.
KỶ NIỆM 110 NĂM NGÀY SINH ĐỒNG CHÍ LÊ ĐỨC THỌ (10-10-1911 - 10-10-2021)

Nhà lãnh đạo cách mạng tài năng, học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Cập nhật: 10:42, 08/10/2021 (GMT+7)

Đồng chí Lê Đức Thọ tên chính là Phan Đình Khải, sinh ngày 10-10-1911 tại xã Địch Lễ, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định (nay là xã Nam Vân, TP. Nam Định, tỉnh Nam Định). Đồng chí nguyên là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, là một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chiến sĩ cách mạng kiên cường, cán bộ lãnh đạo giàu kinh nghiệm của Đảng và Nhà nước. Trong bất kỳ lĩnh vực công tác nào, đồng chí luôn thể hiện phẩm chất cao đẹp của người đảng viên cộng sản kiên cường, người cán bộ tài năng, suốt đời hy sinh, phấn đấu vì lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân.

Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược của dân tộc, đồng chí Lê Đức Thọ luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng tin tưởng, giao phó đảm nhận nhiều cương vị quan trọng. Đồng chí thường được điều đến những nơi, những lúc và những khâu công tác có tính quyết định của cách mạng.

NHÀ LÃNH ĐẠO TÀI NĂNG TRÊN NHIỀU LĨNH VỰC

Đồng chí Lê Đức Thọ
Đồng chí Lê Đức Thọ

Đồng chí Lê Đức Thọ là một trong những nhà lãnh đạo tiền bối, tiêu biểu của Đảng và Nhà nước ta trên nhiều lĩnh vực. Công tác tổ chức của Đảng là sự nghiệp hầu như suốt cả cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí. Trong chốn lao tù ở Côn Đảo, Hòa Bình, hay sau khi ra tù trở về hoạt động ở ATK, công tác ở miền Nam, tham gia Bộ Chính trị, đồng chí được Đảng và Bác Hồ tín nhiệm giao phụ trách công tác tổ chức của Đảng.

Trên cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, đồng chí đã trực tiếp chỉ đạo công tác nghiên cứu, biên soạn dự thảo các văn kiện từ Đại hội III đến Đại hội VI của Đảng.

Với nhiệm vụ được giao phụ trách về công tác xây dựng Đảng và công tác tổ chức, đồng chí Lê Đức Thọ đã góp phần quan trọng vào việc phát triển lý luận về công tác xây dựng Đảng, đưa đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội; trực tiếp chỉ đạo xây dựng Tạp chí Xây dựng Đảng và có nhiều bài viết sâu sắc về công tác tổ chức của Đảng, được đông đảo cán bộ, đảng viên quan tâm nghiên cứu và vận dụng.

Trong cuộc đấu tranh trên mặt trận ngoại giao, với cương vị Cố vấn đặc biệt của Đoàn đại biểu Chính phủ ta, đồng chí Lê Đức Thọ đã thể hiện năng lực của một nhà ngoại giao tài ba, nhà thương thuyết có tầm nhìn chiến lược, khôn khéo “vừa đánh vừa đàm”, kiên quyết về nguyên tắc, linh hoạt về sách lược. Trong các cuộc đàm phán trực tiếp công khai và nói chuyện với đại diện Chính phủ Mỹ, đồng chí đã chủ động tiến công ngoại giao đến cùng với Mỹ kéo dài trong hơn 5 năm tại Thủ đô Paris, làm thất bại mọi âm mưu và phá sản chiêu bài ngoại giao của Mỹ, thực hiện đúng lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “đánh cho Mỹ cút”.

Đồng chí còn có đóng góp quan trọng tại Hội nghị Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, là thắng lợi của trí tuệ, thắng lợi của chính nghĩa, thắng lợi của một dân tộc anh hùng dưới sự lãnh đạo của Đảng ta.

Trên cương vị đại diện của Bộ Chính trị chỉ đạo cuộc Tổng tiến công, nổi dậy mùa Xuân 1975 và tham gia chỉ đạo Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đồng chí đã góp phần quan trọng, cùng quân và dân cả nước thực hiện trọn vẹn mong ước của Bác Hồ: “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Đối với sự nghiệp cách mạng quốc tế, đồng chí đã có nhiều đóng góp lớn lao trong việc ủng hộ, giúp đỡ nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng do chế độ Khơ-me đỏ gây ra, thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta.

Trong cuộc hành trình qua các thời kỳ lịch sử của cách mạng, dù rất bận rộn với công việc của Đảng, đồng chí Lê Đức Thọ vẫn dành thời gian làm thơ phục vụ 2 cuộc kháng chiến, kể cả những lúc bị giam cầm trong ngục tù đế quốc, nhiều bài thơ đã được đồng bào và cán bộ, chiến sĩ chuyền tay nhau đọc, chép vào sổ tay, mang theo trong hành trang chiến đấu, công tác như: “Lòng xuân chiến sĩ”, “Ý xuân”, “Lời anh dặn”, “Điểm tựa”, “Thăm anh”, “Anh chiến sĩ an ninh”, “Tình Miên - Việt”…

NHÀ LÃNH ĐẠO GẦN GŨI, GẮN BÓ MÁU THỊT VỚI ĐỒNG BÀO MIỀN NAM

Là người con đất Bắc nhưng phần lớn thời gian trong cuộc hành trình hơn 6 thập kỷ làm cách mạng, đồng chí Lê Đức Thọ đã có sự gắn bó mật thiết với nhân dân miền Nam, với cách mạng miền Nam.

Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh (ngồi từ trái qua phải: Đại tướng Văn Tiến Dũng, đồng chí Lê Đức Thọ, đồng chí Phạm Hùng).
Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh (ngồi từ trái qua phải: Đại tướng Văn Tiến Dũng, đồng chí Lê Đức Thọ, đồng chí Phạm Hùng).

Ngay sau Ngày Toàn quốc kháng chiến, được sự phân công của Ðảng, đồng chí đã đi bộ, băng rừng, lội suối vượt Trường Sơn, từ Việt Bắc vào Đồng Tháp Mười công tác. Năm 1949, đồng chí nhận trọng trách Phó Bí thư Xứ ủy Nam bộ. Năm 1951, tại Đại hội lần thứ II của Đảng, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, làm Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam. Từ năm 1949 - 1954, đồng chí được đề cử làm Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Cục miền Nam.

Có thể nói, đồng chí Lê Đức Thọ đã gắn bó với nhân dân miền Nam trong suốt cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp. Xứ ủy Nam bộ thời kỳ đó đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Trung ương Đảng ủy thác là tham gia tổ chức việc chuyển quân tập kết ra Bắc theo Hiệp định Giơ-ne-vơ (năm 1954) và bố trí đội ngũ cán bộ, xây dựng hệ thống bộ máy tổ chức Đảng ở miền Nam, làm cơ sở cho cuộc chiến đấu lâu dài chống đế quốc Mỹ xâm lược.

Trong bộn bề gian khó ngày ấy, đồng chí Lê Đức Thọ cùng đồng chí Lê Duẩn, Bí thư Xứ ủy Nam bộ là những nhà lãnh đạo “đứng mũi chịu sào” trong cuộc kháng chiến ở Nam bộ. Trung ương Cục miền Nam mà đồng chí Lê Đức Thọ làm Phó Bí thư, đảm đương nhiệm vụ chính là thực hiện mọi đường lối, chủ trương của Trung ương Đảng tại Nam bộ đã phát triển sâu rộng thực lực cách mạng, đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi cuối cùng.

Trong cuộc chiến tranh ác liệt chống đế quốc Mỹ xâm lược, đồng chí Lê Đức Thọ vượt Trường Sơn vào chiến trường miền Nam với vai trò Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam. Sau cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân năm 1968, đồng chí được Bộ Chính trị cử vào miền Nam làm Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam; đến tháng 5-1968 được Bộ Chính trị điều ra miền Bắc, giao nhiệm vụ phụ trách công tác đấu tranh ngoại giao.

Sau Hiệp định Paris về Việt Nam năm 1973, đồng chí Lê Đức Thọ một lần nữa được cử vào miền Nam công tác, làm Trưởng Ban Miền Nam của Trung ương. Cuối tháng 3-1975, đồng chí trở lại chiến trường miền Nam, trực tiếp cùng Trung ương Cục và Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam lãnh đạo, chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh giành toàn thắng. Sau khi miền Nam được giải phóng, thống nhất đất nước, đồng chí được phân công làm Phó Ban Đại diện của Đảng và Chính phủ ở miền Nam.

Những đóng góp của đồng chí Lê Đức Thọ trong lãnh đạo công tác xây dựng, phát triển Đảng thời kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ ở Xứ ủy Nam bộ - Trung ương Cục miền Nam đã được Ban Chấp hành Trung ương Đảng đánh giá “là một trong những đồng chí lãnh đạo có công lớn trong sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước…”.

HỒNG LÊ (tổng hợp)
 

.
.
.