Tiền Giang vượt khó thực hiện đạt và vượt nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội
(ABO) Năm 2021, cũng như nhiều tỉnh, thành trên cả nước, Tiền Giang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là tác động từ đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và mọi mặt đời sống xã hội... Song, tỉnh đã không điều chỉnh giảm chỉ tiêu tăng trưởng; các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra đều được cả hệ thống chính trị phấn đấu ở mức cao nhất và đã hoàn thành đạt, vượt 10/19 chỉ tiêu, nhóm chỉ tiêu.
GIẢI NGÂN TỐT CÁC DỰ ÁN ĐẦU TƯ CÔNG
Báo cáo tại Kỳ họp thứ 4 - HĐND tỉnh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Nguyễn Đình Thông cho biết, trong năm 2021, trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt, kịp thời; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện điều chuyển vốn từ những công trình, dự án có tỷ lệ giải ngân thấp sang các công trình, dự án có khối lượng cao và các công trình phòng, chống dịch Covid-19 nhằm góp phần đẩy nhanh công tác giải ngân.
Bên cạnh đó, tỉnh thường xuyên phối hợp với các bộ, ngành trung ương, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2021 và đạt được nhiều kết quả tích cực, tỷ lệ giải ngân của tỉnh luôn ở nhóm những địa phương có tỷ lệ giải ngân cao của cả nước.
Cụ thể, giá trị giải ngân tính đến ngày 3-12-2021 là 2.912,1 tỷ đồng, đạt 75,6% kế hoạch, ước hết năm tỷ lệ giải ngân đạt 100% kế hoạch. Trong đó: Vốn ngân sách địa phương đã giải ngân 2.399,44 tỷ đồng, đạt 80,7% kế hoạch; vốn ngân sách trung ương là 879,138 tỷ đồng, đã giải ngân 512,66 tỷ đồng, đạt 58,3% kế hoạch.
Giám đốc Sở KH-ĐT Nguyễn Đình Thông báo cáo về tình hình thực hiện đầu tư công năm 2021 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2022. |
Về kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022, theo thông báo của Bộ KH-ĐT tại Công văn 6926/BKHĐT-TH ngày 11-10-2021, tổng số vốn đầu tư công năm 2022 tỉnh Tiền Giang là 3.940,7 tỷ đồng (chưa bao gồm vốn Chương trình mục tiêu quốc gia); trong đó: Vốn đầu tư trong cân đối ngân sách địa phương là 2.870,2 tỷ đồng; vốn ngân sách trung ương là 1.070,5 tỷ đồng.
Năm 2021 và năm 2022 là thời gian triển khai nhiều dự án quan trọng trên địa bàn tỉnh như: Đầu tư xây dựng hệ thống cống ngăn mặn tại các kinh, rạch trên sông Tiền với vốn đầu tư 864 tỷ đồng; Dự án Đường tỉnh 864 (đường dọc sông Tiền) với tổng số vốn đầu tư 2.000 tỷ đồng; đường giao thông 2 bên bờ Bảo Định mức đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng.
Để thực hiện tốt kế hoạch đầu tư công năm 2022, ngay từ đầu năm 2021, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh thông qua dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2022 để các ngành, địa phương chuẩn bị đầu tư, sớm triển khai thực hiện. Việc tăng cường giải ngân vốn đầu tư công nhằm góp phần bù lại những ngành bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
UBND tỉnh đề nghị các sở, ban, ngành tỉnh và địa phương thời gian tới cần nâng cao trách nhiệm trong quản lý đầu tư xây dựng công trình và đẩy mạnh huy động nguồn lực của các thành phần kinh tế cho đầu tư phát triển… Đồng thời, tăng cường huy động mọi nguồn lực của các thành phần kinh tế cho đầu tư phát triển gắn với xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ bằng các hình thức phù hợp, đặc biệt là hình thức hợp tác công tư (PPP), xã hội hóa..., ưu tiên mời gọi đầu tư các dự án quan trọng có vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và liên kết, phát triến vùng...
ĐẢM BẢO CÂN ĐỐI THU - CHI NGÂN SÁCH
Một trong những điểm sáng tiếp theo của tỉnh là công tác thu - chi ngân sách. Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Chính phủ ban hành Nghị định 52/2021 ngày 19-4-2021 về việc gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp (DN), thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021 để tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế, đã tác động không nhỏ đến tình hình thu ngân sách nhà nước (NSNN).
Tuy nhiên, với sự chỉ đạo xuyên suốt của Tỉnh ủy trong việc tháo gỡ các khó khăn cho DN và nhân dân cùng với việc UBND tỉnh ban hành Chỉ thị 09 ngày 10-5-2021 về việc tăng cường công tác thu NSNN năm 2021, một số khoản thu ngân sách đạt và vượt so với dự toán năm.
Cụ thể: Thu thuế sử dụng đất nông nghiệp, phi nông nghiệp đạt 102,16%; thu tiền sử dụng đất đạt 103,13%; thu tiền bán nhà thuộc sở hữu Nhà nước đạt 101,73%; thu tiền khai thác khoáng sản đạt 110,20%. Ngoài ra, khoản thu thuế từ hoạt động xuất nhập khẩu ước thực hiện cả năm 2021 là 380 tỷ đồng, đạt 138,18% so với dự toán.
Đối với công tác chi ngân sách, theo phân tích của Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Kim Tuyến tại Kỳ họp, dù chi rất lớn cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, nhưng năm 2021, kết quả thực hiện chi ngân sách địa phương đã đáp ứng được cơ bản yêu cầu hoạt động của các đơn vị, địa phương.
Cụ thể, trước diễn biến rất phức tạp của dịch bệnh Covid-19, đến ngày 20-10-2021 UBND tỉnh Tiền Giang đã bố trí kinh phí phòng, chống dịch Covid-19 với tổng số tiền là 963,163 tỷ đồng và dự kiến nhu cầu thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1-7-2021, Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 8-10-2021 của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7-7-2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 khoảng 754 tỷ đồng. Ngoài ra, kinh phí phục vụ cho phòng, chống hạn, mặn, sạt lở phát sinh khá lớn khoảng 162,065 tỷ đồng.
UBND tỉnh đã huy động tất cả nguồn kinh phí hiện có của địa phương để kịp thời bố trí kinh phí cho các đơn vị, địa phương như: Nguồn dự phòng, Quỹ dự trữ tài chính cấp tỉnh, nguồn tiết kiệm chi thường xuyên 6 tháng cuối năm 2021, nguồn cải cách tiền lương của ngân sách cấp tỉnh, Trung ương bổ sung có mục tiêu...
Ước tổng chi ngân sách địa phương năm 2021 đạt 131,5% dự toán năm, trong đó chi đầu tư phát triển 3.330 tỷ đồng, đạt 89,9% dự toán, bằng 40,7% so thực hiện năm 2020. Ngoài ra, chi đầu tư phát triển từ kế hoạch vốn năm 2020 chuyển sang là 2.209,9 tỷ đồng.
Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Kim Tuyến báo cáo tình hình ước thực hiện thu, chi ngân sách năm 2021 và kế hoạch tài chính NSNN 3 năm 2022 - 2024 |
Dự toán thu, chi ngân sách năm 2022, UBND tỉnh dự kiến tổng thu NSNN trên địa bàn năm 2022 đạt 8.828 tỷ đồng, tăng gần 6% so ước thực hiện năm 2021; dự kiến tổng chi ngân sách địa phương năm 2022 là 12.287,9 tỷ đồng, bằng 76,3% so ước thực hiện năm 2021.
Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách - HĐND tỉnh Nguyễn Đức Toàn cho biết: Qua thẩm tra cho thấy, dự toán thu, chi ngân sách địa phương năm 2022 của UBND tỉnh dựa trên cơ sở dự thảo Nghị quyết về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương năm 2022.
Ban Kinh tế - Ngân sách - HĐND tỉnh thống nhất với phân bổ ngân sách năm 2022. Đồng thời, đề nghị, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt các văn bản của Trung ương về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ DN; đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn các thủ tục đầu tư, tổ chức các hội nghị đối thoại DN để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN. Cùng với đó là quan tâm, có giải pháp thu ngân sách bền vững từ nguồn thu thuế công thương nghiệp - ngoài quốc doanh và các nguồn thu hợp pháp khác; thực hiện chi hỗ trợ lực lượng chống dịch, hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 đảm bảo thực hiện đúng đối tượng và kịp thời.
ĐIỂM SÁNG TỪ XUẤT NHẬP KHẨU
Xuất nhập khẩu cũng là một điểm sáng của nền kinh tế tỉnh trong năm 2021. Theo báo cáo của UBND tỉnh, 9 tháng năm 2021, xuất khẩu đạt kết quả tích cực, thực hiện được 2,37 tỷ USD, đạt 73% kế hoạch, tăng 7,3% so cùng kỳ.
Nhiều mặt hàng xuất khẩu công nghiệp chủ lực của tỉnh trong 9 tháng năm 2021 tăng khá như: Kim loại thường ước đạt 595 triệu USD, tăng 27,1%; giày ước đạt 392 triệu USD, tăng 8,3%; sản phẩm từ chất dẻo (kể cả thảm cỏ nhân tạo) ước đạt 220 triệu USD, tăng 50% so với cùng kỳ.
Nhìn chung, thị trường xuất khẩu hàng hóa của tỉnh đã tiếp tục khai thác các thị trường truyền thống và mở rộng tìm kiếm, phát triển thêm nhiều thị trường mới; xuất khẩu sang nhiều thị trường đạt mức tăng trưởng cao, đặc biệt là thị trường các nước trong khối Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), thị trường các nước EU, Vương quốc Anh.
Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch Covid-19 đã ảnh hưởng mạnh, trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh của các DN trên địa bàn tỉnh, ước cả năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa thực hiện 3,1 tỷ USD, tăng 1,8% so với cùng kỳ và đạt 95,4% kế hoạch năm. Trong đó, DN có vốn đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 81,4% trên tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.
Bên cạnh đó, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa 9 tháng năm 2021 thực hiện 1,34 tỷ USD, đạt 74,3% kế hoạch, tăng 18,4% so cùng kỳ, Trong đó: Kinh tế ngoài nhà nước 0,08 tỷ USD, tăng 10,2%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 1,25 tỷ USD, tăng 18,9% so cùng kỳ. Ước cả năm 2021, kim ngạch nhập khẩu toàn tỉnh thực hiện 1,8 tỷ USD, đạt 100% kế hoạch, tăng 12,4% so cùng kỳ.
Nhiều DN vượt khó duy trì sản xuất góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu tỉnh nhà (Ảnh chụp khi chưa bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 tại Tiền Giang). |
Theo UBND tỉnh, năm 2022, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo đẩy mạnh việc triển khai thực hiện Chiến lược xuất, nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011 - 2020, định hưóng đến năm 2030; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về các Hiệp định thương mại tự do để hỗ trợ DN, đặc biệt DN vừa và nhỏ trong khai thác và tận dụng các ưu đãi, đáp ứng các tiêu chuẩn, quy định về rào cản thương mại... để DN chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất, xuất khẩu. Đồng thời, khuyến khích DN rà soát, lựa chọn các thị trường thay thế có khả năng bổ sung cho sự sụt giảm kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc do ảnh hưởng của dịch.
Cùng với đó là thường xuyên liên hệ và nắm bắt tình hình xuất, nhập khẩu tại các cửa khẩu như: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang để thông tin đến DN; hỗ trợ thông tin cho các DN xuất khẩu trên địa bàn tỉnh về việc Trung Quốc tăng cường áp dụng các biện pháp quản lý tại cửa khẩu biên giới nhằm phòng, chống dịch Covid-19. Bên cạnh đó, khuyến khích DN xuất khẩu chính ngạch để giảm thiểu rủi ro pháp lý cũng như từng bước xây dựng thương hiệu; hướng dẫn nông dân hiểu rõ những quy định về hàng rào kỹ thuật để nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP nhằm nâng cao sức cạnh tranh hàng hóa nông, thủy sản.
Đồng thời, cung cấp thông tin kịp thời về tình hình thị trường xuất khẩu để chỉ đạo sản xuất phù hợp với nhu cầu thị trường trong giai đoạn thị trường bị tác động bởi dịch; hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các xe vận chuyển hàng hóa xuất, nhập khẩu của tỉnh vào các cảng xuất, nhập hàng hóa được vào luồng xanh, giảm thời gian và chi phí; theo dõi chặt chẽ tình hình xuất khẩu nông, lâm, thủy sản qua biên giới, kịp thời tháo gỡ khó khăn, ách tắc, bảo đảm thông quan thuận lợi, an toàn.
Song song đó, phát triển mạnh các hoạt động xuất, nhập khẩu với sự tham gia của mọi thành phần kinh tế; đẩy mạnh việc thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào sản xuất, chế biến sản phẩm xuất khấu; tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng của các nhóm sản phẩm có lợi thế, có tỷ trọng lớn trong cơ cấu xuất khẩu như hàng công nghiệp nhẹ, thủy sản, trái cây và nông sản. Tỉnh phấn đấu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu đạt 3,35 tỷ USD, tăng 8,06% so với ước thực hiện năm 2021.
THU HOÀI