Cờ đỏ sao vàng trong cuộc khởi nghĩa Nam kỳ
1. Năm 2005, Tỉnh ủy Tiền Giang và Viện Lịch sử Đảng Trung ương phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học “Mỹ Tho - từ cuộc khởi nghĩa tháng 11-1940 đến Cách mạng Tháng Tám năm 1945” (viết tắt Hội thảo).
Về lá cờ đỏ sao vàng, Tổng luận của Hội thảo khẳng định: “Hội nghị Xứ ủy mở rộng tháng 7-1940 ở Tân Hương (huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho) đã quyết định nhiều vấn đề quan trọng về cuộc khởi nghĩa Nam kỳ, trong đó có nghị quyết về hình thức của chính quyền, Quốc kỳ, khẩu hiệu, chính sách đối với các tầng lớp nhân dân. Quốc kỳ là cờ đỏ sao vàng 5 cánh…”.
Đình Long Hưng - Trụ sở của Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh Mỹ Tho - nơi treo lá cờ đỏ sao vàng trong cuộc khởi nghĩa Nam kỳ ngày 23-11-1940 (xã Long Hưng, huyện Châu Thành). |
Cũng tại Hội thảo, dựa vào Hồi ký của ông Lê Quang Sô, tác giả Lê Minh Đức và tác giả Bùi Văn Phúc, trong tham luận “Sự ra đời của lá cờ đỏ sao vàng trong cuộc khởi nghĩa Nam kỳ ngày 23-11-1940 ở Mỹ Tho” khẳng định: Lá cờ đỏ sao vàng là do Tỉnh ủy Mỹ Tho khởi xướng (Bí thư Tỉnh ủy là đồng chí Phan Văn Khỏe) và được Hội nghị Xứ ủy họp ở Tân Hương vào tháng 7-1940 thông qua.
Lá cờ có ý nghĩa: Nền đỏ tượng trưng cho cách mạng; 5 cánh sao tượng trưng cho các tầng lớp sĩ, nông, công, thương, binh đoàn kết; màu vàng có ý nghĩa là màu dân tộc.
Tác giả Nguyễn Thanh Tâm trong bài “Những đóng góp quan trọng của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Tiền Giang trong phong trào giải phóng dân tộc (1939 - 1945)” cũng có ý kiến tương tự: “Cờ đỏ sao vàng lần đầu tiên xuất hiện ở Mỹ Tho là sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, của Đảng bộ, nhân dân Mỹ Tho trong thực tiễn phong trào cách mạng của nhân dân Việt Nam…
Xuất hiện trước tiên ở Mỹ Tho, cờ đỏ sao vàng là biểu tượng của tinh thần yêu nước, ý chí độc lập dân tộc, dân chủ, tự do, hòa bình, hữu nghị, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế của nhân dân Việt Nam. Sức sáng tạo cách mạng đó thuộc về Đảng bộ và nhân dân Mỹ Tho - Gò Công”.
Sách “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Tiền Giang, tập 1 (1927 - 1954)” cũng cho biết: Hội nghị Xứ ủy Nam kỳ họp ở Tân Hương (tháng 7-1940) đã “Chọn lá cờ đỏ sao vàng do Tỉnh ủy Mỹ Tho thông qua làm cờ Mặt trận và cờ Chính phủ”.
Như vậy, đồng chí Phan Văn Khỏe, Xứ ủy viên Xứ ủy Nam kỳ, Bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho, theo chỉ đạo của Xứ ủy, đã cùng với các đồng chí trong Thường vụ Tỉnh ủy khởi xướng việc phác thảo lá cờ đỏ sao vàng; và lá cờ đó đã được Hội nghị Xứ ủy họp ở Tân Hương quyết định chọn làm cờ của Mặt trận Thống nhất nhân dân Phản đế, nhằm hiệu triệu, động viên nhân dân cả nước đứng lên lật đổ ách thống trị tàn bạo của đế quốc Pháp và bọn phong kiến tay sai, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc.
Bút tích của đồng chí Nông Đức Mạnh, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX (2001 - 2006) và khóa X (2006 - 2011), có liên quan đến lá cờ đỏ sao vàng được xuất hiện lần đầu tiên tại đình Long Hưng (huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang). |
2. Đêm 22 rạng ngày 23-11-1940, cuộc khởi nghĩa Nam kỳ ở tỉnh Mỹ Tho bùng nổ.
Tại trung tâm cuộc khởi nghĩa ở xã Long Hưng, huyện Châu Thành, trong lúc lực lượng nghĩa quân và nhân dân chiếm Nhà việc (trụ sở của xã), thì đồng chí Tư Hiệp, Bí thư Chi bộ xã Long Hưng, cùng với 2 đồng chí đảng viên đã dùng cây tầm vông làm cán cờ treo lá cờ đỏ sao vàng trên chót vót ngọn cây bàng tại đình Long Hưng - trụ sở của Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh Mỹ Tho.
Đây là nơi xuất hiện lá cờ đỏ sao vàng đầu tiên ở nước ta. Ngày 28-1-2007, đồng chí Nông Đức Mạnh, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, đến tham quan đình Long Hưng và ghi vào Sổ cảm tưởng: “Đình Long Hưng, di tích lịch sử Quốc gia, nơi đầu tiên xuất hiện lá cờ đỏ sao vàng trong cuộc khởi nghĩa Nam kỳ tháng 11-1940, là biểu tượng sáng ngời của ý chí kiên cường, tinh thần quật khởi của nhân dân ta không chịu mất nước, không chịu làm nộ lệ…”.
Cùng với xã Long Hưng, cờ đỏ sao vàng xuất hiện khắp tỉnh Mỹ Tho và các tỉnh khác ở Nam kỳ. Sau đó, thực dân Pháp đã đàn áp dã man cuộc khởi nghĩa. Tuy nhiên, bọn chúng không thể tiêu diệt được lực lượng cách mạng và sức sống thần kỳ của lá cờ đỏ sao vàng.
Về sự kiện này, Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân, Anh hùng Lao động Trần Văn Giàu viết: “Khởi nghĩa Nam kỳ năm 1940 mặc dù thất bại, nhưng đã để lại cho dân tộc ta một vật báu tiêu biểu cho truyền thống đấu tranh cách mạng anh dũng, cho hy vọng tràn đầy của nhân dân vào tương lai xán lạn của dân tộc. Đó là lá cờ đỏ sao vàng năm cánh - lá cờ của cuộc khởi nghĩa Nam kỳ và sau này là Quốc kỳ Việt Nam”.
PHAN SƠN AN