Đại biểu Tiền Giang chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
(ABO) Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV, tại Phiên chất vấn và trả lời chất vấn, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị tỉnh Tiền Giang đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB-XH) Đào Ngọc Dung với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực LĐTB-XH...
BẤT CẬP TRONG THU HÚT ĐẦU TƯ XÃ HỘI HÓA CƠ SỞ BẢO TRỢ
Tại Phiên chất vấn và trả lời chất vấn, đại biểu Nguyễn Minh Sơn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ĐBQH đơn vị tỉnh Tiền Giang tiếp tục chất vấn Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH Đào Ngọc Dung: Hiện nay, công tác xã hội hóa trong trợ giúp xã hội còn nhiều bất cập, chưa thu hút được tư nhân đầu tư. Đề nghị Bộ trưởng cho biết hướng xử lý như thế nào trong thời gian tới?
Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH Đào Ngọc Dung trả lời các câu hỏi chất vấn của ĐBQH. |
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH Đào Ngọc Dung cho biết, thời gian qua, các cơ sở bảo trợ xã hội của Việt Nam phát triển tương đối nhanh. Hầu hết các cơ sở ở các địa phương đều có 4 loại hình cơ sở bảo trợ, cơ sở chăm lo cho người có công, cơ sở chăm lo cho người nghiện ma túy, cơ sở cho người bị tâm thần, trẻ em…
Tuy nhiên, phần đông số này dựa vào các cơ sở công lập là chính, các cơ sở tư nhân gần đây phát triển 3 loại hình cơ bản. Một là các cơ sở bảo trợ do các tổ chức xã hội và tư nhân, các tổ chức tôn giáo đứng ra thành lập. Thứ hai là gần đây một số mạnh thường quân, các doanh nghiệp lớn đứng ra tổ chức xây dựng một số cơ sở bảo trợ xã hội dành cho người già, người neo đơn, cá biệt có những cơ sở đã thu hút lên đến hàng ngàn cụ già, nuôi cả cụ ông, cụ bà cho đến khi qua đời cũng ở đây.
Tuy nhiên, chúng tôi thấy vấn đề quan trọng hiện nay là cần tập trung xem xét lại chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, nhà đầu tư vào lĩnh vực này. Hiện nay, chúng ta chưa có chính sách đủ mạnh, chưa đủ sức thu hút đối với các tư nhân tham gia vào xây dựng cơ sở bảo trợ.
Điển hình như, thời gian qua, dù có chính sách quy định đất đai được miễn thuế, được giảm thuế, nhưng chính sách này khi thực thi ở các địa phương còn nhiều khó khăn, bất cập. Đã có doanh nghiệp nước ngoài phản ánh với chúng tôi họ về nước và muốn đầu tư một cơ sở nuôi dưỡng người già nhưng 4 tháng về một địa phương để xin một miếng đất mà không được với nhiều lý do từ chính quyền địa phương... Do đó, việc đầu tiên tôi cho rằng chắc chắn là sang 2022 - 2023, chúng ta phải xây dựng chính sách để thu hút tư nhân và muốn có nhiều cơ sở tư nhân thì phải thu hút bằng chính sách, không cách nào khác được.
BÌNH ĐẲNG GIỚI TRONG KẾ HOẠCH PHỤC HỒI KINH TẾ
Cũng tại Phiên chất vấn và trả lời chất vấn, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội khóa XV, Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Tiền Giang, chất vấn Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH Đào Ngọc Dung: Theo báo cáo khoảng cách giới toàn cầu, phải mất thêm nhiều thập kỷ, khoảng cách về giới mới có thể thu hẹp. Chính vì vậy, Hội nghị thường niên lần thứ 29 Diễn đàn Nghị viện châu Á Thái Bình Dương tổ chức cuối năm nay đang xây dựng 2 dự thảo nghị quyết: Thứ nhất là thúc đẩy ứng phó đại dịch Covid-19 đảm bảo yếu tố giới và phục hồi hậu đại dịch và thứ hai là thúc đẩy bình đẳng giới thông qua tăng cường sự tham gia và đại diện của phụ nữ Việt Nam là đồng bảo trợ cả 2 nghị quyết này.
Trên phương diện quốc tế, Việt Nam đã có cam kết rất cao. Vậy trong nước, đề nghị Bộ trưởng cho biết Bộ đã có những kiến nghị, đề xuất gì để giữ vững mục tiêu bình đẳng giới để đảm bảo yếu tố giới, các vấn đề về phụ nữ, các nhóm yếu thế được đặc biệt quan tâm trong kế hoạch phục hồi kinh tế - xã hội tổng thể tới đây.
Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm chất vấn các vấn đề liên quan đến bình đẳng giới. |
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thanh Cầm, Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH Đào Ngọc Dung cho biết, trong 7 nội dung liên quan đến việc phục hồi thị trường lao động và an sinh, chúng tôi có một nội dung liên quan đến bình đẳng giới.
Theo đó, nội dung này tập trung vào 4 vấn đề lớn gồm: Từ hỗ trợ việc làm đến dạy nghề, tạo điều kiện công ăn việc làm cho chị em phụ nữ tại địa phương và số tiền đủ lớn để cho chị em phụ nữ khởi nghiệp.
Tuy nhiên, về con số cụ thể là hỗ trợ bao nhiêu thì sau này Chính phủ báo cáo với Quốc hội, Quốc hội xem xét phê duyệt mới biết. Nhưng chúng tôi xin tiếp thu ý kiến đại biểu, sẽ lưu ý ý kiến này trong quá trình góp ý kiến và tham gia trong hoàn thiện đề án của Chính phủ.
THU HOÀI - MINH TRÍ