam đưa ra trong việc khám, chữa bệnh cho nhân dân, nhằm tạo thuận lợi trong việc thanh toán khám, chữa bệnh BHYT của các cơ sở y tế để các cơ sở thực hiện tốt hơn vai trò khám, chữa bệnh cho nhân dân.
Đại biểu Nguyễn Kim Tuyến phát biểu tại buổi thảo luận tổ |
Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Nguyễn Kim Tuyến cũng kiến nghị, Quốc hội, Chính phủ xem xét phân công cơ quan có chức năng tương đối độc lập, nắm chắc nghiệp vụ của cả hai ngành Y tế và BHXH để đứng ra làm trọng tài giải quyết các vấn đề giữa hai ngành khi chưa thống nhất quan điểm trong việc thanh quyết toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT; tạo điều kiện thuận lợi cho ngành BHXH, ngành Y tế và các địa phương thuận lợi trong việc phát huy tính nhân văn của các chính sách BHXH, BHYT...
Phó Trưởng Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Tiền Giang Tạ Minh Tâm đánh giá cao ý kiến kiến nghị của các ĐBQH tỉnh. Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tổng hợp đầy đủ các ý kiến và chuyển đến Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành liên quan. Đồng thời, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Tiền Giang Tạ Minh Tâm cũng có nhiều kiến nghị đến Quốc hội, Chính Phủ, các bộ, ngành liên quan đối với các chính sách BHXH, BHYT.
Cụ thể, đề nghị Chính phủ có giải pháp hữu hiệu đối với công tác phát triển đối tượng tham gia BHYT, nhất là các đối tượng tham gia BHYT tự nguyện, đối tượng hộ gia đình, chú ý quan tâm hơn nữa đối với nhóm đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhằm bảo đảm tăng độ bao phủ đối với các đối tượng này. Kiến nghị cơ quan BHXH ngoài công tác thông tin tuyên truyền cần tăng cường tổ chức đối thoại, tư vấn trực tiếp với một số nhóm đối tượng, địa phương có tỷ lệ tham gia BHYT thấp để có các giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc, nhằm nâng cao tỷ lệ tham gia BHYT, tiến tới thực hiện tốt hơn nữa chủ trương BHYT toàn dân.
Đại biểu Nguyễn Thị Uyên Trang phát biểu tại buổi thảo luận tổ. |
Kiến nghị Chính phủ có các giải pháp đẩy nhanh mục tiêu hoàn thành đầu tư nâng cấp các trạm y tế xã ở những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; giảm 50% quá tải của các bệnh viện tuyến tỉnh, trung ương. Đến năm 2020 chưa đạt mục tiêu hoàn thành đầu tư cải tạo, nâng cấp các trạm y tế xã, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; còn 22,1% trạm y tế xã chưa được đầu tư kiên cố; trên 40% trạm y tế xã có nhu cầu đầu tư cải tạo xây dựng mới (theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội của Quốc hội). Tuy nhiên, rất ít trạm y tế xã được đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn cũng như công trình mục tiêu quốc gia của địa phương để đầu tư, mà chủ yếu phụ thuộc vào hỗ trợ từ trung ương và các dự án viện trợ nước ngoài…
HOÀI THU