Khai mạc Kỳ họp thứ 4 - Hội đồng nhân dân tỉnh Tiền Giang khóa X
(ABO) Sáng 6-12, Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Tiền Giang khóa X chính thức khai mạc Kỳ họp thứ 4.
Tham dự Kỳ họp có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Văn Bình; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Vĩnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; đại diện Đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XV đơn vị tỉnh Tiền Giang; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh cùng 59/61 đại biểu HĐND tỉnh khóa X.
Đồng chí Võ Văn Bình và đồng chí Trần Thanh Nguyên, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ tọa Kỳ họp.
Đồng chí Võ Văn Bình phát biểu khai mạc Kỳ họp. |
Phát biểu khai mạc Kỳ họp, đồng chí Võ Văn Bình cho biết: Năm 2021 là năm đầu triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI trong bối cảnh tình hình đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp, kéo dài đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế của cả nước nói chung và tỉnh nhà nói riêng.
Với sự tập trung lãnh đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của UBND tỉnh, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, tuy một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội chưa đạt so với kế hoạch đề ra, nhưng kinh tế tỉnh nhà vẫn duy trì ổn định và đạt một số kết quả tích cực.
Cụ thể, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) đạt xấp xỉ so với cùng kỳ 2020, trong đó khu vực nông - lâm - ngư nghiệp tiếp tục phát triển ổn định và tăng 1% so cung kỳ; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng phi nông nghiệp, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp; kim ngạch xuất khẩu thực hiện đạt 3,1 tỷ USD, tăng 1,8% so với cùng kỳ; tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện được 38.665 tỷ đồng, tăng 5,2% so cùng kỳ.
Lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực; quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững; công tác an sinh xã hội, giảm nghèo, chăm sóc sức khỏe nhân dân vẫn luôn được quan tâm và chú trọng thực hiện trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Ngành Giáo dục và Đào tạo đã hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học 2020 - 2021; công tác dạy và học có nhiều đổi mới, sáng tạo, linh hoạt, chuyển đổi từ hình thức dạy và học trực tiếp, tập trung sang dạy, học trực tuyến, nhằm đảm bảo chương trình học, thích ứng an toàn với phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định.
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Nguyễn Chí Trung trình bày thông báo của Ủy ban MTTQ tỉnh Tiền Giang tại Kỳ họp thứ 4 - HĐND tỉnh khóa X. |
Đối với công tác xây dựng nông thôn mới (NTM): Tiếp tục thực hiện việc củng cố, nâng chất và duy trì các tiêu chí tại tất cả các xã đã đạt chuẩn NTM; trong năm có 6 xã đủ điều kiện công nhận đạt chuẩn NTM (nâng tổng số toàn tỉnh có 124 xã NTM, đạt 87,7%), 13 xã đủ điều kiện công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao; huyện Gò Công Tây đủ điều kiện để công nhận đạt chuẩn huyện NTM (nâng tổng số có 6/11 huyện, thị, thành hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM).
Bên cạnh đó, tỉnh thực hiện nghiêm, quyết liệt các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, Ban Chỉ đạo quốc gia về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, đến nay tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh cơ bản được kiểm soát; đã xây dựng các phương án phòng, chống dịch bệnh theo từng cấp độ theo Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định 4800/QĐ-BYT của Bộ Y tế về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”...
Tính đến ngày 1-12-2021 trên địa bàn tỉnh cho thấy: Toàn tỉnh ở cấp độ 2; 8/11 huyện, thành, thị ở cấp độ 2 và 3/11 huyện, thành, thị ở cấp độ 3 (Mỹ Tho, Gò Công Đông, Tân Phú Đông).
Tăng cường năng lực chuyên môn của hệ thống y tế các cấp, tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận dịch vụ y tế; đẩy nhanh tốc độ tiêm ngừa vắc xin cho người dân từ 18 tuổi trở lên để đạt độ bao phủ sớm nhất; mũi 1 (100,38%), mũi 2 (92,48%), nhóm trẻ em từ 12 - 17 tuổi đã tiêm mũi 1 (81,60%); số ca nhiễm được điều trị khỏi bệnh chiếm tỷ lệ 79,07%/số ca mắc, cố gắng giảm ca chuyển nặng, tử vong
Đối với công tác đảm bảo an sinh xã hội, ngoài chính sách hỗ trợ của Trung ương, địa phương đã bố trí 914,502 tỷ đồng từ ngân sách; MTTQ, các đoàn thể, các nhà hảo tâm vận động trên 111,3 tỷ đồng và hơn 3.000 tấn gạo của Nhà nước được cấp cho người dân gặp khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19.
Đối với hoạt động của các doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp thực hiện các phương án sản xuất, kinh doanh bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong điều kiện bình thường mới, đến nay đã có 81,81% doanh nghiệp với 79,18% người lao động trở lại hoạt động bình thường theo các phương án đã được phê duyệt; số công nhân, người lao động được tiêm vắc xin mũi 1 là 95%; số người được tiêm mũi 2 là 88%... góp phần giải quyết việc làm cho 109.090 người lao động trên địa bàn tỉnh...
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Văn Dũng báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022. |
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những khó khăn, hạn chế đó là: Tốc độ tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, thu nhập bình quân đầu người, kim ngạch xuất khẩu, giải quyết việc làm không đạt kế hoạch so với mục tiêu đã đề ra.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên lĩnh vực du lịch, dịch vụ và sản xuất công nghiệp còn nhiều khó khăn; giá một số nông sản chưa ổn định; thu hút đầu tư còn thấp và giảm nhiều so với cùng kỳ; nhiều chuỗi cung ứng bị gián đoạn, nhu cầu thị trường chưa hồi phục.
Tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội có lúc, có nơi còn diễn biến phức tạp. Công tác quản lý nhà nước về đất đai còn nhiều bất cập, nhất là trong quy hoạch, sử dụng đất. Tình hình dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát nhưng chưa vững chắc, còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm và bùng phát dịch...
Vì vậy, tại Kỳ họp này, HĐND tỉnh cần tập trung thảo luận, đánh giá những kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của tỉnh năm 2021; làm rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan; xác định những chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cần tiếp tục thực hiện trong năm 2022.
Đồng thời, đề xuất những giải pháp khắc phục kịp thời, hiệu quả với quyết tâm chính trị cao, để vừa đẩy lùi dịch bệnh, vừa đảm bảo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà năm 2022.
Quang cảnh Kỳ họp tại điểm cầu Hội trường Ấp Bắc. |
Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, Kỳ họp thứ 4 được tổ chức bằng hình thức trực tuyến tại 2 điểm cầu là Hội trường Ấp Bắc và Phòng họp số 2 - Trung tâm Hội nghị tỉnh. Thay mặt Chủ tọa Kỳ họp, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị các đại biểu HĐND tỉnh nêu cao trách nhiệm trước Đảng, trước dân, phát huy tinh thần đoàn kết, dân chủ, trí tuệ, vì lợi ích chung của nhân dân, tập trung nghiên cứu, tích cực tham gia thảo luận đóng góp nhiều ý kiến đối với các nội dung trình hoặc lưu hành trong Kỳ họp, góp phần vừa rút ngắn thời gian vừa đảm bảo cho Kỳ họp thành công tốt đẹp.
Trong thời gian diễn ra Kỳ họp, HĐND tỉnh trân trọng đề nghị quý vị khách quý, cử tri và nhân dân tỉnh nhà dành thời gian theo dõi, tiếp tục tham gia nhiều ý kiến góp ý, góp phần vào sự thành công của Kỳ họp. Đề nghị lãnh đạo các sở, ngành và địa phương tham dự đầy đủ các phiên họp, tiếp thu ý kiến của đại biểu, cử tri; giải trình về những vấn đề quan trọng, bức xúc mà nhiều cử tri và nhân dân tỉnh nhà đã và đang quan tâm.
THU HOÀI