Đại biểu Tiền Giang chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế
(ABO) Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV, ngày 10-11, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội bắt đầu tiến hành Phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với các thành viên Chính phủ; Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực y tế; Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội.
Đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực y tế, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã chất vấn nhiều nội dung như: Công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 thời gian qua và chiến lược phòng, chống dịch, chiến lược vắc xin trong thời gian tới; việc bảo đảm nguồn cung và quản lý giá xét nghiệm Covid-19, thuốc chữa bệnh, trang thiết bị y tế, sinh phẩm xét nghiệm; giải pháp giảm thiểu sự chênh lệch chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh giữa các tuyến, các vùng, miền và nâng cao năng lực của hệ thống y tế cơ sở, đặc biệt là ở các vùng khó khăn; định hướng đào tạo, sử dụng và chế độ đặc thù cho đội ngũ cán bộ y tế…
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trả lời các câu hỏi chất vấn của ĐBQH. |
Đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội, ĐBQH đã chất vấn nhiều nội dung liên quan đến việc thực hiện các gói hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; thực trạng và nguyên nhân người lao động rời TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam trong nhiều đợt; giải pháp tháo gỡ khó khăn của thị trường lao động…
Tại Phiên chất vấn và trả lời chất vấn, đại biểu Nguyễn Minh Sơn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ĐBQH đơn vị tỉnh Tiền Giang chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long 2 nội dung gồm: Hiện nay, việc thực hiện khám sàng lọc, phát hiện sớm bệnh tật còn nhiều hạn chế mà đây lại là công đoạn rất quan trọng trong điều trị bệnh cho người dân, đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp khắc phục trong thời gian tới? Và vấn đề thứ 2 là hiện nay cơ chế tài chính cho mô hình trung tâm y tế huyện đa chức năng còn rất nhiều vướng mắc trong triển khai thực hiện, đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp khắc phục?
Đại biểu Nguyễn Minh Sơn chất vấn các vấn đề liên quan đến lĩnh vực y tế. |
Trả lời đại biểu Nguyễn Minh Sơn, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, cho biết khám sàng lọc là vấn đề tới đây cần phải triển khai nhằm nâng cao sức khỏe, đặc biệt là khám sàng lọc đối với người dân. Theo Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) cho đến thời điểm hiện nay chúng ta chưa được sử dụng ngân sách của BHYT cho vấn đề về khám sàng lọc, phát hiện những bệnh sớm ở cộng đồng đối với người dân để có thể thực hiện việc chăm sóc, điều trị một cách tốt hơn.
Tuy nhiên, theo Nghị quyết 20 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng cũng đã nêu rất rõ, chúng tôi sẽ xây dựng gói dịch vụ y tế cơ bản, trong đó làm sao để đảm bảo mỗi một người dân mỗi năm có thể khám sàng lọc sức khỏe ít nhất một lần. Trong thời gian tới đây, chúng tôi sẽ tiếp tục trình Quốc hội sửa đổi Luật BHYT. Trong Luật này sẽ đưa vào việc được sử dụng ngân sách của BHYT trong vấn đề về khám sàng lọc sức khỏe đối với người dân để quản lý, chăm sóc một cách sớm nhất và tốt nhất, nhất là đối với một số bệnh truyền nhiễm.
Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đề nghị đối với các địa phương có thể sử dụng ngân sách của các địa phương cho vấn đề về tổ chức những chương trình hay khám sàng lọc sức khỏe đối với người dân. Thời gian qua các tổ chức, các hiệp hội, nhất là những hội của ngành Y tế cũng đã phối hợp với một số đơn vị, địa phương đã triển khai những hoạt động về khám sàng lọc đối với người dân ở một số địa bàn và hiệu quả cho thấy rằng rất tốt. Vì vậy, khi Luật BHYT được thông qua, hy vọng ĐBQH cũng ủng hộ cho quan điểm để chúng ta đưa những vấn đề về chi tiêu cho y tế dự phòng, chi tiêu cho vấn đề về khám sàng lọc sức khỏe để trong BHYT tạo tính bền vững và liên tục trong vấn đề về quản lý sức khỏe đối với người dân theo đúng Nghị quyết 20 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Vấn đề thứ hai, đại biểu cũng rất quan tâm là vấn đề trung tâm y tế có nhiều vướng mắc, nhất là vấn đề trong thanh toán quyết toán. Đây là một vấn đề mà Bộ Y tế xin nhận trách nhiệm bởi còn nhiều khó khăn, bất cập trong thời gian qua. Khi chúng tôi tổng kết lại tất cả và hằng năm cũng đã có những báo cáo tổng kết thì việc chi tiêu đối với các trung tâm y tế, đối với tuyến xã có thể nói rằng ở mức độ rất thấp, 75% những lượt khám bệnh, chữa bệnh được thực hiện tại bệnh viện tuyến huyện và tuyến xã, nhưng tổng mức chi tiêu chỉ khoảng 34%, đối với tuyến xã chỉ có 2%.
Cho nên việc cải cách cơ chế tài chính đối với y tế tuyến huyện, chúng tôi cũng đang đặt ra và Bộ Y tế hiện nay cũng đang tiến hành rà soát, đánh giá tổng thể lại, trên cơ sở đó đề xuất giải pháp để làm sao đảm bảo đổi mới về cơ chế tài chính cho tuyến huyện, có thể thực hiện theo nhiều phương thức như các ĐBQH đề xuất: Một là có thể theo cơ chế Nhà nước đặt hàng giao nhiệm vụ. Thứ hai là theo cơ chế giao gói dịch vụ y tế dự phòng ở tuyến huyện; khám bệnh, chữa bệnh thì theo cơ chế của BHYT...
Bộ Y tế xin tiếp thu ý kiến của ĐBQH và ngành, sẽ tiếp tục nghiên cứu làm sao để đẩy nhanh cải cách về mặt tài chính đối với y tế tuyến huyện nhằm đảm bảo cho y tế cơ sở ngày càng phát triển, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân…
Quang cảnh Phiên chất vấn và trả lời chất vấn. |
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, hoạt động chất vấn không chỉ đơn thuần là một hình thức giám sát, tăng cường trách nhiệm giải trình, nhất là của người đứng đầu, mà còn là dịp để tương tác, bổ trợ cho các hoạt động giám sát khác cũng như thực hiện chức năng lập pháp và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, của Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội ghi nhận phiên chất vấn đã thể hiện đúng theo tinh thần đổi mới trong hoạt động của Quốc hội, các ĐBQH đã đặt câu hỏi cụ thể, rõ ràng, ngắn gọn, đúng nội dung theo tinh thần đổi mới trong hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Một số ĐBQH chưa hoàn toàn đồng ý với trả lời của một số Bộ trưởng đã đăng ký tranh luận, trao đổi thẳng thắn, để đi đến cùng, làm rõ hơn các vấn đề chất vấn…
THU HOÀI - MINH TRÍ