Thứ Tư, 08/12/2021, 15:50 (GMT+7)
.
PHIÊN THẢO LUẬN TỔ TẠI KỲ HỌP THỨ 4 - HĐND TỈNH KHÓA X:

Thảo luận, làm rõ nhiều vấn đề cử tri quan tâm

Trong 2 ngày làm việc (6 và 7-12) của Kỳ họp thứ 4 - HĐND tỉnh khóa X, các đại biểu đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; UBND tỉnh Tiền Giang trình các Tờ trình kèm dự thảo nghị quyết. Đồng thời, tiến hành thảo luận tổ, nhiều vấn đề “nóng” đã được các đại biểu đề cập. Với tinh thần trách nhiệm cao trước cử tri tỉnh nhà, các đại biểu đã cho nhiều ý kiến các Tờ trình kèm theo dự thảo nghị quyết; thảo luận các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an sinh xã hội năm 2022.

Tại phiên thảo luận tổ, các đại biểu đã cho ý kiến, thảo luận nhiều vấn đề còn bức xúc ở địa phương như: Hệ thống y tế cơ sở còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh, nhất là trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp; tình hình tội phạm gia tăng trong năm 2021; bất cập trong dạy và học trực tuyến đối với bậc học tiểu học; dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; khó khăn trong việc tăng tỷ lệ người tham gia BHYT; giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2022… Trong đó, vấn đề được nhiều đại biểu thảo luận, cho ý kiến là chưa thu hút được nhiều bác sĩ về Tiền Giang và xây dựng nông thôn mới trong năm 2021.

CẦN TẠO MÔI TRƯỜNG LÀM VIỆC ĐỂ THU HÚT BÁC SĨ

Tại phiên thảo luận tổ, đại biểu Tạ Văn Trầm cho rằng, qua đợt dịch Covid-19, chúng ta cần nhìn nhận một cách đầy đủ về những hạn chế đối với hệ thống y tế của tỉnh, nhất là y tế cơ sở; trong đó, vấn đề đáng quan tâm là chưa thu hút được nhiều bác sĩ về Tiền Giang công tác.

Mặc dù HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết 02/2019 quy định chính sách hỗ trợ để thu hút nhân lực về công tác tại các cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập của tỉnh Tiền Giang (viết tắt Nghị quyết 02), nhưng đến nay vẫn chưa thu hút được nhiều bác sĩ, trong khi Tiền Giang đang rất thiếu bác sĩ, nhất là tuyến cơ sở. Đề nghị lãnh đạo tỉnh xem xét, chỉ đạo linh hoạt hơn trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết 02 trong thời gian tới.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Vĩnh phát biểu tại phiên thảo luận tổ.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Vĩnh phát biểu tại phiên thảo luận tổ.

Theo Sở Y tế, từ khi có Nghị quyết 02 đến nay, tỉnh đã thu hút được 47 bác sĩ (năm 2020: 43, năm 2021: 4), chủ yếu ở bệnh viện tỉnh: 31 (trong đó 30 đại học, 1 sau đại học - CKI); Bệnh viện khu vực (BVKV) Cai Lậy: 8, BVKV Gò Công: 5, Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Gò Công Đông: 1, TTYT huyện Cại Lậy: 1, TTYT huyện Châu Thành: 1, với tổng tiền chi hỗ trợ 9,45 tỷ đồng. Năm 2021, chỉ tiêu thu hút 30 bác sĩ, đến nay chỉ tuyển dụng được 4 bác sĩ, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19.

Trước thực trạng này, các đại biểu đã gợi ý nhiều giải pháp nhằm tạo nguồn lực bác sĩ cho tỉnh trong thời gian tới. Đại biểu Giảng Thị Mộng Huyền cho rằng, cần đào tạo bác sĩ cho các y sĩ đang làm việc tại các cơ sở y tế và các sinh viên đang học tại Trường Cao đẳng Y tế Tiền Giang, bởi các đối tượng này là y sĩ, thời gian đào tạo bác sĩ ngắn hạn và khi đào tạo xong về sẽ ít có nhu cầu thay đổi nơi công tác.

Mặt khác, cần thực hiện có hiệu quả việc đào tạo theo phương thức “đơn đặt hàng” với các trường đại học y dược. Đại biểu cũng đề nghị UBND tỉnh và lãnh đạo ngành Y tế cần rà soát, thống kê số lượng nhân viên y tế đang làm việc trên địa bàn tỉnh để có giải pháp thực hiện khả thi trong thời gian tới.

Đại biểu Tạ Văn Trầm phát biểu tại phiên thảo luận tổ.
Đại biểu Tạ Văn Trầm phát biểu tại phiên thảo luận tổ.

Liên quan đến việc khó thu hút bác sĩ, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Vĩnh cho rằng, vấn đề quan trọng mà tỉnh đang gặp khó là môi trường làm việc để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao (đội ngũ bác sĩ, nhất là bác sĩ CKI, CKII); nếu đưa ra giá trị tiền hỗ trợ cao nhưng môi trường làm việc không phát triển được năng lực, tài năng mai một sẽ không thu hút được bác sĩ về công tác hoặc không gắn bó lâu dài với tỉnh.

Vì vậy, về lâu dài, tỉnh sẽ nghiên cứu, ngoài chế độ, chính sách, cần tạo môi trường làm việc đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, sáng tạo, điều kiện ứng dụng khoa học kỹ thuật vào thực tiễn mới có thể thu hút được lực lượng này. UBND tỉnh ghi nhận, sẽ tiếp tục nghiên cứu, có giải pháp trong thời gian tới.

TẬP TRUNG THỰC HIỆN CHỈ TIÊU CÒN LẠI CỦA 7 XÃ NÔNG THÔN MỚI

Theo báo cáo của UBND tỉnh, dự kiến đến cuối năm 2021 chỉ mới hoàn thành 6 xã nông thôn mới (NTM). Nhiều đại biểu đề nghị ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) và lãnh đạo UBND tỉnh cho ý kiến về vấn đề này.

Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Trần Hoàng Nhật Nam cho biết: Năm 2021, tiến độ triển khai thực hiện Chương trình xây dựng NTM của các địa phương trong tỉnh chậm so với kế hoạch, lộ trình được duyệt. Khả năng đến cuối năm 2021, Gò Công Tây đủ điều kiện đạt chuẩn huyện NTM (lũy kế có 6/11 huyện, thị, thành hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM); 13 xã đủ điều kiện công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao.

Đối với các xã NTM, theo kế hoạch, phấn đấu có 13 xã đạt chuẩn NTM trong năm 2021 (bao gồm xã Long Định (huyện Châu Thành) chuyển từ năm 2020 sang và xã An Hữu (huyện Cái Bè) đăng ký về đích trong năm 2021), dự kiến đến cuối năm chỉ có 6 xã đủ điều kiện công nhận đạt chuẩn NTM.

Đại biểu Trần Hoàng Nhật Nam phát biểu tại phiên thảo luận tổ.
Đại biểu Trần Hoàng Nhật Nam phát biểu tại phiên thảo luận tổ.

Nguyên nhân, do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng rất lớn đến công tác triển khai thực hiện của các địa phương; nhiều  công trình đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng quy mô lớn đang trong giai đoạn mới triển khai thực hiện; một số dự án thực hiện các tiêu chí NTM phải tạm dừng thi công vì thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Vĩnh có ý kiến: Dịch Covid-19 đã khiến nhiều chỉ tiêu của tỉnh không đạt kế hoạch đề ra, trong đó có chỉ tiêu về xây dựng NTM, đây là điều chúng ta phải chấp nhận. Chỉ tiêu xã NTM nâng cao và huyện NTM năm 2021 thì cơ bản đã đạt, nhưng chỉ tiêu xã NTM thì có khả năng không đạt.

Từ nay đến cuối năm 2021 đạt 6 xã NTM; còn 7 xã, UBND các huyện đề nghị UBND tỉnh cho chủ trương chung công nhận 7 xã này trong năm 2021, bởi đa phần các xã đã đạt 18 tiêu chí, chỉ còn 1 tiêu chí về xây dựng trường học, nhưng đang trong quá trình phân bổ vốn và chuẩn bị đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, chủ trương của UBND tỉnh là không chạy theo thành tích.

UBND tỉnh đã thống nhất trong Thường trực UBND tỉnh: Công trình trường học còn nằm trên giấy, chưa thi công thì không thể ra mắt xã NTM. Vì vậy, khả năng cuối năm 2021 sẽ khởi công các công trình trường học của 7 xã, có thể sẽ ra mắt trước Tết Nguyên đán hoặc quý I-2022; khởi công có khối lượng thì có thể xem xét cho nợ một ít khối lượng của tiêu chí và cho phép ra mắt xã NTM.

HOÀI THU

.
.
Liên kết hữu ích
.